Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

Thảo luận trong 'Sữa cho bé' bởi thảo dược và sức khỏe, 30/12/2012.

  1. thảo dược và sức khỏe

    thảo dược và sức khỏe Banned

    Tham gia:
    28/12/2012
    Bài viết:
    38
    Đã được thích:
    5
    Điểm thành tích:
    8
    Nguồn: www.lavaviet.com

    Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy và Lê Thị Thu Hà đã có buổi trả lời trực tuyến với thắc mắc về sữa và nuôi con bằng sữa của các mẹ trên toàn quốc , LAVA xin trích dẫn bài trả lời gồm nhiều câu hỏi quan tâm trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
    Để tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm tắt nội dung quan tâm mỗi câu hỏi để các bạn dể dàng tìm hiểu thông tin, mọi đón góp xin comment bên dưới để LAVA cãi thiện trong các tin sau.


    Đầu ti bị nứt?

    - Năm nay tôi 28 tuổi, đầu ti của tôi bị nứt, tôi đã dùng nhiều loại thuốc nhưng không đỡ. Bác sĩ nói tôi phải uống kháng sinh thì mới khỏi. Nhưng tôi đang cho con bú nên không dùng được loại kháng sinh đó, và tôi cũng chưa cai sữa cho cháu được. Mỗi lần cho cháu ti tôi rất là đau. Vậy cho tôi được hỏi: đầu ti bị nứt cổ gà có nên cho con bú và nếu bú thì có ảnh hưởng không tốt cho bé không? Tôi xin cảm ơn. (Hoàng Thị Vân, 28 tuổi, Nha Trang)

    - Tiến sĩ – Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy: Đầu ti bị nứt là do em bé ngậm ti lâu khi bú. Khi đã bị nứt rồi thì không nên tiếp tục cho bú nữa, em nên vắt sữa ra ly và cho bé bú bằng thìa. Trong khi đó em nên giữ đầu vú khô, sạch, có thể bôi lên đầu ti một ít vaselin, không cần uống kháng sinh. Sau vài ngày sẽ khỏi và em tiếp tục cho bé bú lại. Nhưng nhớ rằng không nên cho bé ngậm ti lâu và phải giữa sạch, khô đầu ti.



    Mẹ bị cảm có nên cho con bú?

    - Con tôi 5 tháng tuổi, bú sữa mẹ và dặm thêm sữa ngoài. Hiện tôi đang bị cảm cúm, ho sốt. Xin BS cho biết có nên cho cháu bú lúc mẹ đang bị cảm không? Lúc cho cháu bú xong, có nên vắt sữa thừa ra không? Tôi luôn nằm cho bú, có phải vì thế sữa không về nhiều không? Xin cám ơn Bác sĩ. (Thanh Hương, 30 tuổi, Đà Lạt)

    - BS Thủy: Chị đang bị cảm ho sốt thì vẫn có thể cho bé bú được tùy vào sức khỏe của mình. Nhưng khi đang cho con bú thì nên mang khẩu trang. Tránh hắt hơi và ho trực tiếp vào mặt của bé. Trong trường hợp chị quá mệt mỏi, tình trạng viêm long, xuất tiết nhiều ở mắt mũi họng thì có thể vắt sữa ra ly cho bé uống bằng thìa. Khi cho bé bú nên chú ý cho bú hết một bên vú rồi hãy sang vú bên kia và lần sau thì đổi lại, không cần phải vắt sữa thừa bỏ đi.

    Lưu ý có một số thuốc chị uống để điều trị cảm sốt có thể qua sữa làm ảnh hưởng đến bé. Chị nên đến khám và được tư vấn bởi bác sĩ khi phải uống bất cứ loại thuốc gì.

    Sữa mẹ có bị lạnh?

    - Xin các bác sĩ tư vấn dùm, mẹ em nói rằng sau khi ra ngoài đường và tắm xong không nên cho con bú vì sợ sữa lạnh không tốt cho em bé. Vậy cho em hỏi nếu như vậy thì trong bao lâu em nên cho em bé bú lại vì có lần em đi ra ngoài về, đợi đến 2 tiếng sau mới cho em bé bú nhưng em bé đi ị phân không tốt lắm. (Nguyễn Thùy Trang, 23 tuổi, Hải Dương)

    - BS Thủy: Sữa ở trong bầu vú của mẹ bao giờ cũng tốt và sữa chỉ được tiết ra khi cho bé bú hoặc nặn vắt sữa. Em không cần lo lắng sữa bị lạnh không tốt cho bé. Chỉ cần mỗi lần trước khi cho bé bú em nên nặn vắt bỏ đi vài giọt sữa đầu là được. Phân của bé bú mẹ phản ánh chế độ dinh dưỡng, các loại thức ăn của mẹ. Khi bé đi phân xấu, thường là do mẹ ăn uống những thức ăn khó tiêu hóa, gây dị ứng … Vì vậy em nên chú ý trong chế độ dinh dưỡng của bà mẹ khi cho con bú phải là những loại thức ăn hợp vệ sinh, dễ tiêu hóa. Tránh những loại thức ăn gây dị ứng.



    Các bác sĩ tư vấn trực tuyến về nuôi con bằng sữa mẹ cho đúng cách, sáng 4/9. Ảnh: Thiên Chương



    Tư thế cho con bú và chế độ dinh dưỡng mẹ đang cho con bú

    - Xin hỏi bác sĩ, cho con bú như thế nào đúng tư thế, bú bao nhiêu là đủ, làm sao để bé chịu bú. Chế độ dinh dưỡng hợp lý để mẹ có thể cung cấp cho con nguồn sữa chất lượng, giúp bé phát triển khỏe mạnh và thông minh? (Bích, 25 tuổi, Hải Hậu)

    - Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Thị Thu Hà: Người mẹ có thể cho con bú ở tư thế ngồi hoặc nằm đều được. Điều quan trọng là khi cho bú, tư thế của cả mẹ và con đều thoải mái để thời gian bú được kéo dài. Tư thế của trẻ cần thẳng người. Khi người mẹ ngồi cho con bú, nếu cho con bú bên vú phải, tay phải của mẹ đỡ người bé, bàn tay nâng mông bé, cẳng tay nâng thân người bé và phần dưới cánh tay nâng đầu bé, mặt bé hướng về bầu vú mẹ, miệng bé há rộng, ngậm luôn cả núm vú và quầng vú. Tay trái của mẹ nâng vú, ngón tay cái đặt phần trên của quầng vú, các ngón tay còn lại nâng bầu vú bên dưới, ngón tay trỏ hướng núm vú về miệng bé. Sau khi bé ngậm vú tốt, mẹ dùng tay trái để âu yếm, vuốt ve bé, mặt mẹ hướng về phía bé. Bé nuốt sữa nghe ừng ực là đã bú đúng cách.

    Khi người mẹ nằm cho con bú cần thiết phải có một người lớn bên cạnh, vì sau sinh, các bà mẹ dễ buồn ngủ và khi bú, nếu mẹ ngủ quên, bầu vú mẹ sẽ đè vào mũi bé, gây ngạt cho bé. Ở tư thế này, mẹ nằm nghiêng, hướng về phía bé, tay cùng bên bầu vú cho bé bú sẽ đỡ bé. Bé ngậm bắt vú tương tự như cách bú ngồi.
    Bé bú theo nhu cầu, không nhất thiết phải theo thời gian. Những bé được cung cấp đủ sữa sẽ tăng cân 800-1.000gr mỗi tháng, bé tiểu trên 8 lần trong ngày.
    Để bé chịu bú, người mẹ cần tạo sự thoải mái khi cho con bú cả về tư thế, không gian yên tĩnh cũng như trạng thái tinh thần của mẹ.

    Người mẹ khi cho con bú cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng như: đạm (từ động vật: thịt bò, heo, gà, cá…, từ thực vật như: các loại đậu), đường (gạo, bắp, bánh mì…), chất béo, vitamin (các loại rau quả) và chất khoáng. Đặc biệt, người mẹ cần uống nhiều nước, sữa. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, người mẹ ăn các loại cá biển như: cá hồi, cá thu, cá mòi sẽ cung cấp nhiều DHA trong sữa mẹ và giúp trẻ phát triển trí não tốt hơn.

    Thời gian nuôi con bằng sữa mẹ

    - Em nghe nói về việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vậy cho bé uống thêm nước, trà đầy bụng, hay tưa lưõi bằng mật ong có bị coi là không “hoàn toàn” hay không? Nếu cho bé bú đến tháng thứ 6 trong khi đây là thời kỳ mọc răng của bé thì có ảnh hưởng gì đến khả năng nhai của bé sau này không? Có nên cho bé tập ăn dặm từ tháng thứ 4 hay không? Làm thế nào để biết lượng sữa đủ để nuôi con hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng? (Phuc Bao Han, 27 tuổi, Hòa Bình)

    - BS Thủy: Khi bé được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ từ 4 đến 6 tháng tuổi thì không cần phải uống thêm nước vì trong sữa mẹ có đến 90% là nước. Khi bé bị tưa lưỡi thì nên làm vệ sinh lưỡi bé bằng nước muối sinh lý, nếu có hiện tượng lưỡi và niêm mạc miệng bé có những chấm trắng thì có thể bé đã bị nấm. Em nên đưa bé đến cơ sở y tế để được khám và rơ miệng theo ý kiến của bác sĩ.

    Khi bé được 4 tháng, nghĩa là đầu tháng thứ 5 thì em có thể tập cho bé ăn dặm nhưng chỉ là tập cho bé biết thôi, em vẫn phải tiếp tục nuôi dưỡng bé bằng sữa mẹ. Việc này không ảnh hưởng khả năng nhai của bé về sau. Để biết lượng sữa đầy đủ và đảm bảo chất lượng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, người ta đánh giá bằng sự tăng cân của bé mỗi tháng. Nếu bé phát triển cân nặng chiều cao tốt thì có thể yên tâm là bé đã được dinh dưỡng đầy đủ bằng sữa mẹ.

    Độ tuổi cai sữa cho bé? Cách cai sữa đúng

    - Cho em hỏi, con em đã 14 tháng tuổi có nên cai sữa không? Và nếu cai sữa thì làm thế nào cho đúng cách, đúng khoa học. (Thanh Nhã, 27 tuổi, Lâm Đồng)

    - BS Hà: Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, người mẹ nên cho con bú kéo dài từ 18 đến 24 tháng, thậm chí dài hơn. Trước khi cai sữa, nên chuẩn bị thức ăn thay thế sữa mẹ như: các loại bột hoặc cháo dinh dưỡng có đầy đủ thành phần đường, đạm, chất béo và rau. Bạn nên tập bé ăn dặm từ trước và không nên cai sữa đột ngột. Nên chọn các tháng có tiết trời dịu mát để cai sữa dễ dàng hơn. Khi cai sữa cần tăng cường các bữa ăn cho bé, cho ăn những thức ăn đặc, uống thêm nước. Bên cạnh việc cai sữa, mẹ cần trò chuyện hoặc cho bé chơi những trò chơi thích hợp với lứa tuổi. Người mẹ thường xuyên âu yếm, quan tâm bé nhiều hơn để tránh cho bé có cảm giác bị bỏ rơi.



    Bác sĩ Thủy thú vị trước một câu hỏi dí dỏm của độc giả nam. Ảnh: Thiên Chương



    Bảo quản sữa mẹ bên ngoài

    - Khi em đi làm, em phải hút sữa ra để tủ lạnh cho con, đồng thời buổi trưa không về nhà cho con bú được thì hút sữa ra và cũng bảo quản lạnh. Sữa bảo quản lạnh liệu chất lượng có kém hơn sữa con bú trực tiếp từ mẹ? (Phạm Ngọc Tú, 24 tuổi, Nam Định)

    - BS Thủy: Việc em phải đi làm nên hút sữa để cho con là rất tốt. Nhưng không cần phải bảo quản lạnh em chỉ cần chứa sữa trong bình sạch và cho bé uống trong vòng 6 giờ thì không ảnh hưởng đến chất lượng sữa và hệ tiêu hóa của bé. Mặc dù bảo quản lạnh, em vẫn không nên để lâu quá 6 giờ vì sữa dễ lên men, hư hỏng, bé bú vào sẽ bị tiêu chảy nôn ói… Nếu sữa bảo quản lạnh em phải ngâm bình sữa vào nước nóng để sữa hơi ấm lên rồi mới cho bé bú. Tránh ngâm nước quá nóng sẽ làm mất chất lượng sữa.



    Dùng sữa ngoài trong thời gian đầu của trẻ?

    - Trong những tháng đầu cho trẻ bú mẹ kèm theo 1 hoặc 2 cữ sữa ngoài thì có ảnh hưởng gì đến hệ tiêu hóa của trẻ hay không? (Thu Hà, 30 tuổi, Thanh Xuân – Hà Nội)

    - BS Hà: Trong những tháng đầu sau sinh người mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn (không cho uống nước hoặc uống sữa ngoài). Vì trong sữa mẹ có nhiều thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ phù hợp hệ tiêu hóa của trẻ, bên cạnh đó còn có kháng thể giúp trẻ chống lại những bệnh nhiễm trùng, có hàm lượng vitamin A giúp mắt trẻ tốt hơn.

    Bé được bú sữa mẹ cũng ít bị táo bón, tăng cân nhanh, phát triển tốt về trí não và cảm xúc, người mẹ đỡ tốn kém tiền mua sữa ngoài… Ngoài ra, cho bú mẹ hoàn toàn còn là một biện pháp ngừa thai tự nhiên. Do vậy nếu có thể được bạn nên cho con bú hoàn toàn sữa mẹ trong những tháng đầu sau sinh.



