Hiện nay có nhiều ông bố bà mẹ kêu ca phàn nàn con mình không chịu đi ngủ mặc dù đã quá khuya, chỉ khi nào người lớn đi ngủ thì chúng mới chịu đi ngủ nên ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trong bài này chúng tôi muốn nêu một số kinh nghiệm cũng như lời khuyên giúp cho con em bạn có một giấc ngủ ngon lành, giải tỏa những băn khoăn lo lắng của các bạn. Khi bé có dấu hiệu buồn ngủ, cần cho bé lên giường ngay: một số người khi bé muốn đi ngủ chưa cho bé ngủ, đến khi cho bé đi ngủ thì đã quá giấc nên bé không còn muốn ngủ nữa, hoặc có gia đình thì lại cho bé đi ngủ quá sớm khi chưa đến giờ ngủ của bé làm cho bé khó đi vào giấc ngủ. Thời gian lý tưởng để ngủ với mỗi bé là khác nhau. Nếu khi bé có dấu hiệu muốn ngủ mà không đưa bé vào giường bé sẽ bị “quá giấc” và phải chờ khoảng một giờ sau cơn buồn ngủ mới quay lại với bé. Hãy tạo cho bé một thói quen sinh hoạt ăn, ngủ đúng giờ Tất cả mọi việc từ ăn, ngủ, chơi, tắm phải diễn ra đều đặn vào một khoảng giờ nhất định, kể cả trong dịp nghỉ hè hay đi chơi xa cũng phải duy trì, làm như vậy thì đồng hồ sinh học trong cơ thể bé sẽ hoạt động theo một chu kỳ nhất định, rất dễ dàng cho việc điều khiển và cơ thể bé sẽ tuần tự phát triển theo quy luật đã định sẵn. Nếu không thực hiện được như vậy thì nhịp thời gian của đồng hồ sinh học của bé sẽ bị đảo lộn, có thể xảy ra những trục trặc trong cơ thể bé và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Nên tạo một cảm giác yên tâm cho bé, vì khó khăn lớn nhất trong việc cho bé ngủ là bé luôn có cảm giác bị tách rời khỏi mẹ, bị mẹ bỏ rơi. Khi cho bé ngủ chúng ta nên hát cho bé nghe hoặc kể một câu chuyện cổ tích cho bé nghe, nó sẽ giúp bé làm quen với một giờ ngủ nhất định và có thể đương đầu với khoảnh khắc cô đơn ấy. Hãy tôn trọng giấc ngủ của bé và nên tập cho bé ngủ một mình Một số vật dụng như thú nhồi bông, gối ôm hay quần áo của mẹ làm cho bé cảm thấy có sự hiện diện của mẹ bên cạnh khi chỉ còn một mình trong giường. Ngoài ra tập cho bé ngủ một mình thì khi bé thức đêm sẽ không hoảng sợ và ngủ lại một cách tự nhiên mà không cần có sự giúp đỡ của bố mẹ, chúng giữ một vai trò quan trọng trong việc tạo lập tính tự chủ cho bé. Đôi khi cần phải biết nói “không”: Khoảng 2-3 tuổi bé bắt đầu học cách tự chủ và khẳng định cái tôi của mình. Bé sẽ gọi mẹ vào ban đêm và đến giờ không chịu đi ngủ. Bạn hãy tỏ ra cứng rắn đừng để bé tự làm theo ý mình mà phạm sai lầm khi chiều theo ý bé. Bé rất cần những giới hạn như vậy để tiến bộ. Khi bé thức giấc, không nên cho bé ăn uống ngay, vì bình thường một bé khoảng 6 tháng tuổi không cần ăn đêm nữa. Điều đó sẽ làm cho bé nghĩ rằng bé không thể ngủ được nếu không ăn và thói quen này sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học, ăn uống không ra bữa sẽ làm cho hệ tiêu hóa không được nghỉ ngơi và như vậy sẽ làm mất cân bằng việc bài tiết các men cũng như hormon, xáo trộn nhịp tim và chu kỳ nhiệt độ của cơ thể. Đối với trẻ, thì giấc ngủ trưa là quan trọng nhưng không nên cho bé ngủ quá trưa muộn vì nó sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối. Chúng ta không nên quan trọng hóa việc thức giấc ban đêm của trẻ, cứ bình tĩnh thủ thỉ êm ái để trấn tĩnh bé nhưng không nên bật đèn cũng như bế bé lên, bé sẽ dịu lại và đi vào giấc ngủ ngay. Trước khi đi ngủ, tránh những kích động, những trò chơi vận động hoặc những chấn động tâm lý, hình ảnh bạo lực kinh dị trên tivi, hay chứng kiến bố mẹ cãi nhau, vì buổi tối lúc gần đến giờ ngủ nhiệt độ cơ thể con người bắt đầu giảm xuống, nếu có những yếu tố làm quá trình giảm nhiệt độ của cơ thể chậm lại thì sẽ khó khăn trong việc đưa bé vào giấc ngủ. Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống