Cô nhóc 4 tuổi của bạn nhất định đòi mặc áo sơ mi trắng với váy trắng, giày trắng để đi dự sinh nhật bạn trong khi trời mưa tầm tã. Mẹ không cho, bé làm mình làm mẩy, lăn lê cả ra sàn nhà. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó xử khi cô con gái mới tuổi mầm hoặc chồi đã tỏ rõ quyền hạn của mình bằng cách “chỉ định” quần áo nó muốn mặc. Trong trường hợp này, tốt nhất, bạn không nên quát tháo, phải thật bình tĩnh và nhẹ nhàng đàm phán với bé. Lý do bé đối đầu với bố mẹ khi chọn quần áo Sự đối đầu trong chuyện chọn quần áo ở lứa tuổi này có nhiều lý do. Có thể, bé đang cố gắng giành quyền quyết định những việc của bản thân, dù sự lựa chọn đó đôi lúc bị coi là không bình thường, chẳng hạn như kết hợp đầm xòe, mũ lưỡi trai và giày sandal. Điều này cũng tương tự như khi một đứa bé 1-2 tuổi nổi giận, giật lấy bút chì để vẽ, dù nó chẳng thể tạo ra thứ gì ngoài những “con rồng đất” hoặc cậu bé 2 tuổi cứ nắm chặt cục kẹo trên tay, bất chấp lời cảnh báo của mẹ rằng sắp phải ăn trưa. Trẻ con là thế. Bé làm những gì mình thích và sẵn sàng đứng ở phía bên kia chiến tuyến với cha mẹ. Một lý do khác dẫn đến cuộc cãi cọ về việc mặc quần áo là dù bé ngày càng lớn, chững chạc hơn nhưng cách suy nghĩ và hành xử vẫn như một đứa trẻ mà thôi, tức bé chưa hiểu gì về thẩm mỹ, cách phối màu… Sau này, dần dần, bé nhận thức rõ hơn về điều này và thậm chí sẽ buồn cười khi nhớ lại trước đây mình mặc đồ như thế nào. Lý do cuối cùng khiến bé thích mặc đồ theo ý mình chính là lòng tự tin mong manh của nó. Ở khía cạnh nào đó, việc tự chọn quần áo cũng thể hiện lòng tự trọng. Bé cảm thấy mình thành công khi được người khác khen ngợi và nếu không làm được điều đó có nghĩa là nó chấp nhận thất bại. Chỉ một lời bình luận của bố như “Con ăn mặc gì mà kỳ cục vậy?” cũng đủ làm bé muốn cởi ngay bộ quần áo đó. Nhưng nếu bạn nói “Con gái, áo đầm này xinh quá!”, bé sẽ mặc mãi chiếc đó mà thôi. Mẹ cần an ủi bé Bạn lúng túng vì cô nhóc 4 tuổi làm mình làm mẩy, lăn lê cả ra sàn nhà chỉ vì nó không được phép mặc áo sơ mi trắng cùng với váy trắng và giày trắng để đi dự sinh nhật bạn vào một ngày mưa tầm tã. Lúc này, bạn chớ quát tháo, nên bình tĩnh và nhẹ nhàng đàm phán với bé. Trước hết, mẹ cần giúp bé nguôi giận và tìm hiểu lý do tại sao con lại chọn bộ đồ đó: “Con thích mặc bộ này vì ai cũng khen con xinh xắn đúng không?” hay “Ai đó đã chê bộ đồ mẹ chuẩn bị sẵn cho con phải không?” Nếu bé thừa nhận điều này, bạn có thể nói cho con biết, bé rất đáng yêu nên mặc quần áo nào cũng dễ thương cả. Sau bước này, mẹ có thể tiến tới thỏa thuận với bé. Nếu con thích mặc đầm xòe chỉ vì nó không thích cái váy màu đỏ thì bạn có thể đề nghị bé chọn váy màu xanh hay một cái khác. Bạn phải khéo léo, không làm tổn thương bé nhưng vẫn giúp bé chọn quần áo cho phù hợp. Cuối cùng, bạn cũng nên chuẩn bị “quy định mặc quần áo” nếu tất cả những chiến lược trên đều thất bại. Nếu bé khăng khăng làm theo ý mình, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên hoặc đề nghị hợp lý của cha mẹ, bạn không cho bé ra ngoài trong bộ đồ như vậy. Người quyết định cuối cùng vẫn là bạn. Bố mẹ đừng vội mềm lòng vì cơn giận dữ hoặc nước mắt của bé. Nếu bạn nhượng bộ một lần, tình huống này cứ tiếp diễn mãi. Bố mẹ có chính kiến rõ ràng thì những cuộc chạm trán về quần áo sau với bé sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Theo vnexpress
