Hãy hiểu đúng về cây xáo tam phân: Chưa có giá trị trong chữa bệnh

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi sweet_eyes, 20/2/2013.

  1. sweet_eyes

    sweet_eyes Mỹ phẩm xách tay Hàn, Úc, Nhật,

    Tham gia:
    25/7/2012
    Bài viết:
    5,779
    Đã được thích:
    584
    Điểm thành tích:
    823
    HÃY HIỂU ĐÚNG VỀ CÂY XÁO TAM PHÂN: CHƯA CÓ GIÁ TRỊ TRONG CHỮA BỆNH

    Nguồn coppy : http://binhluan.ykhoa.net/tranvanhuy/130207_tranvanhuy_cayxaotamphan.htm (mọi người có thể vào đọc từ đây ạ! )

    PGS TS BS TRẦN VĂN HUY FACC FESC (*)
    YKN-07/02/2013

    Xáo tam phân có phải là cây thuốc không?

    Theo các tài liệu hiện có như “Cây cỏ của Việt Nam” của Phạm Hoàng Hộ mô tả Xáo Tam Phân có tên khoa học Paramignya trimera là một loại thực vật dạng mộc. Cho đến nay chưa có một tài liệu văn bản pháp quy chính thức của Việt Nam cụ thể từ Viện Dược Liệu Trung Ương cũng như trong danh mục các bài thuốc đông y của Bộ Y tế cho phép sử dụng thì không xác định cây xáo tâm phân là cây thuốc và được công nhận sử dụng điều trị bệnh cho con người.

    Vậy do đâu mà hiện nay bùng nổ một nguồn thông tin vũ bão trên các trang báo giấy và mạng mà chỉ cần vào Google đánh 3 chữ "Xáo Tam Phân" là có đến trên 2,2 triệu đường dẫn thông tin về cây nầy trong 0,14 giây và có riêng một trang web về cây nầy để kinh doanh mạng lưới trên toàn quốc với các đại lý là một số nhà thuốc? Tuy nhiên hầu hết là các bài viết về Xáo Tam Phân từ các phóng viên báo chí chứ chưa có một bài báo khoa học chính thống nào được công bố đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. Hầu hết các tác giả đã thổi phồng giá trị với nhân danh đạo đức hay muốn đưa tin giật gân và không tránh khỏi sự vô tình hay cố ý góp phần quảng cáo cho một sự trục lợi bất lương của một số cá nhân nào đó lợi dụng kẻ hở dễ dãi về công bố thông tin mà sự thật chưa được giới khoa học, các cơ quan hữu trách của bộ y tế, sở y tế Khánh Hòa công nhận giá trị. Mặc dù ngành y tế Khánh Hòa luôn khuyến cáo người dân không sử dụng trong mục đích chữa bệnh nhưng các bài báo phóng sự thổi phồng giá trị của cây Xáo Tam Phân làm một số không ít người dân thiếu nhận thức vẫn đỗ dồn về nơi nầy tìm mua tạo nên cơn sốt giá cả và tận thu tận diệt cây nầy. Trong khi đó cũng có một số bài báo lên tiếng cảnh báo tác hại không lường khi sử dụng cây nầy nhưng xem ra vẫn không tác động bao nhiêu so với sự tâng bốc của các bài báo phong tặng nó lên tận thiên đường “thần dược, thần y”.

    Chính vì vậy, với tư cách một nhà khoa học, một trong những thành viên phản biện bình duyệt các công trình nghiên cứu khoa học (peer reviewer) của Tạp chí Y học Dự phòng Hoa Kỳ từ năm 2006 đến nay, cũng như thành viên phản biện các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, bộ và của nghiên cứu sinh trong nước, người được Sở Y tế Khánh Hòa mời tham gia khảo sát thực tế cây Xáo Tam Phân nầy tại xã Ninh Vân Khánh Hòa vào ngày 21 tháng 5/2012 và tôi đã có ý kiến đề xuất với Sở Y tế. Tuy nhiên hiện nay sự việc đã đi quá xa trong dư luận của người dân cho nên tôi đành phải lên tiếng để mọi người có thể hiểu biết về thực hư và những dấu hỏi lớn cho một vấn đề thời sự hết sức bức xức nầy.

