Ông bà thường nói “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, dẫu quan niệm này chưa đúng với mọi hoàn cảnh nhưng nhìn chung nó không sai, nhất là hiện nay, với tâm lý sính ngoại, người Việt đang dần bị “ngoại hóa”. Dẫu biết rằng ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho mình và gia đình, nhưng không phải cái gì “ngoại” cũng tốt trăm phần trăm và ngược lại, cái gì nội cũng rẻ rúng và không đáng tin. Việc chọn trường ngoại để gửi gắm tương lai của con cũng vậy, cứ Quốc tế chưa hẳn đó đã là tốt. Vợ chồng tôi đều đã bước qua tuổi 30, công việc ổn định, thu nhập khá và đời sống vật chất cũng tương đối dư giả. Chúng tôi có một cô bé gái vừa vào cấp 2. Thú thật trong những năm đầu tiên khi gửi con đi học, tôi cũng đã từng có suy nghĩ không muốn cho con bước chân vào trường công bởi nhiều lý do, chủ yếu từ suy nghĩ chủ quan và nghe lời bàn tán của các chị em khác. Con lên ba, sau nhiều lần tìm hiểu, tôi gửi cháu vào một trường quốc tế. Ngày đầu tiên đi học về cháu bị sốc tâm lý, không nói chuyện với ai, cứ thế ngồi thu lu một góc. Nghĩ chắc con chưa quen nên phản ứng ngược, chỉ cần một tuần đâu sẽ vào đấy. Nhìn vào bản cam kết và sự bề thế của môi trường quốc tế, tôi hoàn toàn tin tưởng. Thế nhưng suốt một tuần sau đó tình hình tệ hơn, con khóc, cứ níu áo mẹ mỗi lần tôi đưa tới cửa lớp. Về nhà thấy con có nhiều vết bầm trên người. Vỗ về, dẫn dụ đủ thứ chuyện, cuối cùng con mới thơ ngây nói bị bạn trong lớp cấu bẹo và dọa đánh, cô giáo thấy nhưng không mắng bạn. Quá giận, tôi đến lớp hỏi cho rõ, cô giáo bảo bạn ăn hiếp con tôi là con một đại gia nên không nói. Sau sự vụ đó, tôi quyết đưa con về và cho con học ở một trường công gần nhà, bất chấp ai có bảo trường quốc tế tốt hơn tôi cũng không màng. Vì tôi nghĩ có thể trường quốc tế được tiếng đào tạo tốt hơn, nhưng cái tốt đó không phù hợp với con tôi. Với tính cách có phần nhút nhát của con tôi, cháu sẽ khó hòa nhập và sẽ 'tự kỷ' nếu tiếp tục học ở môi trường đó. Ở môi trường mới tuy điều kiện vật chất không bằng nhưng tôi thấy con thay đổi rõ rệt. Mỗi sáng chưa đầy bảy giờ con ngồi bật dậy chỉ ba lô đòi đi học. Đưa con đến lớp, tôi đứng bên ngoài quan sát thấy con quây quần bên bạn rất vui vẻ. Cô giáo chỉ đứng bên ngoài quan sát nhưng mỗi khi có bạn nào "cà khịa", ăn hiếp bạn là cô "vào cuộc" can ngan không sợ đụng phải con ông bự này, cháu bà lớn kia! Mấy ngày ở trường về con nói huyên thuyên đủ thứ chuyện. Con khen bạn này tốt, bạn kia dễ thương, bảo cô này thương con, món ăn kia lạ. Con còn đòi tôi nấu mấy món như ở trường và ăn ngon lành. Trước đó ác cảm với trường công bao nhiêu thì nhìn con hoạt bát vui vẻ tôi lại thấy mình từng sai lầm bấy nhiêu. Con tăng cân đều đặn và ít khi ốm đau vì được rèn luyện thể chất ở trường. Con biết ca hát và cứ hay nghêu ngao mỗi khi bất chợt nghe một giai điệu quen thuộc nào đó. Nếu trước đó con rất ít nói thì giờ đây đã "thay đổi" tính nết, hay ê a kể chuyện dông dài và nhận xét mọi thứ xunh quanh. Nhìn con thay đổi tích cực, tôi mới biết ơn môi trường mà nhiều phụ huynh vẫn hay bĩu môi mỗi khi nhắc đến hai chữ "trường công". Có lần chị dâu tôi qua nhà thăm, nhìn con ngồi chơi, chị buột miệng hỏi “nghe cháu đi học rồi hả? Đi học mà đầy đặn, hoạt bát như vậy quả là mừng, em gởi con trường Quốc tế có khác nha!”