Học giáo dục công dân như... học triết!

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi Ngoc Lan, 30/1/2008.

  1. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Học giáo dục công dân như... học triết!

    Môn học có tên "Giáo dục công dân". Dường như bị quá sức trong sứ mệnh "góp phần giáo dục con người toàn diện", kể cả nội dung sách, chương trình học và phương thức giảng dạy.

    Cô Huỳnh Thị Minh Lý (tổ trưởng tổ GDCD Trường Lê Hồng Phong -TP.HCM): Giáo viên không biết dạy để làm gì!

    Môn GDCD hiện nay thiên về lý thuyết, mang tính hàn lâm, chưa đưa ra những bài học giúp học sinh (HS) giải quyết những tình huống trong cuộc sống. Nguyên 1 học kỳ của chương trình lớp 10, HS phải học nội dung chủ nghĩa Mac – Lênin. Nguyên chương trình lớp 11 thì không hề có một bài đạo đức nào.

    Trường có 4 giáo viên bộ môn GDCD, trong đó, có một giáo viên học Sử, một giáo viên học tiếng Nga. Hầu hết giáo viên GDCD đều dạy trái tay. Khá nhiều nơi giáo viên dạy môn này cho qua chuyện, xong tiết.

    Cần phải xác định, chương trình phục vụ gì cho HS. Các em cần những buổi trao đổi với thầy cô với bạn bè những vấn đề trong cuộc sống. Theo tôi, môn GDCD cần định hướng cho HS định hình về quan điểm, lối sống và những thay đổi hàng ngày của xã hội.

    Học sinh đang sống buông thả, đang tiếp thu những văn hoá không phải của Á Đông. Môn đạo đức phải giúp học sinh hiểu được cần phải giữ lại những nét văn hoá truyền thống của Việt Nam.Học sinh cần được học để biết ứng xử những tình huống trong cuộc sống đời thường. Học sinh cần phải biết sống thế nào để dung hoà được với cộng đồng, không quá ích kỷ.

    Cô Phan Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội: HS đối phó - giáo viên ngậm ngùi

    Nhiều, HS, giáo viên, phụ huynh coi đây là môn phụ. Cô giáo giảng, HS nghe trên lớp "thấm" được cái gì thì "thấm", về nhà là "quẳng" sách vở, không xem lại.

    Hơn nữa, chương trình và SGK cũng có một số bất cập khiến cho cả giáo viên và HS khó tiếp thu. Triết học là môn học khó, nhưng lại được đưa ngay vào chương trình đầu tiên của lớp 10, khi HS bắt đầu vào trường cấp 3. Điều không hợp lý này nếu được đưa vào học kỳ 2 hoặc chuyển sang chương trình lớp 11 sẽ dễ cho HS tiếp thu hơn. Thay vào đó, khi vào lớp 10, HS nên được giáo dục đạo đức, sức tiếp thu dễ dàng. Từ đó, HS có phương pháp nhìn để tiếp thu những cái khó trong những học kỳ sau.

    Mặt khác, phần triết học nên trang bị kiến thức cho HS một cách vừa phải, "chẻ nhỏ" ra để giáo viên có nhiều ví dụ đưa vào, thêm trực quan và HS dễ nắm bắt. Một số ví dụ trong SGK còn xa vời, cũ quá và thậm chí từ rất xa, do đó, nên lấy những ví dụ gần thời đại hiện nay hơn.

    Phần giáo dục đạo đức chỉ có trong học kỳ 2 của lớp 10 là quá ít. Theo tôi, cái đó nên "xoáy" đều trong cả 3 năm học. Nội dung công dân với đạo đức ở lớp 10 có thể tách một phần sang lớp 11 như: công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình hay một số vấn đề cấp thiết của nhân loại.

    Tương tự như vậy với chương trình của lớp 11, công dân với kinh tế đi quá kỹ, nên để HS đi chuyên sâu trong quá trình học lên cao sau này. Có thể nhận xét, mức độ dạy và học của môn GDCD trong nhà trường hiện nay không được như những nhà viết sách mong muốn.

    Nhiều cái bất cập trong SGK khi tác giả không thực tế tham gia giảng dạy. Dẫn đến, cách phân bố khung chương trình không phù hợp, bài dài cho ít thời gian và ngược lại. Đối với lớp 12, HS chuẩn bị thi tốt nghiệp thì học môn này: HS đối phó - giáo viên ngậm ngùi.

