Một buổi sáng, khi tôi đang lúi húi dọn nhà thì nghe thằng cháu nội 3 tuổi hát rống lên: “Biết bao giờ mới được có em, biết bao giờ thấy được cầu vồng…”. Nó hát rất to, hát một cách say sưa, lại còn khua chân múa tay, trông rõ là buồn cười. Tôi hỏi cháu có hiểu những ca từ mà cháu đang hát không, nó bảo nó chả hiểu gì, nghe ở mục quảng cáo trên ti vi nên nó hát theo. Tôi nhận thấy rằng bọn trẻ con bây giờ rất thích hát bài người lớn, mà toàn là những bài về tình yêu, thất tình, bi lụy. Nghe những đứa trẻ lít nhít 2, 3 tuổi nói còn chưa sõi, mặt búng ra sữa mà cứ gào lên kiểu “anh yêu em”, “biết bao giờ mới được có em”, “dốc hết tình này ta trả nợ đời”… rõ là buồn cười. Chúng cứ nghêu ngao những bài hát người lớn một cách say sưa, hát rất vô tư, hồn nhiên mà chả hiểu gì về ngôn từ, ý nghĩa của bài hát. Những bài hát đó có thể chẳng ai dạy chúng, chúng thấy trên ti vi, hoặc nghe các anh chị hát thì hát theo. Trẻ con bắt chước rất nhanh. Không chỉ bắt chước hát, chúng còn biết chửi theo. Nhiều đứa mới 3, 4 tuổi đã biết chửi bậy. Có thể chúng chưa ý thức được việc đó là xấu, có thể đó chỉ là sự bắt chước nhưng điều đó ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Giới trẻ bây giờ thuộc rất ít những bài hát truyền thống. Sở thích âm nhạc của chúng bây giờ là những bài hát yêu đương, thất tình, ảo não hoặc những bài Pop, Rock, Rap bốc lửa. Nhiều trẻ em ở thành phố thuộc những bài hát về tình yêu, bài hát tiếng nước ngoài còn hơn cả những bài hát thiếu nhi bằng tiếng Việt. Hiện tượng trẻ em hát nhạc người lớn ngày càng nhiều có lẽ là do các em được nghe nhạc người lớn nhiều hơn là nhạc dành cho lứa tuổi của mình. Các em có thể nghe được trên truyền hình, phát thanh, trên Internet… Hiện tượng trẻ em hát nhạc người lớn ngày càng nhiều có lẽ là do các em được nghe nhạc người lớn nhiều hơn là nhạc dành cho lứa tuổi của mình… (Ảnh minh hoạ) Xã hội ngày nay là thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin. Các phương tiện truyền thông đại phát triển đến chóng mặt. Truyền hình có rất nhiều kênh giải trí, cả các kênh giải trí trong nước lẫn giải trí quốc tế. Bọn trẻ vì thế được nghe nhiều, tiếp xúc với nhiều nguồn khác nhau. Có những chương trình hay, bổ ích nhưng cũng có nhiều chương trình không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Vì vậy mà các bậc phụ huynh nên quản lý việc xem ti vi của con em mình. Có một thực tế là những bài hát cho thiếu nhi hiện nay vừa yếu vừa thiếu. Nhiều bài hát cho thiếu nhi bây giờ không đủ sức hấp dẫn với chúng, không dễ thuộc, dễ nhớ. Có thể chúng hát bài người lớn vì giai điệu dễ thuộc, dễ nhớ hơn. Số nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi hình như càng ngày càng ít dần. Những ca khúc mới, hay, hợp với lứa tuổi của thiếu nhi không nhiều. Có thể sáng tác cho thiếu nhi là một việc khó khăn khi phải thực sự hiểu và yêu trẻ, nếu không thì khó lòng mà viết hay được. Có thể viết cho thiếu nhi không kiếm được