    Xác định thiếu sữa và cách khắc phục giúp đủ sữa cho con bú

    - Tôi sinh được 23 ngày, ngay sau đẻ đã cho bé bú ngay. Tuy nhiên, sữa mẹ không nhiều, bé mút ti cả tiếng không bỏ ra và dậy vào ban đêm nhiều lần, cứ 1 tiếng bé dậy hoặc ti xong ngủ 1 lát là bé dậy. Một ngày tôi ăn 2 bữa cơm và 3 bữa cháo móng giò. Bú không đủ, bé khóc nên tôi phải cho bú sữa ngoài thêm. Bầu sữa của tôi đúng là hơi nhỏ. Vậy theo bác sĩ như thế có thiếu sữa không? Và làm cách nào để có đủ sữa? (Trần Hiền, 25 tuổi, Vĩnh Long)

    - BS Thủy: Theo những gì chị kể thì đúng là chị không đủ sữa cho bé bú nên bé ngủ không thẳng giấc và bú rất lâu. Để có nguồn sữa mẹ đầy đủ chị nên có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn. Chị có thể uống thêm sữa và nhiều chất lỏng như nước trái cây… Cho bé bú nhiều theo nhu cầu của bé, thoải mái vui tươi khi cho con bú. Thực hiện như vậy dần dần số lượng sữa sẽ được nhiều lên, bé sẽ có đủ sữa để bú. Chị không nên cho bé ngậm ti lâu như vậy vì dễ bị nứt đầu ti, không cho bé bú được càng làm mất sữa.



    Hiện tượng tiết sữa sau khi cai sữa nuôi con.

    - Tôi đã cai sữa cho con được gần 2 năm, nhưng thi thoảng nặn đầu ti vẫn thấy rỉ giọt sữa. Như vậy là bình thường hay có vấn đề gì? (Đặng Minh Minh, 29 tuổi, Vinh, Nghệ An)

    - BS Thủy: Đối với những phụ nữ đã cho con bú bằng sữa mẹ, tuyến sữa vẫn còn nhiều mặc dù không bài tiết ra sữa. Sự tiết sữa phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm lý, nội tiết nên thỉnh thoảng vẫn có thể chảy ra hoặc nặn ra được vài giọt sữa. Chị yên tâm. Nhưng nếu sữa chảy ra nhiều và thường xuyên chị nên đi khám và xét nghiệm vì có thể do rối loạn nội tiết.



    Bác sĩ Hà: “Nhiều nghiên cứu cho thấy sữa của bà mẹ ở vùng duyên hải ăn nhiều cá biển nên có lượng DHA nhiều hơn sữa bà mẹ cao nguyên”. Ảnh: Thiên Chương

    Mẹ viêm gan B

    - Em đang mang thai và bác sĩ xét nghiệm nói em bị siêu vi B nên dặn em không được cho con bú, vậy em nuôi con như thế nào để bé được khỏe mạnh? Mong bác sĩ cho em một lời khuyên. (T Suong, 25 tuổi, TP HCM)

    - BS Hà: Quan niệm trước đây cho rằng những người mẹ bị viêm gan siêu vi B (HBsAg dương tính và HBeAg dương tính) thì không nên cho con bú vì sợ lây bệnh cho con. Nhưng hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh viêm gan siêu vi B lây truyền cho trẻ ở giai đoạn chuyển dạ (dù sinh thường hay sinh mổ) chiếm 90%, lây qua 3 tháng cuối thai kỳ trong thời gian mang thai khoảng 5-7% và lây truyền qua đường cho con bú chỉ chiếm 2-3%.

    Để phòng ngừa cho bé, điều quan trọng nhất là tiêm ngừa cho bé ngay sau sinh. Hiện nay, các bệnh viện chuyên khoa sản ở TP HCM đều có thuốc tiêm ngừa này. Người mẹ có bệnh viêm gan siêu vi B vẫn có thể cho con bú. Do vậy, bạn nên đến các bệnh viện phụ sản ở TP HCM để sinh và tiêm ngừa cho bé.

    Đầu ti bị ngắn

    - Tôi bị đầu ti ngắn, nên rất khó cho bé bú. Bác sĩ có thể hướng dẫn tôi một số biện pháp để kéo dài đầu ti trước khi mang bầu và trong thời gian cho con bú. (Đỗ Mai Hương, 28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

    - BS Thủy: Một số phụ nữ có cấu trúc đầu ti ngắn hoặc bị thụt vào. Điều này làm cho chị em cảm thấy lo lắng sẽ không cho bé bú được sau khi sinh. Vì vậy phải khắc phục điều này ngay từ lúc mới mang thai. Khi thai nhi đã qua tam cá nguyệt đầu (3 tháng đầu) của thai kỳ thì mỗi ngày khi tắm rửa chị em nên xoa và kéo nhẹ đầu vú giúp cho núm vú dài ra và không bị thụt vào. Kiên trì cứ làm như vậy cho đến khi sinh thì chị em sẽ có đầu ti rõ ràng để bé có thể ngậm bắt vú tốt.



    Có nên nuôi con bằng sữa mẹ và sữa ngoài?

    - Tôi ở Hải Phòng có con trai hơn 3 tháng tuổi, vợ tôi vừa cho bú sữa mẹ vùa cho bú sữa ngoài. Xin hỏi bác sĩ như thế có tốt cho cháu không, cháu phát triển bình thường mỗi tháng lên được 1,2 kg. Xin cảm ơn bác sĩ (Thinh, 29 tuổi, Hai Phong)

    - BS Thủy: Mỗi tháng bé lên được 1,2 kg rất là lý tưởng. Cân nặng của bé phản ảnh sự dinh dưỡng đầy đủ và có chất lượng hay không. Nhưng thường khi cho bé vừa bú mẹ vừa bú bình bé sẽ tự chọn lựa 1 trong 2. Vì vậy nên cho bé bú mẹ trước khi bú bình là tốt nhất.



    Tuổi cho trẻ ăn dặm

    - Bác sĩ cho em hỏi cho con bú sữa mẹ đến tháng thứ mấy thì nên cho ăn dặm (Phan Thị Loan, 25 tuổi, Vũng Tàu)

    - BS Hà: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các bà mẹ nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh. Và kể từ tháng thứ 7 trở đi nên cho bé ăn dặm vì lúc này nguồn sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho trẻ.
    Nếu cho bé dăn dặm quá sớm, hệ tiêu hóa của bé chưa thích nghi dễ gây hội chứng kém hấp thụ, bé bị tiêu chảy, đầy bụng và sẽ khó lên cân. Ngược lại nếu cho bé ăn dặm quá muộn thì lượng sữa mẹ lúc này không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ và bé cũng lại không tăng cân. Ban đầu nên cho bé ăn dặm bột hoặc cháo dinh dưỡng hơi loãng và sau đó đặc dần, khi bé quen thì tăng dần lượng và chất. Nên thay đổi các loại thực phẩm để tránh hiện tượng chán ăn.



    Tránh sặc khi cho bé bú

    - Chỉ còn ít ngày nữa là em sinh em, bác sĩ có thể hướng dẫn em cách cho em bé bú mà không bị sặc không, vì là bé đầu nên em chưa có kinh nghiệm. Bác sĩ giúp em nhé. Em cảm ơn bác sĩ (Minh Thúy, 27 tuổi, Hà Nội)

    - BS Thủy: Một em bé sinh đủ tháng sẽ có phản xạ bú rất tốt. Theo khuyến cáo của y khoa để cho có nguồn sữa mẹ đầy đủ, bé bú được an toàn như sau: cho bé bú sớm 30 phút sau sinh, bú theo nhu cầu của bé có nghĩa là khi nào bé khóc đòi bú thì cho bú mà không nên cho bú theo giờ. Khi cho bú mẹ nên ngồi và bế bé với tư thế đầu hơi cao hơn thân người, ôm sát bé vào lòng mẹ, miệng bé phải ngậm vừa núm vú và 2/3 quầng vú. Sau khi cho bé bú xong phải ẵm bé đầu cao, vỗ nhẹ lưng bé cho đến khi bé ợ hơi được. Thực hiện như vậy bé sẽ không bị nấc cụt, không bị sặc sữa và không bị ọc sữa.



