Con đầu được 4 tuổi thì tôi sinh thêm em bé. Từ đó bé lớn đâm ra ganh với em nhỏ. Mỗi khi mẹ cho em bú là bé khóc đòi mẹ bế hoặc tỏ vẻ mặt rất buồn. Những khi mẹ ru em ngủ, chơi với em thì bé lớn cứ mè nheo, thậm chí có biểu hiện ghét em, giành đồ chơi của em hay chọc cho em khóc. Trong khi đó, những lúc em bé ngủ là tôi dành hết thời gian chơi với bé lớn, nhưng bé vẫn ganh tị. Có cách nào để cho bé hiểu là mẹ vẫn thương yêu bé không? (Hương) Trả lời: Chị Hương mến, Cháu đầu nhà chị đã có bốn năm được hưởng trọn sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của cha mẹ. Bây giờ có em, cháu phải san sẻ tất cả những gì cháu đang “độc quyền”. Vì vậy, cháu tỏ thái độ phản ứng lại với em bé - người mà cháu nghĩ đang lấy bớt của cháu tình yêu của mẹ, thời gian của mẹ - là một phản ứng thường gặp chị ạ. Để khắc phục thái độ “ghen” này của các bé đầu lòng, cha mẹ cần làm công tác tâm lý cho bé ngay khi có ý định sinh em bé thứ hai. Và sự chuẩn bị này phải làm thường xuyên liên tục. Cha mẹ cần nói với bé về ý định sinh thêm một người bạn cho bé, thêm người chơi với bé, thêm người bảo vệ bé khi bé bị bắt nạt… Khi mang bầu bé thứ hai, cha mẹ thường xuyên để cho con nói chuyện với em bé, chơi với em bé, đồng thời tham gia vào quá trình thai giáo – dạy bé trong bụng mẹ cùng cha mẹ. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị chu đáo từ sớm, cháu sẽ bớt cảm giác ghen với em, sẽ yêu thương em và cùng giúp mẹ chăm em. Trường hợp cháu nhà chị có biểu hiện ghét em, giành đồ chơi, chọc em khóc có thể xuất phát từ nguyên nhân cháu cảm thấy chưa sẵn sàng đón nhận một thành viên mới của gia đình, thấy thiếu tình yêu của mẹ. Dù chị đã dành thời gian cho cháu khi em bé ngủ nhưng cháu vẫn thấy chưa đủ, chưa an tâm. Thậm chí, các cháu khi lớn lên còn luôn hỏi mẹ thương ai hơn nữa. Có bé còn có mặc cảm mẹ chỉ thương anh chị hay em mà không thương mình. Từ đó bé mặc cảm, tự ti và ngầm ghen ghét anh chị hay em mình. Cảm xúc tiêu cực này rất cần cha mẹ quan tâm và điều chỉnh. Có nhiều cách để điều chỉnh cảm xúc của bé trong trường hợp này: - Cho con cùng tham gia chăm em bé cùng mẹ: Nhờ cháu giúp những việc nho nhỏ như lấy tã cho bé, chuẩn bị đồ tắm cho em bé. - Tạo trò chơi giữa cháu và em bé: Cho bé lắc lục lạc, đung đưa bóng bay cho em bé chơi. Khi thấy em bé cười, hãy khen cháu đã biết dỗ em. - Khuyến khích, động viên, khen ngợi vai trò làm anh/chị của cháu để cháu thấy sự quan trọng của mình với cha mẹ và em bé, ví dụ: “Con xứng đáng là người anh/chị khi con giúp mẹ chăm em. Mẹ rất tự hào về con. Em bé rất vui khi con chơi với em đấy”. - Thường xuyên nói: “Có em con sẽ có thêm bạn, thêm người cùng chơi, cùng bảo vệ nhau…” để cháu hiểu khi có em cháu sẽ “được” rất nhiều. - Luôn công bằng trong việc quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ hai bé. Ví dụ cùng mua đồ chơi cho hai bé, có thể khuyến khích cho bé lớn chọn đồ chơi cho em. - Dù bận chăm sóc em bé, nhưng cha mẹ vẫn luôn quan tâm đến cháu bằng ánh mắt, nụ cười, bằng những cử chỉ quen thuộc, như xoa lưng, cõng cháu như trước khi có em bé. - Không mắng, phạt khi cháu có biểu hiện xấu với em. Hãy phân tích cho cháu hiểu hành động cháu làm là sai và cha mẹ rất buồn khi cháu làm như vậy. - Tránh để cháu một mình với em bé, vì có thể cháu sẽ có những hành vi khó kiểm soát gây nguy hiểm cho em bé. Nếu những rối loạn hành vi của bé có dấu hiệu tăng lên, cha mẹ nên đưa bé đi gặp chuyên viên tham vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý nhi để được tư vấn và giúp đỡ. Sự thay đổi của cháu phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm và tình yêu thương của chị và ông xã. Chúc anh chị giúp cháu sớm hòa đồng và yêu thương em bé. Phạm Thị Thúy Nguồn: VnExpress
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? Cái này phải lưu ý chứ nhiều mẹ ko chú ý nhiều em bị tự kỷ đấy ạ
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? phải trò chuyện nhiều với con để con biết yêu thương em bé sắp chào đời, lúc ấy con sẽ không những không ganh tỵ mà còn chiều chuộng, nhường nhịn em ý chứ!
