Cháu 2 tuổi, biết nhiều thứ, nhưng nói và làm chưa đúng ngữ cảnh. Bác sĩ và cô giáo dạy can thiệp nói cháu bị chậm phát triển nhưng có nhiều cái cháu vượt trội so với trẻ khác... Tôi đang rất băn khoăn và lo lắng khi thấy con mình có những biểu hiện không tốt. Tôi xin nói qua quá trình phát triển của cháu. Tôi sinh mổ và em bé được 3 kg. Trong 2,5 tháng đầu, cháu đã biết lật qua rồi. Từ lúc 2 tháng, cháu bắt đầu nói chuyện ê a và rất vui vẻ. 5 tháng cháu có thể ngồi và bắt người lớn vịn tay để nhảy. Cháu không bò mà thả tay đi sau 10 tháng. Khoảng thời gian đó, cháu rất vui nhưng chỉ có điều ít theo mẹ và ai bế cũng được (tuy nhiên cháu có nhìn quanh để tìm mẹ và nếu thấy mẹ là đòi mẹ ngay). Cháu thường xem tivi, xem quảng cáo, nghe nhạc thiếu nhi, hài và cười vui vẻ như là cháu rất hiểu. Ai đến nhà bé hầu như không để ý, trừ những người thân và cô dì. Đến 22 tháng thì cháu đi nhà trẻ và vẫn chưa biết nói. Lúc này khi mẹ không cho làm gì thì bé nhìn mẹ thăm dò ý kiến. Ai đến nhà bé cũng biết và để ý, nhưng không biết chỉ tay khi thích lấy đồ mà mình muốn, đi vệ sinh chưa biết kêu, mặc dù cháu vẫn rất vui vẻ. Tôi đã đưa bé đi khám ở khoa tâm lý bệnh viện tâm thần, đo điện não bình thường. Bác sĩ nói cháu bị rối loạn ngôn ngữ. Nhưng đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm lý trẻ em, bác sĩ nói cháu có biểu hiện tự kỷ. Vì gia đình tôi ở Nha Trang nên tôi không ở lại Sài Gòn cho cháu học được. Một tháng nay tôi không cho cháu xem tivi nữa, đưa cháu đi mẫu giáo và một tuần 3 buổi đi học can thiệp, kết hợp với việc dạy cháu ở nhà trong mọi tình huống, cho cháu đi chơi các khu vui chơi, đi ăn ở ngoài. Đến nay cháu đã biết hát theo mẹ rất nhiều bài, có chỉ tay để đòi gì đó (tuy chưa nhiều và chỉ chưa thẳng ngón tay). Cháu rất thích chơi nhong nhong trên lưng, ai đến cháu cũng nhìn một lúc, nếu người đó vui vẻ thì cháu cũng cười. Bé biết đếm số đến 10, biết tự đi dép, tự mang tất và mặc quần nhưng không chịu ngồi bô, chỉ ngồi một lúc xì xì rồi đứng lên ra ngoài tiểu. Cháu thấy mẹ hoặc ai chơi gì cũng bắt chước làm được. Mẹ không cho trèo cầu thang cũng không trèo, mọi người kêu có khi quay lại, có khi không; biết tự cầm bàn chải đánh răng và cầm muỗng xúc cơm ăn được mấy muỗng (vẫn rơi vãi); biết cho búp bê ăn, xịt mũi và làm theo rất nhiều trò chơi mẹ dạy; biết bai và cúi xuống chào khi yêu cầu... Nhưng nói và làm chưa đúng ngữ cảnh. Bác sĩ và cô giáo dạy can thiệp nói cháu bị chậm phát triển nhưng có nhiều cái cháu vượt trội so với trẻ khác. Cháu cảm nhận âm nhạc rất tốt. Tôi vui lắm nhưng lúc nào cũng băn khoăn không biết con tôi thế nào. Hãy giúp tôi đánh giá con gái mình. Tôi chân thành cảm ơn rất nhiều. (Hương Trần) Trả lời: Chào bạn, Sự phát triển của trẻ nhỏ là cả một quá trình phức tạp đòi hỏi các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc phải thường xuyên quan tâm, gần gũi và chia sẻ. Trẻ phát triển bình thường là khi cả thể chất và tinh thần đều cùng “lớn” và nằm trong các giới hạn bình thường so với lứa tuổi. Tuy nhiên, có thể ở một số trẻ phát triển mạnh về thể chất trước và tư duy lại phát chậm hơn so với chúng bạn một chút. Do vậy có trẻ biết đi khá sớm so với bạn cùng lứa nhưng lại chậm biết nói hơn. Nhìn chung, tuỳ theo tố chất (hay còn gọi là yếu tố di truyền) của từng trẻ mà có biểu hiện hơi khác nhau đôi chút. Nhưng sự phát triển “trễ” hơn so với chúng bạn về đặc tính nào đó cũng chỉ nằm trong phạm vi cho phép, nếu “trễ” quá sẽ được coi là tình trạng bệnh lý. Trường hợp của con bạn về mặt vận động nhìn chung là bình thường. Tuy nhiên, để đánh giá về thể chất nói chung còn dựa vào nhiều “thông số” của trẻ nữa như chiều cao, cân nặng, tháng tuổi... Còn về mặt tinh thần, con bạn có lẽ biết nói chậm hơn các bạn cùng lứa một chút. Việc bạn kịp thời đưa cháu đi khám kiểm tra là hoàn toàn hợp lý, nhưng qua thông tin bạn cung cấp cũng chưa thể khẳng định chắc chắn cháu bị bệnh tự kỷ, có thể có một số biểu hiện dạng tự kỷ hoặc nghĩ nhiều đến tự kỷ... Để chẩn đoán căn bệnh này cần dựa vào rất nhiều biểu hiện như: chậm phát triển khả năng ngôn ngữ; nói lặp lại các câu từ không tương đồng với cảm xúc; thích chơi một mình và ích kỷ; ít biểu lộ cảm xúc bằng mắt khi giao tiếp với người khác; thờ ơ với ngoại cảnh xung quanh... Tuy nhiên, ngay cả khi đủ các biểu hiện nêu trên thì cũng chưa thể khẳng định chắc chắn là trẻ mắc bệnh tự kỷ. Do vậy, việc chẩn đoán xác định trẻ bị bệnh tự kỷ phải được khám bởi cơ sở y tế chuyên sâu với các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần, tâm lý trẻ nhỏ. Hiện con bạn đã có nhiều tiến bộ, đồng thời bạn cũng đã có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, giáo dục con tốt hơn. Chính vì thế, trước mắt bạn không nên lo lắng quá mức về tình trạng của bé. Hãy tập trung quan tâm tới bé nhiều hơn và tích cực cho bé hoà đồng, chơi cùng các bạn vì môi trường xung quanh tác động rất nhiều tới tâm lý trẻ nhỏ. Việc theo dõi sát sao bé sẽ giúp bạn sớm phát hiện ra bé có gì bất thường hay không. Ngoài ra, bạn cũng lưu ý tới chế độ ăn uống và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất cho bé. Cũng cần lưu ý đến phòng ngừa các bệnh thông qua vệ sinh cá nhân, giữ gìn sức khoẻ và tiêm phòng đầy đủ. Việc giữ gìn một thể chất tốt sẽ giúp bé phát triển tốt hơn về mặt tư duy. Chúc bạn nhiều niềm vui! TS,BS: Thanh Hà Nguồn: VnExpress