Như vậy cuối cùng thì trẻ con vẫn phải tuân theo quan điểm của mẹ? Và dù có cư xử để bé đỡ bị tổn thương thì việc bé thích mặc gì cũng không phải là quyền của bé? Trong trường hợp này thì dù bé không bùng lên dữ dội để đòi cho được theo ý tôi thì về lâu về dài bé cũng mất đi cá tính và sự độc đáo của riêng mình. Tại sao ta không để bé tự chọn quần áo cho mình? Việc bé đi một chiếc tất xanh và một chiếc tất đỏ hay mặc bộ quần áo mùa đông vào mùa xuân thì đâu có làm đau gì cho bé? Một bài hát trong bộ Baby Songs giúp chúng ta hiểu được việc này theo quan điểm của các bé: I CAN PUT MY CLOTHES ON BY MYSELF (Words and Music: Hap Palmer) ©Hap-Pal Music, Inc. Chorus: I can put my clothes on by myself I don't need help from anyone I go through my drawer And choose what I adore Then proudly check the mirror when I'm done So what if both my socks are not the same I like getting dressed when I can choose If one sock is white and red and one is blue instead My feet will still stay warm inside my shoes And when I wear orange pants with my green cap You may think they clash with my pink shirt But I might have a style That helps the world to smile And surely you'll agree that cannot hurt Oh, I can put my clothes on by myself! I don't need help from mom or dad It takes more time I know Right now I'm kind of slow But taking time is really not so bad 'Tho I can't tie my shoes like brother can It won't be long 'til I can do it too 'Tho I'm just learnin' how I have no problem now My velcro shoes will do just fine, thank you So what if I wear winter clothes in spring I'll just throw some off if I get hot Who cares if I'm not dressed the same as all the rest On my block I'm still the proudest tot Repeat Chorus Yes, I can put my clothes on by myself! http://www.babysongs.com/pages.cfm?ID=20
Cách đây vài tháng mình cũng đau đầu với bé nhà mình về chuyện chọn quần áo. Nhưng sự thực không phải là sự thể hiện "cá tính và sự độc đáo" của bé mà đơn giản chỉ là những lời bình luận của bạn bè bé ở lớp. Có hôm mình đưa con đến lớp gặp 1 bác lớn tuổi, cứ đứng cửa lớp chờ con nhà mình đến và hỏi "Tại sao bạn N lại chê áo của bạn M để bạn M về nhà nhất định không chịu mặc áo?". Thường thì thời gian đó mỗi buổi sáng, khi mặc quần áo chuẩn bị ra khỏi nhà là một trận chiến, bố mẹ chọn cho bé bộ quần áo phù hợp với điều kiện ở lớp và thời tiết hôm đó, bé thì dường như chỉ chờ có thế để đòi chọn bộ khác và nhất định không phải là thứ mà bố mẹ đã chọn. Thế rồi vội vàng, bực dọc, mắng mỏ và khóc lóc... Cuối cùng mình chọn giải pháp là thoả thuận với bé từ tối hôm trước về trang phục mà bé sẽ mặc hôm sau. Đầu tiên mình cho bé tự chọn những quần áo mà bé thích rồi hai mẹ con cùng phân tích là tại sao mặc được, tại sao mặc không phù hợp (lúc này mới có thời gian và bình tĩnh để tranh luận và giải thích).... rồi cũng ổn. Nhưng cũng chỉ mất có vài tháng, bây giờ thì chuyện mặc quần áo lại do Bm quyết định rồi