    Thức ăn nên kiêng khi nuôi con bằng sữa mẹ

    - Bác sĩ cho cháu hỏi: cháu đang cho con bú thì cần kiêng những thức ăn gì? (Nguyễn Thanh Mai, 28 tuổi, Lê Chân, Hải Phòng)

    - BS Hà: Người mẹ đang cho con bú nên tránh một số loại thực phẩm có gia vị quá nhiều hoặc có mùi quá nồng vì sẽ làm thay đổi mùi sữa mẹ, làm trẻ khó bú.
    Người mẹ không nên dùng các chất kích thích như: cà phê, r***, thuốc lá và các chất kích thích khác, đồng thời tránh buồn bực, giận dữ lúc cho con bú.
    Khi dùng những loại thuốc để điều trị bệnh, nên thông tin cho bác sĩ biết là đang cho con bú để chọn thuốc phù hợp.



    Chế độ dinh dưỡng bổ sung cho mẹ



    - Trong thời kỳ cho con bú các bà mẹ có nên uống thực phẩm bổ sung dinh dưỡng vitamin và các chất khoáng để nâng cao chất lượng sữa? (Ta Xuan Quyet, 35 tuổi, Ha Noi)

    - BS Thủy: Chế độ dinh dưỡng của bà mẹ trong khi cho con bú rất quan trọng và cần thiết. Người mẹ khi đang cho con bú phải ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng đường, đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Có 2 loại thuốc phải bổ sung đó là sắt và calcium suốt thời gian hậu sản và cho con bú. Ngoài ra người mẹ có thể uống thêm sữa, ăn nhiều rau, trái cây để giúp cho bầu sữa mẹ được nhiều và đầy đủ chất dinh dưỡng.



    Vắt sữa mẹ hợp lý và cách bảo quản sữa.

    - Thưa bác sĩ. Nếu bé không chịu ti mẹ thì mẹ có thể vắt sữa ra bình cho bé bú được không? Vắt như vậy có bị mất sữa không? Mỗi ngày nên vắt bao nhiêu lần? Sữa vắt ra có thể để được bao lâu? (Phạm Thị Hoài Phương, 24 tuổi, Bình Thạnh, HCM)

    - BS Hà: Thông thường trẻ thích bú ti mẹ hơn là núm vú nhân tạo trừ những trường hợp rất đặc biệt như là núm vú thụt hẳn vào trong.
    Những trường hợp bé không bú ti mẹ như trên thì mẹ có thể vắt sữa ra bình cho bé uống bằng thìa. Khi vắt sữa như thế mẹ sẽ không bị mất sữa mà ngược lại giúp duy trì nguồn sữa mẹ lâu dài. Khi vắt sữa ra, bầu sữa trống sẽ kích thích tuyến yên tiết ra chất prolactin giúp việc tạo sữa nhiều hơn. Mỗi ngày bạn có thể vắt sữa từ 5 đến 7 lần và sữa được vắt ra để vào tủ lạnh: nếu đế ở ngăn đá có thể bảo quản 7 ngày, nếu để ở ngăn lạnh bảo quản được 24 h. Trước khi cho bé bú nên ủ ấm sữa lại.

    Quan trọng là bảo đảm vệ sinh khi vắt sữa: cần luộc sôi bình sữa, dụng cụ vắt sữa, lau sạch đầu vú trước khi vắt sữa. Hiện tại có nhiều dụng cụ vắt sữa được bán ở các siêu thị giúp việc vắt sữa dễ dàng thuận lợi hơn so với việc vắt bằng tay. Việc vắt sữa mẹ cũng cần thiết trong những trường hợp mẹ cương tức sữa hoặc mẹ không thể trực tiếp cho con bú được do những bệnh lý có thể lây truyền qua đường hô hấp.



    Bác sĩ Thủy: “Dinh dưỡng đầy đủ, tinh thần thoải mái, cho bú đúng cách thì mẹ sẽ có rất nhiều sữa cho con”. Ảnh: Thiên Chương



    Nguyên nhân tiết sữa của mẹ nhiều hay ít?

    - Thưa bác sĩ, tại sao có người có nhiều sữa, người có ít sữa và người thì không có? Nguyên nhân ở đâu? Làm thế nào để có sữa cho con? (Dương, 29 tuổi, Hà Nội)

    - BS Thủy: Việc có lượng sữa nhiều hay ít sau sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: số lượng tuyến sữa trong bầu vú (có người bầu vú lớn nhưng cấu trúc phần lớn là mô mỡ, có người bầu vú bé nhưng lại rất nhiều mô tuyến vú), chế độ dinh dưỡng trong khi mang thai, sau sinh, cách cho em bé bú… Nếu em muốn có nhiều sữa cho con bú sau sinh thì nên dinh dưỡng tốt trong khi mang thai, giữ bầu vú sạch không bị viêm nhiễm, cho con bú sớm ngay sau sinh, cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, dinh dưỡng tốt trong khi cho bé bú, nhớ giữ tinh thần thoải mái vui tươi.



    Sữa non cho con bú

    - Tôi sinh cháu (sinh mổ) ngày hôm trước, hôm sau mới cho con bú được. Như vậy có mất sữa non không? (Nguyễn Thị Trà Giang, 35 tuổi, Phan Xích Long, Phú Nhuận)

    - BS Hà: Sinh mổ như bạn vẫn có thể cho con bú trong vòng 3-4 giờ đầu sau khi mổ. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp do vết mổ bị đau hay do người mẹ phải nằm trong phòng hồi sức cách ly nên đến ngày hôm sau mới cho con bú. Cho dù bú vào ngày hôm sau, sữa non vẫn không mất đi, những đặc tính của sữa non như: dồi dào kháng thể, nhiều vitamin A, thích hợp với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ, giúp trẻ đi phân su dễ dàng.



