Ẩm thực Thái Lan có rất nhiều món đặc biệt, mang hương vị khó quên. 1. Xôi mít. 2. Gà bọc lá nếp 3. Bánh thạch dừa củ năng 4. Cua bể xào trứng cari 5. Gỏi cóc 6. Canh Tom Yum Goong 7. Canh gà 8. Phở xào chua ngọt 9. Cơm chay 10. Bánh tôm 11. Salad tôm 12. Salad xoài 13. Bắp cải xào thịt bò
Cách làm xôi mít đúng chuẩn vị Thái Được biết đến sau xôi xoài thế nhưng độ "hot" của xôi mít lại không hề kém cạnh đâu nhé! Để làm xôi mít kiểu Thái, bạn cần: - 300g gạo nếp (nên dùng gạo của Thái) - 250ml nước cốt dừa - 80g đường - 3g muối - 500g mít Cách làm xôi mít như sau: Bước 1: - Trước tiên, bạn cần ngâm gạo khoảng 8 tiếng hoặc qua đêm rồi để thật ráo nước. Bước 2: - Đun sôi nước cốt dừa với đường và muối. Sau đó, hạ lửa và đun thêm khoảng 2' nữa thì tắt bếp rồi để nguội. Bước 3: - Đồ gạo trong khoảng 15'. Bước 4: - Sau đó, lấy gạo ra và trộn đều với nước cốt dừa đã để nguội. Bước 5: - Chúng ta cần đảo nhẹ gạo trước quạt khoảng 15' để hạt gạo nguội và hơi se lại. Sau đó, cho gạo vào đồ chín thành xôi. Bước 6: - Tách đôi múi mít rồi nhồi xôi vào giữa và rưới một ít nước cốt dừa lên trên. Với món ăn này, bạn ăn nóng hay ăn nguội đều ngon cả! Xôi dẻo thơm quyện đều trong mít ngon cực kì luôn! Đi kèm vị ngọt là vị béo ngậy rất đặc trưng của nước cốt dừa... Ngoài xôi trắng ra, người ta còn dùng xôi cẩm và xôi lá nếp để làm món ăn này nữa đấy! Nếu vẫn yêu thích xôi xoài thì bạn chỉ cần thay xoài bằng mít là xong! Theo Lan Nguyễn / Trí Thức Trẻ
Gà gói lá dứa đúng kiểu Thái từ hình dáng đến mùi vị Đây là một món ăn phổ biến ở Thái Lan - được tẩm ướp kĩ rồi gói trong lá dứa nên rất thơm nhé! Để làm món gà gói lá dứa, bạn cần chuẩn bị: - 500g thịt gà (bỏ da, bỏ xương) - 40ml nước cốt dừa - 10ml dầu hào - Một ít hạt mùi và tỏi băm - 1 bó lá dứa (lá nếp) - Một ít vừng rang Bắt tay làm món gà gói lá dứa nào: Bước 1: - Thái thịt gà thành từng miếng vuông cỡ 2 đầu ngón tay rồi ướp với nước cốt dừa, dầu hào, tỏi băm và hạt mùi đập giập trong khoảng 1 tiếng. Bước 2: - Rửa sạch lá dứa rồi lau khô. Bước 3: - Bắt chéo 2 đầu lá dứa lại với nhau rồi cho miếng thịt gà vào giữa. Bước 4: - Sau đó gập 2 đầu lá xuống và gài vào bên trong là xong. Hiểu đơn giản thì nó gần giống như bạn buộc miếng thịt vào trong lá dứa. Bước 5: - Để chảo dầu nóng rồi cho gà vào rán vàng. Nếu sợ nhiều dầu mỡ thì bạn có thể đem thịt đi hấp nhé! Gà sau khi rán xong có mùi rất thơm đấy!!! Bạn nên ăn khi gà còn nóng sẽ ngon lắm đấy! Ngoài rán và hấp thì bạn có thể nướng nữa nhé! Món ăn này được chấm cùng xì dầu pha với một chút đường và vừng rang. Theo Lan Nguyễn / Trí Thức Trẻ
Bánh thạch dừa củ năng 2 lớp kiểu Thái ăn vặt ngày nóng Đó là Tako Haew - một dạng thạch vị dừa beo béo, thêm củ năng sần sật, phảng phất hương thơm lá dứa. Ăn trong mùa hè thì thích cực luôn! Mách nhỏ: Để tạo hương thơm tự nhiên cho món thạch, thay vì dùng tinh chất bán sẵn, bạn ngâm hoa nhài vào 1.5l nước, đậy kín lại rồi để qua đêm. Cách làm thạch Tako Haew kiểu Thái như sau: Bước 1: - Đầu tiên, ta sẽ làm phần gói lá dứa bên ngoài pudding trước nhé! - Bạn cắt giấy bìa thành 5 miếng hình chữ nhật có kích thước 5x7cm. Gấp đôi các miếng bìa lại, sau đó dán 5 miếng lại với nhau ở 1 nửa phần gấp. Xếp dải các miếng bìa vừa gấp lên lá dứa để làm mẫu, sau đó đánh dấu độ dài và đường cách giữa các miếng bìa lên lá dứa. Bước 2: - Cắt lá dứa thành các dải dài theo mẫu, gấp đôi lại theo chiều dài rồi cắt cả các đường dọc đã đánh dấu dọc theo miếng lá dứa. Bước 3: - Bây giờ, chúng ta bắt đầu gấp nhé: Bẻ lần lượt 2 phần lá dứa vào, đến lần bẻ thứ 3, bạn luồn phần lá rời lên trên phần lá thứ nhất theo mẫu. - Để cố định, bạn gấp phần lá cuối cùng vào, sau đó luồn phần lá rời vào 1 phần lá ở đáy. Dùng ghim bấm cố định lại. - Tương tự, bạn làm lần lượt cho tất cả các lá dứa còn lại nhé! - Bạn chừa lại khoảng 7-10 lá, cho vào máy xay sinh tố cùng 1 cốc nước, xay nhuyễn ra rồi chắt lấy nước để tạo màu. Bước 4: - Để làm lớp thạch thứ nhất, bạn cho nước hoa nhài và đường vào chảo lớn, thêm 700g bột gạo rồi đun lên, vừa đun vừa khuấy đều. - Để tạo màu xanh đẹp mắt, bạn cho một ít phần nước lá dứa đã làm ở trên vào hỗn hợp rồi khuấy lên. Sau đó, bạn cho củ năng vào đảo đều rồi đổ hỗn hợp này vào 1/2 khuôn nhé! Bước 5: - Để làm lớp thạch dừa ở trên, bạn cho nước cốt dừa vào nồi rồi đun sôi lên, sau đó cho phần bột gạo còn lại và một nhúm muối vào rồi khuấy đều cho đến khi bột chín. Bước 6: - Đổ phần thạch vào đầy các khay lá dứa, để nguội hẳn là có thể ăn được. Món thạch lá dứa có cách làm không quá công phu, mà thành quả lại xinh xắn và đậm hương vị ẩm thực Thái. Do món thạch này không sử dụng chất làm đông khác ngoài bột gạo nên sẽ rất mềm và khá giống món pudding. Phần thạch củ năng sần sận ăn với phần thạch dừa beo béo sẽ rất hợp luôn đấy! Bạn có thể làm phiên bản “lười” của món thạch Tako Haew, thay vì đổ vào lá dứa, bạn đổ thẳng thạch vào ly và ăn bằng thìa như các món thạch thông thường. Nguồn: Saleethai Theo Trí Thức Trẻ
Cua bể xào trứng cà ri ăn với cơm ngon miễn chê Có một điều chắc chắn rằng, cua bể rang cà ri ăn với cơm cực kì ngon! Để làm cua bể rang, bạn cần: - 250g thịt cua bể - 1 củ hành tây, 1 quả ớt đỏ - 120ml sữa tươi không đường - 2 quả trứng - Gia vị: 2 thìa bột cà ri nhỏ, 15ml dầu hào, 15ml xì dầu, 1 thìa ớt chưng, 1/2 thìa đường nhỏ - Hành lá, rau mùi, tỏi băm Cách làm cua bể rang như sau: Bước 1: - Trước tiên, chúng ta cần trộn đều các gia vị đã chuẩn bị cùng với sữa tươi để làm thành sốt cà ri nhé! Bước 2: - Phi thơm tỏi rồi cho hành tây vào xào cho đến khi hành chuyển sang trong