Dùng kháng sinh hợp lý, an toàn ở trẻ

Thảo luận trong 'Sức khoẻ của trẻ' bởi support, 24/8/2012.

  1. support

    support Super Moderator Staff Member

    Tham gia:
    7/11/2008
    Bài viết:
    8,184
    Đã được thích:
    3,690
    Điểm thành tích:
    2,113
    Hiện nay, ở nước ta đang có tình trạng cho trẻ dùng kháng sinh (KS) bừa bãi. Không chỉ có nhiều bậc phụ huynh tự ý mua KS cho trẻ không đúng thuốc, không đủ liều mà còn có một số y bác sĩ điều trị KS không đúng, cho trẻ dùng KS theo kiểu “bao vây”, đưa đến việc nhiều ks thông dụng hiện nay đã bị đề kháng.

    Các kháng sinh tỏ ra hiệu quả trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trước đây như: ampicillin, amoxicillin, cephalexin, erythromycin… nay đã bị lờn gần như rất ít có tác dụng.

    Rõ ràng là các bậc phụ huynh rất cần có kiến thức tối thiểu về việc cho trẻ dùng thuốc KS, nhằm tránh tai biến cho trẻ và đặc biệt hạn chế tình trạng đề kháng KS đang lan tràn không chỉ ở nước ta mà còn khắp trên thế giới. Sử dụng KS nhất thiết phải đạt mục tiêu hiệu quả, an toàn và hợp lý. Việc dùng KS phải tuân thủ đúng chỉ định của các bác sĩ là người biết rõ khi nào cần sử dụng, lựa chọn đúng thuốc, đúng cách, đủ liều và đủ thời gian. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ là người trực tiếp sử dụng thuốc cho trẻ cũng cần có những hiểu biết cơ bản về KS để sử dụng cho đúng.

    [​IMG]
    Dùng kháng sinh bừa bãi sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ​

    KS là loại thuốc gì và vì sao phải thận trong khi cho trẻ dùng KS?

    KS là tên chung chỉ nhóm thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt các mầm bệnh gọi là vi khuẩn. Vì vậy, thường chỉ dùng KS khi bị bệnh nhiễm khuẩn. Tất cả KS khi dùng đều có thể gây tai biến. KS được ví như con dao 2 lưỡi, lưỡi nào cũng rất sắc. Một lưỡi là thuốc điều trị hiệu quả bệnh nhiễm khuẩn, còn lưỡi kia là gây tác dụng có hại có khi rất nặng nề (như gây dị ứng có khi chết người, gây tiêu chảy do loạn khuẩn đường ruột, gây hiện tượng lờn thuốc KS…).

    Riêng đối với trẻ, do các cơ quan liên quan đến việc hô hấp, chuyển hóa và đào thải thuốc chưa phát triển hoàn chỉnh, khả năng gây tai biến ở trẻ so với người lớn càng tăng lên gấp bội. Đó là lý do phải xem trẻ con là đối tượng đặc biệt, phải rất thận trọng khi cho trẻ dùng KS.

    Để tránh tai biến cho trẻ khi dùng KS, các bậc cha mẹ không tự tiện mua KS cho trẻ dùng mà nên dành quyền chỉ định KS cho bác sĩ. Tức là nếu nghi ngờ trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn thì nên đưa trẻ đến bác sĩ khám và chỉ định thuốc vì chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán được trẻ đúng là bị bệnh nhiễm khuẩn, biết rõ cách dùng KS đúng: đúng thuốc, đúng cách, đủ liều, đủ thời gian. Ở nhiều nước trên thế giới, chỉ có thể mua KS ở nhà thuốc khi có đơn thuốc của bác sĩ.

    Nghe nói trẻ bị sốt, cảm cúm là do nhiễm trùng, tại sao những trường hợp này không được dùng ngay KS?

    Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt, nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều do nhiễm khuẩn. Chẳng hạn, trẻ có thể bị sốt do mọc răng hay cảm nắng. Do vậy, đừng vội cho trẻ dùng KS mà trước tiên tìm cách hạ nhiệt bằng paracetamol hay đắp trán, lau mình bằng khăn nhúng nước mát. Còn đối với cảm cúm là do siêu vi (còn gọi là virút) gây ra, KS không có tác dụng chữa trị. Sau 2 - 3 ngày, triệu chứng không đỡ thì nên đưa trẻ đi đến bác sĩ khám bệnh (nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết thì đưa trẻ khám bác sĩ sớm hơn). Phụ huynh không nên đến nhà nhà thuốc tìm cách mua KS cho trẻ uống.