    Trẻ bị táo bón

    - Cháu nhà tôi được 3 tháng tuổi, hiện tại tôi đang cho bé bú mẹ hoàn toàn nhưng 6 ngày cháu mới đi đại tiện 1 lần, cứ đều đặn như thế 1 tháng nay rồi. Phân của cháu mềm và rất vàng. BS cho tôi hỏi cháu nhà tôi có bị táo bón không? Nếu bị táo bón thì có cách nào cải thiện tình hình không ạ? (Nguyễn Thị Thu Phương, 25 tuổi, Gia Lam, Ha Noi)

    - BS Thủy: Theo hiện tượng sinh lý bé sẽ có táo bón nhẹ khi được 2 đến 3 tháng tuổi. Nhưng 6 ngày cháu mới đi đại tiện 1 lần mặc dù phân mềm là không bình thường. Chị nên xem lại dinh dưỡng và chế độ ăn của chị. Thường mẹ táo bón cũng làm cho con bị táo bón. Bé dinh dưỡng không đầy đủ cũng bị táo bón. Điều này sẽ thể hiện ở sự tăng cân của em bé. Chị nên cân bé thường xuyên và dựa vào cân nặng của bé để điều chỉnh chế độ ăn của mình. Chị nên ăn nhiều rau, trái cây có tính nhuận trường như rau dền, mồng tơi, cam, chuối, đu đủ… để giúp cho hệ tiêu hóa được tốt. Trong trường hợp áp dụng chế độ ăn như vậy mà tình hình bé vẫn không được cải thiện hơn, chị nên đưa bé đi khám vì có một số bệnh lý gây táo bón như phình đại tràng bẩm sinh, đại trực tràng dài…



    Đối phó với lượng sữa mẹ không đủ cho con bú

    - Bác sĩ cho tôi hỏi, trong trường hợp sữa mẹ không có đủ để đáp ứng bé, tôi có nên pha lẫn sữa mẹ với sữa công thức để cho bé bú hay không? (Nguyễn Thu Trang, 27 tuổi, Hải Phòng)

    - BS Thủy: Trong trường hợp sữa mẹ không đầy đủ chị nên tìm cách để tăng số lượng và chất lượng sữa: vấn đề dinh dưỡng của chị trong khi cho bé bú. Có thể chị đã ăn uống không đầy đủ, quá lo lắng, tinh thần không thoải mái… Vì vậy chị nên thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc biệt khi cho con bú. Chị có thể uống thêm sữa dành cho bà mẹ cho con bú có thể làm tăng số lượng và chất lượng của nguồn sữa mẹ… Trong trường hợp vẫn không có đủ sữa để đáp ứng cho bé (bé tăng cân chậm, khóc đòi bú thường xuyên, ngủ không thẳng giấc…) chị có thể cho bé bú thêm sữa nhân tạo nhưng không nên pha lẫn với sữa mẹ. Chị nên cho bú sữa mẹ trước, bú từng bên vú một sau đó nếu bé còn đói chị có thể cho bú thêm sữa công thức.



    Cho bé bú ban đêm hợp lý

    - Em vừa sinh con được 2 tháng, con em mê ngủ đêm lắm, nhiều khi ngủ tới sáng luôn mà không chịu dậy bú, em có nên đánh thức bé dậy để bú không? (Nguyễn Thanh Tâm, 25 tuổi, Định Quán, Đồng Nai)

    - BS Thủy: Thông thường khi bé đói bé sẽ thức dậy khóc và đòi bú. Ban đêm có thể bé ngủ quên mà không thức dậy để bú. Để giúp cho việc bảo đảm sức khỏe của hai mẹ con em nên cho bé bú bữa tối muộn vào khoảng 22 đến 23 giờ và cho bé bú sớm vào bữa sáng của ngày hôm sau vào khoảng từ 4 đế 6 giờ sáng. Như vậy bé sẽ không bị hạ đường huyết, ngủ thẳng giấc và em cũng được ngủ thẳng giấc đến sáng.



    Nguyên do nhiều sữa? Ít sữa?

    - Hiện tại em đang mang thai đi siêu âm bác sĩ nói được 20 tuần. Em nghe nói trong giai đoạn này sẽ có sữa non tiết ra, không biết có người nào giống nhau không nhưng em thì chưa thấy. Và xin hỏi bác sĩ là chế độ ăn uống thế nào để đến khi sinh em bé mình có nhiều sữa. Tại sao có người mẹ khi sinh em bé lại không có sữa? Cám ơn bác sĩ rất nhiều. (Tran Tuyet Minh, 29 tuổi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi)

    - BS Hà: Ở tuổi thai 20 tuần trở đi phần lớn các bà mẹ sẽ thấy tiết một ít sữa non, tuy nhiên hiện tượng này không phải xảy ra ở tất cả bà mẹ, do vậy cũng có những trường hợp không thấy tiết sữa. Đối với tất cả bà mẹ dù ốm hay mập, vú lớn hoặc nhỏ khi mang thai thì sau sinh đều có sữa.

    Để có nhiều sữa cần thiết làm thực hiện một số điều sau đây:
    1/ Dinh dưỡng đầy đủ các chất: chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), chất đường (gạo, bắp, nếp, bột…), chất béo (ưu tiên cho không no như dầu ăn), các loại vitamin (rau, củ, quả…) và các chất khoáng, nên uống nhiều nước và sữa.
    2/ Phải cho con bú sớm trong vòng 30 phút đầu sau sinh. Cho bú sớm sẽ kích thích việc tạo và phóng thích sữa. Cho bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu sau sinh để giúp tạo nhiều sữa hơn. Nên uống nhiều nước và sữa trong quá trình cho con bú. Tinh thần người mẹ phải thoải mái khi cho con bú.

    Một số người mẹ than phiền không có sữa sau sinh, điều này chủ yếu là do tâm lý sợ không đủ sữa cho con bú nên đã cho bé bú sữa ngoài từ đầu. Chính việc này làm hạn chế tiết sữa.

    Sữa mẹ và nước cho trẻ?

    - Cho tôi hỏi là sau khi cho con bú bằng sữa mẹ có cần cho bé uống thêm nước không? (Linh Nguyên, 24 tuổi, Cầu Giấy, HN)

    - BS Hà: Trong giai đoạn 6 tháng đầu sau sinh, nếu bạn cho con bú sữa mẹ hoàn toàn thì không cần cho bé uống thêm nước, bởi vì trong sữa mẹ có 90% là nước. Tuy nhiên, ở giai đoạn ăn dặm (từ 6 tháng tuổi trở lên) thì nên cho bé uống nước để sạch miệng và cung cấp thêm nước.



    Chất lượng sữa mẹ

    - Vợ sinh con gái được 3.3 kg. Sau 15 ngày ăn sữa mẹ hoàn toàn, bé không lên cân. Mẹ tôi nói sữa của vợ tôi không thơm nên không tốt và đề nghị dùng sữa bột. Xin hỏi, vợ tôi có nên cho con bú sữa mẹ nữa không? (Dang Long, 33 tuổi, Cau Giay, Ha Noi)

    - BS Thủy: Đúng là cân nặng của bé phản ánh tình trạng dinh dưỡng. Nhưng 15 ngày thì quá sớm để nói rằng bé có tăng cân không. Thường sau sinh trong tuần lễ đầu bé có hiện tượng mất nước, giảm cân sinh lý và sẽ hồi phục dần sau đó. Bà có thể nóng ruột nhưng không nên quá vội vàng để cắt đi nguồn sữa mẹ quý báu. Em nên tiếp tục cho bé bú nhiều hơn, tích cực hơn và không quên ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ để nâng cao chất lượng sữa mẹ.

