Học để sống hay để "đầu to mắt cận"?

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi webmaster, 30/10/2008.

  1. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,280
    Đã được thích:
    35,256
    Điểm thành tích:
    6,063
    Khi hội nhập, người Việt Nam bộc lộ rất nhiều những nhược điểm như mất đoàn kết, tầm nhìn hạn hẹp, vô tổ chức... Vì vậy, ngay từ bậc phổ thông, học sinh cần phải học cách khắc phục những nhược điểm đó.
    Kiến thức phổ thông đủ để... sống

    Ngày 13 tháng 6 năm 2006 tại Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra tai nạn rất thương tâm, cùng lúc 8 em học sinh lớp 9 bị chết đuối, lý do là các em đều không biết bơi.

    Đi học đã 9 năm ở vùng nông thôn, sông nước mà không biết bơi, lỗi này phải thuộc về ngành giáo dục. Nếu được dạy đúng phương pháp, mỗi ngày 1 giờ, sau 2 tuần một người bình thường đã có thể biết bơi.

    Môn bơi chính là kiến thức phổ thông, là một kỹ năng sống rất cần có trong chương trình dạy phổ thông sắp tới.

    Con gái tôi năm nay vào lớp 11, không thể tự tay làm một mâm cơm đãi khách. Gần đây nhiều bạn trai cũng than phiền về người yêu, bạn gái của mình đã tốt nghiệp đại học mà không biết nấu nướng, may vá, giặt là quần áo. Trong giao tiếp, ứng xử thì vụng về, gây khó chịu, mất lòng mọi người.

    Nhiều cặp vợ chồng trẻ kết hôn với nhau thời gian ngắn đã lục đục, tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Lý do là việc nữ công gia chánh, môn tâm lý giao tiếp, ứng xử không được quan tâm trong chương trình phổ thông hiện nay.

    Lẽ ra, các kiến thức liên quan đến “công, dung, ngôn, hạnh” và đặc biệt là “đắc nhân tâm-nghệ thuật ứng xử” phải rất được coi trọng trong chương trình phổ thông.

    Các em học sinh phổ thông trung học, nam cũng như nữ sau này cho dù có thể làm các nghề khác nhau, trình độ, suy nghĩ, hoàn cảnh, số phận khác nhau... nhưng đều giống nhau ở chỗ “trai lớn lấy vợ”, “gái lớn gả chồng” tức là đều sẽ lập gia đình với các vấn đề về ăn hỏi, cưới xin, làm chồng, làm vợ với các quan hệ gia đình nội, ngoại, lễ, tết, ma chay...

    Vì vậy trong chương trình phổ thông rất cần những kiến thức về "đặc điểm của phái nam”, “tâm lý bạn gái”, “sức khỏe sinh sản”, về gia đình và phong tục, tập quán của người Việt nam. Đây chính là kiến thức phổ thông mà ai cũng nên biết.

    Với các em nam những kiến thức như lắp đặt, sửa chữa hệ thống các thiết bị điện trong gia đình, các bài thực hành về máy bơm nước, máy công nông, giếng khoan, hệ thống lọc nước... Các loại vật liệu xây dựng, cách thiết kế xây nhà đơn giản, trang trí nội ngoại thất cho ngôi nhà. Sử dụng, sửa chữa thông thường xe đạp, xe máy, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ...

    Những điều đó sẽ dễ dàng và hữu ích hơn rất nhiều so với việc đau đầu, dồn sức giải các bài toán về hạt nhân nguyên tử, vận tải điện đi xa, các dạng mạch vòng, mạch thẳng của hóa hữu cơ hay các đường cong parabol, hypecbol...các hàm số tích phân với đủ các loại biến số chạy từ không đến... vô cùng như hiện nay.

    Những kiến thức đó chỉ dành cho các sinh viên đại học, các kỹ sư, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh... không phù hợp với học sinh phổ thông.

    Học một kỉ luật sống

    Sau khi rời khỏi quân đội, điều để lại trong tôi không phải là các kỹ thuật điều khiển tên lửa mà là việc hàng ngày phải gấp chăn, màn, vuông thành khối chữ nhật, để đúng giữa phía trên đầu giường. Mũ sắt treo vừa tầm với trên tường. Giày, dép để thành đôi phía cuối giường, mũi giày dép quay ra phía ngoài để choàng dậy khi báo động có thể đi ngay vào chân kể cả trong đêm tối. Khăn mặt khi phơi phải thẳng, mép khăn phải bằng, dây giày phải lồng và buộc cho đúng...

