Kinh nghiệm: Mục Tiêu “thành Thạo Tiếng Anh” Lợi Đủ Điều

Thảo luận trong 'Kinh nghiệm sống' bởi bigoogle, 22/1/2019.

  1. bigoogle

    bigoogle Thành viên chính thức

    Tham gia:
    3/2/2017
    Bài viết:
    151
    Đã được thích:
    16
    Điểm thành tích:
    18
    Mục tiêu “thành thạo tiếng Anh” lợi đủ điều
    Hiệu Minh, Thứ Hai, 24/12/2018, 07:01

    [​IMG]

    (TBKTSG) - Năm 1995 khi thi tuyển vào Ngân hàng Thế giới (WB) với chức danh trợ lý công nghệ thông tin (IT), tôi thắng 60 ứng viên không phải do bằng tiến sĩ IT, nhiều năm nghiên cứu hay trình độ cao hơn, mà do tôi thạo tiếng Anh hơn chút.

    Tiếng Anh và kinh tế, sinh kế

    Nếu dự hội nghị ở Singapore, ban tổ chức sẽ không có phiên dịch trừ khi ai yêu cầu riêng với giá trên trời vì ngôn ngữ chính thức ở đây là tiếng Anh. Cũng hội nghị đó tổ chức tại Hà Nội, một chi phí không nhỏ dành cho phiên dịch, chưa kể dịch thuật pha phí của đại biểu khác, kéo theo bao hệ lụy. Có thể nhìn thấy rõ quốc gia có trình độ tiếng Anh yếu dễ tuột nhiều cơ hội trong làm ăn.

    Trong số khoảng 7,5 tỉ người trên hành tinh, có tới 1,5 tỉ người nói tiếng Anh, tương đương với 20% dân số. Khoảng 360 triệu người dùng tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ, đông nhất là ở Mỹ, Anh, Canada, Úc, New Zealand.

    Tại châu Á, Ấn Độ đông dân thứ hai thế giới có khoảng 125 triệu người thạo tiếng Anh, tiếp theo là Pakistan 94 triệu người (tương đương dân số Việt Nam) và Philippines có 90 triệu người.

    Châu Phi với 1,2 tỉ người được thực dân Anh để lại một gia tài vẻn vẹn bảy triệu người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nhưng hơn 700 triệu người có thể trao đổi được thông dụng.

    Sự phát triển thần kỳ của châu Á trong vài thập kỷ qua đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ không thể thiếu trong giao tiếp. Người ta tự hỏi, nếu người Nhật thạo tiếng Anh như người Singapore thì chắc gì Trung Quốc đã vượt mặt.
    Trên thế giới, tỷ lệ dân nói tiếng Anh đứng hàng thứ ba sau tiếng Mandarine của Trung Quốc và Tây Ban Nha do sự phân bổ dân số. Nhưng nói về sự thông dụng trong giao tiếp, tiếng Anh vẫn là số 1.

    Christopher McCormick, viết trên tờ Harvard Business Review(*), có một sự liên kết mạnh giữa tiếng Anh và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Theo ông, hàng tỉ người đang cố học tiếng Anh không chỉ vì muốn hoàn thiện bản thân mà vì lý do mưu sinh.

    Thật may mắn khi được sinh ra ở nước mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Tại các quốc gia BRIC như Brazil, Nga, Ấn Độ hay Trung Quốc, nơi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức, ai thạo tiếng Anh lại quan trọng vì đó là cơ hội tại quê nhà cũng như khi hội nhập.

    Theo nghiên cứu của Harvard, có sự liên hệ trực tiếp giữa kỹ năng tiếng Anh và sự phát triển kinh tế của quốc gia, như GNI (gross national income - tổng thu nhập quốc gia) và GDP tăng lên cùng với trình độ tiếng Anh. Chỉ số thạo tiếng Anh (EF English Proficiency Index - EF EPI) trong các nước không nói tiếng Anh cho thấy, trong 60 nước và vùng lãnh thổ được thăm dò, tiếng Anh giỏi liên quan trực tiếp tới thu nhập quốc gia tăng lên. Đối với cá nhân tìm việc, người thạo tiếng Anh có lương bổng cao hơn từ 30-50% so với người không biết tiếng Anh.

    Châu Á đang sốt tiếng Anh

    Sự phát triển thần kỳ của châu Á trong vài thập kỷ qua đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ không thể thiếu trong giao tiếp. Người ta tự hỏi, nếu người Nhật thạo tiếng Anh như người Singapore thì chắc gì Trung Quốc đã vượt mặt.

    Theo EF EPI(**), Việt Nam xếp hạng 41 (loại khá) về thông thạo tiếng Anh trong số 88 quốc gia không nói tiếng Anh, hơn Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và Campuchia. Đây là một điều khá bất ngờ. Tốp ba nước luôn là Thụy Điển, Hà Lan và Singapore, luôn có lợi thế trong giao thương quốc tế.

    Dựa vào bài thử miễn phí EF Standard English Test (EF SET) trên Internet cho hơn một triệu thí sinh khắp các châu lục, châu Á có 20 nước được xếp hạng, có bảy nước đứng tốp 35, trong đó có Trung Quốc.

