Kinh nghiệm: Làm Bạn Với Con

Thảo luận trong 'Cư xử với con' bởi Gia Phú, 13/11/2008.

  1. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1

    KHI CON CÃI LẠI

    Khi con bạn cãi lại, bạn sẽ cảm thấy bị xúc phạm, choáng, bối rối và có thể đó sẽ trở thành đề tài tranh luận trong gia đình bạn. Jim Bozigar, làm việc tại Bệnh viện Children's Hospital ở Pittsburgh, chuyên chủ trì các buổi hội thảo về vấn đề khi trẻ cãi lại cha mẹ. Jim Bozigar nói rằng với một chút hiểu biết và một chút kiềm chế, cha mẹ có thể ngăn chặn tình trạng trẻ cãi lại.

    Bozigar nói "Nguyên nhân khiến trẻ cãi lại rất đa dạng phụ thuộc vào mỗi trẻ." Trẻ có thể bị đói, mệt mỏi hoặc đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng trẻ thường có một lý do chung để cãi lại cha mẹ là trẻ đang cố gắng tách khỏi bố mẹ và luyện tập điều khiển cuộc sống của bé.

    Bạn cần phải kiểm soát tình huống này như thế nào? Boziger gợi ý các bậc cha mẹ hãy thử làm theo cách sau: "Trong 3 ngày, hãy ghi lại những gì trẻ nói, ghi chép lại các tình huống đã xảy ra và cách phản ứng của bạn. Quan sát bất cứ bậc cha mẹ nào. Và bạn hãy nhớ rằng khi trẻ cãi lại, thì có nghĩa là có một điều gì đó đang ẩn dưới hành vi này. Mục tiêu là để giúp bé diễn đạt điều đó theo cách tích cực."

    6 nguyên tắc ngăn chặn tình trạng trẻ cãi lại

    Ít nhiều đã có lần bạn thất vọng về con, nhưng bạn có thể học cách ngăn chặn tình trạng trẻ cãi lại. Bozigar gợi ý rằng mỗi thành viên trong gia đình tôn trọng các nguyên tắc sau:

    * Không công kích.
    * Không coi nhẹ người khác.
    * Không chỉ trích.
    * Xác định rõ vấn đề.
    * Xác định rõ cách sửa chữa vấn đề.
    * Chỉ ra các cách có thể làm để ngăn chặn vấn đề đó trong tương lai.


    Đối với bé ở lứa tuổi tiền học đường (từ 3 đến 4 tuổi)

    Bé thường cãi lại kiểu "Không!" và "Tại sao lại phải làm như vậy?"

    Cách phản ứng: Nêu gương tốt. Nói với con "Thật là tuyệt biết bao nếu chúng ta không phải làm những việc mà chúng ta không thích có phải thế không?" Đừng quát con và đừng chế giễu con. Phản ứng của bạn sẽ quyết định những gì xảy ra tiếp theo. Bố mẹ sẽ chẳng bao giờ có thể điều khiển được con trẻ. Người duy nhất mà chúng ta có thể điều khiển được chính là bản thân chúng ta. Khi bạn nêu gương về cách cư xử, bạn sẽ dạy con bạn cách điều khiển chính bản thân trẻ.

    Bé ở lứa tuổi đến trường

    Bé thường hay cãi lại kiểu: "Con không hiểu!" và "Điều đó không đúng!"

    Cách phản ứng: Bé ở lứa tuổi này có thể quan tâm tới suy nghĩ của các bạn nhiều hơn suy nghĩ của cha mẹ. Bé sẽ cố gắng quấy nhiễu bạn để bạn bỏ cuộc. Bạn đừng mắc bẫy bé! Bạn sẽ thua cuộc đấy: Các bé ở lứa tuổi này luôn luôn cần bạn nói một lời sau cùng. Thay vì vậy, bạn hãy để bé tự giải quyết vấn đề của mình và tỏ ra thông cảm với bé. Hãy thử nói "Con không nghĩ rằng mẹ biết những gì đang xảy ra với con phải không và những gì con đang thất vọng, nhưng con thiếu tôn trọng người khác. Và bây giờ con hãy đi về phòng và ở đó cho đến khi con bình tĩnh lại và có lý trí để nói chuyện với mẹ."

    Bạn phải là người tiên phong để quyết định các giới hạn. Các giới hạn này sẽ giúp bé biết kiềm chế nội tâm. Đặt ra các giới hạn khi bạn nghĩ rằng con bạn sẵn sàng qua đường an toàn, ngủ dậy muộn, hẹn gặp với bạn bè,... Sau đó nói "Con biết rằng đó là nguyên tắc của gia đình."

    Đối với trẻ trước tuổi vị thành niên (trước 13 tuổi)

    Trẻ thường cãi lại kiểu "Liệu đó có phải là ý kiến hay không?"

    Cách phản ứng: Thay vì nhận lấy trách nhiệm, trẻ ở lứa tuổi này thường đặt cha mẹ vào thế phòng ngự. Khi con gái bạn mượn chiếc khăn kỷ niệm của bạn rồi sau đó làm mất, bạn có thể sẽ buột miệng "Sao con lại vô trách nhiệm đến vậy!" Bạn hãy quan sát - bé sẽ trả lời rằng "Thế mẹ chưa từng làm mất cái gì sao? Con đâu phải là người hoàn hảo!" Thay vì công kích bé, bạn hãy thử nói trong một chừng mực nào đó: "Con đã làm mất rồi à, mẹ cảm thấy..." Bạn hãy kiềm chế và tỏ ra tôn trọng bé. Mục tiêu của bạn là diễn tả cho bé thấy cảm xúc của bạn theo cách mà bé có thể nhận lấy tinh thần trách nhiệm.

    Trẻ vị thành niên (từ 13 đến 19)

    Trẻ thường cãi lại kiểu: "Hãy để con một mình!" và "Đó không phải là lỗi của con!"

