Năm điều cần có trong Hôn Nhân Hôn nhân dường như là một nền tảng có thể đem đến cho chúng ta nhiều điều mà chúng ta khó có thể tìm được trong một quan hệ khác trong cuộc sống: chúng ta tìm thấy ở đó một người bạn đồng hành, một người tri kỷ và một ai đó như bóng hình cuả chính mình trong cuộc sống; nhưng ngược lại đó cũng có thể là nguồn gốc cuả sự đau khổ, sự uất ức, sự bất hạnh và nguồn gốc tội ác. Bởi vì người phối ngẫu cuả chúng ta sau một thời gian chung sống, hiểu chúng ta hơn bất cứ ai vì đó là người nhìn thấy cả mặt phải và mặt trái cuả chúng ta, nhất là về cách xử trí ra sao những lúc chúng ta giận dữ, chán nản với đời và với người. Theo Hilary Rich trong cuốn sách nói trên, có 5 điều cần có trong bất cứ cuộc hôn nhân nào để làm cho nó tốt đẹp, đó là: • có khả năng đối thoại tốt giưã 2 vợ chồng, • biết thực sự đồng hành cùng nhau trong cuộc sống, • có cố gắng làm tốt hơn cuộc hôn nhân cuả mình, • biết thích ứng vào cuộc sống lưá đôi và • tận hiến toàn bộ con người mình cho cuộc hôn nhân này. 1. Cần có khả năng đối thoại tốt giưã 2 vợ chồng. Ðây là một điều thật cần thiết trong hôn nhân để vợ chồng biết dành thời giờ nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau và din đạt những nhu cầu cuả mình bằng một phương cách dịu dàng và thoải mái nhất. Như 2 cặp vợ chồng kể trên. Khi Daniel có một ngày làm việc không thoải mái ở sở, anh có thể nói cho Kate biết và yêu cầu cô dành cho anh một số thời giờ ở nhà yên tĩnh chỉ có một mình anh. Trong khi Peter thì lại trút hết mọi nỗi bực dọc nơi sở làm vào vợ mình là Margaret, chẳng qua chỉ vì anh ta không biết cách diễn đạt sao cho cô hiểu những gì anh cảm thấy trong lòng và nói lên với vợ mình về những gì anh muốn có. Muốn làm được điều đó, chúng ta nên để ý đến 3 việc: - Hãy sẳn sàng dành thời giờ để đối thoại với người phối ngẫu cuả mình. Khi cả 2 người đều muốn nói chuyện thì cuộc nói chuyện mới có hiệu quả. Chuyện chỉ có một người nói và một người chịu trận phải ngồi nghe không đưa đến kết quả như ý muốn. - Hãy lắng nghe nhau. Khi quý vị ngồi nghe phát thanh có người chăm chú lắng nghe cho tỏ tường câu chuyện được trình bày trên đài, không muốn có ai làm sao trí hay ồn ào để bị phân tâm, lắm người còn cẩn thận thu băng nghe lại lần thứ hai, thứ ba cho ngấm ý. Trong hôn nhân, chúng ta có lắng nghe nhau hơn là lắng nghe một chương trình phát thanh hay chăng ? Nếu cảm thấy mệt mỏi, không muốn đối thoại trong lúc đó, thì tốt hơn hết là nói cho nhau nghe để không đưa đến việc không tích cực nói chuyện với nhau, dễ gây nên bực mình. Lẽ tất nhiên việc mệt mỏi không phải là một cớ thoái thác có thể dùng hoài mà tránh né chuyện đối thoại với nhau. - Khi nói với nhau, hãy trình bày sự kiện một cách từ tốn và ân cần, tạo một không khí ấm cúng và thân mật giưã đôi bên, chứ không phải cần tạo sôi nổi cho một cuôc tranh cãi sắp xảy ra mà mình nhất định phải thắng. Ðó cũng không phải là phiên toà đem nhau ra xử, mà là cơ hội nhìn lại những sự kiện trong cuộc sống mà tìm cách phát triển trong tương lai. 2. Cần thực sự