NÀNG BẠCH TUYẾT VÀ BẢY CHÚ LÙN 1 Có bà hoàng hậu nọ Một buổi chiều mùa đông, Ngồi khâu bên cửa sổ, Tuyết rơi trắng ngoài đồng. Vì mải nhìn tuyết trắng, Bà đâm kim phải tay, Để ba giọt máu đỏ Rơi lên lớp tuyết dày. Bất chợt, bà thầm nghĩ: “Ước gì trời cho mình Sinh được cô con gái Bé nhỏ và thật xinh. Da nó trắng như tuyết, Mái tóc dài, thật đen, Môi đỏ như giọt máu, Một cô bé dịu hiền.” Chắc trời nghe lời ước: Chưa đầy một năm sau Bà sinh cô con gái Đúng như lời nguyện cầu. Bà đặt tên Bạch Tuyết. Nhưng cô vừa mới sinh Thì hoàng hậu ốm, chết, Để cô lại một mình. Bố cô thương cô lắm, Thế mà một năm sau Đã lấy bà vợ khác, Nói là để giải sầu. Nhỏ nhen và độc ác, Mụ vợ mới rất xinh, Suốt ngày nơm nớp sợ Người khác xinh hơn mình. Mụ có chiếc gương nhỏ, Nhưng là loại gương thần. Nó chỉ nói sự thật, Là vật bất ly thân. Một hôm mụ hỏi nó: “Này gương, nói ta hay, Có phải ta, hoàng hậu, Xinh đẹp nhất đời này?” Gương đáp: “Thưa hoàng hậu, Người đẹp nhất là bà!” Mụ nghe, rất thích thú, Kiêu càng kiêu gấp ba. Trong khi đó, Bạch Tuyết Càng lớn lại càng xinh. Đến năm mười ba tuổi, Đẹp nghiêng nước, nghiêng thành. Mụ cầm gương, lại hỏi: “Này gương, nói ta hay, Có phải ta, hoàng hậu, Xinh đẹp nhất đời này?” Gương đáp: “Thưa hoàng hậu, Trước đẹp nhất là bà, Giờ so với Bạch Tuyết, Nhan sắc bà thua xa!” Mụ nghe gương nói thế, Liền tái mặt vì ghen. Từ đấy, thấy Bạch Tuyết, Mụ giận, tưởng phát điên. Ngày một thêm kiêu ngạo Và đố kỵ, mụ ta, Một hôm bèn cho gọi Ông lão thợ săn già: “Ngươi phải đem Bạch Tuyết Vào sâu trong rừng dày, Giết chết và sau đấy Mang gan nó về đây!” Vốn thương người, ông lão Không đang tâm giết nàng. Để lừa mụ hoàng hậu, Ông giết một con mang. “Thật đáng đời cho nó!” Mụ kêu lên vui mừng, Rồi ngấu nghiến ăn hết Lá gan con thú rừng. 2 Lại nói nàng Bạch Tuyết, Một mình giữa rừng cây, Nàng sợ, nhưng không biết Phải làm gì lúc này. Thật lạ là thú dữ Không hề làm hại nàng. Cao trên đầu chim hót, Dưới chân ngập lá vàng. Nàng cứ đi đi mãi, Cho đến khi bất ngờ Thấy một ngôi nhà lá Bé nhỏ và đơn sơ. Đi nhiều nên đói, mệt, Mà cũng đã tối trời, Nàng quyết định dừng lại, Xin vào nhà nghỉ ngơi. Có một điều thú vị: Mọi cái trong nhà này Sạch sẽ và bé tí, Trông thật xinh, thật hay. Trên chiếc bàn bằng gỗ Có bảy chiếc đĩa con, Bảy khăn ăn, bảy bát, Bảy chiếc thìa tí hon. Kê sát vách, nàng thấy Có đúng bảy chiếc giường, Phủ vải trắng như tuyết, Sạch sẽ và dễ thương. Nàng ngồi xuống bàn gỗ, Bắt đầu uống và ăn, Nhưng mỗi đĩa một tí, Không muốn ai mất phần. Rồi mệt, nàng buồn ngủ. Giường cái thiếu, cái thừa, Thử đến chiếc thứ bảy, Nàng mới thấy thật vừa. Chủ nhà ấy, tối mịt Mới về, còn lấm bùn, Họ làm việc ở mỏ. Đó là bảy chú lùn. Ngay lập tức các chú Thấy có điều khác thường: “Ai ăn vơi đĩa xúp?” “Ai làm nhăn vải giường?” “Ai đã uống cốc rượu?” “Ai tưới nước cho hoa?” Họ thắp bảy ngọn nến, Rồi đi tìm khắp nhà. Khi thấy nàng Bạch Tuyết, Bảy chú đứng lặng người - Một cô gái bé nhỏ, Thật xinh và thật tươi. Họ để nàng ngủ tiếp. Giờ bảy chú sáu giường, Đành luân phiên nhau ngủ, Các chú lùn dễ thương. Sáng hôm sau, tỉnh dậy, Bạch Tuyết sợ hết hồn Khi bất ngờ chợt thấy Bảy con người tí hon. Họ ra hiệu đừng sợ, Hỏi điều nọ, điều này. Nàng bình tĩnh kể chuyện Vì sao nàng tới đây. Họ mời nàng ở lại Trông nom việc trong nhà, Lo nấu ăn, giặt dũ, Trồng rau và tưới hoa. Thế là nàng Bạch Tuyết Tìm được nơi nương thân Với những người bạn mới, Rất chu đáo, ân cần. Bảy chú lùn ngoài mỏ Đến chiều tối mới về. Nàng nấu sẵn cơm nước, Lo chu tất mọi bề. 3 Mụ hoàng hậu độc ác Nghĩ Bạch Tuyết không còn, Nên mụ là đẹp nhất, Không người nào đẹp hơn. Mụ cầm gương, cười hỏi: ““Này gương, nói ta hay, Có phải ta, hoàng hậu, Xinh đẹp nhất đời này?” Gương đáp: “Thưa hoàng hậu, Trước đẹp nhất là bà, Giờ so với Bạch Tuyết, Nhan sắc bà thua xa! Nàng Bạch Tuyết còn sống, Ở với bảy chú lùn, Trong ngôi nhà bé nhỏ Sâu trong rừng gỗ mun!” Vì gương không nói dối, Nên mụ biết lão già Đã không giết Bạch Tuyết, Chắc thương tình mà tha. Mụ lồng lên tức giận, Tìm cách hãm hại nàng. Cuối cùng nghĩ được kế: Mụ giả vờ cải trang Thành bà lão ốm yếu Chuyên đi bán hàng rong. Mụ vượt rừng, lội suối, Đi sâu mãi vào trong. Khi thấy ngôi nhà nhỏ, Mụ cất tiếng rao hàng: “Lão có nhiều hàng quí, Nhiều áo xanh, áo vàng...” Thấy bà lão tử tế, Bạch Tuyết cho vào nhà. Nàng mua chiếc áo chẽn May rất đẹp, bằng da. Vờ giúp nàng mặc áo, Cúc hàng cúc phía sau, Mụ lấy sợi dây nhỏ Xiết cổ nàng thật lâu. Nàng Bạch Tuyết tắt thở, Ngã khuỵu xuống sàn nhà. Mụ thét lên sung sướng: “Giờ đẹp nhất là ta!” Bảy chú