Ném đá giấu tay thời...bán hàng qua mạng - Thời nay dân buôn online có đủ trò để hạ gục đối thủ bằng đủ các tiểu xảo tinh vi mà chẳng cần mất công mất sức. Khi dân buôn online cạnh tranh không lành mạnh Chớm vào Việt Nam chưa được 10 năm nhưng thương mại điện tử đã bột phát và trở thành một hình thức giao dịch thiết yếu của một bộ phận lớn đối tượng người dùng có điều kiện tiếp cận Internet. Tuy nhiên, cũng từng ấy năm phát triển, nó cũng phát sinh ra nhiều vấn đề hệt như các tranh chấp ngoài đời thật mà không một nhà quản lý nào có thể kiểm soát nổi. Cách đây ít lâu, anh Huân, chủ cửa hàng bán máy ảnh và vật tư có tiếng ở Vọng Đức cho biết: “Bỗng dưng có ông bạn gọi điện hỏi là sao dạo này làm ăn thế nào để người ta tố lên mạng là làm ăn gian dối thế, tôi mới tá hỏa”. ”Sau một hồi tìm kiếm thì mới thấy trên một diễn đàn online sôi động, nguyên một topic dài hàng chục trang kể tội cửa hàng của mình và thậm chí dẫn chứng cả tôi và số điện thoại để thiên hạ mạt sát. Nội dung mở đầu là một thành viên mua hàng không hài lòng và kéo theo sau đó là hàng chục nhận xét ác ý mà có trời mới biết từ đâu ra.” Lẽ dĩ nhiên sau một hồi phân giải với Quản trị diễn đàn thì chủ đề đã được xử lý, người lập chủ đề thì lặn mất tăm còn theo lời Admin thì có gần 10 nick ảo có địa chỉ MAC và IP (hệ mã danh cho mỗi máy tính kết nối mạng) trùng nhau, khả năng do cùng một người lập nên để "ném gạch" hội đồng nhằm dụng ý xấu. Theo anh Huân, thời gian qua cũng có nhiều lời ra tiếng vào bởi hàng anh luôn có giá tốt hơn nhiều nơi khác và vì thế tạo ra không ít hiềm khích với các chủ cửa hàng khác khi lượng khách hàng đổ về bên anh tăng rõ rệt. Mạng thương mại điện tử trở thành nơi để chơi xấu đối thủ (Ảnh minh họa). Còn chị Lan Hương, một nhân viên công sở làm thêm bằng việc bán hàng online thì bức xúc kể lại: "Mình bán hàng nhỏ lẻ, hàng do cô em gái bên Pháp gửi về nên bán cho vui gọi là có đồng ra đồng vào. Do nhập hàng sale giá tốt nên giá mình đưa ra rất cạnh tranh với các shop bán cùng mặt hàng. Bỗng dưng một hôm có cái nick lạ hoắc vào bù lu bù loa là hàng của mình là fake Trung Quốc, bán giá hàng châu Âu, bực không chịu nổi. Ra sức thanh minh, hẹn nói chuyện qua điện thoại cũng không được. Sự việc chỉ dừng khi mình nhờ quản trị xử lý nhưng hậu quả thì ít người hỏi điện hỏi mua hàng của mình hẳn". Rõ ràng, lợi dụng cơ chế mở của các diễn đàn buôn bán ở các tính năng phản hồi, các diễn đàn, blog... đang trở thành một môi trường lý tưởng để kinh doanh nhưng cũng là nơi dễ dàng xuất hiện các cạnh tranh không lành mạnh kiểu...ném đá giấu tay. Nếu ngày trước, các cửa hàng thường chơi xấu nhau bằng cách ném gạch vỡ cửa, biển hiệu thì ngày nay, cái cách dân buôn "ném đá miệng" trên mạng còn nguy hiểm hơn gấp cả ngàn lần vì độ lan tỏa nhanh, sức ảnh hưởng khôn lường. Không dừng ở các hình thức nói xấu, giới dân buôn còn không ngần ngại chơi các tiểu xảo tinh vi hơn. Bằng cách lập ra một chủ đề bán hàng tương tự, với những mặt hàng tương đương và đăng thương hiệu y hệt "nạn nhân", kẻ chơi xấu sẽ đưa ra những mức giá khó tin cho các mặt hàng y hệt và thông tin liên hệ sẽ là của nạn nhân. Vậy là sau đó, khách hàng sẽ rước một phen bực mình khi gặp thông tin giả mạo còn chủ cửa hàng kia thì một phen tá hỏa khi mặt hàng bỗng dưng đại hạ giá và bị khách hàng la ó vì rao láo, còn kẻ chủ mưu phủi tay và biến mất. Thậm chí, tại diễn đàn Tinhte còn gặp nhiều trường hợp, khi iPhone 4 đang rao bán ở khung giá khoảng 