có một quan hệ bình đẳng với nhau. Cả 2 phải đối xử với nhau như là mình cùng trong một đội ngũ và chia sẻ những lúc thăng trầm cùng nhau trong cuộc sống. Khi có việc sai trái, người này không tìm cách chỉ trích người kia mà cùng tìm cách giải quyết sao cho tốt đẹp hơn. Trong hôn nhân, cả 2 vợ chồng đều cần cảm thấy vui thú trong cuộc sống chung, nhìn thấy một ý nghiã nào đó ở trong đó, chứ không phải vì lỡ lấy nhau, nay vì con cái, vì sĩ diện, vì gia đình, vì không đủ can đảm rời bỏ nhau, mà phải sống chung bên nhau cho hết cuộc đời này. Chuyện xích mích thường thấy dễ xảy ra ngày nay là ở các cặp nam nữ yêu thương nhau nhưng ở 2 tiểu bang khác nhau. Ai cũng có đời sống độc thân riêng tư quen sẵn để khó dứt bỏ. Cuối cùng cuộc hôn nhân có thể được tiến hành khi một người hy sinh bỏ chỗ ở quen thuộc, bỏ công ăn việc làm thường nhật để đến tìm cách hoà nhập vào đời sống cuả người kia. Sự kiện này làm cho đời sống lưá đôi có phần mất thăng bằng: vì người hy sinh ra đi, có thể coi sự hy sinh cuả mình là to tát và ngấm ngầm muốn rằng phải có đi có lại và đời sống riêng tư cuả 2 người phải là ưu tiên quan trọng nhất, nếu không muốn nói là ưu tiên duy nhất vì người bỏ chỗ ở cũ đến chỗ ở mới nào có ai quen biết ngoài người phối ngẫu cuả mình, trong khi người ở tại chỗ có thể sung sướng vì mình đã thuyết phục thành công, hãnh diện với sự hy sinh đó, tìm cách chiều chuộng nhau nhưng rồi có thể vì quá bận rộn với cuộc sống hay dễ dàng tìm lại những thói quen lúc độc thân để có lúc có thể thấy việc “có vợ như rợ đeo chân” để bị gò bó phải giảm bớt quan hệ với gia đình mình hay bạn bè và các nguồn giải trí khác. 3. Cần cố gắng kiên nhẫn trong cuộc hôn nhân cuả mình Ðây là điều chúng ta thường thấy hàng ngày. Người ta cố gắng thật nhiều trong những trò giải trí cuả mình, có người kiên nhẫn ngồi hàng đêm câu cá giưã trời đêm lạnh, có người đều đặn bỏ giờ ra tập thể dục không sót bưã nào... ấy vậy mà họ lại nghĩ rằng đời sống hôn nhân cuả mình sẽ tự dưng tốt đẹp và mình chẳng cần kiên nhẫn, chẳng cần cố gắng gì cả. Có biết đâu hôn nhân là một chặng đường trong kiếp sống con người và là một yếu tố quan trọng định đoạt hạnh phúc hay đau khổ cuả chính họ. Hơn thế nưã, sự cố gắng kiên nhẫn dành cho cuộc hôn nhân cuả mình lắm lúc là một cuộc chinh phục trong hy sinh. Trong đó có những lúc mình phải ép mình lại cho sóng gió qua đi: một sự nhịn chín sự lành; lại có những lúc mình cần phải câm nín cho bão tố đừng ập tới, nhưng xin lưu ý điều đó không có nghiã là mình sẽ trở thành tấm thảm chùi chân (door mat) cho người kia muốn làm gì thì làm, mà phải là cơ hội để có một bước lui và 2 bước tới. Có người cho rằng ai cố gắng xây dựng hôn nhân cuả mình một cách bền bỉ thì ngườI đó sẽ có cơ hội thấy được thành quả cuả sự kiên nhẫn đó. Lẽ tất nhiên chúng ta sẽ không để tình trạng when I say NO I feel guilty, but when I say YES I hate it (khi tôi nói KHÔNG tôi cảm thấy tội lỗi vì đã từ chối không làm một điều người khác muốn, nhưng khi tôi nói CÓ, tôi lại ghét và thực tâm không muốn làm điều