lùn hoảng sợ Khi nhìn thấy cảnh này. Họ đỡ nàng ngồi dậy, Rồi nới lỏng sợi dây. Cuối cùng nàng tỉnh lại Kể hết mọi sự tình. Các chú dặn cẩn thận Khi ở nhà một mình. Và rằng mụ còn đến, Không mở cửa cho vào, Không mua bán, đổi chác, Không nói một lời nào. Mụ hoàng hậu sung sướng Khi quay về đến nhà, Cầm chiếc gương, mụ hỏi: “Giờ ai đẹp bằng ta?” Chiếc gương thần lại nói Nàng Bạch Tuyết đẹp hơn. “A, con bé còn sống. Để rồi xem, liệu hồn!” Rồi mụ lấy quả táo Tiêm thuốc độc vào trong. Chỉ nửa đỏ có độc, Còn nửa xanh thì không. Mụ cải trang lần nữa Thành một bà nông dân, Vượt qua bảy ngọn núi, Đến được nơi mụ cần. Mụ gõ cửa, Bạch Tuyết Liền hỏi:”Bà cần gì? Tôi sẽ không mở cửa. Xin mời bà đi đi!” “Ừ, thì đi,” mụ nói, “Nhưng mẹ muốn mời con Cùng ăn chung quả táo, Nó rất đẹp, rất dòn.” Mụ bổ đôi quả táo, Ăn nửa quả màu xanh, Nửa kia đưa Bạch Tuyết, Hồng tươi, thật ngon lành. Tưởng không có thuốc độc, Nàng ăn và chết liền. Mụ hoàng hậu độc ác Vui mừng, kêu như điên: “Giờ thì thôi, chết hẳn. Những thằng lùn của mày Dù có cố đến mấy, Cũng bó tay lần này!” Về nhà, mụ lại hỏi: “Này gương, nói ta hay, Có phải ta, hoàng hậu, Xinh đẹp nhất đời này?” Gương đáp: “Thưa hoàng hậu, Người đẹp nhất là bà!” Mụ rên lên sung sướng: “Người đẹp nhất là ta!” Bảy chú lùn tối ấy, Cố tìm cách cứu nàng, Nhưng cứu mãi không được. Họ đồng thanh khóc vang. Khóc ba ngày ròng rã, Rồi họ định đem chôn, Nhưng thấy nàng tươi, đẹp Như người sống, có hồn. Họ đặt nàng Bạch Tuyết Vào quan tài thủy tinh. Trông nàng như đang ngủ, Vô lo và thanh bình. Họ còn cho khắc chữ, Những con chữ bằng vàng, Lên quan tài trong suốt, Ghi rõ họ tên nàng. Rồi họ đưa lên núi, Đặt dưới tán cây xanh. Các chú lùn lặng lẽ Luân phiên nhau đứng canh. Tất cả các loại vật Cũng đến viếng thăm nàng. Từ gấu, hổ, sư tử Đến chim câu, đại bàng... Thật lạ, nàng đã chết, Mà sắc mặt vẫn tươi, Môi đỏ, da như tuyết... Hình như nàng đang cười. 4 Một hoàng tử nước nọ Đi săn trong rừng mun, Lạc đường, xin ghé nghỉ Nhà của bảy chú lùn. Chàng ngạc nhiên khi thấy Chiếc quan tài thủy tinh, Có công chúa đang ngủ, Nét mặt rất tươi xinh. Dẫu biết nàng đã chết, Nhưng hoàng tử yêu nàng, Và muốn bằng mọi giá Đưa nàng về nước chàng. Thấy chàng yêu thực sự, Bảy chú lùn cuối cùng Đồng ý cho hoàng tử Đưa Bạch Tuyết về cung. Chàng liền cho thị vệ Khiêng quan tài đi ngay. Họ khiêng rất cẩn thận, Nhưng vấp phải rễ cây, Chiếc quan tài bị xóc, Còn Bạch Tuyết bên trong Đầu dựng lên, lắc mạnh, Nôn ra miếng táo hồng. Lập tức nàng sống lại, Hỏi mình đang ở đâu. Chàng hoàng tử vui sướng Kể mọi chuyện từ đầu. Rồi đúng kiểu hoàng tử, Chàng đã cầu hôn nàng. Rồi xe đón Bạch Tuyết Về vương quốc của chàng. Tiếp đến là lễ cưới, Vui mọi nhà, mọi nơi. Mụ hoàng hậu độc ác Tất nhiên cũng được mời. Mụ ăn mặc lộng lẫy. Trước khi đi khỏi nhà, Mụ hỏi gương: “Có phải Đẹp nhất vẫn là ta?” Gương đáp: “Thưa hoàng hậu, Trước đẹp nhất là bà, Giờ so với Bạch Tuyết, Nhan sắc bà thua xa!” Mụ định không đi nữa, Hết khóc lại thở dài, Cuối cùng vẫn tới dự, Xem cô dâu là ai. Khi nhìn thấy Bạch Tuyết, Mụ ngất, ngã xuống sàn. Còn trái tim độc ác, Uất ức mà vỡ tan. Thế là hết đời mụ. Đúng một mụ đàn bà, Cứ thích thành đẹp nhất, Gian xảo và xấu xa.
TẤM CÁM 1 Xưa có một cô bé, Đẹp và rất có duyên. Tên của cô là Tấm, Một cái tên thật hiền. Không may mẹ chết sớm, Bố cô, lại không may, Lấy thêm bà vợ nữa. Đời cô khổ từ đây. Rồi bố cô cũng chết, Để lại cô trên đời Với một bà mẹ ghẻ Độc ác và khác người. Bà này có cô Cám, Là con riêng của bà. Cũng trạc tuổi như Tấm, Nhưng lười và chua ngoa. Cảnh con chồng dì ghẻ Đời nào cũng giống nhau. Tấm thì luôn vất vả, Làm việc nhà, chăn trâu. Cám thì được chiều chuộng, Chẳng động tay việc gì. Chỉ biết ăn rồi uống, Đi chơi rồi ngủ khì. Một hôm, dì ghẻ bảo: Cả hai đứa ra ao, Cố bắt thật nhiều cá Đem về đây cho tao. Vốn chăm chỉ, cô Tấm, Cứ mò bắt luôn tay. Cuối buổi nhìn, cô thấy Giỏ cá đã sắp đầy. Trong khi đó cô Cám, Vì lười, vì vụng về, Nên chiếc giỏ rống rỗng, Lại sắp đến lúc về, Nên nhân lúc cô Tấm Rửa tay bên ao đình, Cô Cám lấy hết cá Đổ sang giỏ của mình. Quay lại, thấy mất cá Cô Tấm không dám về Vì sợ mẹ kế đánh, Khóc, nước mắt dầm dề. Bỗng có một ông Bụt Râu trắng, mặt đỏ hồng: “Cháu nhìn xem trong giỏ Còn con cá nào không?” Cô đáp: “Còn con bống.” Ông Bụt cười, ân cần: “Cháu thả nó xuống giếng, Nhớ hàng ngày cho ăn.” Nghe lời Bụt, từ đấy Đứng bên giếng hàng ngày, Cho cá ăn, cô Tấm Gọi cá lên thế này: “Bống bống bang bang, bống, Lên mà ăn cơm vàng. Đừng ăn cơm người khác, Bang bang, bống bống, bang!” Hai mẹ con cô Cám Nhìn thấy thế sinh nghi, Nên rình xem cô Tấm Đang nói gì, làm gì. Một hôm bà mẹ kế Sai cô Tấm đi xa. Rồi mụ bắt con bống, Ăn, quẳng xương cho gà. Về, gọi bống không thấy, Tấm lại khóc, tức thì Ông Bụt kia tốt bụng Hiện lên, hỏi chuyện gì. Nghe Tấm nói, ông Bụt Bảo: “Cháu lấy ít xương Còn sót lại của bống, Đem chôn ở chân giường”. 2 Năm ấy vua mở hội, Loan báo khắp đông tây. Hai mẹ con nhà Cám Chuẩn bị suốt mấy ngày. Như các cô gái khác, Cô Tấm cũng muốn đi. Tiếc là cô nghèo đói, Quần áo chẳng có gì. Hơn thế, bà mẹ kế Trộn đầy cả một nong Thóc và gạo lẫn lộn, Bảo cô phải nhặt xong. Cô Tấm ôm mặt khóc. Ông Bụt hiện ra ngay. Ông gọi bầy chim sẻ Đến giúp cô việc này. Chỉ một loáng, thóc, gạo Được tách thành hai bên. “Giờ thì lọ xương cá, Cháu hãy vào lấy lên.” Cô làm theo lời Bụt. Trong chiếc lọ - lạ thay, Có đủ quần áo đẹp, Còn thêm một đôi giày. Lại có cả con ngựa, Bé xíu, thật dễ thương. Lập tức nó to lớn, Đủ hàm thiếc, yên cương. Cô Tấm liền tắm rửa, Thay quần áo, đi giày. Tất cả đều vừa khít, Lên ngựa, phóng như bay. Khi đi ngang vũng nước, Một chiếc giày của cô Bị rơi, không kịp nhặt. Rồi cô tới kinh đô. Xe của vua lúc ấy Đi qua vũng nước này. Con voi không chịu bước Thúc mấy cũng đứng ngây. Vua thấy lạ, sai lính Xuống tìm hiểu sự tình. Cuối cùng chúng tìm thấy Một chiếc giày thật xinh. Thật xinh và thật bé. Vua nhìn nó, băn khoăn: “Ai nhỉ? Ai đi nó Chắc phải đẹp tuyệt trần.” Rồi vua cho thông báo: “Ai đi vừa giày này Sẽ trở thành hoàng hậu. Mời mọi người thử ngay!” Vậy là chen nhau thử. Ôi, các bà, các cô. Ai cũng háo hức thử, Nhưng chân họ quá to. Cả mẹ con cô Cám Cũng nhất quyết không thua. Tiếc là họ thử mãi Mà không thành vợ vua. Đến lượt cô Tấm thử, Thật nhẹ nhàng, lạ chưa - Cả vua quan trố mắt - Chân cô đi rất vừa! Vua sai đoàn thị nữ Rước cô Tấm vào cung, Tấn phong làm hoàng hậu, Hạnh phúc đến tột cùng. 3 Sống trong cung sung sướng, Nhưng đến ngày giỗ cha, Là người con có hiếu, Cô xin về thăm nhà. Mẹ ghẻ và cô Cám Thấy Tấm giờ cao sang, Thì vô cùng khó chịu Và ghen ghét với nàng. Mụ mẹ bảo con gái: “Đừng lo, từ hôm nay Con sẽ là hoàng hậu, Thay cho con ranh này!” Rồi mụ vợ ngon ngọt, Bảo cô Tấm: “Bố con Xưa thích ăn trầu lắm, Nay nhà cau không còn, Vậy giờ con chịu khó Leo lên cây cau cong, Hái một buồng cúng bố Cho bố con vui lòng. Vì thương cha, cô Tấm Vội leo lên hái cau. Mụ dì ghẻ chặt gốc, Cô ngã, chết, dập đầu. Mụ thay áo cho Cám Rồi đưa lên kinh thành, Nói cô chị chết đuối, Giờ em thay chị mình. Vua nghe, không vui lắm, Cũng thấy hơi lạ lùng, Nhưng vốn yêu thương Tấm, Nên cho Cám vào cung. Lại nói cô Tấm chết, Hóa thành chim vàng anh. Vua đâu, nó bay đấy, Líu ríu khắp cung thành. Một hôm, thấy cô Cám Phơi áo vua bên ao, Nó nói: “Phơi cẩn thận, Kẻo rách áo chồng tao!” Vua nghe, liền bảo nó: “Này, vàng anh, vàng anh, Hãy chui vào ống áo, Nếu em là vợ anh.” Con chim chui vào áo. Từ đó vua ngày đêm Chỉ vui chơi với nó, Không đoái hoài cô em. Cô em, tức cô Cám, Rất tức giận, thế là Bắt vàng anh làm thịt, Lông thì vứt sau nhà. Chỗ lông chim bị vứt, Liền mọc một cây xoan, Che cho vua nghỉ mát, Đọc sách lúc thư nhàn. Cô Cám liền cho chặt, Đốt cả cây lẫn cành Rồi đem tro của nó Ra đổ ngoài cổng thành. Chỗ ấy mọc cây thị, Lớn rất nhanh hàng ngày, Đến mùa đậu một quả, Chỉ một quả trên cây. Có một bà bán nước, Nhân có việc đi ngang, Liền giơ bị và nói Với quả thị chín vàng: “Thị ơi, hãy rụng xuống, Rụng xuống bị của bà. Bà không ăn chỉ ngửi, Rồi bà đem về nhà.” Quả nhiên thị rụng xuống. Bà đem cất, hàng ngày Lấy ra ngửi và ngắm, Rồi mân mê trên tay. Một hôm bà đi vắng Lúc quay về, bất ngờ Thấy nhà cửa sạch sẽ, Cơm nấu sẵn đang chờ. Ai thế nhỉ, thật lạ? Bà tự thầm hỏi mình. Những ngày tiếp cũng thế Rồi bà quyết định rình. Thì ra một cô gái Từ quả thị chui ra. Cô đảm đang lo liệu Hết mọi việc trong nhà. Đó chính là cô Tấm. Bà ôm chặt, không buông. Từ đây hai bà cháu Sống chung nhà, chung buồng. Bà ngồi quán bán nước, Cô Tấm lo têm trầu. Trầu cô têm thật đẹp, Miếng nào cũng đều nhau. Một hôm, vua đi dạo, Mà lòng buồn, buồn sao. Khi đi ngang quán nước, Vua khát, liền ghé vào. Khi ăn trầu, uống nước, Vua ngạc nhiên hỏi bà: “Ai têm trầu đẹp thế?” Bà dẫn Tấm đi ra. Thế là vua gặp lại Người vợ cũ của mình. Ngài rơm rớm nước mắt Nghe vợ kể sự tình. Vua nghe xong, tức giận Truyền quân lính ra đi Bắt mẹ con cô Cám Để trị tội tức thì. Vốn là người nhân hậu, Lại xét tình người nhà, Cô Tấm xin nương nhẹ, Nên cuối cùng vua tha. Thế là chúng thoát chết, Bị đuổi đi, dọc đường Chúng bị hổ ăn thịt, Mà không ai xót thương.