    Bức xúc đầu tiên là nhu cầu cần chữa bệnh của người dân rất lớn, nhưng sự tuyên truyền của ngành y tế cũng như các ban ngành liên quan vẫn chưa đến nơi đến chốn dẫn đến một thực tế hỗn loạn, nhiễu loạn thông tin sai lệch, người có bệnh nan y thì vẫn cứ vái tứ phương chứ không đặt niềm tin vào một cơ sở chuyên ngành Y khoa nào cả.

    Bức xúc vì có những dấu hỏi nghi vấn lớn trong việc thổi phồng giá trị của một cây thực vật trở thành cây thuốc quý hiếm và nâng lên thành thần dược nhưng người dân không chú ý mà chỉ nhẹ dạ cả tin, và một số bài báo không đi sâu sát vấn đề để mạnh dạn lên tiếng phê phán mà lại làm phóng sự với sự thổi phồng lên nào là “Thần Dược” để “đạp đổ mọi bức tường khoa học” của thể kỷ 21 và rồi sau đó đẻ thêm câu chuyện về một “Thần y” “bước qua lời nguyền” như chuyện cổ tích thần thoại!!!

    Tuy nhiên sự thật về người đầu tiên được cho là bị xơ gan cổ trướng giai đoại cuối bệnh viện trả về chờ chết, rồi dùng Xáo Tam Phân lành bệnh và từ đó chính gia đình ông nầy tuyên truyền để kinh doanh cho một số người dân cả tin và sau đó được bà Trần Thị Xuân Hồng, thường trú ở thôn Tây, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa tìm đến các nhà báo tại Khánh Hòa để xin đăng tin mở đầu một sự bùng nổ thông tin về cây lạ thần dược trị bá bệnh và để rồi chính bà Hồng cùng ông LH là hai địa điểm tổ chức kinh doanh hàng đầu của loại cây nầy. Khi sự việc đi quá xa với có nhiều điểm kinh doanh khác, vấn đề tranh giành về cây thật và cây giả xảy ra như chuyện các quán ăn tranh giành thương hiệu "quán gió" thật, "quán rắn NL" thật tại Nha Trang Khánh Hòa …

    Tiếp đến xuất hiện ông Lương Sinh người đã hướng dẫn cho ông LH dùng cây nầy, khi đoàn khảo sát tháng 5 /2102 đến Ninh Vân thì chúng tôi vẫn chưa biết có chuyện ông nầy khám chữa bệnh được đề cập, thì nay ông Lương Sinh kết hợp với ông chủ tịch Ủy Ban Dân xã Ninh Giang xét duyệt chữa bệnh và bài thuốc của ông có 4 vị chứ không phải chỉ Xáo Tam Phân, có phải chăng sự phối hợp nầy như một dạng bảo kê cho việc làm “nhân đạo” (?) khi mà bài thuốc không đăng ký, không nằm trong danh mục của Bộ Y tế công nhận và việc khám chữa bệnh nầy không có giấy phép hành nghề là hoàn toàn bất hợp pháp nhưng một số bài báo nâng lên hàng “Thần Y” cho một công nhân máy kéo chỉ xuất hiện sau khi việc mua bán Xáo Tam Phân rầm rộ lên trong việc kinh doanh thu lợi nhuận.

    Cũng cần nói thêm tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng nầy, nơi mà nhân chuyến đi khảo sát tại Ninh Vân tôi đã được thăm đền tưởng niệm con tàu không số thì cũng từng đã có câu chuyện một thời rầm rộ cây mắt mèo (có nơi gọi "móc mèo") chữa ung thư và đã đi vào dĩ vãng cũng chi vì tin đồn nhảm gây thiệt hại không nhỏ cho người dân trong một thời gian.

    Ông LH có thật sự bị xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối không?