    Tất cả những điều này tạo nên thói quen cẩn thận, ngăn nắp, gọn gàng, khoa học và thẩm mỹ, những điều này rất có ích cho tôi trong cuộc sống, làm việc sau này. Thật sự chỉ khi vào quân đội tôi mới được dạy và học những thứ đơn giản như vậy. Tôi luôn nghĩ tại sao không có môn dạy những thứ đó trong trường phổ thông?

    Những luật liên quan đến đời sống hàng ngày của mọi người như luật nhà ở, đất đai, luật hôn nhân, gia đình, luật giao thông, luật dân sự... cũng cần được chọn lọc để phổ biến cho các em. Học môn văn thì phải thành thạo việc viết đơn từ, lập hợp đồng mua bán hàng hóa, nhà đất... Đó chính là kiến thức phổ thông, công dân nào cũng cần biết.

    Học cách khắc phục những nhược điểm của người Việt

    Gần đây khi hội nhập với các nước khác trên thế giới, người Việt Nam ta bên cạnh những ưu điểm như cần cù, ham học, chịu khó, chịu khổ, thông minh... cũng bộc lộ rất nhiều những nhược điểm thuộc dạng “bẩm sinh” như mất đoàn kết, tầm nhìn hạn hẹp, vô tổ chức, kỷ luật... ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người Việt cũng như uy tín của đất nước.

    Vì vậy môn học về “ưu, nhược điểm của người Việt Nam ta” cũng như “hội nhập quốc tế”, “Du lịch, du học” và các môn như “Tiếng Anh thông dụng”, “ Sử dụng máy tính và Internet”, “ Văn minh, lịch sự, khôn ngoan” là những môn nên đưa vào chương trình phổ thông .

    Là một kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách Khoa tôi vẫn luôn thấy buồn vì những thứ đơn giản như chiếc nồi cơm điện, chiếc máy giặt chẳng hạn cũng do nước ngoài nghĩ và làm ra, trong khi đó gia đình Việt Nam nào cũng cần tới nó.

    Trong nước thì chiếc bẫy chuột hình bán nguyệt, chiếc máy gặt lúa cải tiến từ máy cắt cỏ, rất đơn giản và hiệu quả, đều do các bác nông dân ít học sáng tạo ra. Điều tôi thấy xấu hổ là chính chúng tôi, những sinh viên kỹ thuật, những kỹ sư, các trường đại học, các viện nghiên cứu không suy nghĩ gì về những việc đơn giản và hữu ích cần cho đời sống nhân dân mà thường tổn hao thời gian, trí lực, tiền bạc cho biết bao đồ án, đề tài nghe thì hoành tráng mà vô tích sự, không thể áp dụng vào thực tiễn được.

    Vì vậy, ngay từ bậc học phổ thông, các em cần được dạy về tính thiết thực, hữu dụng, tiết kiệm, hiệu quả trong tư duy và hành động.

    Một nhược điểm nữa của người Việt Nam là khả năng làm việc, hợp tác theo nhóm, tập thể kém. Có lẽ đó là tàn dư của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ từ bao đời nay.

    Nếu dạy các em về làm việc theo nhóm, hợp tác để phát triển, hay “tập làm lãnh đạo” chẳng hạn thì sẽ rất tốt, vì nó tập cho các em cách nhìn nhận, suy nghĩ, điều khiển, ứng xử của con người trong một tập thể.


    Trích theo: Vũ Mạnh Tiến - Nguồn: Tuần Việt Nam
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi webmaster
    Đang tải...


  2. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,280
    Đã được thích:
    35,256
    Điểm thành tích:
    6,063
    Không lẽ để một thế hệ "đầu to, lưng còng, mắt cận"?

    Hiện nay, tuy được sống trong hòa bình nhưng áp lực của cuộc sống lên mỗi người dân nói chung và các em học sinh nói riêng không hề nhỏ. Số lượng người mắc các bệnh thần kinh ngày càng gia tăng. Nhẹ thì ở dạng rối loạn hành vi, trầm cảm, stress, nặng hơn thì không thể học tập, làm việc được.

    Chỉ vì mặc cảm trước sự đánh giá không tốt của gia đình, nhà trường, xã hội về bản thân, ngày 25 tháng 5 năm 2006 tại Hải Dương, 5 em học sinh nữ lớp 7 sau khi đi học về đã dùng khăn quàng đỏ buộc tay nhau cùng nhảy xuống sông tự tử, để lại những lá thư tuyệt mệnh. Đây là hồi chuông cảnh báo lớn nhất của các em cho toàn xã hội chúng ta về cách giáo dục, đối xử với chúng.