trong thì đổ sốt cà ri vào và hạ nhỏ lửa. Đun trong khoảng 2'. Bước 3: - Tiếp đến, bạn đánh tan trứng rồi đổ vào chảo và đảo thật nhanh tay để trứng quyện với sốt. Bước 4: - Đổ nốt thịt cua vào chảo rồi đảo đều để cua thấm sốt trong khoảng 3'. Trước khi tắt bếp, bạn nhớ nêm nếm lại muối cho vừa rồi cho hành lá và rau mùi vào chảo nhé! Cua sốt thơm lừng, nóng hổi đã sẵn sàng rồi đây! Mùi vị cực kì tuyệt vời nhé! Một chút cay kết hợp cùng chút béo ngon vô cùng! Ăn ngay với cơm nóng thôi các bạn ơi! Theo Lan Nguyễn / Trí Thức Trẻ
Gỏi cóc non trộn thịt bò khô ăn mãi không biết chán Đảm bảo 100% rằng, ai cũng mê tít món gỏi cóc Thái trộn thịt bò khô này cho mà xem! Để làm gỏi cóc Thái, bạn cần chuẩn bị: - 300g cóc Thái - 40g thịt bò khô sợi - 30g lạc rang - Đường, nước mắm Cách làm gỏi cóc Thái như sau: Bước 1: - Đầu tiên, bạn cần đun sôi đường và nước mắm theo tỉ lệ 1:1 để làm nước trộn gỏi. Chú ý là cần để cho nước trộn gỏi nguội hoàn toàn đấy nhé! Bước 2: - Gọt bỏ vỏ cóc rồi thái thành từng lát hoặc từng múi tuỳ ý. Bước 3: - Ngâm cóc vào trong nước đá khoảng 30' để cho cóc bớt chua và được giòn hơn. Vì độ chua của cóc non không nhiều nên bạn không cần cho muối hay đường vào nước ngâm. Bước 4: - Để cóc ráo nước rồi trộn đều với nước mắm đường và để yên khoảng 10' để cóc được ngấm. Trong lúc này, các bạn nên để cóc vào ngăn mát của tủ lạnh. Bước 5: - Cuối cùng, bạn trộn thêm thịt bò khô và lạc rang vào cóc là ăn được rồi! Cùng thưởng thức nào! Nếu thích thì bạn có thể dùng thêm một ít rau răm cho thơm nhé! Nhìn hình ảnh này hẳn là kích thích đúng không? Cóc hơi chua nhẹ, giòn tan, thấm đều vị mặn ngọt và lẫn trong thịt bò khô ngon tuyệt vời luôn! Vì thịt bò khô có vị cay rồi nên chúng ta không cần dùng thêm ớt đâu! Nếu chưa ăn ngay thì bạn cần bảo quản có trong tủ lạnh nhé! Theo Lan Nguyễn / Trí Thức Trẻ
Xuýt xoa với món canh Tom Yum Goong nóng hổi thơm phức Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để nấu canh Tom Yum Goong: 200g tôm 2 gốc sả (phần trắng) 15ml dầu 900ml nước dùng gà 3 lá chanh 4-7 trái ớt 2 miếng riềng xắt lát mỏng Nấm rơm hoặc nấm sò 2 gốc hành lá, xắt nhỏ 1 trái cà chua nhỏ 30-45ml nước mắm 1-2 trái chanh 30g rau mùi, xắt nhỏ Rửa sạch, rồi cắt riêng đầu và bỏ chỉ lưng tôm. Dùng cán dao, đập dập một đầu sả. Bắt một chảo nóng với ít dầu, xào sơ đầu tôm với sả trong khoảng 3 phút. Thêm nước dùng gà và riềng vào, đun trong khoảng 20 phút. Lọc lấy nước và bỏ phần cái còn lại đi. Bẻ đôi quả ớt, và dần nhẹ để ớt hơi ra nước, rửa sạch nấm và xắt nhỏ gốc sả còn lại. Tước rời phần gân lá chanh sẽ khiến hương lá chanh được tiết ra dễ dàng hơn. Chuẩn bị một nồi sạch, cho nước dùng ở bước 5, lá chanh, ớt, sả vào, đun sôi. Tiếp theo, bạn cho tôm, nấm, hành lá xắt nhỏ, cà chua, nước mắm và nước