    Cách phản ứng: Bạn hãy thận trọng - trẻ ở lứa tuổi này có thể ra dáng người lớn, nhưng trẻ vẫn chưa đủ lý trí. Trẻ suy nghĩ khác người lớn và trẻ con, và thường cảm thấy không thể bị tấn công. Bạn hãy quan tâm đến các phản ứng của trẻ và lắng nghe trẻ nói. Giúp trẻ nhận thấy rằng bạn luôn luôn bên cạnh trẻ. Nếu trẻ muốn ở một mình thì bạn hãy để trẻ một mình nhưng đừng từ bỏ. Bạn hãy tiếp cận khôn khéo hơn. Viết vài lời mà không công kích hay khiển trách trẻ, và nói rằng bạn thích nhận phản hồi của bé. Luôn luôn giữ cho cuộc đối thoại mở. Cố gắng nói bằng giọng nhỏ nhẹ. Nếu bạn la hét, thì con bạn cũng sẽ làm như vậy. Và bạn cần nhớ rằng bạn luôn luôn là người có quyền trong nhà; bạn có thể đặt ra các giới hạn. Nhưng bạn vẫn có thể cư xử thân thiện với con cái.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Gia Phú
    Đang tải...


  2. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    KHI TRẺ CÓ NHỮNG HÀNH VI LỆCH CHUẨN


    Khi trẻ có vấn đề, có những hành vi ngỗ ngược, nghịch phá như: trêu chọc bạn bè, nói chuyện riêng, không làm bài tập v.v… Phản ứng thông thường của đại đa số các bậc cha mẹ là quát tháo ầm ĩ, dùng các biện pháp đe doạ buộc đứa trẻ phải tuân theo và thường xuyên than thở với mọi người về sự hư đốn của bé trước mặt chúng.

    Những phản ứng tiêu cực đó chẳng những không giúp cải thiện tình hình mà còn làm vấn đề trở nên căng thẳng hơn.

    Một mặt đứa trẻ cảm thấy bí bức, gò ép, mặt khác khi bạn thường xuyên than phiền với người ngoài về sự không nghe lời của bé trước mặt chúng sẽ dần hình thành những định kiến không tốt về bản thân.

    Khi đã nghĩ mình là một đứa trẻ hư, mọi người đang nhìn mình với thái độ không thiện cảm lập tức đứa trẻ sẽ nhụt chí, không muốn cố gắng, buông xuôi.

    Thế nên, thay vì lên án trẻ, ép buộc chúng phải làm theo điều này điều kia, bạn hãy tạo điều kiện khích lệ sự hợp tác của trẻ với cha mẹ và thầy cô giáo.

    Giải thích vấn đề

    Muốn đứa trẻ có thái độ hợp tác, trước hết bạn phải làm cho trẻ hiểu vấn đề. Ví dụ: trẻ hay nói chuyện riêng trong lớp học. Bạn hãy giải thích cho trẻ biết nếu tiếp tục có những hành động như thế thì hậu quả sẽ như thế nào? Ảnh hưởng đến người khác ra sao. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, hành động của trẻ là có thể hiểu được. Rằng việc ngay lập tức hoàn toàn không nói chuyện nữa là điều không thể. Nhưng nếu cố gắng trẻ sẽ làm được.

    Khích lệ tiềm năng đứa trẻ

    Hãy trò chuyện với trẻ để tìm hiểu suy nghĩ, cảm nhận về vấn đề mà trẻ đang gặp phải. Cho trẻ có cơ hội bộc lộ quan điểm, ý kiến về cách giải quyết vấn đề. Trẻ đang dần lớn lên và có những suy nghĩ của riêng mình. Bạn hãy học cách để ý đến ý kiến của trẻ và tôn trọng những điều đó.

    Chuẩn bị cho trẻ trước sự thay đổi

    Khi trẻ bắt đầu đến trường thường phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi: thay đổi chương trình, đối lớp học, giáo viên, trường v.v… Những sự thay đổi này người lớn thường nghiễm nhiên áp đặt cho trẻ mà không quan tâm đến trẻ sẽ đón nhận nó như thế nào? Suy nghĩ ra sao? Trẻ sẽ thích ứng với sự thay đổi đó như thế nào?

    Hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có sự thay đổi bằng cách thông báo trước, tạo cơ hội để trẻ tham gia thử nghiệm đồng thời đánh giá nhu cầu, xúc cảm, suy nghĩ của trẻ trước những thay đổi đó.

    Mỗi đứa trẻ là một tâm hồn non nớt, nhưng điều đó không có nghĩa nó không có gì. Ngày hôm nay bé sẽ khác với ngày hôm qua, bạn hãy chú ý quan sát, theo dõi để có những cách tiếp cận và hướng giáo dục tốt nhất phù hợp với đặc điểm tâm lý theo lứa tuổi của bé.
     
  3. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    CÁCH CHĂM TRẺ SINH NON

    Nếu con bạn sinh thiếu tháng, không nên tắm mỗi ngày bởi da bé dễ bị khô. Mỗi tuần tắm 1-2 lần là đủ, miễn là giữ sạch vùng quấn tã. Lau mặt trẻ mỗi ngày với nước ấm, chú ý vùng da dưới cằm, nơi dễ bị đọng sữa.

    Trẻ sinh non là những trẻ chào đời sớm trước 37 tuần tính từ ngày kinh chót của bà mẹ, thường cân nặng dưới 2.500 g. Trẻ sinh nhẹ cân có nguy cơ tử vong cao hơn, dễ mắc bệnh và gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình phát triển. Do đó, các bé cần có sự chăm sóc đặc biệt. Nếu được chăm sóc tốt và đúng cách, trẻ sẽ đuổi kịp những bé cân nặng bình thường.

    Những trẻ sinh non gần 32 tuần có các biểu hiện như: Không thể bú bằng đường miệng, không thể thở đều, không có thân nhiệt ổn định.

    Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt vì lượng mỡ ít và hệ thống điều hòa thân nhiệt chưa phát triển hoàn chỉnh. Trẻ dễ bị hạ đường huyết vì năng lượng dự trữ trong cơ thể rất ít. Những em bé này dễ gặp khó khăn về nuôi dưỡng vì cơ thể nhỏ, thiếu năng lượng, dạ dày nhỏ và không đủ sức để bú. Hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên trẻ dễ bị nhiễm khuẩn.

    Trẻ càng non thì những nguy cơ này càng cao

    Về cách chăm sóc, cần chú ý giữ ấm cho bé. Nếu sờ bàn tay, bàn chân bé thấy lạnh, bạn nên mang bao tay, tất cho con. Khi bé ngủ, nên đắp chăn.

    Hầu hết trẻ sinh non được cho ăn mỗi 2 giờ 30 phút đến 4 giờ. Trẻ sinh non thường không khóc; khi đói trẻ thường cử động nhiều, không nằm yên. Sau 4 đến 5 giờ bú, nếu trẻ vẫn còn ngủ, bạn nên đánh thức con dậy cho bú.