    Tôi xin trích văn bản về ý kiến cá nhân tôi khi đi thực tế và trực tiếp khám cho ông LH tháng 5/2012 như sau: “Qua khảo sát thực tế ở địa phương và xem xét các kết quả xét nghiệm và siêu âm còn lưu của ông LH được trạm y tế xã Ninh Vân cung cấp thì ông nầy chỉ đi khám bệnh duy nhất tại phòng khám tư nhân Phúc Lộc trong 3 lần chứ không hề nằm điều trị tại bất kỳ một cơ sở điều trị nào khác của tuyến huyện và tỉnh như thông tin các báo chí đã đưa tin và kết quả ghi nhận siêu âm của 3 bác sĩ làm siêu âm 3 lần tại phòng khám nầy đều khác nhau chỉ trong thời gian 2 tuần:

    - Lần đầu vào ngày 17/7/2010 ghi nhận: “gan xơ, nhiều dịch(??), hệ thống tĩnh mạch trên gan, tĩnh mạch cửa không dãn; lách cấu trúc đồng nhất, kích thước bình thường, tĩnh mạch lánh không dãn” (Bs Đông);

    - Lần thứ hai ngày 24/7/2010: “gan cấu trúc thô, mặt gan phẳng, bờ gan đều, kích thước bình thường, hệ thống tĩnh mạch trên gan, tĩnh mạch cửa không dãn; lách cấu trúc thô, kích thước lớn 152 mm, không ghi nhận có dịch” (BS Thạch),

    - Lần thứ 3 ngày 30/7/2010: “gan cấu trúc echo không đồng nhất, mặt gan gồ ghề, bờ gan không đều, hệ thống tĩnh mạch trên gan, tĩnh mạch cửa không dãn; lách cấu trúc đồng nhất, kích thước bình thường, tĩnh mạch lách không dãn, dịch ổ bụng nhiều” (Bs Luân),

    Về kết quả các xét nghiệm men gan SGOT, SGPT, và bilirubin TT và GT cũng đều ở giới hạn bình thường hoặc tăng nhẹ, công thức máu bình thường, không có chọc xét nghiệm dịch màng bụng, không sinh thiết gan, các chức năng huyết học khác không làm nên theo tôi là chưa đủ cơ sở chẩn đoán xác định xơ gan chứ chưa nói đến xơ gan mất bù giai đoạn cuối. Trong thăm khám khám sơ bộ chiều ngày 21/5/2012 tại BV huyện Ninh Hòa vì lúc đoàn khảo sát đi tìm hiểu thì ông LH đang bị tai nạn giao thông điều trị tại bệnh viện huyện nầy nên chúng tôi đã đến thăm khám và ghi nhân bệnh nhân có tiền sử uống nhiều r*** bia, béo phì từ lúc thanh niên, niêm mạc mắt vàng nhẹ, tăng huyết áp, HA 160/100mmHg, tim nhịp đều, bụng mềm không có báng, gan lách không lớn, xét nghiệm chức năng thận có giảm nhẹ, mức lọc cầu thận ước đoán 65ml/phút/1.73m2, các men gan có tăng nhẹ nên chưa loại trừ một tình trạng viêm gan mạn do r***/ tăng huyết áp, bệnh thận mạn giai đoạn 2, chàm mạn tính ở bàn chân + gãy xương cánh tay P đã cố định bột do tai nạn giao thông chứ không phải là người hoàn toàn khỏe mạnh. Kết quả kiểm tra về bilirubin sau đó tăng tương ứng với lâm sàng kết mạc mắt vàng nhẹ và siêu âm gan mật cho thấy mật độ gan thô chứ không hoàn toàn bình thường”.