cốt chanh vào cùng một lượt, đến khi bạn thấy nấm mềm, tôm chín chuyển sau màu hồng đỏ thì tắt bếp, rắc lên ít rau mùi trang trí. Lấy canh Tom Yum Goong ra tô, dùng nóng. Tom Yum Goong là món ăn đến từ đất nước Thái Lan, với một số công thức phổ biến bạn cần có viên súp Tom Yum hơi khó kiếm trên thị trường, nên hôm nay mời bạn tham khảo một công thức mới, có thể tận dụng ngay những nguyên liệu sẵn có để mang đến mùi vị hết sức đặc trưng và không lẫn vào đâu được của món ăn này. Vào những ngày se lạnh, được thưởng thức bát canh Tom Yum Goong nóng hổi chua chua cay cay đậm hương vị Thái với thịt tôm chắc nịch thì còn gì bằng phải không bạn? Chúc bạn thành công và ngon miệng nhé! (Nguồn: Beyondkimchee)
Canh gà kiểu Thái ấm lòng ngày mưa Để làm món canh gà kiểu Thái bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau đây: 1 nửa phần ức gà, thái lát mỏng khoảng 0,3cm 230g nấm mỡ, thái lát mỏng dọc theo thân nấm 1-2 củ sả, thái lát mỏng 1-2 muỗng cà phê gừng, băm nhỏ 2 củ hành khô, băm nhỏ 30ml dầu ăn, 1 lít nước dùng gà, 400ml nước cốt dừa 2-3 củ cà rốt, thái lát mỏng ngang củ 1 quả ớt xanh băm nhỏ, 400g bắp non 170g bún khô, cắt thành từng miếng nhỏ 30ml nước mắm, 2-4 muỗng cà phê sa tế, nước cốt 1 quả chanh 25g rau mùi tây, 25g hành lá Muối để nêm (*) Nếu không ăn được nhiều cay, bạn chủ động bớt đi lượng ớt và sa tế so với công thức nhé! Trong một nồi cỡ vừa, đun nóng 15ml dầu ăn, thêm gừng và hành khô đảo đến khi thấy hành trong. Sau đó thêm sả đã thái lát mỏng vào. Sau khi gừng sả hành đã chín, đổ nước dùng gà vào nồi. Vặn lửa nhỏ đun sôi trong vòng 15 phút. Tiếp đó, lọc nước dùng qua một rây để loại bỏ phần bã chỉ lấy phần nước dùng. Trong một nồi khác, đun nóng 15ml dầu ăn còn lại, đổ cà rốt và ớt băm nhỏ vào, đảo đều trong vòng 5 phút. Đổ nước dùng gà ở trên vào, thêm 1/2 lượng nước cốt dừa. Thêm nước mắm, nấm, bắp non vào, nấu trong 3 phút. Sau đó thả thịt gà và bún khô vào nồi canh. Thêm nốt phần nước cốt dừa còn lại để giữ nguyên hương vị của nước cốt dừa. Đun sôi lại trong khoảng 3 phút. Cuối cùng nêm muối, thêm nước cốt chanh và sa tế và nồi canh. Nhấc nồi canh khỏi bếp, múc canh ra các tô, rắc mùi tây và hành lá lên trên rồi thưởng thức. Canh gà kiểu Thái được cho là một sự kết hợp tuyệt vời từ hương vị cho đến đặc trưng của món ăn. Món canh này có vị thơm của nấm, gừng, sả kết hợp với vị ngọt của thịt lườn gà. Sự cân bằng giữa thịt và nấm làm nên vị ngọt không thể chối từ. Bạn có thể thực hiện món ăn này chỉ trong vòng 30 - 40 phút với nguyên liệu đã có sẵn. Khi thời tiết chuyển mùa, những cơn mưa rào dai dẳng còn gì hoàn hảo hơn khi cùng cả gia đình quây quầy bên nhau thưởng thức một tô canh gà kiểu Thái nóng ấm hấp dẫn! Chúc bạn thành công và ngon miệng với món canh gà kiểu Thái này!
Mát trời, thử món phở xào chua ngọt kiểu Thái Nguyên liệu: - 1 gói phở khô - 200g tôm to - 10 con tôm khô - 150g thịt ức gà - 2 bìa đậu hũ chiên - 1-2 quả trứng - Giá, hẹ - Gia vị: me, tỏi, dầu hào, nước mắm, bột nêm, đường, ớt bột - Đậu phộng rang. Bước 1: - Tôm bóc vỏ chừa đuôi, xẻ lưng, rút chỉ đen. - Thịt ức gà thái miếng. - Đậu hũ thái lát dài hoặc hạt lựu. - Me chắt thành 1 bát nước cốt - Tôm khô ngâm nước nóng. Bước 2: Giã nát tôm khô. Đậu phộng giã dập. Bước 3: Làm hỗn hợp gia vị chua ngọt gồm: - 1 chén nước cốt me - 2 thìa đường - 1 thìa nước mắm - 2 thìa dầu hào - 1 thìa bột nêm - 1 thìa ớt bột - Phần tôm khô vừa giã ở trên - 1 thìa đậu phộng giã thật nát. Bước 4: Phi thơm tỏi, trút thịt gà vào xào tới khi thịt chín tái. Tiếp tục thêm tôm vào xào đến khi tôm săn lại. - Thêm đậu hũ vào chảo, đảo nhẹ tay. - Trút 1/3 hỗn hợp gia vị bạn đã có ở bước 3 vào, trộn đều và trút ra đĩa. Bước 5: Đun nước sôi, thả bánh phở khô vào luộc. Khi thấy phở vừa mềm là tắt bếp ngay để tránh bị nhão. Trút bánh phở ra rổ, xối nước lạnh để bánh phở không bị dính, để ráo. Bước 6: Láng dầu ăn trên chảo, đánh tơi trứng. Trút bánh phở vào xào chung. Đổ nốt hỗn hợp gia vị chua ngọt còn lại vào, trộn đều, nêm nếm lại cho vừa miệng. Cuối cùng đổ tôm thịt và đậu hũ đã xào ở trên vào, thêm giá đỗ và hẹ, đảo đều và tắt bếp. Khi ăn bạn lấy phở cùng tôm thịt ra đĩa, bày thêm ớt bột, hẹ cùng miếng chanh lên ăn kèm để mọi người thêm bớt vị chua cay cho hợp với mình. Món này tuy là món xào nhưng rất dễ ăn bởi có vị chua ngọt hấp dẫn làm món ăn bớt ngán. Phở xào chua ngọt kiểu Thái có tên gọi Pad Thai là một trong những món ăn bình dân nổi tiếng của Thái Lan, nếu đã một lần đặt chân đến đất nước này bạn không thể không thử qua món Pad Thai. Tuy nhiên nếu điều kiện chưa cho phép bạn ăn Pad Thai trên đất Thái, sao không thử làm món này tại nhà nhỉ? Chúc các bạn thành công và ngon miệng nhé! Theo Mèo con, ảnh: aFamily.vn / MASK Online
Cơm chay kiểu Thái cho ngày rằm thanh tịnh Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau cho 3 suất ăn cơm chay kiểu Thái: - 200g gạo (chừng lưng bơ gạo) - 1 quả dứa chín ương - 1 củ hành tây - 1 quả cam (để lấy 60ml nước cam vắt) - 1 thìa cà phê đường - 1 thìa cà phê dầu ô liu - 1 tép lớn tỏi Bước 1: Với công thức cơm chay kiểu Thái này, bạn có thể nấu cơm bằng chính gạo tám Thái cho phù hợp. Nấu cơm chín theo cách thông thường, hạt cơm rời nhưng dẻo. Bước 2: Dứa được gọt vỏ, bỏ mắt, xắt lát mỏng. Sau đó bạn đặt chảo lên bếp cho nóng, không cho dầu ăn, thả các lát dứa vào áp chảo. Làm như vậy tương tự như là nướng dứa qua đáy chảo nóng, dứa sẽ rất thơm và keo nước cốt chua ngọt lại đậm đà hơn. Áp chảo cho tới khi dứa vàng nâu hai mặt đều đặn thì gắp dứa ra đĩa để thật nguội rồi xắt hạt lựu. Bước 3: Phi tỏi thơm trong dầu nóng, sau đó cho hành tây thái hạt lựu vào xào chín. Đổ dứa vào chảo hành tây, rót thêm 60ml nước cam vắt đã hòa tan 1 thìa cà phê đường vào chảo, vừa đun vừa đảo cho dứa ngấm đều vị và hơi nước bốc lên cạn bớt đi trong chảo, chỉ còn lại nước xốt dẻo sánh. Bước 4: Trộn đều cơm vào chảo dứa vừa đun, nhẹ tay không làm nát dứa. Lấy cơm chay kiểu Thái vào bát, hơi lèn cơm chặt xuống để tạo khuôn chắc chắn, úp bát cơm vào đĩa và nhấc bát ra. Bày thêm lá xanh cho cơm dứa với sắc vàng được nổi bật. Bạn dùng cơm dứa với nước tương rất hợp! Hương vị chua ngọt thơm lựng của món cơm chay kiểu Thái này sẽ giúp bạn ngon miệng hơn rất nhiều cho những ngày nắng mới oi ả. Chúc bạn ngon miệng!