Vấn đề trong việc này là ở chỗ : Thẩm quyền của cha mẹ đến đâu - trong phạm vi nào ? có những vị cho rằng phải để cho trẻ tự chọn lựa để phát triển sự tự tin, có vị lại cho rằng, cần phải được hướng dẫn và thuyết phục theo tính thẩm mỹ và sẽ có người cho rằng, áo mặc sao qua khỏi đầu để chọn phương án quyết định thay cho con. Theo tôi, cả 3 quan điểm trên đều đúng ! nhưng đúng trong từng vụ việc khác nhau - Nếu đó là sự chọn lựa y phục, thì chỉ nên góp ý và tôn trọng quyết định của trẻ vì quần áo chính là "tư hữu " - còn có những chuyện khác, như chọn lựa chỗ đi chơi - hay vấn đề học tập , giao tiếp ... thì có khi bố mẹ buộc phải có ý kiến sau cùng và trẻ phải tuân thủ vì điều đó có liên quan đến người khác và nó đòi hỏi kiến thức cùng kinh nghiệm - những thứ mà trẻ chưa có! Việc phân tích và giải thích trong việc mặc quần áo ( và những chọn lựa của trẻ) là điều nên làm, nhưng cũng chỉ trong mức tương đối và phải phù hợp với độ tuổi, sự hiểu biết của trẻ - vì cái gout thẩm mỹ giữa trẻ và người lớn khác nhau rất nhiều - giữa người này và người khác cũng thế, cha mẹ không nên thuyết phục trẻ chỉ vì muốn trẻ theo cái gout của mình ( cách ăn mặc, cách chọn lựa đồ dùng cá nhân ) mà chỉ nên hướng dẫn, cho trẻ thấy cái đúng sai và để trẻ tự quyết định - Điều này có thể là một khó khăn trong xã hội chúng ta, nơi mà người trẻ thường phải chấp hành sự " chỉ đạo" của người lớn - kẻ dưới phải tuân thủ ý muốn kẻ trên - Nhưng nếu chúng ta xác định được cái gì thì có thể cho trẻ tự quyết định, điều gì mình phải quyết định thì có lẽ sẽ nhẹ nhõm hơn, vì ai cũng có quyền cả !
Nhà em cũng cùng quan điểm với bác. Nếu con em thích mặc quần đùi vào mùa đông, thì em cũng sẽ để cho mặc và bảo là nếu con thấy lạnh thì mẹ sẽ thay quần khác cho con. Một lúc sau lạnh là sẽ tự động thay cái khác ngay. Quan điểm của em là nếu con tự trải nghiệm thì sẽ hiếu vấn đề nhanh hơn là bố mẹ cứ: con phải thế này, con phải thế kia (tất nhiên là trong sự kiểm soát của mình).
Không biết khi con trai em đến 4 tuổi thì sao nhỉ , không biết mẹ có phải đàm phán với con về chuyện quần áo không nữa ...
Con trai thường không để ý đến vấn đề quần áo lắm (ít nhất là cho đến lứa tuổi vào cấp 2 ) nên có khi bố mẹ phải "đạo diễn" cho con trong việc ăn mặc - nhưng tốt nhất vẫn là tập cho trẻ biết cách ăn mặc một cách gián tiếp ( chỉ cho bé thấy các bạn khác, tập cho bé biết về màu sắc - màu nóng, lạnh - màu nào hợp với nhau, màu nào đối chọi nhau ... ) nhưng như đã nói, vấn đề ăn mặc là gout của mỗi người - quyết định cuối cùng trong việc này vẫn là ...con ! - còn về chuyện "đàm phán" thì e là không nên, nếu hiểu theo nghĩa, đàm phán là đem phần thắng về cho mình - hay ít nhất là mình không thua ( kiểu như Mỹ với CHDCND Triều Tiên ) mà chỉ là góp ý và có thể thuyết phục - nhưng không nên dụ dỗ hay áp đặt - Chúng ta tôn trọng trẻ trong việc ăn mặc, để sau đó trẻ sẽ tôn trọng chúng ta trong việc quyết định những chuyện lớn hơn - còn nếu áp đặt thì trẻ sẽ luôn ở trong tư thế đối đầu từ chuyện bé tới chuyện lớn, và nếu dụ dỗ thì mai mốt ai cũng có thể "dụ dỗ" nó được thì hỏng bét !