    Như vậy về kết luận cho rằng bệnh nhân LH bị xơ gan mất bù giai đoạn cuối chờ chết và hiện nay mạnh khỏe nhờ Xáo Tam Phân là hoàn toàn không có căn cứ khoa học chứ đừng nói Xáo Tam Phân chữa bá bệnh, ung thư, tăng huyết áp…

    Về kết quả một số ca báo chí có thông tin thì không loại trừ hiệu ứng placebo gọi giả dược khỏe bớt tạm thời do tính chủ quan và niềm tin trong giai đoạn đầu và cũng không có một cơ quan chức năng nào thẩm định như chúng tôi đánh giá về trường hợp ông LH. Trong khi đó thông tin về những người bệnh ung thư nan y dùng Xáo Tam Phân không qua khỏi thì lại cho rằng có thể dùng cây Xáo Tam Phân giả hay Xáo Tam Phân thật không có tác dụng thì cũng không có một cơ quan chức năng khẳng định. Việc dùng Xáo Tam Phân tốt hay xấu và khi xấu cũng mấy ai muốn lên tiếng khơi lại nổi đau mất mát của người thân, ngay như một đồng nghiệp giảng viên một trường đại học không may bị ung thư gan cũng được người nhà cho dùng Xáo Tam Phân và đã an nghỉ nghìn thu.

    Kết quả thông báo của Viện Dược Liệu Trung Ương gửi cho Sở Y Tế Khánh Hòa có phải là văn bản công nhận giá trị cây xáo tâm phân là cây thuốc và có giá trị chữa bệnh không?

    Câu hỏi nầy tốt nhất là Viện Dược Liệu Trung Ương trả lời rõ ràng nhất, nhưng qua công bố của Sở Y tế về văn bản nầy có một chi tiết vô cùng quan trọng nhưng được một số bài báo bỏ qua và thổi phồng kết quả cho rằng "Xáo Tam Phân có giá trị thực sự trên ống nghiệm (in vitro) và trên động vật thực nghiệm chuột trắng (in vivo)", từ đó dẫn đến một số người lợi dụng trục lợi đã đẩy giá cây Xáo Tam Phân lên 1 triệu đến 1 triệu 5 một kg và người dân lại lầm tưởng nó có giá trị chữa bệnh thật, đặc biệt ung thư nên càng đổ dồn đi lùng sục tìm mua tạo sóng, và người dân địa phương bỏ ruộng vườn biển cả đi tận diệt cây nầy vì có lợi nhuận cao hơn nhằm đáp ứng cho một nhu cầu của sự thiếu hiểu biết về cơ sở khoa học của khám và chữa bệnh. Bản chất của thông báo nầy chỉ là “đánh giá sơ bộ ban đầu về cây lạ ở Ninh Vân là cây Xáo Tam Phân có một số thành phần hóa học thường gặp trong cây thực vật, có độc tính thấp, có tác dụng chống viêm gan cấp, ức chế 5 dòng tế bào ung thư trên chuột nhắt”. Theo tôi đây chỉ là một thông báo có tính định hướng cho ngành y tế Khánh Hòa có hướng tiến hành các bước nghiên cứu theo quy trình nghiên cứu phát triến thuốc, hóa dược, sinh y phẩm chữa bệnh mà Bộ Y Tế đã quy định rất rõ ràng trong thông tư số 03/2012 TT-BYT ngày 2 tháng 2 năm 2012, chứ hoàn toàn không công nhận giá trị thật sự của Xáo Tam Phân ức chế 5 dòng tế bào ung thư.

    Một giá trị thật dù trong ống nghiệm (in vitro) và trên động vật (invivo) cũng cần phải được nghiên cứu theo một quy trình chặt chẽ thông qua các giai đoạn: giai đoạn khảo sát phân chất sơ bộ, giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng in vitro và in vivo có lô chứng, lô thực nghiệm gây bệnh với đủ cỡ mẫu quy định, phải được thông qua các hội đồng đạo đức, giám sát, hội đồng y khoa phản biện. Khi có kết quả phải được cống bô trên các tạp chí chuyến ngành mà trong đó được một hội đồng thường từ 3 đến 5 người phản biện bình duyệt đánh giá có giá trị khoa học thật sự có đủ độ tin cậy mới được công bố. Từ đó có hướng nghiên cứu sản xuất ra thành phẩm dạng thuốc được bào chế theo đúng liều lượng độ an toàn trên súc vật và đạt chất lượng thuốc theo đúng quy định, ngay cả thuốc đông y và sản phẩm từ dược liệu cũng vậy, để có bước tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm trên người.