Bánh tôm kiểu Thái - ngon mà không cay Nguyên liệu: 500g tôm to 200g thịt lợn 30g bột mì 10g đường 3g hạt tiêu 1,5g muối 30ml nước tương 300g bột chiên xù Bước 1: Tôm bóc vỏ, bỏ đầu, băm nhỏ. Băm nhuyễn tương tự với thịt lợn. Bước 2: Trộn tôm và thịt lợn băm nhỏ với nước tương, muối, đường và bột mì rồi nặn thành miếng to cỡ cái bánh rán. Bước 3: Làm nóng dầu ăn trong chảo, bắt đầu rán từng chiếc bánh đã nặn cho đến khi bánh chín đều và chuyển sang màu vàng nâu đẹp mắt. Bạn sẽ mất khoảng 6 phút để chiên bánh, tùy theo độ dày mỏng của bánh mà bạn rán lâu hay chóng. Nếu bánh tròn dày thì bạn rán lửa nhỏ và hơi lâu hơn, còn nếu bánh dạng dẹt thì bạn rán lửa vừa đến khi bánh vàng đều là được. Rán xong bạn vớt bánh đã chín ra đĩa có lót giấy thấm dầu. Trang trí cùng với rau thì là hoặc xà lách. Ăn kèm tương ớt hay tương cà đều ngon. Đất nước Thái Lan nổi tiếng bởi nghệ thuật ẩm thực vô cùng tinh tế. Bạn hãy cùng thử và cảm nhận một món ăn hoàn toàn mới lạ, một món Thái mà không hề cay - bánh tôm kiểu Thái, được gọi là Tod Mann Gung. Bánh chín vàng đều, ăn giòn nhưng không cứng, đặc biệt là phần nhân tôm thịt bên trong mềm mịn và thơm nức. Cả gia đình sẽ thích thú khi thưởng thức món bánh tôm thơm ngon độc đáo này. Chúc các bạn thành công!
Salad tôm kiểu Thái chua cay hấp dẫn Nguyên liệu - cho 4 người: - 450g tôm, bỏ vỏ, rút chỉ đen ở lưng tôm, để lại đuôi cho đẹp nếu thích - 1 cây xà lách to, rửa sạch, xắt miếng khoảng 1-2cm - 2 củ hành khô - 1 củ hành tây cỡ vừa - 1 nắm rau mùi - 1 nắm lá bạc hà - 3 cây sả - 2 quả dưa chuột loại đặc ruột, thái dạng que - 2 củ cà rốt nhỏ, thái dạng que nhỏ - 50g giá đỗ, rửa sạch, để ráo - Dầu ăn hoặc bơ. Phần nước trộn salad: - Nước cốt vắt từ 2 quả chanh - 30ml nước mắm ngon - 15 đường - 1-2 trái ớt hiểm - 2 nhánh tỏi, xắt lát - 4-5 lát gừng. Cách làm: Cho tất cả các nguyên liệu trong phần nước trộn salad vào một nồi nhỏ, bắc lên bếp đun sôi với lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều cho đường tan hết thì tắt bếp, lọc lấy phần nước, để nguội, bỏ đi phần bã còn lại. Sả lấy phần đầu trắng, xắt lát mỏng. Rau mùi, rau bạc hà rửa sạch, để ráo, xắt nhỏ. Hành tây và hành khô bỏ vỏ, xắt lát mỏng. Xiên tôm vào các que nướng, phết một lớp mỡ hoặc dầu ăn. Nướng tôm trên vỉ cho chín rồi gỡ ra khỏi xiên. Cho tất cả các nguyên liệu rau củ vào tô - trừ tôm - rồi rưới nước trộn salad đã nguội, trộn đều. Bạn không nên rưới hết chỗ nước trộn mà chỉ rưới 1/2, trộn đều và nếm thử một miếng xà lách nhỏ, nếu thấy đủ rồi thì dừng, còn nếu thấy nhạt thì rưới thêm. Sau đó lấy ra đĩa, bày tôm lên trên bề mặt đĩa salad, khi dùng mới trộn đều cả tôm. Các món Thái được nhiều người biết đến và yêu thích bởi hương vị phong phú, trong đó không thể không kể đến vị cay, chua và mùi sả nồng đượm; tuy nhiên đó cũng chính là nhược điểm của món Thái do vị cay nhiều nên không được ưa chuộng vào mùa nóng. Với món salad tôm, nhược điểm này không còn nữa, thay vào đó là cảm giác sảng khoái mát lạnh của mùa hè với đủ các loại rau thơm, nhất là rau bạc hà; vị cay của ớt chỉ còn là điểm nhấn giúp món ăn ngon miệng hơn mà thôi! Chúc các bạn thành công và ngon miệng nhé! Theo Emily, ảnh: URB / MASK Online