hi, thơ của thầy Tân đây mà, mình đang truyền bá thơ của thầy đó, mong ai cũng dc đọc nhất là con trẻ
NÀNG TIÊN CÁ 1 Rất sâu dưới đáy biển, Giữa mịt mù xa khơi, Có một thế giới đẹp, Đẹp lung linh, tuyệt vời. Ở đấy nước xanh thẳm, San hô đủ các màu. Cá nhởn nhơ bơi lội Như chim bay trên đầu. Như mọc trên mặt đất, Cây ở đây rất nhiều, Tôm cá leo lên nghịch, Chơi những trò đáng yêu. Các nàng tiên cá hát Những bài ca du dương, Hay đến mức thủy thủ, Để tàu đi lạc đường. Vua Thủy Tề oai vệ Sống trong cung của ngài, Chỉ suốt ngày yến tiệc, Rất hiếm khi ra ngoài. Từ ngày vợ vua chết, Mọi việc trong triều đình Đều do Thái Hậu quản, Hợp lý và thông minh. Bà là người quyền lực, Tốt bụng nhưng kiêu sa. Ai bà cũng yêu quí, Nhất là các cháu bà. Cháu bà, toàn cháu gái, Năm nàng, đẹp như tiên, Tất cả đều nhí nhảnh, Vui tươi và dịu hiền. Đặc biệt là nàng út, Da mịn như cánh hồng, Mắt như hai viên ngọc, Luôn mơ màng, xanh trong. Nàng đẹp còn ở chỗ Khác con người có chân, Nàng có cái đuôi lớn, Tất nhiên đẹp tuyệt trần. Cả năm nàng tiên cá Nhởn nhơ chơi suốt ngày Trong vương quốc của nước, Ánh sáng và cỏ cây. Cả năm nàng háo hức Chờ đến lúc trưởng thành, Tức đến mười lăm tuổi Để lên mặt biển xanh. Lúc ấy, bà Thái Hậu Sẽ cho phép từng người Lần đầu rời đáy biển, Ngoi lên nhìn mặt trời. Các nàng sẽ được thấy Thành phố và tàu thuyền, Cùng núi sông, bến cảng, Trường học và công viên. Nàng tiên cá bé nhỏ, Vì được sinh sau cùng Nên phải chờ lâu nhất Ngày được rời thủy cung. 2 Rồi cái ngày ấy đến, Nàng tiên cá lần đầu Được Thái Hậu trang điểm Kỹ càng như cô dâu. Khi nàng lên mặt nước, Vầng dương đã xế tà, Một núi mây đỏ rực Âm ỉ cháy xa xa. Như mặt gương, biển lặng. Một con tàu đứng yên, Các cột buồm được hạ, Nhấp nháy những ánh đèn. Bơi lại gần, nàng thấy Trên tàu có nhiều người Ăn mặc rất sang trọng, Nhiều tiếng hát, tiếng cười. Nhưng sang trọng hơn cả, Và xinh đẹp tuyệt vời Là một chàng hoàng tử Khoảng mười sáu tuổi đời. Hôm ấy là sinh nhật, Nên khi chàng bước ra, Cả bầu trời rực sáng Vì đèn và pháo hoa. Pháo hoa làm nàng sợ, Vội lặn xuống thật sâu, Nàng cứ nghĩ như lửa Thi nhau rơi xuống đầu. Rồi mọi thứ lắng xuống, Đèn cũng bớt lung linh, Nàng thì vẫn đắm đuối Nhìn Hoàng Tử của mình. Bỗng mây đen kéo đến, Trời chợt nổi phong ba, Sóng chồm lên giận dữ, Sấm nổ, chớp chói lòa. Tàu bị sóng đánh vỡ Đang chìm xuống biển sâu. Chàng Hoàng Tử xinh đẹp Cùng chìm với con tàu. Nàng tiên cá vội vã Bơi lại để cứu chàng. Hai người trôi theo sóng Giữa biển trời mênh mang. Sáng hôm sau, trời tạnh, Mặt trời hồng nhô lên. Hoàng Tử vẫn còn sống Nhưng đôi mắt nhắm nghiền. Nàng hôn đôi mắt ấy, Hôn khuôn mặt thật xinh. Nàng muốn chàng sống lại Bằng tình yêu của mình. Rồi lựa theo con sóng, Nàng đưa chàng lên bờ. Đó là một bãi biển Hoang dã mà nên thơ. Đặt chàng lên bãi cát, Nàng theo sóng, lùi ra, Vừa mừng, vừa lo sợ Theo dõi chàng từ xa. Chuông nhà thờ chợt điểm, Mấy cô gái từ làng Đi ra biển kéo lưới, Ngạc nhiên khi thấy chàng. Rồi nhiều người nữa đến, Có cả một chiếc xe. Họ đưa chàng đi mất. Nàng tiên cá quay về. 3 Rất nhiều lần sau đó Nàng còn tới nơi này, Nhưng không thấy Hoàng Tử, Chỉ thấy trời và mây. Nàng buồn, luôn tư lự, Không còn muốn làm gì, Không cùng bạn bơi lội, Không nghe sóng thầm thì. Cuối cùng một cô chị Biết nỗi buồn lòng nàng, Dẫn đường, đưa nàng đến Tận lâu đài của chàng. Lâu đài của Hoàng Tử Nằm ngay bên cửa sông, Xây bằng đá cẩm thạch, Đủ màu xanh, màu hồng. Những bậc cầu thang lớn, Những tấm thảm rất dày, Những chùm đèn rực rỡ, Trầm mặc những hàng cây. Hoàng Tử, đêm thanh vắng, Thường ra đứng ngoài hiên, Tiếc là chàng không biết Có nàng đang kề bên. Nàng buồn, lên tiếng hát, Một giọng hát tuyệt vời, Thật du dương, êm ái, Thuộc loại hay nhất đời. Nàng hát cho Hàng Tử, Thế mà chàng không nghe, Tưởng đấy là tiếng sóng Dạt dào trong đêm khuya. Bỗng nhiên nàng thấy thích Thế giới của loài người. Thích được sống như họ Giữa núi rừng xanh tươi. Thái Hậu cho nàng biết Loài người khác mọi loài, Có linh hồn bất tử Sống mãi cùng tương lai. Và rằng các tiên cá Cũng có được linh hồn Nếu có người yêu họ Hơn cha mẹ yêu con. Từ đấy nàng mơ tưởng Mong muốn được thành người, Thành vợ của Hoàng Tử, Sống hạnh phúc suốt đời. Cuối cùng nàng quyết định Nhờ phù thủy giúp nàng. Một mụ già gớm ghiếc Suốt đời sống trong hang. Mụ tự tay chế thuốc, Do tu luyện lâu ngày, Có thể làm phép lạ, Ai cần giúp, giúp ngay. Vừa thấy nàng, mụ nói: “Ta biết rồi, đừng lo. Ôi công chúa xinh đẹp, Thật điên rồ, điên rồ. Ngươi muốn được Hoàng Tử Đem lòng yêu thương ngươi. Muốn trở thành bất tử Với linh hồn con người. Không sao, ta sẽ giúp. Giá không rẻ lắm đâu, Và cũng xin nói trước, Sẽ đau đấy, rất đau. Ta