Lâu lâu rồi mình mới xử lý việc con ăn vạ. Lần này là bạn bé bắt đầu bước vào tuổi ẩm ương: 20 tháng. Bạn lớn giờ đã 40 tháng, con hiểu chuyện, chỉ khóc 1 chút khi buồn rồi sau đó đều có thể đối thoại mà không bao giờ lăn đùng ra ăn vạ. Bạn bé thì bắt đầu khẳng định cái tôi, và đọc vị cảm xúc người khác rất tốt, thậm chí phán đoán trước được chị mình sắp làm gì, ông bà bố mẹ sắp làm gì. Ăn vạ thường được hiểu như thế nào? Thông thường, mọi người thường nhìn vào các biểu hiện của con như: giãy giụa, khóc lóc thảm thiết, lăn đùng ra nền nhà, cào cấu bố mẹ, quăng ném đồ, đập đầu vào các vật xung quanh như tường, sàn...để đòi hỏi một thứ gì đó. Và bố mẹ thường phán rồi kêu ca rằng con hư, con bướng bỉnh, con ghê gớm, con cá tính. Mình thì thường phân tích cả quá trình tại sao con lại như vậy, để xác định nguyên nhân - đọc hiểu cảm xúc của con thay vì quy chụp "con ăn vạ". Trước tiên thứ con đòi hỏi có phải là nhu cầu chính đáng của con và lẽ ra nên được đáp ứng hay không? VD: con 18 tháng muốn dùng đũa để ăn cơm. Vì thấy con gắp không chuẩn, làm bẩn quần áo, rớt lung tung ra bàn ăn, sàn nhà rồi vung cả thức ăn lên vào mặt bố mẹ nên bố mẹ lấy lại đũa không cho con dùng nữa. Thế là con khóc, giãy giụa không chịu ăn nữa. Với mình, hành động này không coi là ăn vạ vì nhu cầu muốn dùng đũa của con là hoàn toàn chính đáng, con đang học rất nhiều thông qua việc sử dụng 1 thứ công cụ mới trong kỹ năng ăn uống. Kỹ năng này không chỉ giúp con rèn vận động tinh cho tay mà còn giúp con khả năng quan sát, sự kiên nhẫn, kích thích sự phát triển não bộ. Hành động dùng đũa gắp của con dưới sự để mắt của bố mẹ cũng KHÔNG MẤT AN TOÀN CHO TÍNH MẠNG CON, KHÔNG ẢNH HƯỞNG NHIỀU ĐẾN NGƯỜI KHÁC, KHÔNG PHÁ HỦY hay HƯ HẠI đến MÔI TRƯỜNG xung quanh (bố mẹ chỉ phiền chút là phải dọn cùng con sau khi thức ăn làm lấm bẩn ra áo quần, chỗ ngồi). Có ai thành chuyên gia ngay mà chưa trải qua các bài học cho riêng mình không ạ? Vậy nên, các hành vi hay nhu cầu của trẻ mà không vi phạm nguyên tắc 3 TÔN TRỌNG như mình nói ở trên (TÔN TRỌNG TÍNH MẠNG BẢN THÂN, TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC, TÔN TRỌNG MÔI TRƯỜNG) thì con được phép làm, được phép sai, được có thời gian và cơ hội trải nghiệm. Những hành vi kiểu vậy mà con không được bố mẹ tôn trọng, không được đáp ứng thì đương nhiên con sẽ phản kháng lại và không nghe theo sự áp đặt từ suy nghĩ của người lớn. Và lúc đó, xin đừng hiểu lầm là con ăn vạ! Xem lại bố mẹ đã hiểu nhu cầu, đã tôn trọng con hay chưa? Thông thường, bố mẹ hay trách oan con và khiến con ngày càng stress hơn, càng "ăn vạ" nhiều hơn như cách bố mẹ nghĩ. Sự ngăn cấm con làm điều mình muốn cũng gây ra hiện tượng con lớn lên mất tự tin vào bản thân (chắc mình chẳng làm được thế đâu!), bị phụ thuộc vào người lớn thay vì tự chủ, tự lập làm việc (thôi để người khác làm cho!). Trường hợp khác là con thường được nuông chiều, được đáp ứng quá nhanh mọi nhu cầu khiến cho lúc không được đáp ứng là con quay ra ăn vạ. Nhiều bố mẹ ngày nay cho con dùng màn hình (tivi, điện thoại, laptop) từ rất sớm (<2 tuổi) và dùng một cách không giới hạn thời gian. Hoặc bố mẹ cho con ăn kẹo, ăn bim bim, uống nước ngọt ... như