    Khi xuất viện, mỗi trẻ sinh non có thể bú từ 40 đến 60 ml sữa mỗi 3-4 giờ. Nếu bé còn đói, bạn có thể tăng lượng sữa. Trẻ bú mẹ thường bú lâu hơn và mau đói hơn bú bình. Cách tốt nhất để biết bé bú đủ hay không là quan sát xem bé tiểu bao nhiêu lần một ngày (6-8 lần là đủ).

    Sau đây là những câu hỏi thường gặp ở bà mẹ có con sinh non :

    Tại sao bé khóc?

    - Khóc là một cách thông tin. Những nguyên nhân khiến trẻ khóc thường gặp là:

    * Đói, đặc biệt nếu trẻ bú xong đã 2 giờ.
    * Khó chịu do tã ướt, bẩn, quần áo quấn quá chặt, quá lạnh hoặc quá nóng.
    * Cần được thay đổi tư thế.
    * Nghẹt mũi.

    Làm sao biết trẻ bị bệnh?

    Trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Những dấu hiệu trẻ bệnh là: Thay đổi kiểu thở, thở bất thường; khóc nhiều, kích thích; bú ít; khó đánh thức; ho; trớ sữa hầu hết cữ bú; tiểu ít; da xanh tái; sốt.

    Khi bú, bé sinh non có thể không thở hoặc không nuốt nhịp nhàng. Chú ý xem bé có dấu hiệu xanh tái quanh miệng hay không; nếu có thì phải ngưng cho bú, cho bé ngồi vào lòng bạn, vỗ lưng. Nếu không đỡ, cần đưa bé đến cơ sở y tế.

    Có nên cho khách vào thăm bé không?

    Sau sinh, có nhiều người muốn đến thăm, nhưng với bé sinh non thì cần hạn chế cho đến khi bé lớn hơn. Cần lưu ý rằng, những người đang bị cảm cúm không nên vào thăm ngay, nên đợi khi khỏi. Trẻ sinh non dễ nhạy cảm với kích thích, nên hạn chế tiếp xúc hoặc sờ vào trẻ.

    Khách thăm không nên hút thuốc trong phòng trẻ.

    Khi nào có thể mang bé đi tiêm phòng?

    Trẻ sinh non thường được tiêm phòng ở cùng thời điểm sau sinh như trẻ đủ tháng.

    Có nên đặt bé nằm sấp không?

    Có thể đặt bé nằm sấp khi điều trị trong bệnh viện, nơi có phương tiện theo dõi. Nhưng tại nhà, không nên đặt bé nằm sấp trong lúc ngủ vì sẽ có nguy cơ ngưng thở trong khi ngủ.
     
  4. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    8 THÓI QUEN TỐT CHO BÉ CƯNG

    Bé có khuynh hướng học theo người lớn. Vì vậy, bạn cần trở thành tấm gương sáng cho con noi theo. Và đó cũng là cách bạn rèn cho con thói quen lành mạnh, giúp ích cho cuộc sống của chúng sau này.

    Ngay từ bây giờ, bạn hãy lên kế hoạch cùng bé bắt tay vào rèn luyện những điều cơ bản nhất.

    Hạn chế các rủi ro

    Ngay từ khi trẻ lẫm chẫm tập đi, bạn hãy dạy con biết chú ý đến sự an toàn của bản thân, tránh các vật nhọn, sắc, cạnh bàn, góc tủ... Điều này giúp bé có tính cẩn thận trong công việc khi trưởng thành.

    Giữ thói quen nấu ăn

    Chuyện bếp núc có thể là nỗi ám ảnh của nhiều bà mẹ, nhưng bằng bất cứ giá nào, bạn cũng nên vào bếp chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.

    Thường xuyên "măm măm" các bữa ăn do mẹ chế biến, con bạn sẽ dần yêu thích việc nấu ăn. Đồng thời, ăn cơm ở nhà còn giúp bé hạn chế các chất béo bão hòa, ăn nhiều trái cây, rau củ hơn.

    Ăn quà vặt chọn lọc

    Có thể bánh, mứt và nước uống có gas là các món quà vặt khoái khẩu của bạn. Tuy nhiên, bạn không nên chất đống những loại thực phẩm ấy trong tủ lạnh.

    Thay vào đó, bạn hãy dự trữ các loại trái cây và rau quả tươi, thực phẩm bơ sữa ít chất béo và nước.

    Khi trưởng thành, nếu bé cưng nhà bạn vẫn tiếp tục duy trì thực đơn lành mạnh, ít năng lượng và nhiều chất bổ dưỡng, chắc chắn chúng sẽ trông trẻ hơn 4 tuổi so với các bạn đồng trang lứa.

    Hay vận động

    Bạn không muốn bé gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần khi trưởng thành? Hãy khuyến khích con tham gia các hoạt động đòi hỏi trẻ vận động và tương tác nhiều với môi trường xung quanh.

    Thông qua những hoạt động lành mạnh đó, bé sẽ hình thành và phát triển ý thức khép mình vào kỷ luật, tinh thần đồng đội, khả năng lãnh đạo và kỹ năng hòa nhập xã hội. Đó là hành trang quý giá, giúp bé thành công sau này.

    Quan trọng hơn, nếu giữ thói quen tập thể dục, con bạn có thể làm chậm quá trình lão hoá.

    Thường xuyên kiểm tra sức khỏe

    Nhiều người lớn vẫn xanh mặt khi phải đến bệnh viện, gặp bác sĩ. Vì vậy, họ thường né tránh việc kiểm tra sức khỏe. Nếu nhập viện, bệnh đã ở giai đoạn cuối, ít có cơ hội chữa khỏi.

    Hãy dạy bé hiểu giá trị của việc ngăn ngừa bệnh bằng cách duy trì thói quen đưa con đi khám sức khỏe định kỳ ngay từ những năm đầu đời của trẻ. Điều này giúp giúp bé bớt căng thẳng mỗi khi gặp bác sĩ.

    Làm tấm gương sáng

    Rèn cho trẻ thói quen tốt là điều cần thiết, nhưng bạn đừng quên để ý mình. Đừng bảo trẻ rửa tay trước khi ăn, còn bạn lại ngồi vào bàn với đôi tay vừa lau chùi, dọn dẹp xong. Hãy làm gương cho con, đừng thuyết giáo.