    Việc đặt ra là, cần phải đổi mới phương pháp để có cách dạy phụ hợp, lấy lại vị thế cho môn học này. Trường THPT Nhân Chính thành lập được 5 năm thì có 2 năm có giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi GDCD. Qua kỳ thi này, giáo viên học được kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy qua dự giờ, góp ý.

    Nhìn nhận khách quan, môn GDCD trong nhà trường có tác dụng đào tạo con người tích cực, là trụ cột trong nhà trường để hình thành nhân cách HS, vấn đề chỉ là HS tiếp nhận được nhiều hay ít. Và quan trọng là người giáo viên cho HS hiểu giờ GDCD không khô cứng.

    Cô Lê Thu Hương, giáo viên Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội): Ít tính thực tế, HS không được hoạt động nhiều

    Phần triết học, lý luận có phần cao xa, trừu tượng, HS lại vào học ngay từ lớp 10, lứa tuổi này tầm nhận thức chưa sâu, do đó các em rất khó hiểu và giáo viên khi truyền đạt cũng gặp nhiều khó khăn. Lớp 11 học về kinh tế, về chính trị - xã hội cũng rất khô khan. Do đó, để HS nắm bắt được bài học hoàn toàn phụ thuộc vào cách giảng dạy của giáo viên. Có sự kết hợp giảng dạy gắn với thực tế.

    Tuy nhiên, các phương tiện hỗ trợ giảng dạy không nhiều và phần lớn giáo viên phải sáng tạo qua việc "bắt" HS chuẩn bị tranh vẽ theo các chủ để học. Một học kỳ, giáo viên chỉ có một vài giờ giảng bằng giáo án điện tử, bằng những tình huống và tranh ảnh giúp HS hiểu bài nhanh hơn.

    Môn học nhàm chán là do chương trình trình và SGK vẫn còn nặng về lý thuyết và khô cứng, HS ít được hoạt động trong giờ học. Phần học triết, giáo viên phải tập trung để giải thích nhiều hơn là HS phải hoạt động.

    Nhìn chung, các phần trong môn học từ triết học, kinh tế chính trị, xã hội, pháp luật nên đưa theo hướng để HS hoạt động, không nên áp đặt HS khô cứng.

    Cô Đặng Bích Ngọc, giáo viên Trường THCS Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội: Tình huống, tình huống và tình huống!

    Cách dạy của giáo viên là cô gợi mở và HS tự do phát triển. Giáo viên dẫn dắt vấn đề, đưa kiến thức và tình huống từ bên ngoài cuộc sống vào giờ học sinh động. Do đó, giờ học này, HS rất thích vì được "phát ngôn" theo sự hiểu biết của mình gắn với bài học. Giúp HS say mê với môn học, thấy giáo viên như một người bạn, người tâm giao, có vướng mắc là hỏi ngay mà không ngại.

    Với SGK, giáo viên dựa vào khung sườn từ đó có cách gợi mở với mỗi bài học để HS chủ động. Từ kiến thức nền đó, giáo viên "biến hóa" để HS hiểu bài, biết thế nào là tốt - xấu, nếu nguy hiểm cầu cứu ở đâu...Tuy nhiên, cũng có cái khó là đồ dùng dạy học còn ít, tranh ảnh minh họa cũng ít, phần lớn giáo viên phải tự chuẩn bị, tự làm, công sưu tầm tư liệu mất rất nhiều thời gian.

    Thực tế, nếu dập khuôn theo SGK thì môn GDCD là khô cứng, giáo điều, HS rất khó hiểu. Chương trình lớp 9 khó, nhiều bài liên quan đến chính trị, tư tưởng như lý tưởng sống của thanh niên, hay tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác... Kiến thức đưa vào thì giáo viên và HS đều phải dạy và học, tuy nhiên, để minh họa cho bài học khá khó khăn.

    Bên cạnh giờ lên lớp của môn GDCD, các nhà trường còn tổ chức giáo dục đạo đức công dân cho HS thông qua các hoạt động ngoại khóa, qua lễ chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt lớp... giúp HS hiểu rõ hơn các "chuyển động "trong đời sống xã hội.

    Thu Thuỷ - Đoan Trúc (thực hiện)
    VietnamNet
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ngoc Lan
    Đang tải...


Chia sẻ trang này