một phần thưởng, như sự bù đắp mỗi khi con có biểu hiện buồn, giận, khóc. Việc đáp ứng nhu cầu của con một cách nhanh chóng (ngoan đi mẹ cho xem phim, ăn đi rồi uống Coca!), thậm chí trước khi con yêu cầu (kiểu như: con nín khóc rồi lát mẹ đi mua oto cho con!) sẽ khiến em bé rơi vào tình trạng: cứ khóc đi rồi sẽ được đáp ứng, cứ làm cho bố mẹ lo lắng đi rồi sẽ có thứ mình muốn. Và thế là trẻ ăn vạ bằng cách khóc lóc lăn lội vật vã đến khi người lớn chịu xuống nước dỗ dành, ra điều kiện "cho" một thứ gì đó mình thích. Với những trường hợp thế này, bố mẹ nổi giận quát đánh con, bắt con nín hoặc thỏa hiệp dỗ dành để con dừng ăn vạ lại đều là cách không tốt. Hôm qua, bạn bé nhà mình rơi vào tình huống: ăn vạ vì MUỐN thứ mà mình không được phép. Bạn đòi mở điện thoại của bà xem video chim bồ câu nhưng mình không đồng ý. Mình cất điện thoại đi và giải thích với con "Con còn nhỏ mẹ chưa đồng ý cho xem". Mình bế mà con ật ngửa người ra đằng sau miệng liên hồi "Đậu xem bồ câu bà nội". Con đòi với đt, với không được thì con nằm lăn ra sàn, chân đạp đất, khóc lóc thảm thiết. Mình vẫn nói mẹ không đồng ý nhưng bà thì có vẻ sốt ruột và muốn bế cháu đi dụ dỗ cái gì đó cho hết khóc. Mình liền bế con lên gác trong tình trạng con đang giãy giụa, miệng vẫn đòi "bồ câu bà nội". Con khóc trong phòng, mẹ thả con ra nhưng con không chịu ngồi, lại tiếp tục trèo lên người mẹ, giật tóc, túm tay đòi mẹ bế đi xuống nhà. Mình đóng cửa phòng để bà khỏi sốt ruột vì nghe con khóc lóc dữ quá, chứ không phải vì NHỐT hay làm con SỢ. Mình vẫn bên cạnh con, nghe con khóc và bình thản nói: mẹ chờ con bình tĩnh nha. Con đòi "Đ đi xuống nhà". Mẹ lại hỏi: Để con làm gì? "Điện thoại bà nội". Mẹ: "Con muốn xem gì trong điện thoại bà?". Nàng vẫn khóc nức nở "Bồ câu bay". Mẹ kiên quyest không. Con tiếp tục khóc lóc, giậm chân, giật mẹ, người ướt sũng mồ hôi và nước mắt. Mình KHÔNG DỖ DÀNH CON NÍN hay TÌM CÁCH ĐÁNH LẠC hướng con bằng thứ gì cả. Mẹ cầm tay rồi ôm chờ con. Sau 10p như vậy, con dần nguôi ngoai và bình tĩnh lại. Đúng lúc chị Ốc lên bảo: mẹ ơi mẹ cho em đi chơi đi cho em nín khóc. Mẹ chỉ nói: Không con, em sẽ tự nín khóc được. Rồi mẹ nhìn em: con bình tĩnh chưa? Đậu gật đầu. Mẹ nói: "con còn nhỏ, mình không xem màn hình điện thoại nha con". Con gật gật: "Không xem nữa". Rôi mẹ ôm em, em lại nhoẻn miệng cười "Đậu bú ti mẹ T". Vậy đấy, con đã biết đòi hỏi và thăm dò cảm xúc của người lớn (bà đã từng cho con xem và con biết là khóc chút xíu thì bà sẽ lại cho xem, với mẹ con đòi mạnh mẽ hơn để thử thách xem mẹ thế nào). Đối diện với những đòi hỏi không thể đáp ứng con như vậy, bố mẹ cứ bình tĩnh nha. Khóc không có gì là xấu, là hư cả. Con buồn, con giận vì không có được thứ mình muốn. Cảm xúc đó của con là tự nhiên, không hề tiêu cực. Chỉ cần bố mẹ ở bên con, chờ con chuyển hóa tự vượt qua với thái độ bình thản, nhẹ nhàng, yêu thương, cương quyết nói Không với những MONG MUỐN không tốt cho con, không thể đáp ứng bây giờ. Vậy thôi, xử lý ăn vạ không quá đau đầu phải không ạ? Fb: Hải Phong
Trẻ con mà ăn vạ thì cứ phải cương quyết với nó thôi ạ. Cứ dễ dãi một vài lần là kiểu gì nó cũng được nước lấn tới. Tạo thành tính xấu sau này.