    Theo các chuyên gia về tâm lý giáo dục, có hai nguyên nhân dẫn tới kết cục bi thảm của các em kể trên.

    Thứ nhất, người lớn đã có những hành động, lời nói xúc phạm sâu sắc tới các em, làm cho các em cảm thấy mình là đồ vô dụng, là cái tội, cái nợ, không nên tồn tại nữa thì hơn.

    Thứ hai, các em đã không được dạy, được rèn luyện về mặt cảm xúc để có thể chịu đựng và biết cách vượt qua những áp lực do cuộc sống đưa tới.

    Vì vậy, nên chăng có môn học dạy cho các em các trải nghiệm về cảm xúc, cách xử lý khi đối mặt với những tình huống thực, gay cấn, khó xử trong cuộc sống thường ngày.

    Cứ theo cách học hiện nay thì hình ảnh của các em học sinh phổ thông tới đây phổ biến sẽ là “ đầu to, lưng còng, mắt cận, chân tay lòng khòng, mặt sần sùi”.

    Dành thời gian cho giáo dục thể chất


    Người Việt Nam ta đang thua kém về tầm vóc so với ngay các nước xung quanh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...Khi xem đội tuyển bóng đá quốc gia của ta thi đấu quốc tế, nhiều khi thấy chạnh lòng vì cầu thủ của ta quá nhỏ, vất vả, loi choi, tranh bóng với đội bạn. Trong việc cải thiện tầm vóc, thể lực cho người Việt Nam sắp tới trường phổ thông đóng vai trò rất quan trọng nếu không muốn nói là có tính quyết định.

    Tôi được biết các trường phổ thông tại các nước tiên tiến cũng dành rất nhiều thời gian (khoảng 50%) cho việc này nhằm nâng cao sức khỏe, sự khéo léo, tinh thần đồng đội, sự giao lưu, tính dũng cảm, quyết đoán...cho các em thông qua thể dục, thể thao.

    Vì vậy, tới đây tôi đề nghị tỷ lệ thời gian cho các môn giáo dục thể chất (các trò chơi vận động, thể dục, thể thao, lao động chân tay, hoạt động ngoại khóa...) sẽ chiếm từ 40 đến 50% thời gian học trong trường phổ thông.

    Trong giai đoạn học phổ thông các em cũng cần có thời gian rảnh rỗi, tĩnh lặng để suy nghĩ, để làm những việc riêng như giúp đỡ gia đình, thăm hỏi người thân, họ hàng, làm những việc mà mình thích... chứ không ngập đầu vào sách vở, học tối ngày như hiện nay.

    Những điều giản dị cho cuộc sống "phổ thông"

    Gần đây số lượng người trẻ tuổi nghiện, buôn bán, đi tù và chết vì ma túy là rất lớn. Tệ nạn cá độ, cờ bạc, trộm cắp, lừa đảo, mại dâm, HIV... ở đâu cũng gặp.

    Vì vậy, môn “Cách nhận biết, tác hại, cách phòng và chống lại những tệ nạn, cái xấu, cái ác” là môn học rất cần thiết phải đưa vào chương trình phổ thông.

    Hiện nay, tuy được sống trong hòa bình nhưng áp lực của cuộc sống lên mỗi người dân nói chung và các em học sinh nói riêng không hề nhỏ. Số lượng người mắc các bệnh thần kinh ngày càng gia tăng. Nhẹ thì ở dạng rối loạn hành vi, trầm cảm, stress, nặng hơn thì không thể học tập, làm việc được.

    Vì vậy những môn học về các biện pháp, kỹ thuật để giữ gìn và giúp cho con người luôn cân bằng, hài hòa, cả về thể chất và tinh thần nên được biên soạn và dạy cho học sinh phổ thông.

    Ngoài ra còn có thể đề cập tới hàng trăm, hàng nghìn những điều bình thường, giản dị, thông dụng từ xe đạp, xe máy, ôtô cho đến rượu, bia. Từ tivi, tủ lạnh, máy tính, điện thoại, mạng internet, Karaoke, Tú lơ khơ cho đến các món phở, cà phê.

    Từ cách khen ngợi, tán tỉnh cho đến nghệ thuật giải quyết những khó khăn, xung đột. Từ những quan niệm về sự sống, cái chết của con người, các tôn giáo phổ biến hiện nay cho đến việc sử dụng các loại thuốc chữa bệnh thông thường.

