Giáo dục: Thay đổi từ gốc để không tạo sản phẩm lỗi

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi webmaster, 6/9/2008.

  1. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    "Mỗi tuần một chuyện" tuần này bàn về giáo dục khi ngày khai trường và ước mơ cháy bỏng được học và học được đã là tâm điểm dư luận tuần qua, nóng bỏng không kém những bất ổn của chính trị thế giới và lùm xùm của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008.


    Cơ hội được học và học được

    Vào thời điểm ngay trước khi gần 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới, câu chuyện về con đường gập ghềnh đến trường, đứt gánh học hành của các em Nguyễn Thị Mến (Thạch Bàn - Hà Tĩnh), Trần Xuân Nhật, Trần Thị Loan (Kỳ Anh - Hà Tĩnh)... đã khiến không ít người giật mình. Những tiếc khóc tức tưởi khi buộc phải nghỉ học, những nỗi buồn lặn sâu vào trong trên khuôn mặt những đứa trẻ già trước tuổi bởi mưu sinh thay vì tới trường học hành... làm nhói lòng những người có trách nhiệm và lương tri.

    Không chỉ ở nông thôn xa xôi, hẻo lánh, ngay giữa Hà Nội, vẫn có những đứa trẻ mơ ngày tới trường...

    Ở vùng quê nghèo miền Trung, với nhiều học sinh, kết thúc kì thi tuyển Đại học cũng là lúc các em tạm xếp bút nghiên sang một bên, lên đường ra phố để tìm việc làm thuê, hòng kiếm cơm nuôi mình và tích lũy chút vốn, để năm sau có thể thực hiện ước mơ vào giảng đường ĐH. Với nhiều gia đình, giấy báo ĐH gửi về, vui đấy, nhưng lo bội lần. Chạy vạy vay mướn, bán nhà bán cửa, ra thành phố làm thuê... mọi ngả được được tính đến để hiện thực hóa một ước mơ: kiếm con chữ để thoát nghèo.

    Cách đây vài năm, một giảng viên người Anh sang Việt Nam từng chia sẻ, trong quá khứ, cô và bạn bè rất ngưỡng mộ Việt Nam bởi chính nền giáo dục của đất nước này. Chiến tranh là thế, nghèo đói là thế, nhưng mọi trẻ em đều được đến trường, được miễn học phí.

    Vậy tại sao đất nước đã hòa bình, non sông đã thu về một mối bao nhiêu năm, mà chặng đường tới trường của các em vẫn gian nan đến thế? Tại sao câu hỏi về cơ hội được học của các em vẫn cứ gióng lên?

    Chính sách đã có nhiều, để tiếp sức cho các em tới trường, nhưng như bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nói, thủ tục hành chính và quản lý nhà nước cản bước những nỗ lực tiếp sức tới trường. Tiền của nhà nước nhiều khi đến không đúng nơi, giúp không đúng đối tượng, làm mất đi cơ hội được học của các em.

    Để được vay vốn đi học, một sinh viên Học viện Tài chính trong hơn một tháng đã phải liên tục về quê và ra Hà Nội, để làm các giấy tờ liên quan, ở trường, ở địa phương, từ cấp xã tới cấp tỉnh. Khi hoàn thành được mọi thủ tục, thì cũng là lúc em đã hoàn thành nửa đầu học học kỳ I, các giấy tờ không có giá trị áp dụng. Sang đến học kỳ II, em lại phải bắt đầu lại quy trình ấy, bởi sổ nghèo của gia đình em đã hết hạn một năm, lại đợi đợt cấp sổ mới.

    Có vốn hỗ trợ cho các em đã khó, để các em có thể tiếp cận được nguồn vốn đúng lúc còn khó khăn gấp bội. Bà Mai đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hỗ trợ xã hội. "Những chính sách của Nhà nước thường không đến ngay được với trẻ em nghèo. Nhưng hỗ trợ của xã hội thì lại đến ngay lập tức". Nhà nước - xã hội cùng chung tay là cách tốt nhất và nhanh nhất để trao cho các em cơ hội được học.

    Nhưng theo Giáo sư Hoàng Tụy, cơ hội được học không đồng nghĩa với việc giúp các em có thể học được, đáp ứng nhu cầu sống và phát triển. "Cho người ta đến trường, nhưng mà không cho người ta điều kiện học tập thành công, ngang bằng với người khác thì đấy chỉ là công bằng một cách hình thức".

    Giáo sư Hoàng Tụy nhấn mạnh việc phải đảm bảo học sinh, sinh viên "không phải chỉ đến trường mà đến trường là học, không chỉ đảm bảo cơ hội được học tập mà còn đảm bảo cơ hội học tập được". Đảm bảo cơ hội học được những gì cần thiết, đáp ứng đòi hỏi cuộc sống quan trọng gấp bội lần vệc trao cơ hội được học. Được học là điểm khởi đầu và học được là cái đích ít nhất cần hướng tới.

    Thay đổi từ gốc quy trình để không ra những sản phẩm lỗi

    Với cách đào tạo hiện nay, chúng ta chỉ có thể tạo nên những "bán thành phẩm có lỗi" mà "chỉ trước khi xuất xưởng mới kiểm tra một lần để dán nhãn hàng hóa" và vẫn bán ra và buộc thị trường chấp nhận thứ sản phẩm ấy.

    Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng phải có một cuộc cách mạng trong giáo dục, thay đổi tư duy triệt để, chấm dứt tình trạng đào tạo kiểu "mì ăn liền" như hiện nay, khiến cho Việt Nam không phải thừa thầy, thiếu thợ mà cả thầy và thợ đều chẳng thiếu nhưng thiếu nhất là những người làm việc được trong mỗi ngành kinh tế.

    Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu ra một "nghịch lí đầy mỉa mai và thách thức", rằng Việt Nam được biết đến với lực lượng lao động trẻ, đông đảo, thông mnh, học nhanh, khéo tay nay đang thiếu gay gắt nhân lực được đào tạo có chuyên môn cao và rất thiếu những nhân lực ưu tú có thể làm TGĐ và giám đốc các công ty nước ngoài ở Việt Nam.

    Ông Doanh đặt vấn đề, "trong khi kinh tế đã hội nhập thì giáo dục đã hội nhập đến mức độ nào hay chưa hội nhập? Có thể chỉ hội nhập kinh tế trong khi giáo dục chưa hội nhập, tíep tục đào tạo theo những tiêu chí riêng, cách làm riêng, sử dụng chương trình, giáo trình còn nhiều bất cập hay không?"

    Nếu chỉ đào tạo ra những người để làm việc được trước mắt, "cuối cùng nền giáo dục Việt Nam sẽ đào tạo ra những người chuyên làm thuê", Gs. Hoàng Tụy nói.

    Nhà văn hóa Nguyên Ngọc cho rằng, bàn về giáo dục phải xem từ cái gốc của nó là mục tiêu giáo dục là gì? Xã hội này mong muốn đào tạo ra những con người như thế nào?

    Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy từng viết trong thư gửi các giáo viên, đại ý, mục tiêu của giáo dục không phải là bằng lòng với những giới hạn tối thiểu chúng ta đã đặt ra từ trước mà là đem đến cho mỗi đứa trẻ tối đa tri thức mà chúng có thể tiếp nhận.

    Theo ông Ngọc, suy cho cùng, học thuộc lòng chính là bản chất của nền giáo dục Việt Nam hiện nay với một hệ thống chính trị - xã hội tương ứng. Hệ thống mẹ này có thực sự mong muốn thay đổi thì mới có thể tạo nên sự thay đổi trong giáo dục.

    Việc cải cách giáo dục hiện cũng giống như phẫu thuật thẩm mĩ, tạo gương mặt đẹp cho một cơ thể bà già cằn cỗi, vì thế, sớm hay muộn, sẽ bị lão hóa, đào thải nhanh chóng, trở lại với vẻ tiều tụy. Việc trao cơ hội được học và học được phải gắn với một nền giáo dục tương ứng với cơ địa chính trị - xã hội, mà tại đó, mục tiêu về một nền giáo dục cho ai, vì ai đã thực sự rõ ràng.

    Phương Loan
    Nguồn: Tuần Việt Nam
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi webmaster
    Đang tải...


  2. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    Những trì trệ, bất cập, lạc hậu thậm chí cả ngu xuẩn từ việc thiết kế chương trình, phân ban, phân cấp cho đến việc biên soạn sách giáo khoa, và cả trong những chương trình hỗ trợ HS/SV nghèo...hầu như ai cũng thấy, cũng biết, cũng cảm nhận được, và hầu như từ các học giả, nhà nghiên cứu cho đến cả các em học sinh/sinh viên...ai cũng đều đã có rất nhiều những phản bác một cách tích cực ( vạch ra những sai lầm, đề nghị chỉnh sửa hay thay thế ) hay tiêu cực ( bỏ học, công kích qua các blog hay qua các buổi trò chuyện) Ấy thế mà những người có trách nhiệm từ trực tiếp đến gián tiếp trong bộ và ngành giáo dục vẫn phớt lờ, vẫn hùng hồn tuyên bố những ý kiến nổ như bắp rang, có người còn đề nghị ngành GD không những chỉ giáo dục về kiến thức mà còn trang bị cho các em cả kỹ năng sống nữa ( không biết là họ hiểu KNS là như thế nào đây !) - điều đó cho thấy gì ? có nghĩa là gì ? họ là có phải là trẻ khiếm thính hay chậm khôn không mà nói hoài không hiểu ? Hoàn toàn không - Vì thế, chỉ có một câu trả lời: Đó là sự cố tình ! Cố tình để làm gì ? nhằm mục tiêu gì ? ai cũng biết ! Thế đấy.
     

Chia sẻ trang này