    Lắng nghe con trẻ

    Đừng vì bận rộn mà bạn bỏ qua việc hỏi han và quan tâm đến thế giới của con. Hãy lắng nghe những câu chuyện của bọn trẻ, như vậy bạn đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp giữa hai mẹ con.

    Qua đó, con bạn sẽ ít rơi vào trạng thái trì trệ, lo lắng. Thay vào đó, chúng sẽ có lòng tự trọng cao và có mối quan hệ lành mạnh hơn khi trưởng thành.

    Vệ sinh cá nhân

    Nếu con bạn có thói quen giữ vệ sinh đúng cách, khi trưởng thành chúng sẽ có một cuộc sống khoẻ mạnh hơn.

    Mỗi ngày, bạn nên nhắc nhở bé đánh răng, súc miệng sạch sẽ sau bữa ăn và rửa tay khi đi vệ sinh xong. Thói quen này giúp con bạn tránh xa các nguy cơ lây nhiễm bệnh ngay từ bé.

    Hẳn bạn sẽ rất vui nếu biết chỉ với thói quen đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa hằng ngày, sau này, con bạn có thể trông trẻ hơn tuổi thật của mình đến 6 năm.
     
  5. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    ĐỒ CHƠI CHO TRẺ


    Đồ chơi trẻ em trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, các bậc phụ huynh cần lựa chọn thật kỹ loại đồ phù hợp với con. Đồ chơi nên là công cụ giúp con tìm hiểu thế giới xung quanh, có tính giáo dục, góp phần tích cực vào sự phát triển của trẻ.

    Phát triển tính sáng tạo

    Những đồ chơi này giúp trẻ thả sức phát huy trí tưởng tượng. Có thể là sau khi đọc một cuốn truyện tranh hay xem bộ phim hoạt hình, bé thích mô phỏng, bắt chước những nhân vật trong truyện, phim đó.

    Đồ chơi thích để trẻ phát triển tính sáng tạo là bộ đồ xếp hình, màu vẽ, đất sét nặn, búp bê, bút chì màu.

    Phát triển trí tuệ

    Chỉ cần cùng trẻ chơi trò kéo xe đẩy là bạn đã giúp bé tìm hiểu về mối liên hệ giữa lực và vận tốc.

    Những loại đồ chơi khác giúp trẻ phát triển trí tuệ như sách, đồ hàng như bộ xoong nồi, lò nướng mini, xe đạp đồ chơi hay bộ xếp hình.

    Phát triển thể chất

    Thông qua trò chơi và đồ chơi trẻ phát triển cơ bắp, khả năng vận động, phối hợp mắt. Để con bạn phát triển những khả năng này bạn nên mua cho con bóng, xe đạp thiếu nhi, những đồ chơi có thể chơi ngoài trời.

    Phát triển giác quan

    Những đồ chơi như nhạc cụ, đất nặn, bộ đồ xếp hình giúp trẻ cảm nhận được màu sắc, âm thanh, mùi vị, chất liệu.

    Phát triển nhân cách

    Đồ chơi góp phần giúp trẻ nâng cao tính tự tin và lòng tự trọng, trẻ tìm hiểu chính mình qua các sở thích. Giải một câu đố, lắp ghép một ngôi nhà mô hình hay chơi với chiếc xe đạp mini sẽ giúp bé thấy tự tin vì làm được việc.

    Giúp bé biết chia sẻ

    Con bạn cùng các bạn “xây” một tòa lâu đài sẽ đem lại hiệu quả gì? Chính đồ chơi giúp bé tìm hiểu về những người xung quanh và tình bạn, bé biết hòa hợp với mọi người, biết thích nghi và chia sẻ.

    Bạn nên mua những đồ chơi như bộ đồ hàng, bộ xếp hình, búp bê cho bé.
     
  6. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    CHĂM CON ĐÚNG CÁCH


    Chăm sóc bé yêu chẳng hề đơn giản như bạn nghĩ. 9 lời khuyên của Khoa nhi thuộc Viện hàn lâm Hoa Kỳ giúp bạn có một cái nhìn đúng đắn hơn về việc nuôi dạy bé.

    1. Từ trong bụng mẹ

    Trong thời gian mang thai tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu và uống thuốc bừa bãi. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc, bạn cần theo chỉ dẫn của bác sỹ.

    Rượu, khói thuốc lá có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ của bé, ngay lúc bé còn trong bụng mẹ và cả khi đã chào đời. Hãy nhớ rằng, sức khoẻ chính là chìa khoá hạnh phúc cho con bạn.

    2. Đọc sách và trò chuyện với bé

    Hãy bắt đầu việc này ngay khi bé còn nhỏ, thậm chí lúc bé chưa ra đời. Những lời nói dịu dàng của bạn sẽ làm bé cảm thấy an toàn, dần dần qua đó, bé “làm quen” với bạn. Sợi dây của tình mẫu tử vì thế cũng được thắt chặt hơn.

    Đây cũng là cách dạy con rất bổ ích. Bạn nên giảng giải cho bé hiểu ý nghĩa của những câu chuyện để bé học tập.

    3. Theo dõi sức khoẻ

    Trao đổi với các bác sỹ khoa nhi để biết rõ tình hình sức khoẻ của con bạn. Lưu giữ tất cả các giấy tờ liên quan đến những lần chủng ngừa cho trẻ. Bạn cũng nên giữ một bản sao theo dõi sức khoẻ cho bé ở nhà.

    4. Ngôi nhà an toàn

    Kiểm tra và dọn dẹp hết những thứ có thể gây nguy hiểm đối với bé. Thuốc, dụng cụ dọn dẹp nhà cửa, vật nhọn và sắc có thể gây nguy hiểm nên cất kín và để xa tầm tay của bé.

    Trẻ con chưa thể phân biệt được mọi thứ. Vì vậy, bạn nên tránh để những đồ vật nhỏ (cúc áo, bút bi, bút chì…) gần chỗ trẻ dưới 3 tuổi, trẻ có thể bỏ những thứ đó vào miệng và hậu quả thật khôn lường.

    5. An toàn khi đi trên xe

    Trong trường hợp phải dùng đến xe. Bạn nên để trẻ trẻ dưới 12 tuổi ngồi ở ghế sau, không ngồi ở ghế trước. Đặc biệt, không cho trẻ ngồi ở chỗ có bình cứu hoả.

    Hãy chắc chắn rằng bé yêu của bạn được ngồi an toàn và đúng tư thế. Nên chọn cho bé chiếc ghế phù hợp với chiều cao và cân nặng. Thêm nữa, bé cũng phải được thắt dây an toàn giống bạn.

