Lạm phát tốt nghiệp ở Trung Quốc

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi webmaster, 6/5/2009.

  1. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    Hơn một tháng nay, Trương Vĩ Đông, 22 tuổi, tốt nghiệp khoa Công nghệ máy tính, Trường Đại học Y khoa Nam Kinh Trung Quốc đã nộp đơn xin việc khắp các công ty trong thành phố, nhưng vẫn không hề nhận được một lời mời phỏng vấn nào.

    “Những công ty mà tôi đến nộp hồ sơ đều đang tuyển dụng vị trí phù hợp với bằng cấp của tôi nhưng lại không nhận tôi. Không biết tôi đã làm gì sai?”, Trương thắc mắc.

    [​IMG]
    Sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc. (Ảnh: Newsweek)

    Năm ngoái, ở Trung Quốc có đến 1/3 trong số 5,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, và năm nay số lượng sinh viên tốt nghiệp lên tới con số 6,1 triệu. Không biết những sinh viên này sẽ đi đâu về đâu trên thị trường nghề nghiệp hạn chế như vậy?

    Chính sách mở rộng hệ thống giáo dục của Trung Quốc không mang lại hiệu quả?

    Hưởng ứng lời kêu gọi đổi mới hệ thống giáo dục năm 1998, các trường đại học Trung Quốc – hầu hết đều chịu sự quản lý của nhà nước, đầu tư xây dựng thêm nhiều khoa, nhiều chi nhánh và các ngôi trường mới.

    Để làm được những điều đó, vấn đề đầu tiên phải nghĩ đến là tài chính.

    Các trường này thi nhau tuyển thêm sinh viên, thu học phí nhiều hơn để góp phần chi trả cho những khoản vay xây dựng trường.

    Sự mở rộng hệ thống quá nhanh, cộng thêm áp lực phải chi trả các khoản vay lớn, khiến nhiều trường đại học ở Trung Quốc trở thành “nhà máy sản xuất bằng cấp” chứ không phải là một trường đào tạo theo đúng nghĩa.

    Anh Trương nhận bằng kĩ sư máy tính từ một trường vốn có truyền thống về y khoa, tức là trước đây không hề có tiếng tăm trong lĩnh vực đào tạo công nghệ máy tính.

    Anh nhìn tấm bằng của mình một cách buồn bã: “Không hiểu nó có giá trị gì không?”

    “Hiện đang có một sự khập khiễng giữa hệ thống giáo dục đại học và nhu cầu thực tế của nền kinh tế”, Robert Ubell, người đứng đầu chương trình đào tạo cử nhân Trung Quốc cho các công ty nước ngoài nói. “Hầu hết sinh viên tốt nghiệp người Trung Quốc thường có rất ít kinh nghiệm thực hành”.

    Mục tiêu căn bản của nền giáo dục Trung Quốc là đảm bảo rằng mọi người đều biết đọc, biết viết, có nghĩa là ngay cả những nông dân nghèo cũng phải đọc viết hanh thông, nếu có cơ hội làm việc thì cũng có thể dễ dàng đào tạo được.

    Tuy nhiên, để làm được điều đó không phải là việc dễ dàng. Chính phủ sẽ phải tốn rất nhiều tiền để mở rộng hệ thống trường học và mua trang thiết bị dạy học.

    Ông Triệu Hàn, Phó Chủ tịch Trường Đại học Công nghệ Hợp Phì, An Huy nói rằng: “Một số trường đại học hàng năm phải trả số nợ tương ứng với một nửa số tiền thu được từ học phí. Chính những phí tổn này đã làm ảnh hưởng đến sự vận hành thông thường của các trường”.

    Việc các trường vẫn tồn tại được một phần là nhờ vào những gói cứu trợ tài chính của chính quyền địa phương. Năm ngoái, tỉnh Quảng Đông đã yêu cầu ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay cho các trường đại học. Năm nay, tỉnh này cũng chi hơn 30 tỉ đô la cứu trợ để ngăn chặn sự vỡ nợ của hàng loạt các trường đại học.