    - Em muốn hỏi nếu sinh mổ, sau khi sinh xong mẹ vẫn đau đớn và chưa được ăn gì, vậy thời điểm nào cho con bú là phù hợp? (Ái Quân, 35 tuổi, Hà Nội) (Hanh, 34 tuổi, Hà Nội)

    - BS Thủy: Hiện nay người ta khuyên rằng các bà mẹ nên cho con bú sớm ngay sau sinh để tận dụng nguồn sữa non chứa nhiều kháng thể giúp bé bảo vệ cơ thể ít bị bệnh tật. Em sinh mổ nhưng đã tỉnh táo, nên em có thể cho em bé bú ngay. Việc đau do co hồi tử cung có thể gặp ở tất cả bà mẹ sau sinh thường hoặc sinh mổ. Vết mổ có thể đau hơn nhưng việc cho bú, vận động sẽ làm đỡ đau. Cho em bé bú sớm sẽ không làm mất nguồn sữa mẹ. Em nên cố gắng để bé sớm được hưởng nguồn sữa mẹ quý báu đó. Sau mổ lấy thai em vẫn có thể ăn uống bình thường, chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, có thể uống thêm sữa để mau lấy lại sức khỏe và có đủ sữa cho em bé bú.



    Sữa mẹ tố nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

    - Thưa bác sĩ, tôi nghe nói sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh, nhưng cũng nghe thông tin có loại sữa mẹ loãng, không có chất, như vậy dù sữa rất nhiều nhưng cho trẻ bú mẹ cũng không lên cân đều được. Xin bác sĩ cho biết thông tin đó có chính xác không và nếu đúng thì làm sao biết được chất lượng sữa mẹ thế nào? Nếu không tốt có nên ăn sữa ngoài bổ sung không? Cám ơn bác sĩ! (Hồng Minh, 30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

    - BS Hà: Sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì trong sữa mẹ có nhiều thành phần đạt tỷ lệ thích hợp với trẻ như: protein, vitamin A, sắt, lipit, các kháng thể và một số men giúp tiêu hóa tốt cũng như những yếu tố khác giúp cơ thể phát triển. Trong sữa mẹ có 90% là nước nên nhiều người nghĩ rằng sữa mẹ loãng. Để trẻ tận hưởng đầy đủ những thành phần trong sữa mẹ, người mẹ nên cho con bú một bên bầu vú cho đến khi cảm giác sữa hết ra nữa rồi mới chuyển sang vú bên kia. Bởi vì sữa đầu là sữa được sản xuất vào đầu bữa bú, số lượng nhiều, chứa nhiều nước, protein và đường. Sữa cuối đặc hơn sữa đầu do có nhiều chất béo, chất béo cung cấp năng lượng cho bữa bú. Do vậy, để cho trẻ bú hết một bên rồi mới chuyển sang vú bên kia.

    Nếu chỉ cho bé bú sữa đầu ở mỗi bên vú, thì bé sẽ không nhận đủ năng lượng cho cơ thể, do vậy bé sẽ không lên cân. Người mẹ cho con bú cần ăn uống bổ sung đầy đủ các chất để chất lượng sữa mẹ được nâng cao hơn nữa.



    Các bác sĩ khuyên người mẹ phải làm vệ sinh vú trước và sau khi cho bú để đảm bảo sức khỏe cho con. Ảnh: Thiên Chương



    Đầu ti nổi mục nhỏ?

    - Bác sĩ cho cháu hỏi là cháu đang nuôi con bằng sữa mẹ, con nhà cháu được 16 tháng rồi mà thời gian gần đây cháu thấy nổi các mục nhỏ nhỏ vùng quanh đầu ti, cháu thấy rất ngứa, như vậy có sao không? Có thuốc gì chữa khỏi không? (Lê Hồng, 27 tuổi, Hà Nội)

    - BS Thủy: Bé ngậm vú lâu làm ẩm ướt đầu ti có thể gây dị ứng nổi mục nhỏ và ngứa. Em không nên cho bé ngậm ti lâu, phải lau sạch đầu ti trước và sau khi cho bú, giữ đầu ti khô. Trong trường hợp thực hiện như vậy mà không khỏi thì em nên đi khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng đắn, đầy đủ.

    - Bác sĩ cho em hỏi, vệ sinh núm vú của mẹ thế nào là đủ và hợp vệ sinh cho bé ạ (Phuong Anh, 29 tuổi, 562 Duong Lang)

    - BS Hà: Trước và sau khi cho bé bú đều cần vệ sinh vú. Bạn có thể dùng khăn sữa (khăn bằng vải mùng, mỏng mịn và nhỏ) đã được giặt sạch, nhúng nước sôi rồi vắt ráo, lau quanh bầu vú, quầng vú và núm vú nhẹ nhàng. Lau từng bên một bạn dùng một khăn cho mỗi bên vú.



    Mẹ uống đủ nước trong thời gian nuôi con bú.

    - Thưa bác sĩ tôi nghe nói người mẹ phải uống nước trước khi cho bé bú, như vậy có đúng không? (Nguyễn Thị Quỳnh Anh, 36 tuổi, TP HCM)

    - BS Hà: Trong sữa mẹ có đến 90% là nước, do vậy, người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước và sữa. Việc uống nước và sữa ấm trước khi cho con bú là điều nên làm. Ngoài ra lúc cho con bú cũng nên cung cấp thêm nước sữa hoặc sinh tố, súp…



    Bé bữa mẹ lẫn bình

    - Con trai tôi 5 tháng tuổi. Tôi đi làm từ khi bé 3 tháng. Buổi trưa có về cho bé bú, thời gian từ 12h30 đến 14h30 nhưng bé không chịu bú (mặc dù nhiều lần bỏ đói không cho bú bình để tôi về cho bú). Còn về ban đêm bé lại chịu bú mẹ, một đêm 3 đến 4 cữ. Nhờ bác sĩ tư vấn dùm. (Đoàn Thu Hiền, 30 tuổi, Bắc Giang)

    - BS Thủy: Thông thường khi cho bé vừa bú mẹ vừa bú bình bé sẽ tự chọn cho mình một loại. Trong trường hợp này bé đã chọn bú bình. Ban đêm bé bú mẹ vì bé ngủ quên không nhớ đến sữa bình. Chị không nên bỏ đói để ép bé bú sữa mẹ. Cứ cho bé bú bình ban ngày và ban đêm thì bú mẹ. Điều đó cũng tốt cho bé. Chỉ lo rằng bé bú mẹ ban đêm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chị.



    Trẻ tăng cân khi nuôi bằng sữa mẹ?

    - Con cháu được gần 2 tháng tuổi. Cháu cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ nhưng cháu không tăng cân nhiều (lúc mới sinh 3,1 kg, hiện nay là 5 kg). Cháu không được bụ lắm. Bác sĩ cho cháu hỏi là có nên cho cháu ăn thêm sữa ngoài không? Cháu xin cảm ơn! (Tran Thi Ha, 23 tuổi, Ha Noi)

    - BS Hà: Bạn cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ 2 tháng đầu sau sinh như vậy là rất tốt. Bé mới sinh 3,1 kg, hiện nay 5 kg. Việc tăng cân như vậy là phù hợp. Thông thường, bé bú sữa mẹ tăng mỗi tháng 800-1.000 gr. Bạn nên tiếp tục cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ cho đến 6 tháng. Những trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên mới cảm nhận rõ sự bụ bẫm của trẻ, bạn không nên lo lắng và cũng không cần cho cháu ăn thêm sữa ngoài.



