Ngày hôm qua, tôi gặp một người quen cũ. Anh ta nói với tôi rằng vừa nhận được một lời mời làm giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Hà Nội và anh ta đã từ chối. Tôi mới hỏi anh ta vì sao lại như vậy. Anh ta trả lời rằng về năng lực thì anh ta thừa sức đảm nhận công việc đó nhưng ngại vì bây giờ cho vay tín dụng lắm nhiêu khê, nếu không đủ tỉnh táo, khôn ngoan thì dễ bước vào vòng lao lý. Tôi nghĩ rằng, như vậy phải nói là anh ta không đủ năng lực mới đúng. Vì nếu như đủ năng lực, anh ta sẽ vượt qua được mọi cạm bẫy nhờ tri thức và bản lĩnh của mình. Chỉ có không đủ tự tin vào khả năng của bản thân thì mới không dám tiến bước mà thôi. Vậy mà, anh ta đã không dám thừa nhận điều đó. Có bạn nói rằng để dành được số vốn lớn, nhưng không dám đầu tư phát triển cho công ty của mình vì thị trường có hạn. Chỉ cần nói rằng khả năng của bạn đó có hạn là đủ vì bạn làm sao biết hết được nhu cầu của thị trường và của con người. Bạn đó đã không có đủ tri thức và tầm nhìn mà thôi. Chúng ta đều là con người, đã là con người thì ai cũng có phần ích kỷ bên trong. Đến đây, có lẽ nhiều bạn phản đối ầm ầm. Bạn có thể nói rằng: Tôi đã hi sinh hết mình cho người khác, hi sinh cho chồng, vợ, con cái…sao có thể nói tôi ích kỷ được. Vậy, tôi hỏi bạn, khi nhìn vào tấm hình chụp chung với người khác, người đầu tiên bạn nhìn là ai? Nếu không toan tính, không ích kỷ, không phải là con người. Chính vì ích kỷ nên bạn không dám thừa nhận nhược điểm của mình, bạn luôn bênh vực cho bản thân, đổ lỗi cho người khác, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Cương lĩnh “trị quốc, bình thiên hạ” của Nho gia xưa đề xướng bao gồm “tam cương, bát mục”. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không có tham vọng bình luận sâu xa hơn về cương lĩnh này mà chỉ muốn trích dẫn một phần về “bát mục”. Để đạt được giàu có, bạn phải không ngừng tu dưỡng phẩm chất, đạo đức năng lực của bản thân. Phẩm đức bản thân tu dưỡng tốt, mới chỉnh đốn được gia đình của mình. Chỉnh đốn tốt gia đình mình mới có thể trở thành lãnh đạo tốt, mới có thể làm cho người khác nể phục, toàn tâm toàn ý làm việc cho bạn. Có thể sử dụng được người khác, bạn mới nhanh chóng bước lên địa vị giàu có được. “Bát mục” là tám bước cụ thể để thực hiện cương lĩnh trên, đó là: Cách vật (nghiên cứu thấu đáo sự vật) Trí tri (hiểu biết sâu sắc, có kiến thức rõ rệt) Thành ý (có ý nghĩ thành thật với chính mình) Chính tâm (giữ lòng dạ ngay thẳng) Tu thân (sửa mình thành người tốt) Tề gia (chỉnh đốn tốt việc nhà) Trị quốc (khiến cho đất nước yên ổn) Bình thiên hạ (khiến cho thiên hạ thái bình) Trong tám bước này, tu thân là gốc. Muốn tu dưỡng phẩm chất, đạo đức của bản thân, trước tiên, phải hiểu biết thấu đáo về sự vật, nắm vững nguyên lý vận động của các sự vật hiện tượng trong xã hội (cách vật trí tri). Nếu không thành ý, không chính tâm thì không hiểu hết được lý lẽ, mặt phải, mặt trái của sự vật, của vấn đề, của các hiện tượng xã hội. Nếu tâm tư bạn không ngay thẳng, bạn không thể nhìn sự vật, hiện tượng theo đúng bản chất của nó mà chỉ nhìn qua lăng kính phiến diện của mình mà thôi. Hay tệ hơn nữa, vì không thành ý, chính tâm, nên bạn đã bóp méo sự thật. Thành ý là khiến cho ý niệm được thành thật. Muốn cho ý niệm thành thật, trước tiên mình không được lừa dối bản thân mình. Tuy nhiên, nói thì là vậy, nhưng làm được điều này là rất khó. Bởi như tôi đã nói ở trên, con người luôn có thiên hướng bao che cho cái xấu của mình do ích kỷ. Để làm được điều này, lúc nào bạn cũng phải có ý thức về lời nói và hành động của mình, giữ cho lòng mình ngay thẳng để từ đó hoàn thiện năng lực và phẩm chất. Tiền bạc có thể đem lại cho bạn nhà cao cửa rộng nhưng phẩm chất, đạo đức có thể làm đẹp tâm hồn và mang lại tài sản. Tâm tư ngay thẳng thì lòng dạ lúc nào cũng vui vẻ thoải mái, từ đó sống có ích và có ảnh hưởng tốt đến mọi người. Bạn hãy luôn nhớ rằng giàu có không tự dưng mà đến, giàu có đến từ sự hoàn thiện chính bản thân mình! Capro 11/03/2015