Đúng đấy ạ. Phải rèn cho trẻ tính nết từ sớm, sau này sẽ có hướng phát triển tích cực hơn, biết suy nghĩ và trưởng thành hơn so với cách dạy nuông chiều con.
Nhà mình trước 3.5t ăn vạ siêu ghê. Bao lần ôm con chờ con ăn vạ mà nc mắt lưng tròng. Cũng đóng cửa ở riêng, ngồi chờ con khóc. Mà hết lần này đến lần khác, k đỡ j cả. Đôi khi k bình tĩnh đc. K hiểu sao con ăn vạ nhiều đến thế, khiến mẹ mệt mỏi thế.
Bạn thử áp dụng cho con ngồi im lên ghế không được xuống cho đến khi hết khóc xem sao. Mình áp dụng cái này và thấy cũng hiệu quả. Chứ mình không áp dụng hình phạt úp mặt vào tường, cháu sẽ cảm thấy xấu hổ. Mình cũng nên linh hoạt theo từng giai đoạn và tuỳ vào tính cách của từng bé. Đặc biệt là không cho cháu những cái cháu muốn khi cháu ăn vạ.
Mình đồng ý với quan điểm này. Tránh đánh cháu hay nạt nộ cháu, dần cháu cũng sẽ thế với những người xung quanh vì con là bản sao của bố mẹ. Ngày trước mỗi lần cháu ăn vả là nhà mình cứ để cháu ăn vạ, ra điều kiện khi nào bình tĩnh thì nói chuyện. Rồi sau đó mình hoặc chồng giải thích để cháu hiểu. Đúng và sai ntn. Giờ thì lên lv cao hơn chút. Ba cháu chỉ cần đếm 1 - 3 là cháu đã biết là không nên ăn vạ rồi, thỉnh thoảng có mẹ với ông bà thì vẫn trốn sau lưng để ăn vạ tí nhưng chấp nhận được. Ba cháu thì thường nói chuyện giải thích cho cháu nhiều hơn. Và hai ba con có điều kiện, con sai 1 lần thì ba nhắc nhở, về sau tái phạm các hình phạt tăng dần và ba cháu áp dụng rất triệt để. Nhiều lúc cũng trách ba cháu nhưng nghĩ lại thì những cách của ba cháu cũng khiến cháu bình tĩnh và ổn định hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, khi cháu làm đúng hay ngoan ngoãn thì mình và chồng hay khen và đôi khi là thưởng cho cháu bát phở hay món đồ chơi mà cháu thích. Bé nhà mình thích ăn phở lắm mà mình k chiều mồm bé được, quen thói ăn ngoài thì toi.
Em thấy trẻ con ăn vạ thì không thể nào chiều theo nó được, mình không đánh nhưng phải thể hiện thái độ cương quyết
này phải thay đổi mức độ nghiêm khắc theo từng giai đoạn chị ạ, nói chung là cũng tuỳ lý do mà mình mềm mỏng hay cứng rắn. Cái gì nhiều quá cũng không tốt
Thật ra để ý thì sẽ thấy các cháu có hư có ngoan theo từng giai đoạn bạn ạ. Có những đợt hư kinh khủng nói không nghe, cứ tự ý làm loạn nhà cửa lên. Mình và chồng thì đợt đầu không biết nên điên đầu với hay mắng cháu lắm nhưng giờ để ý nên nếu dính phải đợt đấy thì nói nhẹ với cháu hơn và hay nịnh cháu hơn. Nói chung gia đình mình quan điểm là tôn trọng cháu, coi cháu như một người lớn có thưởng có phạt ngay cả mình và chồng cũng bị phạt thì mình mới có thể dậy con được Nhà mình cũng không có kiểu như trẻ con mà nó k biết gì đâu, không hiểu gì đâu
con e mới đc 14 tháng nhưng mà ăn vạ khinh khủng luôn, có những lúc khóc phải cả tiếng mới khóc vì biết ông nội rất là chiều.
khi con ăn vạ nếu bé cảm thấy không ai quan tâm hay ngó tới một lúc trẻ sẽ tự thôi. nếu ta tới quan tâm giỗ dành trẻ sẽ được thể ăn vạ nhiều và dữ hơn.