    6. Khuyến khích, động viên

    Bạn nên sử dụng nhiều từ ngữ phong phú, nhưng đơn giản để nói với bé. Thường xuyên cổ vũ và động viên bé bằng những câu như “con có thể làm được điều đó mà” hoặc “con đúng là một chàng trai tuyệt vời”. Sự khuyến khích này cho bé tự tin hơn và cảm thấy thích thú về những việc mình làm.

    7. Sinh hoạt

    Nếu bé muốn xem ti-vi, bạn không nên ngăn cấm. Tuy nhiên, nên lựa chọn chương trình phù hợp và có giới hạn thời gian. Không nên để bé ngồi quá lâu trước màn hình.

    Lập một chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bé. Cho bé ăn đúng giờ, tránh bỏ bữa. Nếu bé biếng ăn, bạn cũng không nên mắng mỏ. Mỗi lần cho bé ăn một ít và chia thành nhiều bữa nhỏ.

    Nếu bé đã đến tuổi đến trường, nên tập cho bé thói quen tự giác ngồi vào bàn học. Phải biết cân bằng giữa việc học hành và vui chơi, giải trí. Tránh để bé rơi vào tình trạng học quá nhiều và bị ức chế thần kinh.

    Duy trì thói quen đi ngủ đúng giờ và vận động thân thể. Bạn cũng nên dành thời gian cùng bé tập luyện.

    Trẻ con rất thích được khen, bạn đừng quá “nghiêm”, hãy biết khen thưởng bé đúng lúc. Đây cũng là cách để bé tập tính tự lập và có lòng tin vào bản thân.

    8. Cư xử

    Nên để bé có thói quen thưa gửi và nói năng lễ phép. Bạn hãy cố gắng dạy bé nói “xin lỗi”, “làm ơn”, “cảm ơn” nhiều hơn khi bé giao tiếp với người khác.

    Những khi bạn cảm thấy buồn phiền và giận dữ, không nên quát tháo và to tiếng trước mặt bé. Bạn hãy nhẹ nhàng khuyên bảo rằng lần sau phải biết cư xử như thế nào.

    Trẻ con rất dễ bị tổn thương và bị ám ảnh. Do đó, cha mẹ nên tránh hết sức tình trạng căng thẳng không mong muốn đối với con cái. Hãy dành thời gian để bình tâm lại, quát tháo không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho mọi chuyện càng tồi tệ hơn.

    9. Yêu thương

    Có rất nhiều cách để bạn thể hiện tình yêu của mình đối với bé. Ôm ấp và vuốt ve giúp bạn và bé gần gũi hơn.

    Hãy cho bé học cách biết yêu thương bản thân và mọi người xung quanh. Cố gắng xoa dịu khi bé giận dữ vì phải tranh cãi một vấn đề gì đó hoặc đang có tâm trạng xấu. Đừng quên nói rằng “ Bố (mẹ) rất yêu con!”.
     
  7. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    NÂNG CAO CHỈ SỐ IQ CHO TRẺ NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI


    Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và đi đến kết luận: sự biến đổi tâm lý của thai phụ có ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi, và việc dạy dỗ trẻ tốt từ khi chưa lọt lòng có thể làm tăng chỉ số thông minh (iq) ở trẻ.

    Nâng cao IQ từ trong bụng mẹ

    Trong thời kỳ mang thai, nếu thai phụ được sinh hoạt trong hoàn cảnh tốt, nghe những điệu nhạc du dương, êm dịu, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật, ngắm phong cảnh đẹp hoặc đọc những cuốn sách hay… thì biểu đồ sóng siêu âm cho thấy hoạt động của các cơ quan hoặc phản ứng sinh lý của thai nhi đều diễn ra rất tốt. Còn ngược lại, nếu trong thời gian mang thai, người mẹ phải chịu những áp lực không thuận lợi từ điều kiện sống thì những biểu hiện hoạt động tích cực của thai nhi cũng kém đi.

    Các bà mẹ có thể tham khảo một số cách đơn giản sau đây để giúp nâng cao chỉ số IQ cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ

    Âm nhạc : Từ khi người mẹ biết mình đã có thai, nên cho thai nhi tiếp xúc với âm nhạc mỗi ngày và mỗi khi có thời gian cho đến khi trẻ ra đời. Tốt nhất là nhạc thiếu nhi, dân ca, nhạc nhẹ, nhạc cổ điển. Điều này sẽ kích thích sự phát triển tri giác, đem lại hiệu quả “an thần” cho thai nhi.

    Trò chơi : Khi người mẹ cảm nhận được sự vận động của thai nhi thì đã bắt đầu có thể chơi trò “vỗ một cái, động một cái; vỗ hai cái, động hai cái”. Trò chơi này kéo dài khoảng một tháng thì trẻ sẽ có những phản ứng phối hợp nhịp nhàng với động tác của mẹ.

    Nói chuyện : Từ tháng thứ 6 trở đi, hệ thống thần kinh thính giác của thai nhi đã có thể cảm nhận được nhịp tim và sự hô hấp của mẹ. Sau bảy tháng, sẽ dần dần có phản ứng với những âm thanh đến từ môi trường bên ngoài. Vì vậy, mẹ có thể “nói chuyện” với thai nhi một cách dịu dàng, điều này không chỉ kích thích sự phát triển thính lực của thai nhi mà còn làm thai nhi cảm thấy thoải mái hơn.

    Ăn uống : Những thai phụ có chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ sau này, đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển trí não của trẻ.

    Từ lúc sinh đến 3 tuổi

    Giao tiếp bằng mắt : Những khoảnh khắc tuy ngắn ngủi này cũng đem lại những lợi ích cho trẻ. Khi trẻ mở to mắt, hãy nhìn vào mắt trẻ. Trẻ có khả năng phân biệt khuôn mặt từ rất sớm, và mỗi lần trẻ nhìn thấy bạn khả năng quan sát và trí nhớ của trẻ dần dần được hình thành.

    Cho trẻ bú sữa mẹ : Cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ một thời gian dài. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, những trẻ được bú sữa mẹ có chỉ số IQ khá cao. Khi cho trẻ bú, bạn hãy tranh thủ hát cho trẻ nghe, đó chính là cơ hội tốt để “giao lưu” với trẻ.

