Một giáo sư lớp xã hội học đưa các sinh viên thực tập tới khu ổ chuột Baltimore để làm hồ sơ lý lịch cho 200 bé trai. Qua các câu hỏi để làm bản lượng giá về tương lai các em, các sinh viên đều nhận định về từng em: " Không có hy vọng tiến thân". 20 năm sau, một giáo sư xã hội học khác tình cờ đọc qua bản nghiên cứu trước đây tại trường. Ông cho các sinh viên của mình tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra cho những đứa bé trai này. Sau khi nghiên cứu, các sinh viên thấy: trừ 20 em đã đi nơi khác hay đã chết, có tới 176 em trong số 180 em còn lại đã thành đạt. trở nên những bác sĩ, luật sư và thương gia... Giáo sư này rất ngạc nhiên và quyết định tìm hiểu vấn đề sâu xa hơn. Mọi người đều trả lời trong xúc động: - Chúng tôi đã đạt tới thành công nhờ tình thương của một người thầy. Người thầy đó bây giờ vẫn còn sống, giờ đã là một bà lão, tuy già nhưng bà vẫn còn minh mẫn. Giáo sư hỏi bà đã dùng phương pháp nào để kéo những bé trai đó ra khỏi khu nhà ổ chuột và đạt được thành công như vậy. Đôi mắt bà lão sáng lấp lánh với nụ cười trên môi, bà nói: - Thật đơn giản, tôi đã yêu thương chúng bằng chính đôi bàn tay này - bà xoè đôi bàn tay chai sần đầy gân guốc của mình - tôi đã cầm tay từng cháu và dạy cháu những điều cháu sẽ phải biết. Tôi đã dạy các cháu sự tuyệt diệu của sách vở. Lấy sách vở làm khí giới, coi ngu dốt làm thù địch, lấy văn minh nhân loại làm cuộc khải hoàn. Hãy biết trân trọng từng giá trị trong cuộc sống. Mọi nghề nghiệp trong xã hội đều tốt đẹp, và không có gì đáng xấu hổ cho bằng trộm cắp , gian dối, bán mua lừa đảo. Tôi đã dạy chúng biết bán sức mạnh của cơ bắp và khối óc cho người mua đấu giá cao nhất, nhưng không bao giờ đặt giá cho tâm hồn dù có lúc rơi vào hoàn cảnh cùng cực nhất. Chính đôi bàn tay này tôi đã giúp chúng lớn lên về thể xác và giúp chúng tôn trọng từng mẩu bánh hay ngụm nước. Tôi đã cho chúng thấy nhân loại có thể nghèo về vật chất, nghèo về tiện nghi, nghèo về tri thức nhưng không bao giờ nghèo về tấm lòng và tình thương. Chính sức mạnh của tình yêu, của tình người, của tình nhân loại đã giúp chúng vươn lên và tình yêu thương đó có từ đôi tay này. ( Theo The Love and Life trong Tập Trái tim có điều kỳ diệu) Sưu tầm
Một triết lý giáo dục bằng hành động Mong các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ biết dạy con bằng chính đôi tay của họ, thông qua những hành động cụ thể, chứ không chỉ bằng lời nói suông - Điều quan trọng là hãy tin tưởng vào trẻ em, cho dù ở tận đáy xã hội, cho dù nhiều khuyết điểm, các em vẫn có thể trở nên những con người hữu ích bằng chính năng lực của bản thân. Nhưng từ những tư tưởng này, chuyển thành hành động vào thực tế, cho dù chỉ áp dụng trong gia đình, cũng không phải là điếu đơn giản, khi còn quá nhiều cha mẹ chỉ biết dựa vào sức mạnh của đồng tiền, của chức vụ, của sự quan hệ để đi tìm cho con mình một sự " ổn định" trong xã hội. Hay trong việc giáo dục con, lại " khoán trắng" cho thày cô, cho trường chuyên lớp chọn... Hãy dùng chính đôi bàn tay của mình !
Bàn tay cô giáo Bạn không bao giờ biết được niềm hạnh phúc mà một hành động tử tể đơn giản mang đến sẽ như thế nào đâu. -Bree Abel- Trong ngày Lễ Tạ Ơn, một cô giáo dạy lớp một nọ đã bảo những học sinh của mình vẽ một bức tranh về điều gì đó mà các em biết ơn. Cô muốn biết xem những đứa trẻ từ các vùng phụ cận nghèo nàn này thực sự mang ơn ra sao. Tuy nhiên cô nghĩ rằng hầu hết các học sinh của cô sẽ vẽ những bức tranh về gà tây hay những chiếc bàn đầy thức ăn. Nhưng cô đã sửng sốt với bức tranh của bé Douglas, bức tranh một bàn tay được vẽ bằng nét trẻ thơ rất đơn giản. Nhưng bàn tay đó là của ai? Cả lớp đều bị cuốn hút với hình ảnh trừu tượng đó. - Em nghĩ đó chắc là bàn tay của Chúa mang thức ăn đến cho chúng ta-một em nói. - Của một người nông dân-một em khác lên tiếng-bởi vì ông ta nuôi gà tây. Cuối cùng khi những em khác đang làm bài, cô giáo đến bên bàn Douglas và hỏi. - Đó là bàn tay cô, thưa cô- em thầm thì. Cô nhớ lại là vào giờ giải lao, cô thường hay dắt tay Douglas, một đứa bé cô độc ít nói. Cô cũng làm như thế với những đứa bạn khác nhưng với Douglas điều đó có ý nghĩa rất lớn. Có lẽ đây là ngày Lễ Tạ Ơn dành cho mọi người, không phải cho những vật chất mà chúng ta nhận được, mà là cho những điều, dù là rất nhỏ nhoi, khi ta trao tặng cho người khác. Theo:Hạt giống tâm hồn ... Gia tài em chỉ có bàn tay Em trao tặng cho anh từ ngày ấy ... Xuân Quỳnh