“Giận cá chém thớt”

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi minh_nguyet1965, 27/4/2006.

  1. minh_nguyet1965

    minh_nguyet1965 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    15/12/2004
    Bài viết:
    2,194
    Đã được thích:
    189
    Điểm thành tích:
    153
    Chiều tối đi làm về, Mai (Q.7, TP.HCM) uể oải với hàng tá công việc nhà khi chị giúp việc về quê đã bốn bữa rồi vẫn chưa lên. Trong khi đó cả tuần nay, cô gần như mất ăn mất ngủ với kế hoạch lấy lại thị phần sản phẩm ở công ty.

    Nhìn đồng hồ đã gần 7g tối, Mai đeo vội cái tạp dề vào người. Bé Sơn lò dò đi xuống: “Mẹ ơi, con đói bụng”. “Con ăn khoai tây chiên nhé. Bây giờ lên nhà trên vừa ăn vừa xem phim hoạt hình để mẹ nấu cơm...”. Thằng bé phụng phịu cầm hộp khoai tây, vừa đi vừa nhai.

    Toát mồ hôi với hai cái bếp đỏ lửa, một bên là nồi xương hầm nghi ngút, một bên Mai đang nhanh tay xào hành tây, thịt bò thì nghe... “xoảng” ở nhà trên. Vội vàng chạy lên: cái bình hoa pha lê Mai rất thích nên đã cất công mang về từ một chuyến công tác ở nước ngoài - vỡ tan tành, đồ chơi của bé Sơn bừa bộn, tung tóe khắp nhà.

    Cơn giận dâng lên ngùn ngụt, Mai hét: “Trời ơi! Sao con nghịch quá vậy? Hư quá, hư quá!”, vừa hét vừa phát vào mông con trai bốn, năm cái liên tiếp thật mạnh. Thằng bé khóc gào lên: “Ba ơi, cứu con!”.

    Nấu nướng xong xuôi, Mai lên nhà trên, thằng bé vẫn nước mắt ngắn, dài ngồi khóc tỉ tê một mình. Nhìn con, Mai thấy thương quá. Bộ đồng phục đi học trường mẫu giáo đã xốc xếch, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Hơn 7g tối mà con trai vẫn chưa được tắm rửa, ăn uống.

    Thấy mẹ đi lên, bé Sơn sợ hãi nép vào thành ghế. Mai thấy có lỗi với con quá, sao mình lại có thể la lối và đánh con như thế nhỉ? Sao không hỏi nguyên do tại sao con làm bể cái bình?...

    Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, khoa tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM: “Hầu hết các ông bố, bà mẹ sau khi trừng phạt con mình đều cảm thấy mình sai, làm như vậy là không tốt, nhưng vì lúc đó bực quá, giận quá, không kiềm chế được. Các bậc phụ huynh ngày nay làm việc với nhịp độ cao, yêu cầu về năng lực chuyên môn cũng như sự cạnh tranh ngày càng lớn. Dồn hết trí lực cho công việc ở cơ quan, khi về đến nhà rất dễ mệt mỏi, không kiểm soát, không làm chủ được hành vi, cảm xúc của mình. Bởi vậy, khá nhiều phụ huynh rơi vào trường hợp như chị Mai. Điều đáng nói là hậu quả nghiêm trọng sau đó: trẻ sẽ học cách trút bỏ áp lực theo kiểu “giận cá chém thớt” từ bố mẹ mình; không tin vào sự công minh của người lớn; một số trẻ còn có ấn tượng không tốt đối với bố mẹ...”.

    Tại một hội thảo về giáo dục trẻ em được tổ chức vào đầu năm 2005 ở TPHCM, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển còn cho biết rất nhiều trường hợp khi quan hệ giữa vợ - chồng có xung đột thì người phải chịu đựng lại là con của họ: trẻ bị la mắng hay đánh đòn vô cớ...

    Thạc sĩ Bích Hồng đề nghị: “Con người ai cũng có lúc sơ suất, hành động quá lố. Nếu đã trót lỡ làm con cái bị tổn thương thì phụ huynh hãy khắc phục bằng cách trao đổi chân thành với con, phân tích sự việc cho con nghe và nếu cần hãy xin lỗi con. Đừng sợ “khi nhận lỗi sẽ làm mất uy tín của mình đối với con cái” mà ngược lại, cách hành xử như thế sẽ làm gương cho trẻ: khi cha mẹ nói đúng thì phải nghe và khi sai phải biết nhận lỗi để sửa sai”.

    HOÀNG HƯƠNG


    10 cách giúp các bậc cha mẹ giữ bình tĩnh khi dạy con:

    1. Thở sâu và đếm đến 10.

    2. Tự nhắc mình là người lớn và phải làm gương cho trẻ.

    3. Hãy tự hỏi xem mình sẽ sắp nói gì và có cảm giác thế nào nếu ai đó nói thế với mình?

    4. Đi sang nơi khác và tự hỏi vì sao mình lại nổi giận? Vì con hay vì ta đang bực dọc chuyện gì đó với chồng/vợ, bạn bè hay cơ quan?

    5. Bạn có thể chia sẻ với chồng/vợ, bạn bè.

    6. Nếu được, ra khỏi nhà và đi dạo một lúc.

    7. Khi cảm thấy quá sức chịu đựng, hãy tự làm cho mình dịu lại bằng tách trà hay cà phê, tắm hoặc đi mua sắm.

    8. Thử nghĩ chuyện này buồn cười một tí xem sao. Óc hài hước đôi khi sẽ giúp ta nhiều đấy.

    9. Chọn chỗ nào có một mình, gào to lên. Dẫu sao gào to với bức tường cũng tốt hơn la hét vào mặt con mình, phải không?

    10. Hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp: những khoảnh khắc cả gia đình hạnh phúc, quây quần bên nhau chẳng hạn. Lúc đó, chắc bạn không nỡ làm con mình tổn thương đâu nhỉ?


    (Theo Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển)
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi minh_nguyet1965
    Đang tải...


  2. meminhky

    meminhky Thành viên chính thức

    Tham gia:
    13/12/2004
    Bài viết:
    135
    Đã được thích:
    13
    Điểm thành tích:
    18
    Hic Bác MN ơi em đọc bài này thấy gần giống em quá, nhưng mà đúng là lúc nóng giận thì khó mà kìm nén được, từ bây giờ trở đi em pải cố gắng nín thở và đếm đến 10 thôi ạh
     

Chia sẻ trang này