Thông tin: Giáo dục không trừng phạt - Liệu có thực hiện được không?

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi Hải Phạm, 6/1/2011.

  1. Hải Phạm

    Hải Phạm Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    24/11/2010
    Bài viết:
    1,025
    Đã được thích:
    1,555
    Điểm thành tích:
    1,013
    [​IMG]
    Bài viết này được tóm tắt từ chương trình « Giáo dục không trừng phạt - liệu có thực hiện được không? dành cho cha mẹ và truờng học » của ngành GD Pháp.

    Nuôi dạy con cái nên người, trở thành một công dân tốt là một nhiệm vụ khó khăn của cha mẹ.
    Đứng trước những đứa trẻ nhỏ chỉ biết thể hiện nhu cầu, chỉ biết phản ứng khi nhu cầu không được đáp ứng bằng cách la hét, giận hờn, đặc biệt đối với những đứa bé chưa biết nói, nhiều cha mẹ cảm thấy mình bất lực. Sự bất lực đẩy cha mẹ đến việc hoặc là thỏa mãn nhu cầu của trẻ cho xong việc, hoặc cho vài cái phét đít, phét tay để trẻ thôi la khóc, những cha mẹ kiểu này ít khi dùng lời nói để giải thích cho trẻ hiểu vì họ thường nghĩ rằng trẻ bé tý chưa hiểu được những lời giải thích dạy dỗ của cha mẹ.

    Khi đứa trẻ lớn lên, nhiều cha mẹ thiết lập dần một hệ thống « thưởng - phạt » trong giáo dục ví dụ như « con sẽ được thứ con muốn nếu con làm cái này / hoặc không làm cái này... », « con sẽ được bố / mẹ cho tiền nếu con đem về những điểm cao »... và tin rằng mình đã đúng khi làm như vậy. Trong cái mớ bòng bong ấy, những cuộc « mặc cả » mang nặng tình cảm thường được đặt lên hàng đầu : « nếu con yêu bố / mẹ, thì con phải vâng lời bố/ mẹ, hoặc con phải làm cái này / cái kia ».

    Kiểu giáo dục mang tính chất « thưởng - phạt » này có thể cho cha mẹ một ảo tưởng là rất có hiệu quả trong một thời gian nào đó. Nhiều đứa trẻ khôn ngoan sẽ lợi dụng những điểm yếu của cha mẹ để đòi hỏi, và những giới hạn của cha mẹ đặt ra nhanh chóng bị lu mờ. Cha mẹ chỉ biết cho con một cách không có giới hạn. Thế là, một cách nhanh chóng, đứa trẻ sẽ nhập cuộc và sẽ hiểu được rằng nó có một quyền uy tối cao đối với cha mẹ. Khi đó, thật khó xác định ai sẽ là người điều khiển gia đình, cha mẹ hay đứa trẻ ? Kiểu gì đi chăng nữa, cha mẹ sẽ thường xuyên thấy mình trong tình trạng phải đối đầu với sự leo thang nguy hiểm cho túi tiền của họ và cho sự cân bằng của gia đình.

    Đời sống tâm lý của đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng không tốt khi mà tất cả những mong muốn của nó đều nhanh chóng được cha mẹ đáp ứng. Đứa trẻ sẽ khó mà học được rằng trong cuộc sống, nhiều khi phải chấp nhận những thứ mà mình không thể có được, hoặc phải chấp nhận chờ đợi.

    Sự cảm nhận về sức mạnh vô địch sẽ có thể xâm chiếm tâm hồn đứa trẻ, trẻ sẽ tin rằng chính trẻ là người có thể áp đặt luật lệ của riêng chúng cho cha mẹ, chúng sẽ tìm những cách buộc cha mẹ phải mua cái này cái kia, phải làm theo ý thích của chúng như đi chơi ở đâu, làm gì...

    Và trong sự rối loạn chức năng vai trò trong gia đình này dẫn đến việc những điểm mốc quan trọng mà đứa trẻ cần có để trưởng thành sẽ bị lẫn lộn.