    Tôi thiết nghĩ Viện Dược Liệu Trung Ương cần phối hợp với Ngành Y Tế Khánh Hòa tiến hành hoàn thiện nghiên cứu giai đoạn tiền lâm sàng và công bố nghiên cứu khoa học nầy trên các tạp chí chuyên ngành uy tín của Việt Nam và thế giới nếu nó thật sự có giá trị và được ban biên tập đánh giá cho công bố. Sự công bố khoa học nầy hoàn toàn không có giá trị áp dụng chỉ định dùng cho con người mà hiện nay quy trình nghiên cứu đã được thống nhất trên toàn thề giới. Cũng xin nói thêm trong tháng 12/2102, hội đồng khoa học ngành y tế Khánh Hòa có tổ chức nghiệm thu một đề tài về gía trị của Fucoidan trọng lượng phân tử thấp chiết xuất từ rong nâu trong điều trị rối loạn lipid máu, tôi được mời làm phản biện 1, mặc dù công trình nghiên cứu rất công phu tốn kém (1 tỷ 6) và cũng đã có nhiều bài báo được công bố trong nước nhưng khi hội đồng phân tích kỹ đã không tán thành ngay từ khâu thử nghiệm trên động vật. Dù có kết quả đã đăng báo nhưng xét thấy thiếu chính xác không đủ độ tin cậy cũng như khâu thử nghiệm trên người không đúng chuẩn mực theo quy định..

    Trở lại quy trình để công nhận một thuốc hóa dược hay thuốc đông y của bộ y tế là cần phải tiến hành nghiên cứu trên người và phải tuần tự tiến hành theo 4 giai đoạn:

    Giai đoạn I ở người khỏe mạnh tình nguyện với 10 – 100 người. Mục đích chính là kiểm tra về tính an toàn trên người của thuốc.

    Giai đoạn II nghiên cứu ở nhóm nhỏ cho một loại bệnh đặc trưng trên khoảng 50 – 500 bệnh nhân, kiểm tra các tác dụng phụ ngắn hạn có thể xảy ra và các rủi ro do thuốc gây ra. Các nhà nghiên cứu cũng phải phân tích được mức liều tối ưu và lịch trình liều dùng của thuốc.

    Giai đoạn III được thực hiện trên một số lượng lớn người bệnh (khoảng 200 – 5,000), thường tiến hành đa trung tâm, ngẫu nhiên, có nhóm chứng nghĩa là có hai lô, lô có dùng thuốc và lô chứng dùng giả dược (placebo) để đưa ra được các dữ liệu thống kê có ý nghĩa về độ an toàn, tác dụng và mối quan hệ giữa lợi ích – nguy cơ của thuốc. Đây là giai đoạn quyết định xem thuốc có tác dụng và hiệu quả hay là không. Sau đó mới được đăng ký công nhận và được phép sử dụng lưu hành.

    Tiếp đến giai đoạn IV tiến hành sau khi thuốc đã được đưa vào lưu hành, giám sát sau lưu hành hay đánh giá hiệu quả trị liệu với cỡ mẫu > 1.000 người.

    Quy trình từ khảo sát ban đầu đến nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật và rồi trên người cho đến khi được phép lưu hành nếu có kết quả tốt thường phải mất từ 10 đến 15 năm mới hoàn tất. Trên thế giới có rất nhiều hóa dược được công nhận có kết quả rất tốt trên động vật, các nhà nghiên cứu tìm hiểu phân tích cơ chế tác dụng rất hay nhưng đến khi nghiên cứu trên người thì cho thấy không có kết quả hoặc thậm chí gia tăng tỷ lệ tử vong chung, nghĩa là có giảm triệu chứng bệnh đó nhưng sinh bệnh khác và gây tử vong cao hơn so với nhóm chứng nên không được sản xuất. Chính vì vậy ngày nay người thầy thuốc phải chỉ định dùng thuốc theo nền tảng chứng cứ là vậy.