Xin phép các anh chị được lạc đề 1 chút. Có một bộ phim có tên là Defending Your Life đặt ra một giả tưởng về của cuộc đời của con người. Nội dung phim có thể vắn tắt như sau: Một anh chết sau một tai nạn ô tô. Anh được chuyển đến một thế giới mới rất hiện đại và hoàn hảo, và mọi người đều rất thông minh, hơn rất nhiều so với người ở trái đất. Sở dĩ người ở đó thông minh là họ sử dụng nhiều tiềm năng của bộ óc vào những quyết định và hành động một cách dũng cảm. Còn ở trái đất, mọi người sử dụng ít tiềm năng bộ não hơn, và dùng phần lớn tiềm năng đó cho lo sợ, và chờ cho người khác quyết định thay. Ở thế giới đó có một thành phố là Judgement city. Judgement city thật là đẹp, và ở đó anh quen với một người phụ nữ xinh đẹp và đem lòng yêu mến. Ở Judgement city anh phải bảo vệ về cuộc đời mình trước một phiên toà đặc biệt. Tại phiên toà đó, mỗi giây phút cuộc sống của sống đều có thể được chiếu lại như những đoạn phim và anh ta phải chứng minh với toà là anh đã hoàn thành cuộc đời mình một cách dũng cảm, dám thực hiện được những việc mình mong muốn. Nếu chứng minh được, anh sẽ được chuyển đến thiên đàng và nếu không, anh lại phải quay lại trái đất và làm lại cuộc đời mình bằng một kiếp khác. Và các kiếp cứ lặp đi lặp lại đến khi làm được một cuộc đời đủ tốt mới thôi. Những đoạn băng tái hiện lại cuộc đời từ lúc anh là một cậu bé yếu đuối bị bạn bắt nạt mà không giám chống trả.... Rồi sau nhiều chứng cớ đã chứng tỏ anh chưa đủ dũng cảm để đi đến thiên đàng. Và anh hứa sẽ làm lại cuộc đời mới một cách thật là dũng cảm. Nhưng người phụ nữ mà anh yêu mến thì hoàn toàn trái lại. Cô đủ dũng cảm nên được đến thiên đàng. Hai chiếc xe chở hai người sẽ đi theo hai hướng khác nhau. Anh rất muốn được đến thiên đàng cùng người phụ nữ đó. Và anh quyết định hành động. Anh nhảy khỏi xe trong khi xe đang lao nhanh, chạy đến và nhảy lên xe của người phụ nữ. Trong lúc đó, tại phiên toà, các luật sư và chánh án đã được chứng kiến sự dũng cảm của anh. Và hai người được cùng nhau đến thiên đàng. Tôi không biết những giả tưởng của bộ phim có là thật không. Nhưng nếu nó có thật thì mỗi giây phút, mỗi quyết định một cách dũng cảm để đạt được những điều mà mình mong muốn thật đáng giá. Nếu không ta phải trả giá bằng cả một cuộc đời để làm lại. Và nếu điều đó là có thật thì việc ta quyết định thay cho con khác nào ta bắt con ta phải mất đi cả kiếp người một cách vô ích! Bộ phim nói rằng, mỗi người phải tự quyết định và hành động một cách dũng cảm. Từng việc một, nó làm nên cuộc đời. Là bố mẹ, ta không thể mặc con cái. Cũng không thể quyết định thay chúng. Vậy, tốt nhất là làm sao giúp chúng biết quyết định và hành động đúng. Bắt đầu từ những cái nhỏ, sau lớn dần.
Là bố mẹ, ta không thể mặc con cái. Cũng không thể quyết định thay chúng. Vậy, tốt nhất là làm sao giúp chúng biết quyết định và hành động đúng. Bắt đầu từ những cái nhỏ, sau lớn dần. Đây chính là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc giáo dục con - Nhưng muốn dạy con biết quyết định thì bản thân bố mẹ phải biết quyết định - quyết định chưa đủ, còn phải có hành động sau quyết định đó, và khi quyết định đó đem lại một hậu quả ( tốt /xấu) đều dám nhận trách nhiệm về mình - đó cũng là một yếu tố quan trọng để dạy con biết quyết định.