đó) xẩy ra. Nhưng cũng không vì thế mà đụng một chút thì đòi chia tay, đòi ly dị mà biết ý thức để coi vấn đề ở đâu mà tìm cách cải thiện nếu có thể. Một vấn đề nếu quá lớn hãy cắt nó ra làm nhiều vấn đề nhỏ và dần dà giải quyết từng vấn đề nhỏ đó cho đến khi hết bận tâm, nhưng nên nhớ là, sẽ có những phương thức giải quyết không đúng hoàn toàn như ý mình muốn. 4. Biết thích ứng với hoàn cảnh sống Người nào biết uyển chuyển thì thường sẽ dễ dàng đạt được hạnh phúc hơn những người khác. Như 2 câu chuyện cuả Kate và Margaret nói trên, Kate và Daniel đều không muốn bị đụng xe nhưng chuyện đã xảy ra. Họ thất vọng nhưng không vì đó mà làm suy tổn quan hệ vợ chồng với nhau mà còn là cơ hội để lo lắng cho nhau nhiều hơn. Trong khi Peter thì lại cứng nhắc không nhượng bộ, anh thấy dường như những kế hoạch định trước cuả anh nay như tan tành ra mây khói để dễ dàng phẫn nộ và đổ mọi phẫn nộ này lên đầu vợ mình là Margaret, không cần biết là điều đó có chính đáng hay không. Trong cuộc sống chúng ta có đầy dẫy những biến cố không ngờ trước, như chẳng ai biết mình sẽ chết lúc nào, tai nạn nào có thể xẩy ra. Chúng ta phải chấp nhận một điều là những biến cố không ngờ trước đó là một phần trong cuộc sống cuả mình và không ai có một đường đời cứ thẳng tắp bước đi và nhất nhất mọi sự đều phải đúng bong như trong kế hoạch mình định trước: Chẳng hạn như người định có thật nhiều con cái cho vui cưả vui nhà, có thể sẽ không có đưá nào hết; người muốn con mình làm bác sĩ, kỹ sư, có bao nhiêu cuả cải đều đầu tư vào tương lai con cái, hy sinh cái ăn cái mặc cho con học trường trứ danh nhưng cuộc đời trớ trêu có thể xảy ra không như ý mình muốn là vì áp lực quá lớn trên sự học cuả nó, đưá con có thể không trở nên một ngườI thành công trên đời như cha mẹ muốn mà không chừng có thể trở thành một kẻ ngây dại cả ngày ngẩn ngơ vì nó chưa đủ sức đấu tranh với đời. Do đó, trong những biến cố bất ngờ không định trước đó, có những điều chúng ta phải nhận rằng mình bất lực không thể xoay chuyển theo như ý mình muốn, tuy nhiên đó không có nghiã là mình sẽ buông xuôi cho việc muốn ra sao thì ra và chỉ biết ngồi than thân trách phận mà thôi nhưng biết chấp nhận sự thất vọng trong lòng cuả mình và coi đó như một kinh nghiệm sống mà mình phải có để tương lai không vấp ngã và tốt đẹp hơn: Hãy có những kế hoạch khác nhau để khi kế hoạch này không thể xảy ra chúng ta có thể uyển chuyển thay đổi và trong cái thay đổi đó, ít nhiều mình cũng thấy mãn nguyện như một thành tựu trong cuộc sống. Ở khiá cạnh nào đó một người lạc quan nhìn đời luôn dễ tìm được hạnh phúc hơn một người bi quan yếm thế, do đó có lúc chúng ta phải suy nghĩ xem nhân sinh quan cuả mình ra sao, nếu đang bi quan yếm thế, tìm xem nguyên nhân ở đâu và giải quyết sao cho sự lạc quan trở lại với mình và nhờ đó thấy đời vui hơn và đáng sống 5. Hãy tận hiến trọn vẹn cho cuộc hôn nhân cuả mình Khi ký hôn thú, chúng ta đã lựa chọn để chung sống suốt đời với người bạn đường cuả mình. Hãy nghe lại lời hôn ước khi chúng ta nắm tay nhau lên bàn thờ: Anh, Xoài