    Là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, từ vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư khá lớn cho đào tạo tiếng Anh. Hàng năm họ gửi khoảng nửa triệu sinh viên du học, phần đông chọn Mỹ, Anh, Úc và Canada. Số này biết du học cần ngoại ngữ nên đã đầu tư từ bé cho tiếng Anh. Chính điều này đã đóng góp lớn cho hội nhập và sau này là giấc mơ “một vành đai, một con đường” với những công ty Trung Quốc mua cả công ty Mỹ hay Anh.

    Việt Nam hiện có khoảng 30.000 du học sinh tại Mỹ và các nước nói tiếng Anh, cũng là cách để nước ta cạnh tranh toàn cầu và khu vực.

    Lợi đủ điều

    Mới đây một vị Bộ trưởng nước ta đưa ra đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Đây là điều hợp lý, có thể chưa cần thành ngôn ngữ thứ hai nhưng nếu đặt mục tiêu “thành thạo tiếng Anh” cho phần đông dân số thì cũng lợi đủ điều.

    Muốn cách mạng công nghiệp 4.0, muốn Internet vạn vật (IoT), thì ít nhất phải biết tiếng Anh. Internet và tài liệu IT toàn tiếng Anh, phải đọc và hiểu; rồi dù sản phẩm làm xong có tuyệt vời thì khi xuất khẩu cũng phải có tài liệu tiếng Anh, phải đi quảng cáo, tiếp thị bằng ngoại ngữ, mới mong bán được cho Tây.

    Chưa kể, thêm một ngoại ngữ là có cơ may hiểu thêm một nền văn hóa, “sống” thêm một cuộc đời. “Bài trừ” ngoại ngữ, coi là văn hóa “ngoại lai”, là kẻ thù nên không thèm học tiếng của họ như quan niệm trong quá khứ, là một sai lầm lớn, một cách nhìn thiển cận.

    Trong thế giới này, thông thạo ngoại ngữ cũng làm cho “phông” văn hóa của chính khách được nâng lên, hẳn sẽ giúp nhiều cho sự thay đổi mối bang giao.

    Vài lời kết

    Có truyện ngụ ngôn kể về lũ chuột biết mèo đang rình nên cứ nằm im không chịu ra khỏi hang. Mèo nghĩ ra kế, rướn cổ rồi sủa: “Gâu... gâu”. Cho rằng mèo đã bị chó đuổi đi nên lũ chuột kéo ra kiếm ăn. Mèo lập tức vồ lấy một chú. Vừa ăn, mèo vừa gật gù tâm đắc: “Biết ngoại ngữ có hơn”.

    Câu chuyện ngụ ngôn trên hóa ra có nhiều trong đời thực. Trong Thế chiến 2, nhiều người lính Nga bị bắt làm tù binh đã thoát lưỡi hái tử thần vì họ biết tiếng Đức. Thời nay, các chính khách thạo vài thứ tiếng, đôi khi có những cú “vồ” ngoạn mục. Ngược lại, chuột hiểu “ngoại ngữ” của loài mèo thì sự thiệt hại có thể tránh được.

    Tôi được vào làm việc cho WB cũng chỉ vì hơn ứng viên khác về tiếng Anh, nhưng học không tới nơi tới chốn cũng làm tôi bị lỡ cơ hội tiến xa hơn khi mình đặt chân đến Mỹ.

    Có lần tôi trình bày về một dự án cấp điện thoại thông minh cho 1.500 nhân viên WB vùng Đông Á - Thái Bình Dương. Tất cả các con số, lợi ích, bất cập... đều được viết rõ ràng trên các slides, nhưng tôi đánh vật với thứ tiếng Anh “miền núi” của mình dù chuẩn bị kỹ gần như thuộc lòng.

    Ông sếp to ở khu vực rất vui và nói, dự án này rất thuyết phục, nhưng trình lên tiếp để áp dụng cho 15.000 nhân viên (gấp 10 lần) toàn WB với số tiền vài triệu đô la Mỹ, cần nói tiếng Anh tốt hơn. Và ông chỉ định một người Mỹ làm việc này. Tôi chuẩn bị số liệu, hồ sơ, gần như từ con số 0 cho người trình bày và dường như anh ấy được mọi người nhớ như là tác giả của dự án.

    Rào cản ngôn ngữ là một nhược điểm khá cơ bản dù chuyên môn giỏi thế nào cũng khó mà thuyết phục. Nhớ truyện ngụ ngôn “ngoại ngữ” chuột mèo và trải nghiệm cá nhân, ở tầm quốc gia chắc cũng thế thôi.

    Hơn nhau tiếng Anh đó là tiền, là cơ hội, là phát triển. Đặt ra mục tiêu thạo ngoại ngữ sẽ lợi đủ điều.

    (*) https://hbr.org/2013/11/countries-with-better-english-have-better-economies

    (**) https://www.ef.edu/epi/

    (https://www.thesaigontimes.vn/283115/Muc-tieu-“thanh-thao-tieng-Anh”-loi-du-dieu.html)
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi bigoogle
    Đang tải...


Chia sẻ trang này