Em thấy các bé gái thường hay mè nheo chuyện chọn quần áo theo ý mình hơn là các bé trai, đó cũng là bình thường vì sự phát triển giới tính, con gái thích được làm điệu sớm hơn. Bên cạnh đó một phần cũng còn do ảnh hưởng của người mẹ, bà mẹ dành nhiều thời gian cho việc làm điệu cho con, đứa trẻ đó cũng quen với việc nó mặc gì, mặc như thế nào theo ý nó là đep. Nếu nói là để con chọn, thích mặc gì, mặc thế nào vào thời tiết nào tùy nó, khi nó mới có 3, 4 tuổi, dù điều đó ảnh hưởng tới sức khỏe của nó thì em không đồng ý. Mình luôn luôn cho con sự lựa chọn, nhưng với một số trường hợp quá cần thiết thì mình bắt buộc phải là người quyết định. Ở nhà em, nếu không vì lý do thời tiết, thì việc chúng mặc cái này hay mặc cái khác không phải là chuyện đáng phải nghĩ, chúng có thể chọn gì tùy ý, miến là sạch và mầu mè không quá tương phản. Mà điều này thì ít khi xảy ra vì khi đi mua quần áo em đã chọn những cái gam mầu có thể đi với nhau. Nếu là lý do thời tiết, đại loại là, giữa một bên là áo lót ngắn tay + len, một bên là áo lót dài tay + len, thì không cần phải "chiến đấu" với chúng làm gì cho mệt người, em chỉ hỏi, con mặc vậy có lạnh không, và mở cửa sổ cho nó thấy trời lạnh, nếu nó nói không thì thôi, không cần càm ràm nữa. Ngược lại nếu trời lạnh quá mà đòi mặc áo ngắn tay thì em sẽ không nhượng bộ. Có một dạo, thằng cu 4 tuổi nhà em ngày nào đi học về môi cũng tím ngắt vì lạnh còn mẹ thì ngày nào cũng phải giặt lại áo khoác vì áo ngấm nước mưa. Mỗi buổi nó đi học về, mọi thứ đều ướt, chỉ riêng chiếc áo mưa là khô, nói thế nào hắn cũng không nghe vì lúc đó chắc thích ra mưa nghịch quá rồi quên lời mẹ dặn. Thời gian đó hắn cảm lạnh liên tục, sốt triền miên. Mỗi lần ốm sốt hắn rất ghét phải ở nhà, vì hắn thích đi học. Hắn hỏi : "Sao con cứ phải ở nhà mãi vậy ?". Em liền giải thích cho hắn biết rằng, tại con không chịu mặc áo mưa, ngày nào cũng bị ướt nên con ốm, mà ốm thì phải ở nhà, từ này hễ con ốm là mẹ để con ở nhà, không cho đi học được. Vậy là hắn sợ. Lần sau đó đi học về không thấy ướt nữa và bảo : " Hôm nay con mặc áo mưa đấy !". Phải mất đến một tháng trời mới cho hắn được một bài học. Phù ! Ơn trời, tụi cún nhà em không đòi quần áo bao giờ, chỉ thỉnh thoảng mặc cái gì mới thì đứng trước gương rồi hỏi : " Mẹ thấy con thế nào ? ", nếu có con gái chắc giờ này cũng đang ong ong : " Mai mặc gì ? "
Con em mới 23 tháng, thậm chí chưa biết nói, nay em copy 1 đoạn trong blog về vụ đau đầu này, bác bỏ thời gian đọc rồi giiups em với ạ. Em cảm ơn bác. "Hôm nay, Linda Kiều khuyên tớ rằng không nên chiều theo ý thích ăn mặc của con. Tớ đang băn khoăn đứng giữa hai dòng nước với những bài học đầu tiên của người làm mẹ lần đầu tiên... Xù con, như tớ từng phàn nàn, luôn thể hiện rõ cá tính trong chuyện ăn mặc. Thêm một số ví dụ để các bạn hiểu rõ hơn và chia sẻ với tớ về phương pháp giáo dục con ngay từ bây giờ. 1. Mẹ mua áo phao màu oliu (xanh rêu sẫm) nhìn rất nam tính, Xù khóc lóc không chịu mặc. Thậm chí khi mẹ đội cái áo đó lên đầu mẹ để tạo cho Xù cảm giác gần gũi dần dần, Xù còn giật phắt cái áo