nhiều tiền bằng sáng tác nhạc thị trường nên nhiều người đã chạy theo xu hướng nhạc trẻ, nhạc thị trường. Có một số băng đĩa do ca sĩ nhí hát nhạc tình, nhạc chế được bày bán tràn tran, giá lại khá rẻ. Thật là phản cảm khi nghe một ca sỹ nhí hát: “Em cho tôi bao nhiêu lời cay đắng, em cho tôi bao ưu phiền lắng đọng. Em cho tôi mê, em cho tôi say, em cho tôi quên luôn kiếp tù đày…”. Cách ăn mặc và phong cách biểu diễn cũng rất người lớn. Những băng đĩa như vậy hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi của các em, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của các em. Xã hội càng hiện đại thì dường như người ta càng không có thời gian để chăm lo cho đời sống tinh thần. Các ông bố bà mẹ nhiều khi cũng mải kiếm tiền mà không chăm lo được chu đáo cho con cái. Tôi thấy mảng văn hóa tinh thần dành cho thiếu nhi ngày nay còn yếu. Phải công nhận trẻ con bây giờ rất khôn, rất thông minh, nhưng chúng cũng mất dần đi sự hồn nhiên, ngây thơ con trẻ. Chúng bị ảnh hưởng bởi môi trường, bởi lối sống ích kỷ, toan tính của người lớn. Xin hãy để trẻ con phát triển một cách tự nhiên với sự đáng yêu, hồn nhiên nhất của chúng. Một trong những phương pháp giáo dục trẻ rất hiệu quả là giáo dục bằng văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Từ khi lọt lòng, trẻ đã được nghe những câu hát ru. Và trong đời sống hàng ngày của con người không thể thiếu được âm nhạc. Sức mạnh của âm nhạc với thiếu nhi là rất lớn. Âm nhạc là liều thuốc bổ cho tâm hồn con trẻ, giúp cho trẻ tiếp nhận những giá trị cao đẹp của cuộc sống. Vì vậy, ngay từ nhỏ, các bậc cha mẹ nên dạy trẻ nghe những loại nhạc lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi.
Bác ko thể tưởng tượng được em khó chịu thế nào thì nghe lũ trẻ chơi đâu ngõ cứ hát rống lên "Đã khuya rồi, vẫn ngồi đếm sao...."...Rồi chúng nó còn xuyên tạc "Đã khuya rồi, vẫn ngồi uống bia..." (...Nghe khó chịu lắm ấy. Hoặc là "Em ơi cho anh 1 đứa con trai..." Thế có hư không cơ chứ! Nhất là mấy bài của Tuấn Hưng, tụi trẻ con cực kỳ hai hát nhại theo, khổ thế cơ chứ!
trời ơi sao giống con nhà mình thế, suốt ngày hát cái bài này, mà hát 1 cách mê say trong khi mới chỉ có 3 tuổi thôi.
Nếu phải giật mình vì những "trò trẻ con" nhưng được "sản xuất" từ người lớn thì rất nhiều - đâu phải chỉ có lời ca tiếng hát, mà còn có những câu chuyện, từ truyện chữ cho đến truyện tranh mà chỉ cần liếc vào 1 cái là thấy "nóng trong người" liền ! Những ai còn có cái tâm với "thế hệ mai sau" đều đã lên tiếng khẩn thiết báo động rồi và không chỉ một lần cũng không phải là trong một thời gian ngắn - Nhưng những "kẻ có trách nhiệm và thẩm quyền" thì cứ ung dung để những bậc phụ huynh vừa phải quay cuồng với cơm áo gạo tiền, vừa phải cố gắng đi tìm "đỏ con mắt" những cuốn truyện mà trẻ con có thể đọc được cũng như những bài hát mà trẻ có thể hát được ! Ác một cái, những bài hát dành cho thiếu nhi không chỉ thiếu, mà lại còn thừa nữa ! Thiếu sự vui