    Có phải trẻ nào bị ho, sổ mũi, viêm mũi, viêm hầu họng là phải dùng KS?

    Đối với những trẻ bị viêm mũi, viêm hầu họng, nếu chỉ bị nhiễm siêu vi và chưa có biến chứng thì dùng KS không những không tác dụng mà có thể còn gây tình trạng đề kháng KS về sau. Trong trường hợp này, nếu trẻ bị sốt, chỉ nên cho dùng thuốc hạ nhiệt, kèm theo hút sạch mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% (pha 9g muối NaCl trong 1 lít nước sạch hoặc hỏi mua ở nhà thuốc). Trẻ bị ho có thể cho trẻ uống mật ong pha chanh, tắc trong dăm ngày. Nếu sau vài ba ngày mà triệu chứng không đỡ, hoặc sớm hơn nhưng nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn, nên cho trẻ đi khám bác sĩ để được định bệnh chính xác và chỉ định dùng KS khi cần thiết. Xin được nhắc lại, cho trẻ dùng KS theo sự chỉ định của bác sĩ là an toàn nhất, vì chỉ có bác sĩ mới xác định được trường hợp siêu vi kèm theo bội nhiễm vi khuẩn (triệu chứng viêm nhiễm kéo dài không bớt mà còn có xu hướng ngày càng nặng thêm). Lúc này rõ ràng dùng KS là cần thiết. Riêng bị viêm tai giữa cấp ở trẻ, bác sĩ sẽ chẩn đoán đúng bệnh và tùy trường hợp bệnh mà cách dùng thuốc có khác nhau. Có khi bác sĩ chỉ cho dùng kháng sinh thông dụng là amoxicillin, nhưng hiện nay vi khuẩn đã đề kháng nhiều nên bác sĩ chỉ định ngay kháng sinh phối hợp là amoxicillin+clavulanate, có khi chỉ trong dùng thuốc 5-7 ngày nhưng có khi phải dùng thuốc đến 10- 14 ngày. Dùng KS đến 2 tháng để trị viêm tai giữa cấp là do cách điều trị không hợp lý, việc chọn KS không đúng.

    Nên lưu ý, khi thấy trẻ bị sốt ho, rối loạn đường hô hấp mà cách thở, nhịp thở thất thường (thở nhanh từ 40 lần/phút trở lên đối với trẻ trên 1 tuổi, thở khó, có lõm ngực khi hít vào hoặc thở khó kiểu suyễn) thì phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chỉ định đúng thuốc và điều trị kịp thời, không để trẻ ở nhà tự chữa.

    Thời gian dùng KS là bao lâu và bị tiêu chảy có phải là do dùng KS kéo dài?

    Nếu thực sự bị nhiễm khuẩn, việc dùng KS đủ liều thường kéo dài trong nhiều ngày, thông thường từ 5 - 7 ngày. Và tùy theo bệnh, dùng KS có thể kéo dài hơn. Như bị viêm tai giữa cấp kể ở trên, hoặc bị loét dạ dày có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori có thể dùng KS 14 ngày. Nhiễm vi khuẩn lao phải điều trị KS phối hợp từ 6 tháng trở lên.

    Dùng KS có thể bị 2 tai biến: tổn thương cơ quan (như bị tổn thương thần kinh thính giác gây điếc do dùng KS nhóm aminosid) và bị tiêu chảy do rối loạn tạp khuẩn ruột. Như vậy, dùng KS bừa bãi luôn có nguy cơ bị tiêu chảy do dùng KS kéo dài. Bị tiêu chảy do dùng KS cũng giống như bị tiêu chảy nói chung là người bệnh, nhất là trẻ con bị mất nước và chất điện giải, bị mất vitamin và có thể bị suy dinh dưỡng (chứ không bị tổn thương ở dạ dày như một số người nghĩ).

    PGS. TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
    Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi support
    Đang tải...


Chia sẻ trang này