Những người lớn lấy sự buồn bã, đau khổ của đứa trẻ làm trò đùa vui, nhưng chính sự vô ý vô tâm của họ, những câu đùa vô duyên của họ là nguyên nhân của những xáo trộn tinh thần, đôi khi cả trầm cảm của đứa trẻ. “Hồi nhỏ, ba mẹ tôi thường hay đùa là lượm tôi ngoài sọt rác. Tuổi thơ tôi luôn ám ảnh bởi câu nói đó, thậm chí năm tôi 10 tuổi đã từng bỏ nhà ra đi vì câu nói đó. Đùa thì có nhiều kiểu đùa, nhưng đừng đem lòng tự trọng của trẻ con ra mà đùa”. “Câu "có em rồi cháu sẽ bị cho ra rìa nhé" là câu nói gây tổn thương cho tôi nhất trong suốt quá trình trưởng thành của mình. Hậu quả là suốt một thời gian dài tôi rất ghét em mình vì nghĩ rằng bố mẹ không thương mình. May mắn là tôi đã không làm nên chuyện gì đáng sợ...” Đó là hai trong số rất nhiều chia sẻ của độc giả khi nói về chuyện những “người lớn vô duyên”. Thực tế, những từ như "hư hỏng, béo như lợn, xấu xí, ngu ngốc, bị ra rìa, nhặt thùng rác, con ông Ba bị... " đều là những từ nhạy cảm, trực tiếp hạ thấp giá trị người đối thoại. Những người lớn biết điều đó, bản thân họ cũng khó chịu nếu ai nói với họ những điều đó nhưng khi đứng trước những đứa trẻ, họ cho mình quyền được trêu đùa vì nghĩ “trẻ con thì biết gì”. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã cho thấy, lời là đùa nhưng hậu quả là thật. Trên VnExpress, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho biết, một đứa trẻ bị trêu đùa kiểu như vậy nhẹ là lo sợ, hoảng hốt, thấy tức giận, nặng là bị ám ảnh, đêm không ngủ được, mơ hoảng. Nặng hơn nữa là trẻ có những hành vi lệch lạc, tiêu cực để giải quyết nỗi lo sợ, giận hờn của mình. Chuyện một cô bé 8 tuổi thả em trai của mình xuống đất sau câu đùa của người hàng xóm là một ví dụ đau lòng. Chi tiết xem tại: http://lamchame.vn/dung-dua-nhung-cau-nay-neu-khong-muon-giet-chet-tam-hon-con-tre-1716.html