    Một số cha mẹ, không ý thức được sự chệch hướng trong đường lối giáo dục của họ, đã nổi giận và dùng đòn doi hoặc la mắng trẻ hòng dành lại lợi thế và vị trí đã mất trong gia đình. Và để đỡ bị mặc cảm tội lỗi khi đánh con, họ thường tuyên bố : « trước kia người ta toàn giáo dục trẻ con như vậy » hoặc là « chính mình ngày xưa cũng được nuôi dạy như vậy thì mình mới nên người thế này », hoặc « thương cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi... ».

    Làm như vậy, cha mẹ đâu có ý thức được rằng họ chỉ đẩy thêm sự việc vào vòng rối ren luẩn quẩn, có hại đến không khí gia đình và sự phát triển nhân cách của trẻ mà thôi.

    Trẻ nhỏ hình thành và phát triển nhân cách bằng cách đồng nhất với ngưòi lớn, vì vậy bạn dừng có ngạc nhiên khi bạn đánh trẻ và bạn lại nhìn thấy trẻ đanh người khác hoặc đánh lại chính bạn. Những thói xấu mà trẻ học được và thu nhập vào người từ lúc còn nhỏ, đến khi lớn lên sẽ rất khó sửa chữa.

    Nhưng làm thế nào để có giáo dục không trừng phạt ?

    Uy quyền tự nhiên.

    Một số cha mẹ sử dụng những lối giáo dục như kể trên là do họ thiếu niềm tin trong uy quyền riêng tự nhiên mà bình thường cha mẹ nào cũng có. Trên thực tế, họ có đầy đủ khả năng hoàn thành xuất sắc vai trò làm cha mẹ mà không cần phải nhờ đến đòn roi hoặc các biện pháp mang tính chất tiêu cực. Trong một xã hội còn thiếu các nhà tâm lý trẻ em, thiếu nơi để cha mẹ có thể hỏi ý kiến khi cần thiết thì việc trao đổi giữa các cha mẹ với nhau cũng có thể mang lại những trợ giúp có hiệu quả cao. Khi trao đổi với người khác, cha mẹ sẽ hiểu được rằng họ không phải là cha mẹ duy nhất những vấn đề này nọ, điều đó có thể làm cha mẹ yên tâm, giải tỏa bớt căng thẳng và hiểu đựoc tính tương đối của sự việc.

    Khi mà đứa bé ở giai đoạn luôn nói « không » .

    Tất cả các trẻ nhỏ đều trải qua một giai đoạn chống đối. Nói « không » với một đứa trẻ nhỏ thường xuyên là biểu hiện cá nhân hóa đầu tiên của bé, nếu đứa trẻ chống lại cha mẹ, đó là đẻ tự khẳng định nhân cách của nó. Như vậy, các cha mẹ không cần phải lo lắng và cảm thấy uy quyền của mình bị đe dọa khi mà đứa bé phản đối điều gì đó.

    Ngược lại, sự chống đối của đứa bé sẽ đem lại cho bé những tác dụng tích cực nếu chúng ta không bi kịch hóa nó. Nhiệm vụ của cha mẹ lúc này là giải thích rõ cho trẻ hiểu những điều cấm đoán hoặc những sự bắt buộc. Sự giải thích bằng lời nói của cha mẹ tác dụng tốt đến đứa trẻ ngay cả khi bé chưa biết nói. Lúc nào cũng phải giải thích bằng lời nói. Cha mẹ hãy cố gắng chọn những kiểu nói đơn giản và dễ hiểu nhất đối với trẻ như : « con phải vào giường đi ngủ vì con đã mệt rồi », « con không thể ăn cái này được vì nó sẽ làm con bị đau bụng », « con cần phải cho bạn mượn đồ chơi nếu con muốn có bạn », « con không được lấy đồ chơi của bạn mà không hỏi bạn xem bạn có đồng ý không»....