Chua giòn món salad xoài kiểu Thái Nguyên liệu: - 1 quả xoài xanh - 1/2 quả ớt chuông đỏ cỡ vừa - 1/4 củ hành tây - Một nắm lạc hoặc hạt điều rang - 30g tôm khô - Một nắm lá rau mùi - Nước mắm, nước chanh, đường. Cách làm: Tôm khô cho vào cối xay khô của máy xay sinh tố. Xay đến khi bạn có được thứ bột tôm mịn thì lấy ra bát, để riêng. Lạc hoặc hạt điều giã dập. Ớt chuông và xoài thái dạng sợi hoặc que mỏng. Hành tây thái lát mỏng. Nếu sợ hành cay bạn có thể ngâm hành vào nước đá khoảng 10 phút rồi vớt ra, để ráo. Pha nước mắm chanh chua ngọt với nước mắm, chanh và đường. Cho xoài, hành tây, ớt chuông, lạc rang vào tô, rưới nước mắm chanh lên rồi nếm thử cho vừa miệng (tùy thuộc vào độ chua của xoài mà bạn cần thêm mắm hoặc đường), sau đó rắc rau mùi và tôm khô đã xay lên tô salad, trộn đều và lấy ra đĩa dùng ngay. Salad xoài kiểu Thái là một trong những món vô cùng thông dụng và được yêu thích ở đất nước này. Ngoài những nguyên liệu cơ bản trên bạn có thể cho thêm tôm luộc hoặc thịt heo thái sợi để món ăn đẹp mắt hơn. Vị chua ngọt của xoài, bùi thơm của lạc rang và hơi hăng hăng của hành tây, ớt chuông kết hợp thật tinh tế với chút mằn mặn của tôm khô làm ai đã từng ăn món này đều rất ấn tượng. Chúc các bạn thành công và ngon miệng nhé! Theo Emily, ảnh: B.cyanin / MASK Online
Lạ miệng bắp cải xào thịt bò kiểu Thái Nguyên liệu: - 1/2 cây bắp cải cỡ vừa - 400g thịt bò xay - 1/2 thìa canh bột ớt, 1/2 thìa canh bột nghệ - 2 củ hành khô cỡ lớn - 2 thìa canh dầu ăn - 90g đậu phộng - 2 quả cà chua - Gia vị, hạt nêm. Bước 1: Bắp cải xắt lát mỏng, rửa sạch, để ráo. Bước 2: Đậu phộng rang chín, xát vỏ, giã dập hoặc chà cho hạt đậu phộng tách làm đôi. Bước 3: Cà chua bổ múi cau, bỏ hạt. Hành khô cắt rễ, bỏ vỏ, cắt làm 4 theo chiều dọc. Bước 4: Làm nóng dầu ăn trên chảo, cho hành khô vào chảo xào đến khi hành chuyển màu trong thì bạn thêm bột nghệ, bột ớt và chút muối vào đảo khoảng 1 phút. Cho thịt bò vào xào tới khi thịt bò chín - khoảng 3 phút. Cuối cùng bạn cho bắp cải và cà chua vào chảo, đảo đều rồi đậy vung nấu khoảng 5 phút thì mở chảo ra đảo sau đó đậy vung đun tiếp khoảng 3-4 phút nữa thì bắp cải chín, nêm nếm lại lần cuối và cho đậu phộng vào đảo đều là được. Món bắp cải xào thịt bò kiểu Thái mềm, thơm lại hơi có vị cay cay của ớt bột, bùi bùi của đậu phộng rang nên rất hợp với mùa lạnh. Với cách làm nhanh gọn, bạn có thể chế biến món này khi đi làm về muộn, chỉ với 1 món cũng đủ dinh dưỡng cho bữa tối rồi. Chúc các bạn thành công và ngon miệng nhé! Theo Emily, ảnh: BV / MASK Online