Không gian cho trẻ Phòng ngủ cho trẻ Phòng ngủ cho trẻ là không gian quan trọng nhất, bởi đây là thế giới riêng của trẻ, cũng là nơi trẻ sử dụng nhiều nhất trong sinh hoạt thường nhật. Nguyên tắc chung, phòng ngủ trẻ cũng là phòng ngủ như các phòng ngủ khác của các thành viên trong gia đình, nhưng có sự khác biệt nhất định cần phải chú ý để tạo dựng một môi trường, không gian phù hợp. - Vị trí: phòng ngủ trẻ nên gần phòng bố mẹ để tiện chăm sóc, theo dõi hay kiểm soát. Nếu là căn hộ chung cư, phòng ngủ trẻ cũng nên gần phòng vệ sinh để trẻ tiện sinh hoạt, tránh phải đi xa. Nếu là nhà phố, phòng ngủ trẻ nên cùng tầng với phòng bố mẹ; nếu khác tầng thì nên ở tầng dưới phòng bố mẹ để bố mẹ có thể quan tâm khi đi qua. Phòng trẻ không nên gần hay phải đi qua không gian thờ cúng vì ở lứa tuổi nhỏ, trẻ có thể có tâm lý sợ hãi. Phòng ngủ trẻ cũng không nên gần các phòng giải trí có âm thanh vì có thể ảnh hưởng tới sự yên tĩnh cần thiết. Trong một số trường hợp, với trẻ nhỏ tầm 4-7 tuổi, có thể làm phòng trẻ liền kề với phòng bố mẹ và có cửa ngăn. - Diện tích: không nên quan niệm rằng, phòng trẻ thì nhỏ hơn phòng người lớn. Nếu có điều kiện hãy làm phòng trẻ đủ rộng, ít nhất tầm 14-15m2. Bởi dù là phòng ngủ nhưng trẻ không chỉ ngủ, mà đây còn là phòng học, phòng chơi, phòng tiếp khách với các bạn nhí của mình. Trong trường hợp phòng ngủ trẻ dành cho nhiều hơn một người (thường là hai trẻ cùng giới), thì các chức năng đều phải nhân đôi như hai chỗ ngủ, hai chỗ học… Chỗ chơi của trẻ cũng linh hoạt và đa dạng, nên bên cạnh chức năng giao thông, phần sàn trống cần đủ rộng để trẻ có thể chơi trên sàn. - Nội thất: Cần có bài trí thật khoa học, tiện dụng, phân khu chức năng rõ ràng - các chỗ ngủ nghỉ, học, chơi; các vị trí để đồ. Giao thông trong phòng cần mạch lạc, làm sao để trong hoàn cảnh ban đêm không bật đèn hay mất điện trẻ vẫn có thể định hình và định vị lối đi, tiếp cận các khu vực chức năng trong phòng. Đồ nội thất tùy lứa tuổi mà có thể có hình dáng hay màu sắc phù hợp. Cần lưu ý rằng, càng lớn trẻ càng không thích những trang trí sắc màu rực rỡ và những “hình thù trẻ con” kiểu nhân vật hoạt hình. Trẻ tới tầm 15 tuổi (bắt đầu bậc học trung học phổ thông) có thể coi như người lớn, không cần thiết tới những trang trí kiểu đó nữa. - Kích thước phù hợp nhân trắc: trẻ từ 4 tuổi là có thể bắt đầu ngủ riêng. Tuy nhiên ở lứa tuổi này, tới tầm 10 tuổi, hình thể của trẻ vẫn còn rất nhỏ so với người lớn. Vì vậy, các kích thước nội thất trong phòng cần phù hợp để trẻ có thể dễ dàng tiếp cận hay sử dụng. Giường của trẻ không nên cao quá, khó trèo lên; hay trong trường hợp ngã từ trên giường xuống có thể gây nguy hiểm. Với bàn ghế học, ở lứa tuổi nhỏ (tiểu học, từ 6-10 tuổi), trẻ chưa phù hợp với chiều cao kích thước bàn ghế tiêu chuẩn (bàn cao 75cm, ghế cao 45cm). Vì vậy nếu không muốn đổi bàn ghế từ nhỏ sang kích thước tiêu chuẩn, mà làm kích thước tiêu chuẩn luôn thì cần trang bị ghế có thể thay đổi độ cao để phù hợp với giai đoạn trẻ còn nhỏ. Tuy nhiên mọi thứ không thể nhỏ, thấp theo trẻ mà cần cả sự giúp đỡ của người lớn, ví dụ như những ngăn cao trên tủ, kệ giá. - Tính an toàn: an toàn trong phòng trẻ là điều rất quan trọng, vì trẻ nhỏ chưa đủ sức khỏe hay kỹ năng tự xử lý những tình huống nguy hiểm. Đồ nội thất nên là đồ gỗ, tránh sử dụng những chất liệu như kính, kim loại không phù hợp. Nếu sử dụng giường tầng thì tầng trên và thang lên phải có lan can; giường tầng cũng không được đặt gần vị trí quạt trần (nếu có). Trong phòng không nên tạo những chỗ chênh cốt sàn, những góc nhọn có thể gây bất tiện hay nguy hiểm. Hệ thống điện cần tuyệt đối an toàn, sử dụng thiết bị tự ngắt (aptomat) khi có đoản mạch. Các vị trí cửa sổ, lan can giếng trời, lan can ban công phải được thiết kế đảm bảo an toàn, hoặc có hoa sắt, lưới bảo