    Trẻ dị ứng với sữa

    - Thưa các bác sĩ, cháu nhà tôi được gần 4 tháng tuổi, tôi có ý định cho cháu ăn thêm sữa bột nhưng đã thử mấy loại (Nan, Physiolac, Enfa…) mà cháu vẫn bị dị ứng, nổi mẩn quanh miệng. Tôi tìm hiểu thì biết là có khoảng 7% các em bé bị dị ứng với protein trong sữa bò. Xin các bác sĩ cho biết có sữa bột gì không gây dị ứng cho cháu không ạ? (Thu Hà, 26 tuổi, Hoàng Cầu – Hà Nội)

    - BS Thủy: Thông thường có một số bé (ngay cả người lớn) thiếu men tiêu hóa Lactose trong sữa và dị ứng với một số chất trong sữa. Trong trường hợp chị muốn cho bé bú thêm sữa bột mà bé không bị dị ứng thì nên cho bú lượng sữa bột rất ít trong lần đầu và vài ngày đầu tập bú. Sau đó tăng dần lượng sữa bột lên, bé sẽ quen dần. Nhưng sữa mẹ vẫn là tốt nhất. Có thể cho bé bú sữa mẹ và ăn dặm sau 4 tháng.



    Vết nứt đầu ti

    - Cháu chuẩn bị sinh con đầu lòng, nhưng đầu ti quá to lại có vết nứt, động vào rất đau. Mấy chị đã có kinh nghiệm nuôi con bảo sau này sẽ không cho con bú được vì sẽ bị chảy máu mất vệ sinh. Vậy xin hỏi BS có cách nào khắc phục được không ạ? Khoảng 6 tuần nữa là cháu được làm mẹ rồi. Cháu rất mong BS tư vấn cho cháu cách chữa và cho con bú đúng cách! (Nguyễn Thu Hương, 25 tuổi, Quận Hoàng Mai – Hà Nội)

    - BS Hà: Đầu ti của các bà mẹ hầu như không giống nhau, có người quá to, có người quá bé, có người vú lồi và có người núm vú bị lõm vào. Đối với bạn đầu ti to thì không đáng lo lắng bởi vì miệng bé há rộng vẫn có thể ngậm bắt vú tốt. Riêng đối với những vết nứt ở đầu ti đụng vào đau, bạn có thể dùng Bepanthen để thoa vào đầu vú 2-3 lần trong ngày. Thuốc này có thể dùng trong thai kỳ và ngay cả ở giai đoạn cho con bú. Trước khi cho bé bú chỉ cần dùng khăn nhúng nước ấm lau sạch là được. Nếu đầu vú nứt và chảy máu nên đến bác sĩ để được khám và dùng thêm thuốc để điều trị.



    U lành ở vú có cho con bú?

    - Tôi bị u lành ở vú, đã đi trích và bây giờ lại mọc lên một cái u lành nữa. Tôi sinh con đầu lòng, muốn nuôi bằng sữa mẹ trong mấy tháng đầu. Tôi muốn hỏi cái u đó có ảnh hưởng gì đến chất lượng của sữa mẹ không? (Lê Thị Ánh, 30 tuổi, Từ Liêm – Hà Nội)

    - BS Hà: Bạn có u lành tính ở vú (đã được chẩn đoán) vẫn có thể cho con bú được. Những u lành tính ở vú không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Điều quan trọng là bạn cần phải đi khám để xác định u mới mọc là lành hay ác để được bác sĩ tư vấn thêm.



    Bé khóc về đêm? Hiện tượng thiếu Canxi, thiếu vitamin A, D

    - Em sinh con được một tháng, chẳng hiểu sao em bé cứ hay quấy khóc về đêm. Em gọi tổng đài tư vấn 1088 thì được các bác sĩ khuyên nên uống 2-4 ly sữa bầu (mama) để bổ sung canxi cho trẻ. Em đang uống sữa Enfamama, nhưng chỉ 2 ly mỗi ngày. Em hỏi, em có thể uống canxi dạng ống để bổ sung thêm canxi hay không? (Thanh Hà, 31 tuổi, Quận Tân Phú, TP HCM)

    - BS Thủy: Bé thường quấy khóc về đêm, đổ mồ hôi trộm, vặn vẹo uốn éo thường là do thiếu Canxi, thiếu vitamin A, D. Bé bú sữa mẹ nên thường là do mẹ cung cấp không đầy đủ các chất này vì vậy cần phải bổ sung A, D, Canxi cho mẹ bằng cách uống nhiều sữa (có thể hơn 2 ly một ngày, chọn loại sữa có nhiều DHA), ăn tôm cua, trứng, thịt cá. Mẹ có thể uống thêm thuốc viên sắt và Canxi. Mỗi sáng sớm nên cho bé tắm nắng khoảng 15 phút.



    Có sữa non bán trên thị trường?

    - Thưa bác sĩ! Tôi chuẩn bị sinh cháu, tôi có nên mua thêm sữa non cho cháu uống không ạ? Và mỗi hộp sữa mở ra có thể để được trong thời gian bao lâu? (Nguyễn Thị Minh Phương, 28 tuổi, 331 Cầu Giấy Hà Nội)

    - BS Hà: Sữa non là sữa mẹ được tiết trong vài ngày đầu sau sinh. Sữa non đặc sánh, màu vàng nhạt, chứa nhiều chất chống nhiễm khuẩn để giúp bé bảo vệ cơ thể. Sữa non chứa nhiều vitamin A phòng ngừa các bệnh về mắt, sữa non còn có tác dụng xổ nhẹ giúp cho đi phân su dễ dàng và hạn chế tình trạng vàng da ở trẻ. Sữa non có yếu tố phát triển và giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ phát triển nhanh sau khi sinh, đề phòng chống dị ứng và không dung nạp với thức ăn khác.
    Do vậy, theo tôi biết sữa non của mẹ không có bán trên thị trường.



    Cương sữa khi cai sữa cho con bú

    - Khi cai sữa cho con, người mẹ thường bị cương sữa. Bác sĩ chỉ giúp em cách phòng bị cương sữa (Nguyen Thu, 33 tuổi, Ba Dinh, Ha Noi)

    - BS Thủy: Khi cai sữa cho con, người mẹ thường bị căng sữa rất đau đớn, có khi còn bị sốt cao. Để giúp cho người mẹ khỏi bị căng sữa có thể thực hiện như sau: cho bé bú thật hết hai bầu vú trước khi cai sữa, mặc áo ngực chật nịt hai bầu vú lại, uống thêm thuốc làm mất sữa như Paracetamol 500 mg (mỗi lần uống 1 viên, 3 lần trong ngày, uống trong vòng 3 ngày). Vào ban đêm nếu quá căng sữa, đợi bé ngủ say có thể cho bé bú một lần của đêm đầu tiên. Thực hiện như vậy sẽ mau hết căng sữa.