    Tán gẫu : Lúc đầu chắc chắn bạn sẽ chỉ nhận được cái nhìn ngơ ngác của trẻ, hãy dừng lại một chút cho trẻ có cơ hội tham gia câu chuyện. Dần dần, trẻ sẽ “a…a…” trò chuyện với bạn cho mà xem.

    Xem phản ứng của trẻ : Cho trẻ tự soi mình trong gương. Ban đầu, có thể trẻ sẽ tưởng bóng mình trong gương là một đứa trẻ dễ thương nào đó, nhưng chẳng bao lâu sẽ đến lúc trẻ sẽ rất thích thú vẫy tay chào chính mình trong gương.

    Cù nhẹ vào chân trẻ : Bạn có thể cù nhẹ vào chân trẻ. Tiếng cười chính là hạt giống đầu tiên của sự hài hước. Bạn có thể nói rằng: “Mẹ đã bắt được con rồi!”, sau đó cù vào chân trẻ và dẫn dắt trẻ tham gia trò này.

    Chỉ ra sự khác biệt : Lấy hai bức hình có sự khác biệt, đưa cách mắt trẻ khoảng 20-30cm cho trẻ xem, trẻ sẽ xem đi xem lại và dần dần phát hiện ra sự khác nhau. Điều này rất có ích cho việc học chữ của trẻ sau này.

    Chia sẻ cùng trẻ những điều hai mẹ con nhìn thấy : Khi bế trẻ đi dạo, hãy chỉ cho trẻ những thứ bạn nhìn thấy và chia sẻ, trò chuyện cùng với trẻ. Như vậy trẻ sẽ có thêm cơ hội biết thêm nhiều từ mới cùng những sự vật ở thế giới xung quanh.

    Ca hát : Hãy học thêm thật nhiều bài hát, hoặc nếu có khả năng, bạn cũng có thể tự soạn một số bài hát để hát cho trẻ nghe. Các chuyên gia cho rằng âm điệu của những bài hát có liên quan tích cực đến việc học toán của trẻ sau này.

    Học tập ngay cả khi thay tã : Nhân cơ hội thay tã hãy chỉ cho trẻ biết cách gọi các bộ phận cơ thể hoặc tên của áo quần để giúp trẻ hiểu thêm về bản thân mình.

    Tạo niềm vui bất ngờ : Những lúc rảnh rỗi, bạn nên nhẹ nhàng vuốt ve mặt, bụng hoặc tay chân để tạo niềm vui cho trẻ. Lúc đó bạn hãy quan sát phản ứng và khả năng phối hợp của trẻ.

    Đọc sách : Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trẻ 8 tháng tuổi đã có thể nhớ thứ tự của một số từ vựng trong những câu mà bạn nói với trẻ, điều này rất có lợi cho khả năng ngôn ngữ sau này của trẻ.

    Giúp trẻ cảm nhận : Bạn hãy chuẩn bị một ít loại vải khác nhau như tơ tằm, nhung, vải sợi thô…, rồi nhẹ nhàng cọ xát những loại vải đó trên bụng, ngực, lòng bàn chân của trẻ. Vừa làm vừa miêu tả cho trẻ nghe cảm giác sẽ như thế nào.

    Xem hình : Hình của những người thân hoặc họ hàng trong gia đình có thể giúp trẻ luyện trí nhớ. Chẳng hạn, khi bà nội gọi điện thoại cho trẻ, vừa để trẻ nghe giọng bà qua điện thoại, vừa đưa trẻ xem ảnh bà nội.

    Tự tập ăn : Trẻ khoảng 10 tháng tuổi đã có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, bạn có thể tập cho trẻ tự cầm thức ăn thử xem.

    Vượt chướng ngại : Đặt một số chướng ngại dưới sàn nhà, như: Gối ôm, gối tựa lưng, hộp giấy… sau đó bạn biểu diễn cho trẻ xem trước cách làm thế nào để vượt qua những thứ đó, nên bước qua hay nên bò phía dưới. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động.

    Mẹ và con cùng chơi : Khi trẻ sờ mũi bạn, bạn sẽ phùng hai má; trẻ kéo tai bạn, bạn phải le lưỡi ra; nếu trẻ đánh vào đầu bạn, bạn kêu lên một âm thanh khác lạ… Có thể lặp lại chừng ba bốn lần, sau đó có thể thay đổi quy luật và bắt trẻ đoán xem bạn sẽ làm gì.
     
  8. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    TRÒ CHUYỆN CÙNG BÉ


    4-6 tháng tuổi, trẻ tiến bộ từng ngày trong thể hiện miệng. Bé tái tạo các ghi nhớ âm thanh nghe được và bắt chước cử động môi của người lớn. Trẻ chỉ biết nói khi có người nói chuyện với mình, đó là sự học hỏi.

    Những bài học ngôn ngữ thật đơn giản: Chỉ cần kể những gì đang diễn ra, đặt cho bé những câu hỏi, miêu tả những gì bé nhìn thấy, liệt kê những bộ phận khác nhau trên cơ thể…

    Ngôn ngữ mang đến sự giao tiếp khái quát cho trẻ. Ngay cả khi trẻ chưa nói, vẫn có một dạng giao tiếp qua lại giữa bé và mẹ. Nhờ trao đổi các tín hiệu nho nhỏ, nụ cười, trẻ nhận ra giọng của mẹ.

    Lời nói, đặc biệt là giọng điệu, truyền tải những tình cảm cho trẻ: sự trìu mến, tình yêu, sự khích lệ, quý mến, làm bé yên tâm. Trò chuyện với bé chính là cách cần thiết để truyền tải ngôn ngữ.

    Nói như thế nào?

    Cần chú ý tới 3 yếu tố rất quan trọng: giọng điệu, sắc mặt và cử chỉ. Giọng nói được ví như âm nhạc, nên cần phải chọn ngữ điệu phù hợp, tránh mang đến những tình cảm tiêu cực, kích động khiến trẻ căng thẳng.

    Hãy nói nhẹ nhàng, dịu dàng, làm yên lòng và khích lệ. Mỉm cười với bé bởi bé nhìn thấy khuôn mặt mẹ, các động tác, cử chỉ âu yếm. Cần nhẹ nhàng bởi trẻ rất nhạy cảm với cách được bế ẵm.

    Nhịp độ chậm rãi, để thời gian cho bé phản ứng với những lời nói của mẹ bằng cách ngắt quãng im lặng. Đó là khoảng thời gian cho phép bé mỉm cười với bạn và bày tỏ sự thỏa mãn.