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? Hix em cũng đau đầu vụ này lắm nhiều khi bé đầu hỏi sao cái gì mẹ cũng bắt con phải nhường emtheses/ hix
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? Mình cũng làm đủ cách từ nhẹ nhàng khuyên con không được đánh em kẻo làm em đau, đến biện pháp dùng doi vụt đít nhưng đâu vẫn hoàn đấy, 2 anh em chỉ cách nhau có 22 tháng thui. Thằng anh giờ mới đc 2,5 tuổi còn em gái 10 tháng tuổi. Hai anh e đang chơi với nhau mà ko bằng lòng với e cái gì là thẳng tay thụi vào mặt e làm e ngã ngửa ra đằng sau, lắm lúc sót e quá quay lại đánh cho cái vào tay còn phần lớn là cố gắng nén giận và nhẹ nhàng khuyên bé nhưng không được. Mọi người bảo mình phải làm sao đây ạ?
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? hai đứa nhà em cách nhau đến 7 tuổi mà vẫn ganh nhau như thường
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? Trộm vía 2 đứa nhà mình cách nhau 3 tuổi mà cô chị iu cô em lắm. Từ đầu mới sinh cô em cô chị cũng ghen tị. Mình làm tư tưởng cho chị trước khi sinh em, sinh xong mình cho 2 đứa gần gũi nhau, phụ giúp mẹ việc vặt như lấy bỉm, vứt bỉm, lấy khăn xô.... Cho e, thỉnh thoảng mẹ cho bế em sướng rên cả người lên. Giờ cứ đi đâu về bước vào nhà là hỏi e bé đâu. Đặc biệt trong giai đọn này các mẹ lựa lời nói chứ đừng quát mắng đánh là bọn nó hay tủi thân lắm đấy.
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? cái chính là ba mẹ khéo léo cho con biết con sắp có thêm em, giúp con cảm thấy gần gũi, thân thiết với em. khi có em vẫn dánh sự quan tâm chăm sóc cho bé lớn, rồi giúp cho tình cảm của anh chị em thêm thân thiết gắn bó thì sẽ không có chuyện ganh nhau quá giữa hai bé đâu
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? Cám ơn vì bài viết hữu ích, nhiều khi bé đầu được ông bà, bố mẹ dồn hết tình cảm, giờ tự nhiên lại bị san xẻ tình cảm cho em, rồi hay bị người lớn trêu là ra rìa,rất dễ khiến bé trở nên như vậy. Theo mình nghĩ nếu như để tránh tình trạng này thì ngay từ đầu, bố mẹ không nên chiều con quá nhiều
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? đứa nào tuổi này cũng thế cả hết, ganh tị nhau đủ thứ làm bố mẹ đôi lúc hơi bực mình, nhưng biết sao được, qua tuổi này là lại thân nhau như thường ấy mà, mẹ nó nên phânn chia công việc cho công bằng, đừng để đứa nào bị thiệt là hòa bình ngay, em với các mẹ cùng cố gắng nhé, chặng đường nuôi con lớn còn dài lắm ạ
Ðề: Làm gì khi con đầu hay ganh tị với em? mình thấy nếu bé đầu là con gái thì sẽ yêu em hơn so với con trai, vì ra dáng làm chị hơn