vệ. Hệ thống chốt khóa cửa đi cần đơn giản, dễ vận hành. Cửa phòng có thể thiết kế ô kính để trong trường hợp bất trắc, bị chốt/khóa trong có thể đập vỡ từ bên ngoài để mở khóa vào phòng. Khi trẻ đã “ra riêng” với phòng riêng thì cha mẹ cũng cần giáo dục, huấn luyện con những kỹ năng an toàn và thoát hiểm. Không gian bên ngoài phòng ngủ Có phòng ngủ riêng cho trẻ, với thiết kế mang “màu sắc trẻ con” là điều bố mẹ nào cũng muốn và trẻ cũng vậy. Song thế chưa phải là đủ. Không gian cho trẻ trong ngôi nhà không chỉ gói gọn trong phòng ngủ ấy. Trẻ nên và cần thiết có những không gian bên ngoài phòng ngủ để sinh hoạt, chơi và tương tác với các thành viên trong gia đình. Hiện nay, trong nhiều ngôi nhà mới, nhiều chủ nhân và kiến trúc sư đã có chủ ý thiết kế, tạo dựng những không gian như thế bên ngoài phòng ngủ. Đó là những phòng, những không gian chơi dành riêng cho trẻ. Ở đây, với không gian rộng rãi, không có giường ngủ và tủ quần áo, bàn ghế học, trẻ có thể thoải mái chơi trên diện tích rộng. Ở đây có thể bày đồ chơi nhiều loại kích cỡ, trang bị giá sách/truyện, có thể có cả màn hình tivi (bố mẹ dễ kiểm soát hơn trong phòng ngủ), đàn piano, guitar. Không gian này cũng có thể được thiết kể là không gian vui chơi thể chất, với các bậc leo trèo, cầu trượt (tất nhiên vẫn đảm bảo tính an toàn). Không gian trẻ kiểu này có thể bố trí cạnh phòng trẻ, hay gần không gian sinh hoạt chung của gia đình để tiện cho sinh hoạt và chăm sóc, theo dõi, kiểm soát. Tuy vậy, không phải gia đình nào, ngôi nhà nào cũng có thể có không gian chơi riêng cho trẻ như vậy, mà trẻ vẫn có nhu cầu chơi, sinh hoạt bên ngoài phòng ngủ. Vậy nên cần thiết bố trí những góc khác của trẻ ở trong nhà. Theo đó, phòng sinh hoạt chung là nơi phù hợp để trẻ có thể chơi, sinh hoạt cùng các thành viên trong gia đình. Nên bố trí một góc cho trẻ chơi ở đó. Tại vị trí này tùy theo lứa tuổi mà có thể có giá/tủ kệ để đồ chơi, tranh ảnh, hay có thể là một góc âm nhạc với cây đàn piano, guitar… Ở lứa tuổi nhỏ (khoảng 4-8 tuổi) trẻ rất cần sự tương tác của bố mẹ trong các hoạt động, cần những lời khen ngợi, khích lệ và động viên; có thể chỉ là hoàn thành trong một trò chơi, hay đánh xong một bản nhạc. Vì vậy, không nên để trẻ ở lâu trong phòng ngủ - dù phòng đẹp và tiện nghi. Cần khuyến khích trẻ ra ngoài, tham gia chung vào các hoạt động của gia đình, kết nối quan hệ với các thành viên khác. Việc này ngoài yếu tố tình cảm còn có tác dụng tăng cường khả năng quan hệ, gia tiếp của trẻ, tránh cho trẻ lầm lì, ít nói hay mắc phải chứng tự kỷ. Cũng vẫn là ở ngôi nhà, những “ngoài” hơn một chút, với những ngôi nhà có điều kiện phù hợp; đó là những không gian hiên, sân thượng, vườn trên mái, sân vườn tầng trệt; có thể là nơi trẻ có thể chơi và hoạt động. Với những không gian này, trẻ được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, môi trường tự nhiên - đó là điều rất tốt đối với sức khỏe. Trẻ cũng khám phá và hiểu được về cây cối, động vật và thế giới tự nhiên. Hiện nay, xu hướng “làm nông trong phố” rất phổ biến, thì khu vườn trồng cây, rau, hoa (thường là trên mái) là một nơi lý tưởng để trẻ có thể làm quen với lao động cùng người lớn, theo cách học và làm, học và chơi, rất tốt cho tâm lý và thể chất, tăng cường sự kết nối với các thành viên trong gia đình. Không gian dành cho trẻ trong ngôi nhà là sự cần thiết và chủ nhà nào cũng mong muốn làm đẹp, tốt nhất cho con mình, và trẻ con cũng thích vậy. Nhưng, điều quan trọng nhất, hơn cả những giá trị vật chất đó, là sự quan tâm, tình thương yêu và thái độ giáo dục đúng đắn dành cho trẻ. Khi đó, trẻ em - con cái thực sự là tài sản vô giá! Bí quyết giúp da mềm mịn cho mùa hanh khô: Kem nám mommy care Kem dưỡng da b3 b5 Co'Klear Kem dưỡng trắng body cam sữa Serum b5 ha dưỡng da Co'Klear Serum nám TX ampoule Dr.Melaxin