Một cuộc điều tra mới đây cho thấy: 25% trẻ em dưới 15 tuổi có vấn đề về thị lực, trong đó 46% bị loạn thị, 38% bị viễn thị và 38% bị cận thị. Phần lớn các em đều không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời nên đã có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập và sinh hoạt hàng ngày. Năm lên 3 tuổi, trẻ bắt đầu nhìn thấy rõ nét những gì cách xa từ 5cm trở lên, còn đến năm lên 6-10 tuổi, trẻ nhìn thấy rõ những vật có khoảng cách từ 7cm trở lên. Trong khoảng thời gian này, cần phải kiểm tra thị lực ít nhất 2 lần. Khi bé chưa biết đọc, bạn có thể kiểm tra thị lực bằng cách so sánh hình ảnh, ký hiệu, những đồ vật để cách xa 5m với những hình ảnh, ký hiệu và đồ vật có trong quyển vở để trước mặt. Khả năng về thị lực được chấm điểm từ 1-10, nếu kết quả kiểm tra đạt điểm dưới 8/10 lúc đó cần phải cho trẻ đeo kính. * Trẻ bị viễn thị: trẻ nhìn rõ những vật ở xa và không rõ những vật ở gần. Viễn thị bắt đầu có biểu hiện ngay từ khi mới lọt lòng và sẽ mất dần và sẽ mất hẳn khi bé được 6-10 tuổi. Chứng viễn thị làm cho bé luôn có cảm giác đau nhói mắt, mỏi mắt, đau đầu sau mỗi lần đọc sách và thậm chí bé không nhìn rõ chữ viết trên bảng. Nếu chứng viễn thị không được chữa trị sớm sẽ dễ chuyển sang tật lác mắt. Trẻ bị viễn thị ở mức độ nhẹ cần đeo kính lồi để đọc sách, đánh máy tính, xem vô tuyến còn trẻ bị viễn thị ở mức độ nặng cần liên tục để có thể nhìn thấy rõ những vật ở gần và cả những vật ở xa. * Trẻ bị cận thị: chỉ nhìn rõ những vật ở gần và không thể nhìn thấy hoặc nhìn rất mờ ảo những vật ở xa. Cận thị có thể là do nguyên nhân di truyền và thường xuất hiện khi bé lên 10 tuổi và càng ngày càng trở nên nặng hơn. Với trẻ bị cận thị cần đeo kính lõm. Nếu bị nhẹ thì chỉ nên đeo mỗi khi nhìn những vật ở xa: bảng ở lớp học, xem phim… còn nếu bị nặng thì cần phải đeo thường xuyên. * Trẻ bị loạn thị: Nguyên nhân là do giác mạc mắt có độ cong không đều nhau. Do đó hình ảnh phản ảnh bị sai lệch, có lúc rõ lúc không. Trẻ bị loạn thị nhìn những vật theo chiều ngang rõ nét hơn theo chiều dọc. Ngay khi con bạn đeo kính, nhất thiết bạn phải theo dõi thường xuyên và cho trẻ đi kiểm tra mắt trung bình cứ 6 tháng hoặc 1 năm kiểm tra 1 lần.