cho ngươi liều thuốc, Ngươi sẽ có đôi chân Thon thẳng và uyển chuyển Như cô gái người trần. Nhưng mỗi lần ngươi bước Như có nghìn mũi chông Châm chân ngươi, đau lắm. Ngươi có chịu được không?” Mụ phù thủy nói tiếp Khi thấy nàng gật đầu: “Ngươi hãy nghĩ cho kỹ, Không vội vàng được đâu. Vì thành người, mãi mãi Ngươi sẽ không bao giờ Quay trở lại với biển, Dẫu ai cũng mong chờ. Và nếu chàng Hoàng Tử Không thực sự yêu ngươi Như con yêu bố mẹ, Ngươi sẽ không thành người. Nếu chàng cưới người khác Thì rạng sáng hôm sau, Ngươi chết, thành bọt biển Trôi giữa sóng bạc đầu...” Nàng tiên cá chấp nhận Tất cả những điều này. Ôi, tâm hồn bất tử, Ôi, tình yêu mê say. Đổi lại, mụ phù thủy Đòi giọng hát của nàng, Một giọng hát kỳ diệu, Du dương và dịu dàng. Vì tình yêu Hoàng Tử, Vì linh hồn nghìn năm, Nàng để mụ cắt lưỡi Và trở thành người câm. Tay cầm lọ thuốc độc, Nàng tiên cá dịu hiền Bơi một vòng từ biệt Rồi nhẹ nhàng lao lên. 4 Mặt trời còn chưa mọc, Chàng Hoàng Tử của nàng Đang trầm ngâm ngắm biển, Tay tì lên cầu thang. Nàng uống hết lọ thuốc, Thấy cháy cổ, và rồi Như có lưỡi kiếm sắc Xẻ thân nàng làm đôi. Nàng ngất, trôi theo sóng, Tỉnh dậy, thấy mình trần Và thay cho đuôi cá, Nàng có một đôi chân. Nàng vội vàng lấy tóc Quấn xung quanh che người, Ngước nhìn lên, chợt thấy Hoàng Tử đang mỉm cười “Nàng là ai?” chàng hỏi. “Từ đâu tới?” Nhưng nàng Vì câm, không nói được, Chỉ lắc đầu khẽ khàng. Hoàng Tử đỡ nàng dậy, Rồi dìu nàng lên lầu. Như mụ phù thủy nói, Nàng thấy đau, thật đau. Khi mỗi lần cất bước, Như có nghìn mũi kim Châm vào chân đau buốt, Nhưng nàng vẫn lặng im. Nàng đi bên Hoàng Tử Dịu dàng như bông hồng Dáng đi thật uyển chuyển, Bước mà nhẹ như không. Hoàng Tử cho nàng diện Những bộ váy tuyệt vời, Nàng thành người đẹp nhất, Không nói mà chỉ cười. Nhưng nàng có thể nhảy, Mà nàng nhảy đẹp sao. Ai nhìn cũng thán phục, Không thua kém người nào. Thế mà không ai biết Cái đau dưới chân nàng, Cái đau như lửa cháy Theo bước nhảy nhẹ nhàng. Khi mọi người đi ngủ, Nàng ra ngồi, nhúng chân Xuống nước biển mát lạnh, Để cái đau nguội dần. Xa xa phía trước mặt, Giữa sóng biển bốn bề Các chị nàng đang đến, Hát, gọi nàng quay về. Có đêm nàng còn thấy Cả Thủy Tề, vua cha, Và cả bà Thái Hậu... Ôi, nhớ nhà, nhớ nhà. Nhưng nàng vẫn ở lại Mong được Hoàng Tử yêu Để trở thành bất tử. Chàng yêu nàng, có điều Yêu như yêu em gái, Vì chàng vẫn buồn rầu Thương nhớ cô gái trẻ Cứu chàng lần đắm tàu. Vì nàng câm, không thể Nói mọi chuyện với chàng, Cả chuyện cô gái ấy Chình là nàng, là nàng. Và cuối cùng đã đến Cái phải đến, than ôi, Chàng Hoàng Tử cưới vợ, Cưới vợ và lên ngôi. Tiệc cưới đêm vui vẻ, Nàng khóc, ngồi một mình, Trân trân nhìn biển cả, Đợi tia nắng bình minh. Nàng sẽ thành bọt biển Tan giữa sóng trùng khơi, Và cùng tan với nó Là ước mơ thành người. Chợt các chị nàng đến, Mặt buồn bã, lo âu, Những mái tóc óng mượt Không còn bay trên đầu. “Để cứu em, các chị Trước khi đi đến đây, Cho phù thủy mái tóc Để lấy con dao này. Em hãy cầm lấy nó, Từ giờ đến bình mình, Đâm vào tim Hoàng Tử, Chính xác, không rùng mình. Khi máu Hoàng Tử chảy Xuống chân em, tức thì Chân lại thành đuôi cá, Bình thường như mọi khi. Bây giờ em phải chọn Hoặc là em, hoặc chàng, Ai là người sẽ chết. Đừng chần chừ, hoang mang.” Các chị chàng nói đoạn Rồi lặn xuống biển sâu. Nàng cầm con dao sắc, Lặng lẽ đi lên lầu. Hoàng Tử và công chúa Đang ngủ say trong phòng. Cả hai ngời hạnh phúc. Còn nàng, nàng thì không. Nàng buồn bã đứng lặng, Nhìn hai người hồi lâu. Kia, mặt trời sắp mọc. Phải quyết định, mau, mau. Nàng giơ con dao nhọn, Chững lại một vài giây, Rồi vứt nó xuống đất, Đúng vào lúc rạng ngày. Nàng gieo mình xuống biển. Cả người nàng vỡ ra, Tan thành muôn mảnh nhỏ Dưới ánh nắng chói lòa. Một lúc sau, thật lạ, Nàng cảm thấy dịu dàng Những tia nắng ấm áp Đang vuốt ve người nàng. Nghĩa là nàng chưa chết. Nàng nhìn thấy mặt trời Và trăm nghìn sinh vật Đang bay lượn khắp nơi. Những sinh vật nhỏ bé, Trong suốt như thủy tinh, Vừa bay, chúng vừa hát, Hữu hình mà vô hình. Chúng gọi nàng nhập bọn, Vậy là nàng, cuối cùng Thành tiên nữ nhỏ bé, Bay lượn trên không trung. Nàng tiên cá tội nghiệp Hy sinh vì tình yêu Mà không thành bất tử, Lại đau khổ quá nhiều. Nhưng giờ là tiên nữ, Trong ba trăm năm tròn, Nếu chuyên làm việc thiện, Nàng sẽ có linh hồn. 5 Một câu chuyện thật đẹp, Một tình yêu xót xa. Từ ngày ấy, có thể, Nhiều năm đã trôi qua. Có thể nàng tiên cá Từ lâu đã thành người Với linh hồn bất tử Sống vĩnh viễn trên đời. Mà biết đâu, có thể, Nàng đang sống đâu đây, Chuyên tâm làm việc thiện, Cứu rỗi cuộc đời này. Có điều ta không biết, Ta không thấy được nàng. Phải chăng ta quá vội, Trái tim chưa dịu dàng?