    Dễ hiểu là trong thời gian trẻ vừa biết đi nhưng chưa biết nói, nhiều cha mẹ cảm thấy bối rối và lo lắng khi đúng trước sự tò mò với môi trường sống xung quanh của trẻ, trong thời kỳ này đúng là trẻ dễ làm điều gì đó dại dột, thậm trí có nguy hiểm đến thân thể trẻ. Nhiều cha mẹ đánh con do quá sợ hãi khi thấy con mình có thể bị nguy hiểm. Nhưng bạn hãy nhớ rằng bạn sẽ không thể ngăn cấm được trẻ bằng đe dọa hay đòn doi. Thay vì đánh con khi thấy nó nghịch những cái có thế gây nguy hiểm, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu và phải cố gắng tạo ra môi trường sống thuận lợi ít nguy hiểm cho trẻ.

    Khi trẻ lớn lên.

    Giáo dục không trừng phạt phải luôn được giữ vững là mục tiêu của toàn bộ quá trình giáo dục. Những nguyên tác mà chúng ta áp dụng cho trẻ nhỏ luôn có giá trị cho trẻ lớn, và khi đã thiết lập được một mối quan hệ tốt trong giáo dục lúc nhỏ thì mọi sự khi trẻ lớn lên sẽ dễ dàng hơn nhiều.

    Cha mẹ vẫn luôn lấy nguyên tắc giải thích và trao đổi làm nguyên tắc chính.

    Dạy cho trẻ ý thức được về giá trị bản thân từ khi còn rất nhỏ.

    Dạy cho trẻ tự chịu trách nhiệm với bản thân, thay vì la mắng khi trẻ không chịu học bài, cha mẹ hãy nhẹ nhàng nói : « con học tập và làm việc là để cho chính bản thân con, nếu con cố gắng bây giờ thì khi lớn lên, con có thể có một công việc mà con yêu thích ».

    Cha mẹ phải chỉ ra cho trẻ con đường thẳng dẫn đến việc trở thành công dân tốt : đó là luôn biết tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt, biết tôn trọng luật pháp....

    Thay vì la mắng trẻ, cha mẹ hãy bày tỏ tình cảm của mình một cách thẳng thắn và tích cực : « bố/mẹ rất buồn vì chuyện này, bố / mẹ hy vọng rằng con hiểu được điều đó »

    Tất cả những người có liên quan đến giáo dục trẻ trong gia đình cần phải thống nhất khi đưa ra những bài học cho trẻ để trẻ có thể hiểu được và thấm nhuần những bài học đó và chuyển thành hành động.

    Tất nhiên là cha mẹ sẽ không tránh khỏi những thất bại vào lúc này hay lúc khác khi áp dụng kiểu giáo dục này, nhưng lúc nào cũng cần phải giữ vững quan điểm để sửa chữa một cách tích cực mỗi khi chệch đường.

    Khái niệm sửa chữa

    Khi trẻ làm một việc gì đó sai, bạn hãy nói chuyện với trẻ để hiểu được bối cảnh, hình thức nào đã dẫn trẻ đến một hành động đó. Sau đó bạn hãy cùng trẻ tìm ra những cách khác nhau để sửa chữa hậu quả của hành động sai đó. Ví dụ : Xin lỗi, sửa chữa hoặc mua đền những đồ vật bị hỏng nếu có...Việc giúp trẻ sửa chữa những hành động sai chính là giúp trẻ thoát khỏi những day dứt không nói ra được trong thâm tâm trẻ, đồng thời giúp trẻ ý thức được một cách rõ ràng hơn những hậu quả của hành động dại dột của trẻ.

    Tuy nhiên, cha mẹ cũng phải làm cho trẻ hiểu và ý thức được rằng không phải hành động sai lầm nào cũng có thể sửa chữa được.

    Trong một số trường hợp, có những đứa trẻ không ngừng lặp đi lặp lại những việc làm dại dột. Thường thì đó là cách mà đứa trẻ thể hiện sự bất ổn bên trong ra ngoài một cách vô thức, nhằm đánh động sự quan tâm giúp đỡ của cha mẹ và người lớn xung quanh. Lúc đó, giải pháp tốt nhất của cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở chuyên khoa.

    Nguồn: Bulletin Officiel của bộ Giáo dục Pháp

    Biên dịch: Nguyễn Thu Hằng (Mẹ Luti)
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Hải Phạm
    Đang tải...


Chia sẻ trang này