    Lựa chọn từ ngữ

    Luôn có một ngôn ngữ đơn giản dành để giao tiếp với bé. Từ ngữ xuất hiện khi trẻ được 18 tháng. Thời gian trước đó, trẻ vẫn trong tình trạng thụ cảm, nghĩa là hiểu được và dự trữ các từ trong trí nhớ bằng cách liên kết chúng với các tình huống.

    Do vậy, hãy chọn những từ ngữ thật đơn giản và dễ hiểu, tùy thực tế. Đưa dần vốn từ vựng thích ứng với vốn sống của trẻ, những khái niệm gần gũi như thú bông, bình sữa, nóng, lạnh, tiếng vịt “cạc cạc” hay tiếng gà con “chiếp chiếp”.

    Giải thích từng từ theo kinh nghiệm sống ít ỏi của bé. Nói tóm lại, hãy để ngữ cảnh dẫn dắt câu chuyện của hai mẹ con.

    Cần tránh

    Nhiều bà mẹ lười trò chuyện với con mà quên mất rằng tai của bé “nhạy” với giai điệu của giọng nói. Ngược lại, có những bà mẹ lại trò chuyện liên tục khiến trẻ không được nghỉ ngơi. Kích thích thái quá hay không kích thích đều có hại.

    Tránh nói quá to, với những câu quá dài. Khi trẻ tập nói, không nên phức tạp hóa vấn đề bằng cách buộc trẻ học quá nhiều khái niệm mới. Hãy để trẻ học và phát triển theo nhịp điệu sinh học của mình.

    Ở Ai Cập và một số nước Hồi giáo, các bà vợ giấu chồng và dân làng về giới tính của con mình (nhất là khi đó là bé trai) nhằm tránh “con mắt xấu xa” nhòm ngó.

    Họ cải trang các bé trai thành bé gái, cho đến lúc lên 2 tuổi. Trên cổ bé luôn có mẩu cuống rốn đã được làm khô cẩn thận, cùng với miếng ngọc xanh, giúp xua đuổi những con mắt thèm muốn.
     
  9. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    LÀM GÌ KHI BÉ KHÔNG THÍCH BỐ


    Buồn làm sao khi con gái cưng cứ òa khóc mỗi khi bố muốn bế. Thay vì lo lắng, các bạn hãy cố gắng xóa đi khoảng cách giữa hai bố con. Và chắc chắn, bạn sẽ hạnh phúc bất ngờ khi "thiên thần" sà vào lòng mình với ánh mắt trìu mến và nụ cười hồn nhiên.

    Dành cho bố : yêu con thật nhiều

    Bạn nên dành thời gian quan tâm đến con nhiều hơn, có như thế, bé mới không xem bố là “kẻ lạ trong nhà”:

    - Phớt lờ những giọt nước mắt của trẻ: Nếu bạn e dè không dám bế con vì bé cứ gào lên gọi mẹ, bạn đang làm cho con bé xa lánh bố hơn. Tốt nhất, hãy chơi đùa đến khi bé thôi khóc và đồng ý chơi với bạn.

    - Tắm rửa, thay quần áo cho con: Như thế bạn vừa có thể giúp bà xã vừa khiến bố gần gũi với con hơn. Đừng quên kể cho con nghe câu chuyện cổ tích trước khi bé ngủ.

    - Dỗ dành, an ủi khi bé gặp “sự cố”: Sự dỗ dành, âu yếm của bố mẹ rất quan trọng. Ôm con vào lòng sẽ giúp bé ổn định tâm lý. Lúc đó quan hệ giữa hai bố con sẽ ổn hơn.

    - Giúp bé trong bữa ăn: Hãy thử thay vợ ngồi bên con và đút cho bé trong bữa cơm chiều. Bạn sẽ thấy mệt mỏi tan biến một cách diệu kỳ. Và bé sẽ cảm thấy thích có bố bên cạnh.

    - Nhìn vào mắt bé: Trẻ nhỏ cảm thấy yên tâm khi bạn nhìn chúng. Đó là dấu hiệu chứng tỏ bé rất quan trọng với bạn. Hãy nhìn vào đôi mắt ngây thơ của con khi bé bi bô. Tránh xa những thứ có thể làm bạn xao lãng, chẳng hạn chương trình bóng đá hấp dẫn trên ti vi.

    - Luôn tự tin vào chính mình: Bạn phải biết đánh giá mình là người cha tốt, có thể tốt nhất trên đời nữa kia. Bạn càng tự tin, bé càng dễ thân với bố hơn. Nếu bạn cho rằng mình không biết cách chăm sóc con và “nhường” hết trách nhiệm cho vợ, bạn đang đẩy bé cưng rời xa vòng tay của mình hơn.

    Dành cho mẹ : hãy là cầu nối giữa bố và con

    Trong những tháng đầu đời, dường như bé... yêu mẹ nhiều hơn bố. Bạn hãy giúp hai bố con thân thiết với nhau hơn bằng sự dịu dàng và tinh tế của mình:

    - Thường xuyên “nhờ” anh ấy bế con để bé “làm quen” với bố.

    - Tạo không khí ấm cúng trong bữa cơm chiều bằng cách gợi chuyện để hai bố con cùng hào hứng tham gia.

    - Dành không gian riêng cho hai bố con chơi đùa. Tốt nhất bạn nên “trốn” đi một lúc để bé không vòi mẹ.

    - Nhắc chồng không nên la cà sau giờ làm việc. Hãy dành thời gian cho mái ấm.

    Và cả hai bạn cần nhớ rằng, sự gần gũi, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau chính là yếu tố tiên quyết để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình.
     
  10. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    DẠY TRẺ BIẾT VÂNG LỜI



    Ngay từ nhỏ nếu không được rèn giũa cẩn thận bé rất dễ có thói ỷ lại hay “việc hôm nay cứ để ngày mai”. Với vài lưu ý trong cách giao việc cho bé sau, bạn hãy tập cho con thói quen biết nghe lời và có trách nhiệm với công việc.

    1. Tự quyết định việc bạn muốn con làm và cho bé thời gian chấp nhận “mệnh lệnh” - ngay lập tức hoặc trong vòng 15 phút, đại loại là phải có “khung” nhất định.

    2. Cần có giao tiếp bằng mắt khi bạn đưa ra yêu cầu với con để chắc chắn rằng bé thật sự chú ý.

    Đừng la toáng lên từ trong bếp. Nếu bạn đang dở tay, nên gọi bé đến bên rồi mới “phân công công việc” cho bé làm.