    Từ chiến tranh, hòa bình, giàu, nghèo cho đến việc... pha một ấm trà cho đúng cách. Từ âm nhạc, nghệ thuật đến cắt tóc, trang điểm. Từ cao ốc, khách sạn, nhà hát, sân bay, bến cảng... đến nhà thổ, nhà tù. Từ việc giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường sống xung quanh cho đến cách thức phòng chống cháy nổ, mưa bão, lũ lụt.

    Từ các vĩ nhân, các nhà tư tưởng, các ngôi sao ở các lĩnh vực cho tới việc chăm sóc cho trẻ em, cách phục vụ người già, người đau ốm, tàn tật trong gia đình...

    Đó đều là những kiến thức, kỹ năng hết sức cần thiết cho một cuộc sống “phổ thông” sau này. Bộ Giáo dục đào tạo nên biên soạn những giáo trình kiểu như “100 tình huống trong cuộc sống” hoặc “50 khó khăn thường gặp trong đời người”... và dạy cho học sinh phổ thông.

    Những kiến thức phổ thông nêu trên cứ khoảng 5 năm Bộ giáo dục đào tạo lại rà soát lại, bổ xung thêm hoặc loại bớt đi những gì không còn phù hợp.

    Hiểu về bản sắc quê hương

    Tôi cũng đề nghị các kiến thức phổ thông này khi biên soạn có chú ý tới đặc điểm vùng khác nhau ở nước ta đó là thành thị, nông thôn, miền núi, miền biển. Ngoài ra mỗi tỉnh thành cũng có những nét đặc trưng riêng, vì có kiến thức rất cần, rất phổ thông ở vùng này lại không cần cho vùng khác. Vì vậy hiểu biết của các em ở địa phương, vùng núi khác thành phố là rất bình thường.

    Bên cạnh cái chung cho học sinh cả nước, sẽ có cái riêng, bản sắc của từng vùng. Ví dụ học sinh phổ thông ở Bắc Ninh cần phải thuộc một số bài hát Quan họ, học sinh ở Quảng Ninh cần biết nhiều về khai thác mỏ than hoặc du lịch Hạ long...

    Tóm lại các em cần phải biết rõ những kiến thức liên quan đến nơi mình sống, địa phương mình ở. Kiến thức đặc trưng mỗi vùng là rất quan trọng và hữu ích cho các em vì 80 đến 90% học sinh sẽ ở, làm việc tại địa phương mình sau khi học xong phổ thông và sẽ sống một cuộc đời “phổ thông” .

    Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ nắm phần chung, các sở giáo dục ở các địa phương phải chịu trách nhiệm về phần “bản sắc quê hương” của mình. Có vậy mới sát thực, hữu ích, người học không chán vì toàn phải học những thứ đẩu đâu.

    Nếu những người biên soạn sách giáo khoa, các thầy cô giáo trước khi biên soạn và dạy cho học sinh tự hỏi mình rằng những thứ mình sắp dạy cho các em đây, mình đã áp dụng được vào cuộc sống của mình bao giờ chưa?, cuộc sống hiện nay có cần đến những thứ này không? Nững kiến thức này liệu có giúp được gì cho các em khi rời ghế nhà trường?

    Trả lời nó một cách khách quan, trung thực thì sẽ biết nên d ạy môn g ì, n ên làm thế nào với các em học sinh phổ thông.


    Theo Vũ Mạnh Tiến - Nguồn Tuần Việt Nam
     
  3. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    Cám ơn anh Kiên - bài này tôi đã đọc trên Tuanvietnam - rất hay, thực tế và thấm thía, nhưng tôi tin chắc là những người có trách nhiệm và thẩm quyền ở bộ GD sẽ không bao giờ thèm "ngó nghiêng" gì đến những bài như thế này cũng như bao nhiêu bài tâm huyết khác - vì một điều dễ hiểu, là ngay cả trong 3 tờ giấy sửa lỗi ( thay cho 1 -3 cuốn sách) cho các sách GK còn cả đống lỗi ngớ ngẩn - Ngay cả đến việc Soạn có 3 tờ giấy sửa lỗi mà vẫn còn phạm vào những lỗi ngớ ngẩn, thì xem ra cái khả năng và tinh thần trách nhiệm của những con người này đã đi vào một cõi nào đó rồi. Với khả năng như thế và trách nhiệm như thế thì làm sao mà họ có thể dám đụng vào những đề nghị như thế này - Còn đào tạo ra một thế hệ như thế nào ư ? đó không phải là trách nhiệm của họ - nếu có bị đầu to lưng còng mắt cận mà vượt được 80 tiêu chuẩn của bộ Y tế thì vẫn có quyền đi lái xe ôm kiếm sống như thường - không nên "no" !
     
    webmaster thích bài này.

Chia sẻ trang này