vứt xuống đất dẫm qua dẫm lại vài cái như thể ghét nó lắm. 2. Có một dạo Xù uống sữa Milex rồi chuyển qua Morinaga. Dạo đó Milex khuyến mãi lớn, Xù còn thiếu 1 nắp lon nữa là được cái xe Donald nhưng vì không có nhu cầu uống Milex nên số lon sẵn có, mẹ Xù đổi được áo Milex thôi - mỗi lon 1 chiếc áo màu xanh lam mà theo mẹ Xù thì khá đẹp, chất cũng ổn, design cũng xinh. Từ dạo đó tới giờ, mấy cái áo vẫn còn mới ạ. 3. Cô Phương mua tặng Xù một em quần mà theo cô ý và mẹ Xù thì rất là nam tính, dạng quần hộp, có lót nỉ bên trong, màu rêu đá sẫm in hình ô tô nom khá soành điệu. Ấy thế nhưng bạn nhất định chối từ cái sự mặc quần soành điệu. Bạn nhặt cái quần nhung màu tím hoa cà dúi vào tay mẹ và giơ cẳng chân lên đòi xỏ. Thế đấy ạ. 4. Áo in hình chuột mickey nền đen chuột hồng và xanh (trong ảnh trên). Xù mặc mãi cho tới khi... Xù tè ra mép vạt áo 1 chút. Tức thì, Xù lăn lộn chống trả quyết liệt cái gọi là hành động thay áo. Thà là khai khai nhé... Còn nhiều chuyện nữa, tóm lại, Xù không thích màu sẫm, trầm, u tối, đặc biệt là màu rêu đá xanh sẫm hoặc đại loại thế. Xù cực thích màu hồng, cam, vàng tươi, xanh tươi, đỏ tươi... tức là gu màu sắc của mẹ Xù. Cũng có khi Xù thích mặc bộ quần áo gió màu vàng đất - đâu có lòe loẹt lắm. Ấy thế nhưng cô Phương thì cho rằng Xù có gu màu sắc đồng bóng - không ổn, sợ lớn lên 8 vía. Bác Linda Kiều thì can ngăn với xu hương là màu gì cũng đc, nhưng nhất nhất là phải theo ý của bố mẹ, không được theo ý con cái - bác muốn đưa mọi thứ vào khuôn khổ có lẽ hợp lý, vì không thế thì hai đấng sinh đôi của bác cứ gọi là làm loạn cái gia đình nhỏ bé của bác í lên. Nguyên cái vụ hai anh đòi cái j cũng phải giống nhau, 1 anh tè dầm thì cả 2 anh đều phải thay quần là mẹ Xù thấy hãi rồi. Mẹ Xù vẫn đang băn khoăn và trong lúc này, vẫn đề Xù phát triển tự nhiên theo ý thích của mình. Uh, con thích màu cam, cho mặc màu cam (với điều kiện ko phải là trời rét mà đòi mặc mỗi áo sơ mi), con k thích quần màu xám tro, con tự chọn quần nào con thích cũng được. Đại loại thế. Mình sáng ra trước khi đi làm còn ngắm đi ngắm lại cái tủ quần áo để chọn, thì cớ gì mà phanh lại cái sở thích cá nhân của bạn í nhỉ? Thấy nó k fair thế nào í"
Trong trường hợp mình thì mình ko áp đặt cái ý thích của cá nhân mình vào việc chọn quần áo của con, đơn giản là mình chẳng thấy được cái lý do sao mình phải làm vậy. Như cách đây mấy hôm, trời nóng nực mà anh chàng lại lôi đôi vớ + đôi giày thể thao đen sì nóng nực ra mang, mình chỉ nói là trời nóng lắm, anh chàng ko nghe, thế là cho mang. Lên xe gần tới trường thì nói mẹ ơi con cởi giầy, mình cởi ra thì thấy vớ ướt mồ hôi, mình mới nói từ mai mang sandale đi học cho mát, thế là mấy hôm sau mới chịu nghe. Theo mình cứ để cho con nó trải nghiệm như vậy, tự nó sẽ điều chỉnh lại thôi. Còn chuyện màu mè xanh đỏ tím vàng, váy ngắn váy dài gì đó là ý thích cá nhân của mỗi ng, bé muốn sao thì mình cho mặc vậy - đâu có lý do gì để bắt bé thay? Còn muốn giáo dục bé về ăn mặc thẩm mỹ thì là cả một quá trình, chứ đâu có bắt đầu bằng cái việc mình ép bé mặc thứ bé ko muốn?