    3. Truyền đạt yêu cầu của bạn tới con một cách cụ thể. Ví dụ nói: “Con đánh răng ngay bây giờ đi nếu không sẽ muộn học mất”.

    4. Hãy theo dõi để chắc chắn rằng bé đang bắt đầu thực hiện yêu cầu của bạn.

    5. Đừng quên tặng con lời khen khi bé ngoan ngoãn làm việc.

    6. Nếu bé không làm, hoặc không hoàn thành đầy đủ công việc bạn yêu cầu, hãy hỏi bé: “Ba/mẹ đã bảo con làm gì?”.

    7. Và nếu con trả lời chính xác nhiệm vụ của mình, hãy nói: “Tốt lắm, giờ con làm ngay đi”.

    8. Nếu bé không chịu làm việc bạn giao, hãy “cấm vận” mọi hoạt động của bé: “Con sẽ không được làm gì khác nếu chưa hoàn thành công việc này”.

    9. Trẻ bắt đầu mè nheo giận dỗi, hoặc tiếp tục phớt lờ, nên cho bé chút thời gian “nghỉ giữa hiệp”. Khi thoải mái trở lại, bạn tiếp tục nhắc nhở về công việc bé cần làm.

    Đừng cho qua chuyện này, nếu không bé sẽ học cách trốn tránh trách nhiệm bằng cách hơi một tí là la khóc om sòm.
     
  11. Gia Phú

    Gia Phú Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/11/2008
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    DẠY CON NÓI LỜI XIN LỖI


    Ngay khi trẻ còn bé, thay vì la mắng hay phạt con khi mắc lỗi, cha mẹ nên dạy trẻ biết cách nói xin lỗi và nhận thức được cái sai. Điều này sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc định hình nhân cách.

    Với trẻ nhỏ

    Trước khi nói xin lỗi, trẻ cần nhận ra những gì mình làm là không đúng. Ở lứa tuổi bắt đầu biết nhận thứ (3-5 tuổi), trẻ nên được giải thích cho hiểu vì sao nói xin lỗi lại quan trọng.

    Bạn có thể nói với con đơn giản thế này: “Mọi người phải nói xin lỗi khi làm gì đó khiến người khác tổn thương hay phiền lòng”.

    Đặt con vào các tình huống ví dụ như “Nếu em Miu Miu của con bị người khác đánh đau con thấy sao?”, “Ai đó làm bẩn gấu bông của con thì thế nào nhỉ?”.

    Gợi ý cho trẻ về cách sửa chữa khuyết điểm cũng là một phần quan trọng. Trẻ cần biết rằng lời xin lỗi chẳng có ý nghĩa nếu nó không đi kèm với việc sửa sai.

    Trẻ trên 6 tuổi

    Lúc này trẻ đã hình thành ý thức rõ hơn về mọi thứ xung quanh, về phân biệt và nhận thức đúng - sai. Trẻ cũng quan sát, nhận thức rõ hơn về thái độ của mọi người xung quanh.

    Nhưng điều đó không có nghĩa trẻ đã tự có ý thức nói xin lỗi. Giai đoạn này trẻ hay quan sát, để ý và “dò xét” thái độ người lớn mỗi khi làm gì. Vì vậy, định hướng và uốn nắn trẻ thời gian này rất quan trọng.

    Trẻ càng lớn càng mắc nhiều lỗi “nghiêm trọng” hơn. Do đó cha mẹ sẽ phải đặt ra nhiều quy định hơn với trẻ trong việc xin lỗi và sửa lỗi.

    Ví dụ, nếu trẻ đá bóng làm vỡ cửa kính hàng xóm thì ngoài việc xin lỗi, cha mẹ sẽ giúp trẻ tìm cách sửa sai như dành tiền ăn sáng để mua đền kính, hứa sẽ không chơi sai chỗ quy định nữa.

    Việc này giúp trẻ hình thành tính độc lập cao và biết chịu trách nhiệm về bất cứ lỗi lầm nào của mình dù nhỏ. Những bài học sẽ theo trẻ suốt đời, giúp trẻ định hình cá tính.

    Giúp trẻ nói xin lỗi

    Luôn khách quan

    Rất khó để biết ai mắc lỗi mỗi khi trẻ nói “Không phải con làm” hay “Lỗi của bạn ấy”.

    Đừng vội tìm nguyên nhân và ép trẻ xin lỗi. Giải thích để trẻ thấy cãi nhau là không đúng, và trước hết cả hai phải cảm thấy có lỗi vì đã xử xự không hay như vậy, còn ai mắc lỗi sẽ từ từ tìm hiểu.

    Điều này giúp trẻ bình tĩnh và không cảm thấy “ấm ức” nếu bị ép buộc nói xin lỗi. Trẻ luôn muốn nhận được sự công bằng phán xử từ cha mẹ nên bạn phải thận trọng khi làm “trọng tài” trong những tình huống như thế.

    Cùng trẻ sửa chữa lỗi sai

    Tuổi này trẻ rất hay xấu hổ nên nói xin lỗi thật khó khăn. Hãy cùng con làm việc này để động viên trẻ.

    Ví dụ đề nghị: “Mai bố sẽ cùng con gặp và xin lỗi bạn ấy nhé” hay “bố và con sẽ đi mua đền một cái bút mới rồi mai con mang cho bạn nhé”.

    Đừng ép buộc

    Bạn chỉ nên đóng vai trò chỉ dẫn, giải thích và động viên trẻ, không nên áp đặt. Việc xin lỗi phải là kết quả của quá trình trẻ tự nhận thức chứ không phải một quy định bắt buộc của bạn.

    Trẻ nói xin lỗi chỉ vì đó là “mệnh lệnh” của cha mẹ thì lâu dần sẽ hình thành thói quen xấu. Bởi thế, bạn không nên ép buộc. Hãy để trẻ thực sự học được bài học sau mỗi lần mắc lỗi thay vì chỉ đơn giản học được hai từ “xin lỗi”.

    Nói xin lỗi với trẻ

    Khi bạn xin lỗi con, cháu sẽ hiểu đây không phải chuyện chỉ con nít mới phải làm. Đừng quên kèm lời giải thích vì sao bố/mẹ lại xin lỗi. Những lời nói và hành động của bạn lúc này chính là tấm gương sáng để trẻ noi theo.
     

Chia sẻ trang này