TRUYỆN LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ 1 Ngày xưa ở vùng đất Tên gọi là Lĩnh Nam, Có một vị tù trưởng, Sức khỏe rất siêu phàm. Người ấy còn có hiệu, Gọi là Kinh Dương Vương. Có tài đi dưới nước Như trên cạn bình thường. Một lần nhân rỗi việc Đi chơi hồ Động Đình, Ngài gặp nàng Long Nữ, Con gái vua Thủy Tinh. Hai người thành chồng vợ, Sinh được cậu con trai, Tất nhiên là tuấn tú, Thông minh và có tài. Sùng Lãm, tên ngày nhỏ, Sau thành Lạc Long Quân, Ngài tài giỏi như bố, Phương phi như vị thần. Vùng Lĩnh Nam thời ấy Còn núi rừng hoang vu. Để hiểu biết dân chúng, Ngài thường hay chu du. Một lần đến vùng biển Ngài gặp con Ngư Tinh. Đó là con cá lớn, Vây nhọn khắp thân mình. Nó dài năm mươi trượng, Nhảy cao đến lưng trời, Đuôi như cánh buồm lớn, Lật thuyền, ăn thịt người. Lạc Long Quân quyết định Phải giết nó giúp dân. Ngài đóng chiếc thuyền lớn, Cho thuyền tiến lại gần. Ngài giơ khối sắt đỏ Nhử trước mặt Ngư Tinh. Tưởng miếng mồi, rồi đớp, Nuốt luôn vào bụng mình. Bị lửa đốt cháy họng Nó nhảy lên, sáng lòa. Ngài vung kiếm chém mạnh, Chặt thân nó làm ba. Phần đầu thành con chó. Nó liền sủa gâu gâu. Ngài chém, vứt lên núi, Nay là núi Cẩu Đầu. Phần giữa trôi ra đảo, Tạo thành đảo Cẩu Thân. Đuôi thành Bạch Long Vĩ, Hết đời con cá thần. 2 Trừ xong nạn cá dữ, Ngài đến đất Long Biên. Ở đấy có con cáo, Sống trong hang tối đen. Nó hơn nghìn năm tuổi, Tu lâu ngày thành tinh, Thường bắt con gái đẹp Đưa về hang của mình. Mọi người rất lo sợ, Tìm nơi khác làm ăn. Ngài thề sẽ giết nó Để cứu giúp người dân. Ngài tìm đến hang cáo Ở phía tây Long Biên. Thấy có người, đang đói, Con cáo nhảy ra liền. Ngài đánh nhau với nó Suốt ba đêm, ba ngày, Hóa phép gọi mưa gió, Đất trời mù mịt mây. Cuối cùng nó kiệt sức, Bị ngài chém làm đôi, Hiện hình là con cáo Có những chín chiếc đuôi. Sau đó, nước sông Cái Được ngài dâng lên to, Xoáy thành đầm Xác Cáo, Nay gọi là Tây Hồ. Dân xung quanh thấy vậy, Bèn quay lại nơi này, Lập làng Hồ trù phú, Tồn tại đến ngày nay. 3 Ngài đi lên mạn ngược Tới vùng đất Phong Châu. Có một cây đại thụ Mọc tít trong rừng sâu. Nó cao hàng nghìn trượng, Cành lá rất xum xuê, Che cả một vùng rộng, Dây leo mọc bốn bề. Về sau cây này chết, Hồn hóa thành Mộc Tinh. Nó hung ác, quỷ quyệt, Luôn thay dạng, đổi hình. Chuyên bắt người ăn thịt, Nó là nỗi kinh hoàng Của người dân sở tại. Họ phải bỏ xóm làng. Thương dân tình khốn khổ, Lần nữa ngài ra tay. Ngài tìm mãi mới thấy Chỗ ở yêu tinh này. Ngài giao chiến với nó Đúng một trăm ngày đêm, Làm đất sụt từng mảng, Làm đá cứng thành mềm. Cuối cùng, nó kiệt sức Ngã xuống khe núi sâu, Miệng phun toàn khí độc, Rồi bị ngài chém đầu. Thấy người dân đói khổ, Ăn củ mài, lá bương, Lấy vỏ cây làm khố, Nằm ổ cỏ thay giường, Ngài dạy họ trồng lúa, Thổi cơm bằng ống tre, Làm nhà sàn để ở, Đội nón mũ ngày hè. Ngài còn dạy họ sống Từng cặp theo vợ chồng, Có gia đình con cái, Dạy cả làm chiêng đồng. Nhân dân ghi công ấy Dựng cho ngài ngôi nhà Rất cao trên đỉnh núi, Có đủ hết lợn gà. Nhưng ngài ít ở đấy, Mà về với Thủy Tề. Ngài dặn: “Cần giúp đỡ, Gọi ta, ta sẽ về.” 4 Lúc ấy vua phương Bắc Là Đế Lai, ông này Thấy Lĩnh Nam đất tốt, Cho quân tràn xuống đây. Đi theo ông còn có Con gái là Âu Cơ Cùng rất nhiều thị nữ, Như bầy tiên trong mơ. Ông cho xây thành lũy, Có ý ở lâu dài Bắt dân phải phục dịch Khổ cực, chẳng chừa ai. Hướng phía Đông, dân gọi: “Bố Lạc Long Quân đâu, Chúng con đang gặp nạn, Về giúp chúng con mau!” Lập tức, ngài xuất hiện. Biến thành một chàng trai. Cùng hàng trăm đầy tớ, Ngài đến chỗ Đế Lai. Ngài không thấy ông ấy, Chỉ thấy nàng Âu Cơ, Một cô gái tuyệt đẹp, Đẹp nhất thời bấy giờ. Thấy ngài rất tuấn tú, Con gái vua Đế Lai, Liền đem lòng yêu mến Và xin được theo ngài. Lạc Long Quân lập tức Đưa nàng về nhà mình. Ngôi nhà trên núi Tản, Nơi bốn mùa tươi xanh. Vua Đế Lai quay lại, Không thấy con gái đâu, Liền cho lính lùng sục, Khắp nơi và rất lâu. Lạc Long Quân sai khiến Dã thú chặn bốn bề. Thấy nhiều lính bị giết, Đế Lai rút quân về. 5 Một thời gian sau đó Nàng Âu Cơ có thai, Đẻ ra trăm quả trứng, Thành trăm người con trai. Khi chui ra khỏi trứng, Họ lớn nhanh từng ngày, Những chàng trai xinh đẹp, Thông minh và có tài. Suốt mười năm hạnh phúc Ngài sống bên Âu Cơ Cùng trăm người con ấy, Nhưng mỗi ngày, mỗi giờ Nỗi nhớ về biển cả Vẫn canh cánh bên lòng. Một hôm, từ biệt vợ, Ngài hóa thành con rồng Rồi bay lên, mất hút Nơi sóng biển màu xanh, Tiếc không mang theo được Vợ và con trai mình. Họ ở lại trên núi, Ngày lại ngày chờ mong. Cuối cùng, quay hướng biển, Nàng Âu Cơ gọi chồng: “Thiếp và con buồn khổ, Hỡi chàng Lạc Long Quân. Hãy quay về với thiếp, Để vợ chồng được gần.” Ngài về ngay lập tức. Nàng Âu Cơ trách chồng: “Thiếp vốn sinh trên núi, Giữa rừng cây mênh mông, Thiếp và chàng đã có Những một trăm người con, Sao chàng nỡ để thiếp Sống một mình, đau buồn?” “Ta giống rồng, - ngài nói. - Còn nàng là giống tiên. Khó bên nhau mãi mãi, Nơi biển, nơi đất liền. Vậy ta đi hai ngả, Chia đôi con, vui mừng, Năm mươi con xuống biển, Năm mươi con lên rừng. Có việc, cần hợp sức, Ta sẽ báo cho nhau.” Rồi hai người từ biệt, Quyến luyến giọt lệ sầu. Trăm con trai của họ Từ đó thành tổ tiên Của giống người Bách Việt, Vừa cần cù vừa hiền. Người con trưởng ở lại Đất Phong Châu mỡ màng, Rồi sinh con đẻ cái, Lập nên nước Văn Lang. Nước có mười lăm bộ, Có lạc tướng, lạc hầu, Các vua Hùng kế tục Cai trị đất Phong Châu. Lạc Long Quân mở cõi Lĩnh Nam, đất thiêng này. Giúp dân trừ quái vật, Dạy săn bắn, cấy cày. Dựng nước và giữ nước, Mười tám đời vua Hùng, Lập thuần phong mỹ tục, Danh giá cả một vùng. Do truyền thuyết Âu Lạc Mà dân Việt mọi miền Nhận mình là con cháu Của hai bậc Rồng Tiên.