tươi, ngộ nghĩnh nhưng thừa sự lên lớp, dạy bảo ! vì cứ hễ nói đến trẻ em là y như rằng sẽ nhận được sự "chỉ đạo" là phải mang tính giáo dục cao - thậm chí còn có tính chiến đấu cao nữa ! Vâng, điều đó không khó, chỉ có cái là "người lớn được chỉ đạo" viết ra, in ra, bán đầy trong các nhà sách - nhưng trẻ con không thích, mà đã không thích thì không hát - mà cái này thì không "chỉ đạo" được ! Thà rằng cứ nghêu ngao những ca từ "tệ hơn cả tầm bậy" nhưng chả hiểu gì ( mà cũng không cần hiểu và cũng không ai giúp cho để hiểu ) . Trẻ nghêu ngao - vì suốt ngày cứ ong ỏng bên tai để "hát chỉ để hát" thôi - vì trẻ không thể hát những bài hát mà tưởng như đang "hò" bài học công dân giáo dục ! Cái tính giáo dục của nghệ thuật không phải là ở sự "lên gân" hay ở những ca từ nghe kêu như khẩu hiệu - mà đó là tác động tạo ra những xúc cảm - hay đơn giản hơn, đó là tạo ra sự vui vẻ, thoải mái, tự nhiên - Vì với trẻ em, đã suốt ngày phải học, phải nhồi vào đầu những "tư tưởng giáo dục" khô như ngói rồi - mà bây giờ nghêu ngao dăm ba điệu nhạc, cũng phải có tính "giáo dục cao" nữa thì ...chết sướng hơn ! Dĩ nhiên là trẻ không chết được, nhưng chắc chắn là sẽ cứ nghêu ngao những lời ca ...tầm bậy, để cho bố mẹ phải ...chết đứng thôi !
Hi đứa cháu gái của em 4 tuôi, hôm em đến nhà nó chơi, nó kéo em vào phòng đóng cửa, bắt em nghe nó hát "chiếc khăn gió ấm". Nghe mà đau ruột cười, nó còn xuyên tạc thành "chiếc khăn rõ ấm".
Bạn nghĩ sao khi nghe thấy thằng bé hàng xóm mới 6t đã nghêu ngao mấy câu nhạc vàng: "Cho anh xin một đêm chăn gối...." . Mình không giật mình vì nhà đó hay mở nhạc vàng để cả nhà nghe, còn không biết cháu bé đó đã có nhu cầu chưa thì không biết??????
Trời , nghe giật mình quá, bé 6 tuổi thì biết gì. Chắc bé chưa có nhu cầu gì đâu mà chỉ là học theo lời nói của người khác thôi.
tôi nghĩ nên cấm trẻ hát nhạc thị trường - những bài hát của người lớn vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ , lỗi sống của trẻ sau này nhất là đến tuổi dậy thì...
Cũng khó, BM ko nghe nhưng công cô dì, còn hàng xóm.. Mà những bài hát cho trẻ con hình như nagyf càng ít, quanh đi quanh lại mãi: chiếc đèn ông sao, chị ong nâu nâu hay cò vạc gì đó..hay thì vẫn hay nhưng mà...
Ai cũng bị điều chỉnh bởi, gia đình, nhà trường và xã hội nên việc trẻ bị nhiễm và học theo các bài hát người lớn là bình thường. Con nhà tớ cũng biết hát bài vầng trăng khuyết mà tớ thì ko biết nó học ở đâu, mọi người bảo là bài đó trên các chương trình tivi. 3 thành phần trên đều có tầm quan trọng như nhau nên theo mình, hãy hướng con em mình vào những bài hát lành mạnh để không phải chấp nhận và bực mình với việc con mình bị ảnh hưởng của xã hội các mẹ nhé. Ví như chương trình đôremí năm 25009, càng nghe các bài hát càng thấy có ý nghĩa và hay. lúc đầu mình cũng thấy nhạt nhẽo và có vẻ như ko tròn vành rõ chữ lắm, nhưng càng nghe càng thấy hay và có ý nghĩa. Chứ có phải ít bài hát trẻ em hay đâu, nhiều nhiều lắm í.