. Tôi bảo gởi trường công chị có vẻ không tin! Cứ thế con hết tuổi mẫu giáo rồi qua cấp 1, bước vào những năm đầu trung học cơ sở, vợ chồng tôi luôn cho con học trường công đúng tuyến. Bởi chúng tôi quan niệm tốt xấu không phải cứ đổ hết cho môi trường, mà ở bản tính vốn có của con. Học giỏi hay dốt không phải cứ phó thác hết cho cô thầy, bài giảng, mà do năng lực và sự cố gắng của con. Có thể cho con học ở một trường giỏi nhất thành phố, nhưng bản chất con không được thông minh thì đó lại là gánh nặng, áp lực cho con rồi dẫn đến những tiêu cực không đáng có như báo chí vẫn hay đưa tin trong thờI gian qua. Dẫu biết rằng ai cũng muốn dành cho con điều tốt đẹp nhất nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, tốt - xấu không chỉ do môi trường, mà còn do nền tảng gia đình, sự giáo dục con cái của cha mẹ. Như bao người, tôi cũng đặt kỳ vọng nhiều vào con nhưng không vì thế mà "chấp mê bất ngộ" cứ chạy theo ngoại rồi bảo đó là tốt! Thú thật, mỗi lần nhìn vào những tờ giấy khen của con, tôi đều tự hào rằng đã không tiêu tốn nhiều tiền cho việc học của con nhưng thành tích của con luôn thuộc loại giỏi. Chia sẻ của độc giả gửi từ email: hoangdung13...@...
Ðề: Học trường công, con tôi vẫn giỏi Đọc bài này mình thấy chủ quan sao ý. Ở đâu mà chả có trò giỏi, trò dốt nên chả vì con mình mà nói trường công tốt hay trường quốc tế tốt.
Ðề: Học trường công, con tôi vẫn giỏi Thời đi học có lần cô giáo bảo mình, trò giỏi hay không 60% là do bản thân trò, còn 40% là do giáo viên và trường học. Bé nói trong bài bản thân bé đã thông minh chịu khó học tập thì đã có cái đà để tiến tới, nếu đưa bé vào một ngôi trường chuyên nghiệp với những giáo viên giỏi tận tâm với học sinh thì bé sẽ còn phát triển hơn nữa.
Ðề: Học trường công, con tôi vẫn giỏi Trên thực tế qua các kỳ thi đỗ đại học trong nước chủ yếu là học sinh các trường chuyên , lớp chọn tỷ lệ đỗ rất cao , khi ra nước ngoài bạn cũng gặp điều tương tự khi hỏi em học trường nào chủ yếu là Ams , Lê Hồng Phong , các trường chuyên Ngữ ...mình nghĩ tố chất của trẻ là quan trọng nhưng môi trường cũng rất quan trọng , nếu con giỏi gặp môi trường tốt quá ổn để phát triển , con chưa giỏi môi trường tốt sẽ giúp con tốt hơn . Một chị bạn mình quen rất khen trường Nguyễn Siêu , chị ấy khen cách dạy , cách học , cách cho trẻ phát triển mà không bắt phải học nhiều , không chạy đua thành tích như ở các trường công lập hiện nay . Nền giáo dục nước ta còn nhiều điều đáng bàn , nhưng nếu con học giỏi nên tạo hướng phát triển trong môi trường tốt , nếu con chỉ bình thường mình thấy đúng là không nên ép con , không nên chạy trường điểm trường chuyên làm gì , ai cũng có tài trên từng lĩnh vực riêng , có đam mê mới giỏi được ,quan trọng là phát hiện ra năng khiếu con bạn giỏi môn gì , giỏi ngành gì ^.^ ???