TRUYỆN THÁNH GIÓNG Đời Hùng Vương thứ sáu, Có hai ông bà già Sinh sống ở làng Gióng, Rất cần cù, thật thà. Bà lão, sáu hai tuổi, Một hôm đi chăn bò, Thấy có vết chân lạ Vừa sâu lại vừa to. Bà ướm chân mình thử, Quá rộng và quá dài. Không ngờ về, sau đó Bà thấy mình có thai. Bà sinh một cậu bé Đúng mười hai tháng sau, Mặt khôi ngô, sáng sủa, Nhưng ông bà buồn rầu Vì khi lên ba tuổi, Nó vẫn chưa biết đi. Đặt đâu nó nằm đó, Nói cũng chẳng biết gì. Chợt giặc Ân phương Bắc Tràn xuống chiếm nước ta. Một hiểm họa to lớn Cho mọi người, mọi nhà. Vua liền cho sứ giả Tìm nhân tài khắp nơi. Nghe tin này, bất chợt Đứa bé nói thành lời: “Mẹ ra gặp sứ giả, Mời họ vào nhà mình.” Sứ giả vào, cậu nói: “Hãy về xin triều đình Đúc một con ngựa sắt, Một bộ giáp thật dày Cùng một chiếc roi lớn, Cho người mang đến đây. Ta sẽ đánh tan giặc.” Sứ giả nghe, ngạc nhiên, Về tâu vua, lập tức Vua liền sai thợ rèn Rèn ngày đêm không nghỉ Làm những thứ cậu cần. Ngạc nhiên hơn, từ đấy Cậu bé cứ đòi ăn. Cậu lớn nhanh như thổi, Ăn liền rồi đói liền, Áo chưa mặc đã chật, Hàng xóm phải góp tiền. Thế nước đang nguy cấp, Giặc kéo đến ngút trời. Áo giáp sắt mang đến, Cậu bé mặc vào người. Cậu vươn vai đứng dậy, Thành tráng sĩ cao to, Dáng oai phong lẫm liệt, Như một người khổng lồ. Chàng nhảy lên lưng ngựa. Vỗ mạnh vào hai hông. Ngựa sắt chồm lên hý, Miệng phun ra lửa hồng. Chàng lao vào quân giặc. Xác giặc chết khắp nơi. Chúng hoảng hốt bỏ chạy, Người dẫm lên xác người. Khi roi sắt bị gãy, Chàng nhổ bụi tre làng, Đuổi giặc tận núi Sóc, Lên đến đỉnh, và chàng Vẫn ngồi trên lưng ngựa, Từ từ bay lên trời, Để lại lòng thương mến Trong trái tim mọi người. Đất nước hết bóng giặc, Cuộc sống lại bình thường. Vua, ghi công, phong tặng Là Phù Đổng Thiên Vương. Hàng năm người làng Gióng Mở hội lớn thờ Ngài Vào tháng Tư âm lịch, Khách đứng chật trong ngoài. Vùng này, như ta biết, Có rất nhiều hồ ao. Đó là vết chân ngựa Của Thánh Gióng ngày nào. Ở đây có làng Cháy. Số là xưa ngựa chàng Phun lửa làm nó cháy, Sau lại là tên làng. Dân gian thờ Thánh Gióng, Là một trong bốn thần, Bốn vị thánh bất tử Sống mãi cùng nhân dân.
SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG, BÁNH DÀY Đời Hùng Vương thứ sáu, Khi giặc Ân không còn, Vua có ý thoái vị, Muốn nhường ngôi cho con. Vua gọi các hoàng tử, Nhân năm mới, đầu xuân: “Các con tìm lễ vật Cùng nước uống, thức ăn Làm sao thật ý nghĩa Để thờ cúng đất trời, Cúng thần linh, tiên tổ, Đẹp dáng, đẹp lòng người. Cuộc thi này đặc biệt, Phần thắng thuộc về ai Ta sẽ cho người ấy Được thừa kế vương ngai.” Các hoàng tử háo hức Lên đường đi gần xa, Tìm của ngon vật lạ, Mong nối ngôi vua cha. Con trai thứ mười tám, Có tên là Lang Liêu, Vốn hiền hậu, hiếu thảo, Đáng khen đủ mọi điều. Mẹ không may chết sớm, Việc thờ cúng tổ tiên Chàng còn chưa được dạy, Nên lo lắng, buồn phiên. Một đêm, thần báo mộng: “Suy cho cùng, ở đời Không gì quý bằng gạo. Gạo nuôi sống con người. Vậy con lấy gạo nếp Làm bánh vuông, bánh tròn. Vuông tượng trưng cho đất. Tròn là bầu trời con. Trong bánh có nhân thịt, Ngoài gói bằng lá xanh, Để ghi sâu ơn nặng Công cha mẹ sinh thành.” Chàng Lang Liêu tỉnh dậy Nhớ lời thần, rất mừng, Làm bánh vuông, luộc chín, Đặt tên là bánh chưng. Chàng đồ xôi, giã mịn, Rồi ngồi vắt bằng tay Những bánh tròn bọc lá, Gọi đó là bánh dầy. Đúng hẹn, các hoàng tử Mang đến trình vua cha Nhiều món ăn ngon lạ Của các miền gần xa. Còn Lang Liêu, khiêm tốn, Dâng bánh chưng, bánh dầy. Chàng nói rõ ý nghĩa Của các loại bánh này. Vua đích thân nếm thử Thấy rất ngon, và rồi Chàng là người được chọn Để vua cha truyền ngôi. Từ đó, Tết Nguyên Đán Người dân khắp mọi miền Làm hai loại bánh ấy Cúng đất trời, tổ tiên.
TRUYỆN SƠN TINH, THỦY TINH Vua Hùng thứ mười tám, Có con là Mỵ Nương, Một công chúa xinh đẹp Thông minh và dễ thương. Nàng được cha yêu quí, Cũng vừa tuần cập kê, Vua muốn chọn phò mã, Phải nổi bật nhiều bề. Bỗng một hôm có báo Hai chàng trai từ xa Đến cầu hôn công chúa, Xin được gặp vua cha. Cả hai đều tuấn tú Và khôi ngô lạ thường, Rất đáng làm phò mã, Chồng công chúa Mỵ Nương. Một chàng từ vùng núi, Phía Tam Đảo, Ba Vì. Hô một tiếng - núi mọc. Tiếng nữa - lúa xanh rì. Chàng kia từ phía biển, Không kém phần giỏi giang, Biết hô phong hoán vũ, Lấy nước tưới mùa màng. Sơn Tinh là chàng trước, Thủy Tinh là chàng sau. Cả hai người lịch sự Và tài giỏi như nhau. Vua Hùng rất bối rối, Không biết chọn người nào. Hỏi quan, quan cũng chịu. Giờ biết tính làm sao? Cuối cùng, vua bèn nói: “Ta vừa ý cả hai. Khốn nỗi, con chỉ một, Và không biết chọn ai. Vậy ngày mai hãy đến, Mang nhiều lễ và quà. Ai mang lễ đến trước Sẽ là chồng con ta. Lễ - trăm ván cơm nếp Trăm cặp bánh chưng dày, Mười con gà chín cựa, Chín con ngựa biết bay.” Sáng hôm sau, rất sớm, Sơn Tinh đến dâng quà, Được đón dâu về núi, Rất đẹp lòng vua cha. Còn Thủy Tinh khi đến, Với lễ vật khác thường, Nhưng quá muộn, tức giận, Chàng quyết giành Mỵ Nương. Chàng hô mưa, gọi gió, Cây cối đổ rào rào, Nước sông dâng cuồn cuộn, Ngập ruộng đồng, hồ ao. Sơn Tinh không nao núng. Chàng bốc đá chặn dòng, Nâng núi cao lên mãi, Rồi dốc suối, nghiêng sông. Họ đánh nhau ròng rã Mấy tháng dài lê thê, Cuối cùng, Thủy Tinh yếu, Đành phải rút quân về. Oán mỗi lúc một nặng, Thù càng ngày càng sâu, Từ đó, họ thành lệ Năm nào cũng đánh nhau. Thế là mưa, là bão, Gây thiệt hại mùa màng. Chỉ người dân là khổ. Có biết chăng, hai chàng?