    DHA và sữa mẹ

    - Người ta nói DHA có trong sữa mẹ và trẻ bú mẹ sẽ thông minh. Tôi đang cho con bú mẹ và muốn bổ sung thêm DHA cho nguồn sữa của mình. Vậy tôi nên ăn uống thêm những thực phẩm nào? (Ngọc Mai, 31 tuổi, Điện Biên Phủ, Quận 1, TP HCM)

    - BS Hà: Nhiều nghiên cứu cho thấy sữa của các bà mẹ ở vùng duyên hải ăn nhiều cá biển sẽ chứa nhiều DHA hơn so với sữa của các bà mẹ ở cao nguyên. Trẻ được cung cấp nhiều DHA sẽ thông minh hơn so với trẻ không được cung cấp đủ DHA. Do vậy, ngày nay có rất nhiều sản phẩm dành cho các bà mẹ cho con bú, cũng như dành cho trẻ em có chứa DHA (có trong sữa, bánh, dầu ăn…).
    Thực phẩm giàu DHA: cá hồi, cá thu, cá mòi, cá kiếm… Tuy nhiên, nên ăn đầy đủ các thành phần trong tháp dinh dưỡng: thịt, cá, trứng, sữa, trái cây, rau… và các chất khoáng (canxi, magie, kẽm…).



    Sữa không đều ở 2 vú

    - Xin hỏi bác sĩ Thu Hà, tại sao hai bầu ngực của tôi, một bên có rất nhiều sữa, một bên còn lại rất ít, có cách nào để khắc phục không? Bé nhà tôi không thích bú bên ít, bú bên đó bé khóc và không chịu bú. Xin cám ơn bs (Tran Mai Lan, 34 tuổi)

    - BS Hà: Theo cơ chế tiết sữa, bầu vú trống sẽ kích thích tuyến yên tiết prolactin và sẽ tiết sữa. Nếu cho bé bú không đồng đều, bên vú nào thường xuyên cho bú thì bên vú đó sẽ có nhiều sữa hơn. Những bà mẹ do thuận một bên tay (phải hoặc trái) thường cho con bú vú bên tay thuận và vú bên thuận sẽ nhiều sữa hơn. Để khắc phục điều này, bạn nên cho con bú đều cả hai bên, nếu bé không bú bên kia thì sau khi cho bú một bên, nên vắt sữa bên còn lại. Hiện tại, một bên vú của bạn ít sữa, bạn nên thường xuyên hút hoặc vắt sữa bên vú này để kích thích việc tạo sữa.



    Sữa mẹ có xấu?

    - Em có thai lần đầu, được hơn 7 tháng rồi. Em nghe nói nếu sữa mẹ hôi (sữa xấu) thì con sẽ chậm lớn, còi cọc có đúng không ạ? Nếu thế phải cho bé ăn sữa ngoài ngay từ những tháng đầu tiên ạ? (Đặng Phương Mai, 25 tuổi, Hà Nội)

    - BS Thủy: Sữa mẹ không xấu mà chỉ lo rằng mẹ không đủ sữa hoặc sữa mẹ không đủ chất dinh dưỡng sẽ làm cho bé còi cọc chậm lớn. Vì vậy để nâng cao nguồn sữa mẹ vừa chất lượng và số lượng, các bà mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

    Dinh dưỡng cho mẹ đầy đủ trong khi mang thai và thời kỳ cho con bú: không nên ăn uống kiêng khem mà ăn đủ các chất dinh dưỡng, đạm đường mỡ, vitamin, muối khoáng. Mẹ uống nhiều sữa, chất lỏng thì sẽ có nhiều sữa cho con. Nên chọn loại sữa có bổ sung DHA.

    Cho bé bú sớm ngay sau sinh, bú theo nhu cầu, cho bú đúng cách. Giữ tinh thần thoải mái vui tươi khi có thai và khi nuôi con. Khi cần sử dụng thuốc men phải hỏi ý kiến của bác sĩ, khám thai đầy đủ, khám và chích ngừa cho bé theo lịch đầy đủ.
    Khi bé có những triệu chứng lạ bất thường không được tự ý điều trị theo ý kiến cá nhân hoặc những người xung quanh, mà cần phải thực hiện theo ý kiến chuyên môn của bác sĩ.

    Vì thời gian buổi phỏng vấn có hạn nên chúng tôi chỉ có thể trả lời một số điều quan tâm của các bà mẹ. Chúc các bà mẹ sức khỏe, chăm sóc con tốt và hẹn gặp lại trong buổi phỏng vấn khác! Xin chào tạm biệt và cảm ơn sự quan tâm của mọi người!

    Vnexpress.net
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi thảo dược và sức khỏe
    Đang tải...


  2. nhockutehehe97

    nhockutehehe97 Thành viên sắp chính thức

    Tham gia:
    26/1/2010
    Bài viết:
    95
    Đã được thích:
    21
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

    mình cũng chưa nghe thấy bán sữa non ở đâu cả
     
  3. thảo dược và sức khỏe

    thảo dược và sức khỏe Banned

    Tham gia:
    28/12/2012
    Bài viết:
    38
    Đã được thích:
    5
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

    Không có sữa non đâu chị ah, nếu có thì sản phẩm lừa đảo thôi.
    Vì em nghĩ sữa non là sữa đầu tiên của mẹ sau khi sinh....bởi vậy, nếu có mua thì chỉ mua ở bệnh viện phụ sản, chính các mẹ mới sinh mới có...nhưng ai mà bán chứ! Mà mình mua là tranh giành với con người ta rồi...hix.
     
  4. hoangmaihp

    hoangmaihp Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    23/8/2012
    Bài viết:
    2,232
    Đã được thích:
    407
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

    Cảm ơn chủ top về bài viết hữu ích ạ
     
  5. thảo dược và sức khỏe

    thảo dược và sức khỏe Banned

    Tham gia:
    28/12/2012
    Bài viết:
    38
    Đã được thích:
    5
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

    Chị đóng góp kiến thức cho topic vui nhộn được không ah?
     
  6. metinthoi

    metinthoi Thành viên kỳ cựu

    Tham gia:
    20/3/2012
    Bài viết:
    6,790
    Đã được thích:
    1,317
    Điểm thành tích:
    863
    Ðề: Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

    Bài viết hay quá, thanks mẹ nó đã chia sẻ
     
  7. thảo dược và sức khỏe

    thảo dược và sức khỏe Banned

    Tham gia:
    28/12/2012
    Bài viết:
    38
    Đã được thích:
    5
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

    Dạ cám ơn chị, có động lực em phát huy.
     
  8. hanhphuc_trontron

    hanhphuc_trontron Nhà chỉ có tiếng cười

    Tham gia:
    12/4/2012
    Bài viết:
    11,574
    Đã được thích:
    2,103
    Điểm thành tích:
    863
    Ðề: Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

    mình cũng nuôi con bằng sữa mẹ, cố gắng cho con ti đên 2 tuổi hihi
     
  9. thảo dược và sức khỏe

    thảo dược và sức khỏe Banned

    Tham gia:
    28/12/2012
    Bài viết:
    38
    Đã được thích:
    5
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

    Vậy rất tốt đó chị, sữa mẹ không mất tiền mua mà rất tốt...cho bú mẹ sau này lại đở ốm đau.
     
  10. tuyetlai0912

    tuyetlai0912 Banned

    Tham gia:
    26/1/2010
    Bài viết:
    92
    Đã được thích:
    12
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Hỏi đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

    cảm ơn bài viết của chủ top, mình ngâm cứu
     

Chia sẻ trang này