    Như vậy quy trình để công nhận cây Xáo Tam Phân hay các chiết xuất hóa dược từ Xáo Tam Phân là thuốc, y sinh phẩm, thuôc đông y hiện nay là chưa được tiến hành đăng ký đến Bộ Y tế nên không ngạc nhiên cục Khoa học - công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) không biết gì khi được phỏng vấn vì chưa có hồ sơ đăng ký nghiên cứu.

    Vậy cây Xáo Tam Phân có được phép khai thác kinh doanh, và bài thuốc đông y có cây xao tam phân có được phép sử dụng điều trị cho người bệnh được không, có vi phạm pháp luật không?


    Xét về mặt thực phẩm thì Xáo Tam Phân không có giá trị về dinh dưỡng của một cây dạng mộc. Xét về mặt thực phẩm chức năng thì cũng không có một cơ sở khoa học, một văn bản công nhận xáo tam phân với các thành phần thân rễ dùng làm thực phẩm chức năng. Còn nói là cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc đông y thì như phân tích trên, cho đến nay chưa có một chứng cứ khoa học, một văn bản pháp quy công nhận là cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc đông y được Bộ Y tế công nhận. Cho nên việc khai thác kinh doanh để sử dụng cho mục đích chữa bệnh là hoàn toàn trái pháp luật. Các ban ngành liên quan cần nghiên cứu để kịp thời ra các văn bản nghiêm cấm về việc khai thác kinh doanh cây nầy cho mục đích chữa bệnh. Ngành y tế đang dần dần quản lý chất lượng của việc buôn bán ngay từng tô bún bát phở ở vỉa hè với mục đích bảo vệ sức khỏe cho người dân về an toàn thực phẩm và quản lý thuốc men tốt thì sự việc để một cây thực vật giá trị chưa được khẳng định lại được phổ biến kinh doanh có hệ thống trên toàn quốc và ngay cả trong một số nhà thuốc thì các ban ngành chức năng liệu có biết hay không? Việc ban hành sớm các văn bản pháp quy rõ ràng minh mạch về vấn đề nầy là rất cần thiết chứ không chỉ đơn thuần là lên tiếng khuyến cáo người dân không nên dùng khi chưa có sự công nhận của của Bộ Y Tế. Bên cạnh đó cũng cần khoanh vùng bảo tồn nguồn gen để có thể triển khai các bước nghiên cứu theo đúng quy trình của Bộ Y Tế theo thông tư 03/2012.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi sweet_eyes
    Đang tải...


  2. honghong2312

    honghong2312 Thành viên tập sự

    Tham gia:
    7/10/2013
    Bài viết:
    10
    Đã được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    3
    Ðề: Hãy hiểu đúng về cây xáo tam phân: Chưa có giá trị trong chữa bệnh

    sao mình chưa nghe thấy loại cây quý giá này nhri...miền bắc có ko bạn
     
  3. sweet_eyes

    sweet_eyes Mỹ phẩm xách tay Hàn, Úc, Nhật,

    Tham gia:
    25/7/2012
    Bài viết:
    5,779
    Đã được thích:
    584
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Hãy hiểu đúng về cây xáo tam phân: Chưa có giá trị trong chữa bệnh

    bạn ơi cây này giờ nổi như cồn nhưng thực chất chưa hề có một văn bản hay nghiên cứu nào chứng minh đc tác dụng của nó nếu ko muốn nói nó ko có tác dụng j
     
  4. triệu dung nhi

    triệu dung nhi Thành viên nổi tiếng

    Tham gia:
    29/3/2013
    Bài viết:
    4,324
    Đã được thích:
    780
    Điểm thành tích:
    773
    Ðề: Hãy hiểu đúng về cây xáo tam phân: Chưa có giá trị trong chữa bệnh

    cây xáo tam phân là cây gì nhỉ lần đầu tiên m đc nghe nói đến cây này đấy
     

Chia sẻ trang này