Muối xin nhận em Me Tầm Ruột, làm vợ và hưá sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như khi khoẻ mạnh, để yêu thương và tôn trọng em mỗi ngày suốt đời anh. Quý vị có thấy mình đã làm một chuyện hơi liều lĩnh hay chăng ? Tự dưng nhận một người dưng khác họ chưa quen biết nhau được bao lâu về ở chung với mình mà còn dám hưá rằng sẽ giữ lòng chung thủy với người ta không những một tháng một năm mà suốt đời; rồi ra đường không ngó dọc nhìn ngang; khi gian nan, lúc bệnh hoạn cũng vẫn yêu thương và tôn trọng nhau không phải 6 ngày mỗi tuần còn ngày chuá nhật ta tha hồ mạt sát nhau mà là mỗi ngày suốt đời mình. Liệu chừng chúng ta có giữ được lời hưá đó trong đời sống hôn nhân cuả mình hay chăng ? Người ta thường bảo: Nói dễ hơn làm. Khi mọi chuyện đâu vào đó, thuận buồm xuôi gió thì chẳng nói làm gì; chính những lúc gọi là gian nan, gọi là bệnh tật mới là những khi thử thách xem tình yêu cuả chúng ta được tôi luyện đến mức nào. Những trục trặc trong cuộc sống hôn nhân nếu kể ra thì rất nhiều, từ vấn đề tiền bạc, quan hệ chăn gối, quan hệ với gia đình 2 bên đến những chuyện như phương thức giáo dục con cái nhất nhất đều có thể trở thành những cơ hội để 2 vợ chồng đấu trí cùng với nhau. Chính những lúc đó, chúng ta cần sát cánh bên nhau để biết xử việc chứ không xử người. Nói như St Exupéry thì yêu nhau là cùng nhìn về một hướng chứ không phải là nhìn nhau, để nếu người phối ngẫu cuả chúng ta không phải là đối thủ cuả mình mà là bạn đồng đội sát cánh bên mình để cùng dấu tranh chống trả với đời thì lo gì việc nhỏ việc lớn mà không xong ? Hãy nhớ rằng quý vị phải tận hiến 100% con người cuả mình vào cuộc hôn nhân với người phối ngẫu cuả mình. Giờ phút nào chỉ có 99.99% thì quý vị phải xét lại xem cái 0.01% kia đi lạc chỗ nào để bắt nó về cho trọn tình trọn nghiã. Bởi vì nếu không làm việc đó, dần dà chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy một sự cô đơn nào đó trong hôn nhân để từ đó dễ dàng có những manh nha làm cho cuộc hôn nhân cuả chúng ta trở nên không trọn vẹn cùng nhau. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không có một cuộc hôn nhân nào là hoàn mỹ. Chỉ có những cuộc hôn nhân mà trong đó vợ chồng biết gắn bó bên nhau, hỗ trợ nhau để nhờ đó may ra đang cùng đi trên con đường để trở thành một cuộc hôn nhân mà mình coi là hoàn mỹ. Sự hoàn mỹ do đó có được do nhiều thời gian cả 2 vợ chồng cùng chung vai gầy dựng với nhau, đó là một sự hoàn mỹ riêng tư không thể so sánh với ai khác để dễ đứng núi này mà trông núi nọ mà tưởng lầm rằng mình chưa được như người khác. Như vậy, cho đến bao giờ thực hành được cả 5 điều cần có trong hôn nhân kia, chúng ta sẽ nhận ra được chân hạnh phúc đang ở trong gia đình mình. Những thử thách ở đường đời dù nguy hiểm như thế nào chăng nưã, chúng ta cũng sẽ vững tin vượt qua vì tin rằng người bạn đường cuả mình vẫn luôn cùng mình chống trả với những bôn ba cuộc đời mang đến. Nếu được thế thì thực là đúng như ông bà chúng ta thường nói: Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn. Duy Minh