Hiện nay, có một phong trào là rủ nhau cho con đi học về Kỹ năng sống, rồi các nhà giáo dục, các nhà xã hội thì kêu ầm lên là kỹ năng sống của thanh thiếu niên VN thiếu trầm trọng ! trong khi chưa mấy ai đặt vấn đề là tại sao, do nguyên nhân nào khiến cho trẻ em VN khi lớn lên lại thiếu KNS đến như vậy? Cũng giống như một dòng sông lớn được hình thành từ hàng trăm con suối nhỏ, tình trạng thiếu hụt KNS của trẻ cũng bắt nguồn từ những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt : Bắt con ăn món mình cho là bổ, bắt trẻ mặc cái áo mình cho là đẹp, bắt trẻ làm những điều mình cho là tốt, bắt trẻ học những thứ mình cho là hay ... Nói chung, chỉ toàn là những mệnh lệnh áp đặt từ trên xuống, mà nhân danh cái đẹp, cái đúng, cái hay ( với mình !) thì con cái ...thua rồi ! chỉ có nước khóc lóc phản đối hay cúi đầu chấp nhận ! và từ đó, giòng nước tự ti, xem mình là dở, không dám đưa ra quyết định sẽ dần dần họp thành một con kinh nhỏ gọi là coi thường chính mình, kết hợp với những dòng kinh của việc học vẹt, thày đọc trò ghi ở nhà trường, kết hợp với những yếu tố bất ổn của xã hội đã hình thành nên một người tuổi trẻ, chỉ biết chạy theo các model "sành điệu" ( vì đã không còn khả năng tự chủ nữa ) chỉ biết lập lại những gì người khác nói...( vì đâu có quyền phát ngôn theo suy nghĩ của mình ) và nếu trở nên thụ động, ích kỷ, rơi vào những tệ nạn xã hội thì lại bị gắn cho cái nhãn : Thiếu kỹ năng sống, để bố mẹ lại lôi cổ đi học các lớp dạy kỹ năng sống được mở theo nhu cầu thị trường, mà có khi ngay chính người dạy cũng không hiểu tường tận thế nào là KNS, vì cũng chỉ được học qua lý thuyết ! Một cái lỗ mọt có thể làm sụp đổ cả một con đê là thế ! Còn chúng ta, những bậc cha mẹ đầy uy quyền, thì lúc nào cũng nghĩ rằng chân lý thuộc về ta ! Mình làm như thế là giáo dục con đấy chứ, là cho con vào khuôn vào phép đấy chứ - là muốn cho con được ổn định đấy chứ! mà quên rằng, nếu như chính chúng ta bị buộc phải thích cái không thích, làm cái không muốn thì lại kêu trời là sao mà xì trét quá, chắc là phải sốp pinh vài bận để xả quá !
Topic này hay quá. Mình xin chia sẻ chuyện của mình. Bé gái nhà mình 2,5 tuổi. Một hôm trời mưa mình cho cháu mặc áo mưa rồi chở cháu đến trường. Chiều mình đón cháu về cháu nhất định đòi mặc áo mưa. Mình bảo kiểu gì cũng không nghe, nên đành phải để cháu mặc áo mưa ra về. Các mẹ khác nhìn thấy cháu mặc áo mưa cứ cười thôi. Ra đến chỗ để xe, cháu mới hỏi mình là: "Trời không mưa hả mẹ?". Lúc đó thì mình mới biết là ở trong lớp cháu tưởng ngoài trời đang mưa nên mới nhất quyết đòi mặc áo mưa như thế. Khi ra đến ngoài trời biết trời không mưa, cháu ngoan ngoãn cởi áo mưa. Hihi
Bé nhà mình mới 20 tháng tuổi thôi nhưng cũng có lúc muốn tự mặc và chọn quần áo để mặc. Tất nhiên là việc này không quá thường xuyên, mình vẫn dể con được lựa chọn quần áo, giầy, mũ mà con muốn mang rồi sau đó nếu mình cảm thấy không hợp lí (màu sắc, thời tiết...) mình sẽ nói chuyện và khuyên bé (= cái giọng thảo mai của bọn trẻ non nớt thôi ) Đa phần mình đều thành công sau khi con gái bớt đi 1 món đồ hoặc thêm vào 1 món đồ để các chứ con mang trên người không quá...buồn cười. Nhưng cũng có vài lần bé nhất định không chịu theo lời mẹ, khăng khăng dùng những gì bé đã chọn. Mình 1 là không đủ thời gian tiếp tục khuyên con, 1 là cũng không muốn để 2 mẹ con phải cáu lên-> Con mặc gì con thích Mình cho rằng việc này không quá nghiêm trọng. Cứ để bé thử đi, bé sẽ tự nhận ra mình lựa chọn đúng hay sai
Trẻ con khi lên 3 là đã thích làm người lớn rồi,bé cứ tự làm theo ý mình. Trong trường hợp này nếu cứ bắt con theo bố mẹ thì chúng sẽ phản ứng dữ lắm. Cách tốt nhất là cứ để chúng mặc theo ý thích,lứon lên một chút bé mới nhận thức được và khi đó cha mẹ nhẹ nhàng với con là sẽ thành công.