Hiến pháp Việt Nam có ghi rõ: "Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định." Điều đó có nghĩa rằng không phải Công an cứ thích bắt người thì bắt, cứ thích giam, thích giữ thì giam giữ người. Việc bắt, giam, giữ người của Công an phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam và người dân cần hiểu rõ luật pháp và quyền lợi của mình để bảo vệ bản thân khỏi những trường hợp bắt giữ sai trái. Đầu tiên ta cần biết những trường hợp mà Công an được phép bắt người: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử để tạm giam phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là bắt người khi người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc sau khi thực hiện tội phạm người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt; Bắt người phạm tội đang bị truy nã là bắt người phạm tội đang lẩn trốn nếu đã có lệnh truy nã của cơ quan điều tra. Lưu ý rằng với nguời phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, người dân cũng có quyền bắt người. Khi bắt, người dân có quyền tước vũ khí, hung khí, giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Tiếp đến, ta cần biết những trường hợp mà Công an phải có lệnh bắt mới được phép bắt người: Khi thực hiện lệnh bắt, người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Phải có đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú hoặc làm việc và người láng giềng chứng kiến. Khác với lệnh bắt bị can, bị cáo, lệnh bắt khẩn cấp không cần có Viện kiểm sát phê chuẩn.Tuy vậy, trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp sau đó phải được báo ngay cho Viện kiểm sát bằng văn bản để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt. Lưu ý là không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã. Tiếp đến, ta cần phải hiểu rõ sự khác nhau của 2 khái niệm: tạm giữ và tạm giam Tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền áp dụng với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Tạm giữ theo thủ tục hành chính là một trong những biện pháp do người có thẩm quyền áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác . Tạm giam là biện pháp được áp dụng trong các giai đoạn: Điều tra; truy tố; xét xử. Nếu bị tạm giam thì phải có quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can và quyết định bắt tạm giam. Thời hạn tạm giữ là có giới hạn. Công an cũng có thể yêu cầu người dân đến và hợp tác thông qua giấy mời và giấy triệu tập. Đây là 2 loại giấy có bản chất khác nhau. Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật nào quy định người dân khi nhận được giấy mời của Công an là bắt buộc phải đến theo yêu cầu. Nói một cách khác, giấy mời không tạo ra nghĩa vụ phải đến. Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Điều tra viên (Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), Kiểm sát viên và Thẩm phán là có thẩm quyền ký và sử dụng giấy này. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự đã quy định rõ phạm vi đối tượng có thể triệu tập phải là một trong những đối tượng có tư cách tham gia tố tụng: bị hại, bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người bào chữa, người giám định, người phiên dịch. Vì vậy, người nhận giấy triệu tập có quyền được biết Quyết định khởi tố vụ án Hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng. Người được triệu tập có quyền yêu cầu Công an cho xem Quyết định khởi tố vụ án Hình sự, thông báo rõ tư cách tham gia tố tụng của mình là gì, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng riêng theo từng loại tư cách tham gia, và ghi rõ vào biên bản làm việc. Nếu Công an không làm rõ được những điểm đó, giấy triệu tập không có căn cứ và không tạo ra nghĩa vụ phải đến. Nguồn: Ezlawblog.com
đọc thấy toàn cái đơn giản mà đúng là chưa bao giờ thấy nhỉ, chẳng có văn bản nào hay điều lưu ý nào ở đâu, nói chung khi bị bắt ít người có thể bình tĩnh để hỏi mấy thứ trên,
haiz... em thì chắc chỉ sợ mỗi CSGT thôi ạ, mặc dù chẳng sai trái gì nhưng cứ nhìn thấy áo vàng đứng xa xa là em cứ né đi cho lành
khi công an đã bắt người thì 99% người đó rất đáng ngờ, hoặc đã đủ bằng chứng định tội, chỉ 1% sai sót... hãy thử hỏi nếu công ty an soi xét, điều tra thì sẽ rất khó để bắt những tên tội phạm trà trộn vào dân thường
bình tĩnh tự tin, nếu có đầy đủ giấy tờ và đi không phạm luật, chẳng ai có thể làm khó mình, chỉ có điều sẽ mất chút thì giờ
có lần đi trên đường cao tốc, tớ đi làn trong cùng, rộng độ khoảng hơn 1m. Đang đi thì thấy 3-4 chú áo vàng đứng ở rìa đường, tớ sợ nên lạng ra ngoài để tránh, thế mà bị vẫy lại vì "đi sai làn" (
dân mình chưa hiểu nhiều về luật nên mới bị cơ quan hành chính bắt nạt, bài viết rất có ích , like like
Công an lạm quyền là điều chúng ta thường thấy. Kể cả những người lãnh đạo cao nhất họ cũng thường dễ bị lạm quyền do người dân thiếu hiểu biết. Vậy hãy tìm hiểu luật, hãy share rộng rãi và cứng rắn từ chối khi thấy dấu hiệu lạm quyền.
Những cái đó có trong các luật rồi. Nhưng luật thì thường dài và chi tiết nên người ta tóm tắt để mình dễ nhớ dễ hiểu. Nói chung, theo hiến pháp thì người ta không ai được phép bắt người khi chưa chứng minh được phạm tội. Do vậy nếu bị bắt oan chỉ cần bình tĩnh và hiểu rõ luật.
Có trường hợp nào CSGT được bắt giữ người không bác? Hay chỉ được giữ xe? Em nghe nói là Cơ Động không được phạt người tham gia giao thông phải không?
Theo mình biết thì CSGT ko bắt giữ người vi phạm hành chính, chỉ mời về trụ sở làm việc. còn bên Cơ Động thì vẫn được phạt người vi phạm giao thông khi có chuyên đề làm việc và xử lý vi phạm trong giới hạn.