SỰ TÍCH TRẦU CAU Ngày xưa ở làng nọ, Hai anh em họ Cao Rất giống nhau, khó biết Người nào là người nào. Năm tròn mười tám tuổi, Cha mẹ họ qua đời. Trước thương yêu nhau lắm, Nay yêu thương gấp mười. Lưu Ông là đạo sĩ Rất nổi tiếng trong làng. Hai người đến tìm học. Ông cũng yêu hai chàng. Nhà có cô con gái Vừa đến tuổi cập kê, Nết na và xinh đẹp, Thêm sắc sảo nhiều bề. Vì hai người học giỏi, Cũng tuấn tú, khôi ngô, Nên một người trong họ Đã lọt vào mắt cô. Khốn nỗi, vì giống quá, Nhiều khi cô thở dài, Vì chính mình không thể Phân biệt ai là ai. Một hôm cô muốn thử, Liền đặt bát cháo hành. Họ nhường ai ăn trước, Chắc chắn đó là anh. Rồi Lưu Ông làm lễ Cho cô và người này. Có điều sau khi cưới, Mọi việc khác xưa nay. Người anh, vì có vợ, Dường như quên mất em. Anh kia, do tủi phận, Thường nằm khóc trong đêm. Người em, một ngày nọ, Quay về từ cánh đồng. Chị dâu ở trong bếp Chạy ra, tưởng là chồng, Liền ôm hôn, nũng nịu, Vừa đúng lúc người anh Xuất hiện ngay trước cửa. Đúng là việc chẳng lành. Anh ta nghĩ: Thật láo, Em suồng sã vợ mình. Nên tình đã vốn nhạt, Nay càng thêm cạn tình. Người em thấy oan ức, Bèn bỏ nhà ra đi. Đi, đi mãi, đi mãi, Tới dòng suối rầm rì. Suối thì rộng, nước xiết, Không thể qua, đành ngồi, Khóc đến cạn nước mắt, Chết, thành hòn đá vôi. Lại nói người anh cả, Về nhà không thấy em, Ngày hôm sau, giấu vợ, Lặng lẽ bỏ đi tìm. Anh cũng đi đường ấy, Gặp suối, không thể qua, Bèn ngồi bên hòn đá, Rồi khóc, lệ ướt nhòa. Anh khóc mãi, khóc mãi, Chết, thành một cây cao, Thân rất thẳng, nhưng lá Không có một cành nào. Vợ ở nhà lo lắng, Không biết chồng đi đâu, Bèn lên đường tìm kiếm, Đi rất lâu, rất lâu. Cuối cùng đến con suối, Cô ngồi khóc não lòng, Không biết ngay bên cạnh Là chồng và em chồng. Cô khóc hết nước mắt, Người cô cứ gầy teo, Rồi cô chết, lặng lẽ Biến thành một dây leo. Dây leo ấy quấn quít Ôm quanh cây cao kia. Bên dưới là tảng đá, Bộ ba không chia lìa. Khi mọi người biết chuyện, Tỏ lòng thương xót thay. Một lần vua kinh lý, Dừng kiệu ở nơi này. Sau khi nghe hết chuyện, Vua bèn lấy trái cây, Nhai với lá dây cuộn, Thấy có vị cay cay. Vua nhổ vào tảng đá, Thấy mặt đá sùi sôi, Rồi ngả dần màu đỏ. Đó là hòn đá vôi. Cái cây cao cao ấy Vua gọi là cây cau. Dây lá leo quanh nó Thì đặt tên lá trầu. Còn tảng đá, nung chín, Sẽ có màu trắng tinh, Nhai với trầu, cau ấy, Môi đỏ, trông rất xinh. Từ đấy dân nước Việt Có tục lệ ăn trầu Để nhớ ba người ấy Mãi gắn bó bên nhau.
TRUYỆN TRƯƠNG CHI, MỴ NƯƠNG Nghe bà tôi kể lại, Thì chuyện là thế này: Xưa có anh chài lưới, Xấu người nhưng hát hay. Thậm chí người cực xấu, Mà giọng thì mê ly. Thế mới lạ, người ấy Có tên là Trương Chi. Suốt ngày, vừa đánh cá, Chàng vừa hát một mình. Giọng du dương, trầm bổng, Chan chứa biết bao tình. Tiếng hát chàng day dứt Như ai oán điều gì, Nghe mà thương, thương lắm, Thương cho chàng Trương Chi. Có một nàng xinh đẹp, Tên cũng đẹp - Mỵ Nương, Con một người giàu có, Nhưng cũng loại thường thường. Hàng ngày ngồi hóng mát Dưới mái lầu bên sông, Nàng nghe Trương Chi hát, Mà xao xuyến trong lòng. Cứ thế nàng nghe mãi, Rồi thành quen, thành yêu, Yêu cái con người ấy, Xao xuyến vạt nắng chiều. Sau đó, bà tôi kể, Nàng ốm, nằm liệt giường Vì Trương Chi ngừng hát. Tội nghiệp nàng Mỵ Nương. Vốn sẵn tiền, ông bố Cho mời nhiều thầy lang, Thế mà không chữa được Cái bệnh ấy của nàng. Cuối cùng, ông bố biết Chuyện anh chài trên sông, Chuyện cô con gái rượu Nghe anh hát, phải lòng. Ông mời Trương Chi đến Chữa bệnh cho Mỵ Nương, Thấy chàng, ông thất vọng, Vì chàng xấu dị thường. Ông bắt chàng đứng hát Rất xa từ ngoài thềm, Vì sợ con gái thấy Bệnh tình sẽ tăng thêm. Vừa mới nghe chàng hát, Bệnh Mỵ Nương khỏi liền. Như thể không hề bệnh, Như vừa uống thuốc tiên. Và rồi nàng nằng nặc, Bắt cha dẫn chàng vào. Thấy chàng, nàng suýt ngất Vì chàng xấu, xấu sao! Nàng Mỵ Nương thất vọng, Liền đuổi chàng đi ngay. Chỉ vì xấu, nàng thấy Tiếng hát không còn hay. Kể đến đây, tôi nhớ, Bà tôi trách Mỵ Nương: Người đẹp thì có đẹp, Nhưng tâm, cũng bình thường. Chàng Trương Chi tội nghiệp, Lại đem lòng yêu nàng, Và chàng hát, cứ hát Giữa dòng sông mênh mang. Cuối cùng, vì đau khổ, Vì yêu và thất tình, Một đêm mưa, trời tối, Chàng trẫm mình, quyên sinh. Xác chàng chìm xuống nước, Nhưng từ đó nổi lên Một hình cầu trong suốt, Lung linh như ánh đèn. Bố Mỵ Nương nhặt được, Cho mời thợ kim hoàn Đẽo gọt thành chiếc chén Đặt nhẹ nó lên bàn. Khi rót trà vào chén, Mỵ Nương bỗng giật mình: Dưới đáy chén nàng thấy Hình Trương Chi lung linh. Nhớ chuyện xưa, nàng khóc, Ôm chiếc chén, và rồi Một giọt lệ rơi xuống, Chiếc chén vỡ làm đôi. Nghe có vẻ cảm dộng, Nhưng tôi chẳng thương nàng. Bà tôi xưa cũng vậy. Ôi, con người đa mang.