    “Khách quan mà nói, nhu cầu mở rộng hệ thống giáo dục là đúng”, Dương Đông Bình, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ kêu gọi cải tổ hệ thống giáo dục nói. “Nhưng chúng ta chưa nhận được một tác động tích cực nào từ những đổi mới này”.

    Cũng có một số người có cái nhìn lạc quan hơn. Hồ An Cương, một giáo sư, một nhà kinh tế học có tiếng tại Trường Đại học Thanh Hoa nói rằng: “Việc mở rộng hệ thống giáo dục của Trung Quốc là đúng. Đó là một bước khởi đầu để phổ cập nền giáo dục”.


    [​IMG]
    Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. (Ảnh: wiu.edu)

    Ngôi trường Đại học Y khoa Nam Kinh, nơi anh Trương theo học chuyên ngành kĩ sư máy tính những năm 1990 là một ngôi trường có danh tiếng trong việc đào tạo nên những y bác sĩ lành nghề. Dù Trung Quốc có tương đối ít các bệnh viện, nhưng các sinh viên tốt nghiệp luôn tìm được việc làm. Sinh viên trường này luôn được vào làm tại các bệnh viện có tiếng hoặc nghiên cứu tại các học viện lớn trên cả nước.

    Tuy nhiên, truyền thống này đã kết thúc khi trường mở rộng các chuyên ngành theo lời kêu gọi của Chính phủ năm 1998.

    Năm tới đây, số sinh viên tốt nghiệp sẽ tăng hơn 1/3 so với năm ngoái. Số lượng sinh viên tốt nghiệp sẽ tràn ngập, vì không có việc làm nên phải làm tiếp tân trong các khách sạn và trong những quán ăn tự phục vụ.

    “Có thể nói, việc mở rộng hệ thống của các trường đại học đã không đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, ông Tề, một thành viên của Hội đồng quản trị của trường nói. “Điều chúng ta cần là hệ thống giáo dục phải mang lại lợi ích kinh tế”.

    Một sinh viên tên Trần Tam Hưng nói rằng, giáo dục bây giờ không còn theo lịch sử truyền thống. Tuyển sinh một cách tràn lan, các lớp học luôn chật cứng, các trường “sản xuất” ra quá nhiều sinh viên trong khi cơ hội việc làm thì ngày càng thắt chặt.

    Anh Trương, tốt nghiệp chuyên ngành máy tính hiện đang bị thất nghiệp, bức xúc: “Đáng lẽ ra ngành tôi theo học hiện nay là mốt và rất có ích cho đất nước nhưng chương trình đào tạo ở đây lại quá sơ sài”.

    Anh cho biết thêm, ở trường anh có rất nhiều các thư viện máy tính, nhưng lớp học của anh có đến hơn 100 sinh viên, số trợ giảng lại ít nên hầu hết sinh viên ít có cơ hội tiếp xúc với “chuyên gia”.

    Ngoài ra, giáo trình học cũng không đầy đủ nên hiệu quả thực hành không cao.

    Một lý do nữa khiến sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc khó kiếm việc làm là những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên đi du học ngày càng nhiều, các công ty trở nên “kén chọn” hơn, nhiều công ty từ chối tuyển dụng những sinh viên chỉ có tấm bằng tốt nghiệp đại học trong nước.

    Hiện nay, tạo công ăn việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đang là một vấn đề cấp bách làm đau đầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

    Đầu tháng 4 vừa rồi, Chính phủ đã phải yêu cầu chính quyền địa phương và các công ty tuyển thêm các sinh viên mới tốt nghiệp để duy trì “sự ổn định chung” cho nước này.

    Nhật Anh (Theo The Wall Street Journal)
    Nguồn: Vietnam net
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi webmaster
    Đang tải...


Chia sẻ trang này