14 triệu thì có hàng loạt topic do nhiều nickname lập ra rao bán chỉ khoảng 13 triệu với chất lượng tương đương. Điều này khiến hàng loạt cửa hàng dao động bởi không thể giảm giá sâu đến vậy để cạnh tranh còn người mua thì lại cứ dựa vào các giá bán ảo đó để so giá. Quản lý lỏng lẻo, hệ thống theo dõi không đáp ứng được Do được hình thành từ các diễn đàn tự phát, các trang thương mại điện tử cũng phát triển như nấm mọc sau mưa và cộng đồng ngày một tăng cao. Sự thông thoáng trong cơ chế đăng ký cũng như cách thức vận hành dễ dãi là yếu tố khiến lượng thành viên tăng cao nhưng cũng từ đó phát sinh nhiều trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, mang yếu tố lừa đảo. Theo một Admin từng quản lý cộng đồng mua bán rao vặt cho biết: "Đăng ký nick dễ dàng thì khó quản lý, mà chặt chẽ thì ít thành viên tham gia. Dùng hệ thống xác thực qua số di động thì càng khó bởi SIM rác nhà mạng bán tràn lan mà áp dụng các hình thức chặt chẽ hơn như số chứng minh thư, địa chỉ nhà riêng lại càng khó khả thi". Trong số hàng chục tranh chấp mỗi ngày, không thể phân biệt đâu là đòn chơi xấu, đâu là kiện cáo thật. Vậy là, các chủ hàng một mặt rao bán trực tuyến nhưng mặt khác cũng nơm nớp lo mình bị "quăng gạch, cài bom" bởi các đối thủ lúc nào không hay. Trong nhiều tình huống, ngoài việc gây thiệt hại về uy tín, vật chất cho nạn nhân, có khi còn dẫn tới các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Cụ thể, đã từng có việc một thành viên mạo nhận nhân viên cửa hàng hi-tech để rao bán thanh lý thiết bị trong khi chính thương hiệu này đã giải thể. Khách hàng sau khi chuyển tiền qua tài khoản, mãi chẳng thấy hàng về mới tức tốc liên hệ số điện thoại của chủ cửa hàng thì anh này ngớ người ra thông báo rằng mình đã đóng cửa, ngừng giao dịch vài tháng. Vậy là khách hàng lại phải đi trình báo cơ quan công an nhằm cũng như đủ thủ tục pháp lý khác nhằm thu hồi tiền mình bị lừa. Việc đưa các diễn đàn vào diện quản lý pháp lý là rất khó bởi đến nay thương mại điện tử vẫn là một phạm trù chưa rõ ràng. Chỉ có duy nhất một văn bản Luật giao dịch điện tử ra đời vào năm 2005 và trong đó không hề quy định về các tranh chấp thương mại hay cạnh tranh thiếu lành mạnh trên các giao dịch điện tử. Vậy là, người bán, người mua hàng trên mạng phải tự bảo vệ mình cũng như tìm tới các diễn đàn uy tín, nơi lực lượng Admin/Mod mạnh tay xử lý các vi phạm. Trong nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp, hoặc phải ngậm đắng nuốt cay, hoặc phải nhờ quản trị can thiệp nhưng đa phần các vụ việc này hoặc chìm xuồng, hoặc không có hồi kết. Vương Long (Vietnamnet)
Ðề: Ném đá giấu tay thời...bán hàng qua mạng Ôi ngọt thì ít mà chua nhiều lắm.................................................
Ðề: Ném đá giấu tay thời...bán hàng qua mạng Rõ ràng, lợi dụng cơ chế mở của các diễn đàn buôn bán ở các tính năng phản hồi, các diễn đàn, blog... đang trở thành một môi trường lý tưởng để kinh doanh nhưng cũng là nơi dễ dàng xuất hiện các cạnh tranh không lành mạnh kiểu...ném đá giấu tay. Nếu ngày trước, các cửa hàng thường chơi xấu nhau bằng cách ném gạch vỡ cửa, biển hiệu thì ngày nay, cái cách dân buôn "ném đá miệng" trên mạng còn nguy hiểm hơn gấp cả ngàn lần vì độ lan tỏa nhanh, sức ảnh hưởng khôn lường. Không dừng ở các hình thức nói xấu, giới dân buôn còn không ngần ngại chơi các tiểu xảo tinh vi hơn. Bằng cách lập ra một chủ đề bán hàng tương tự, với những mặt hàng tương đương và đăng thương hiệu y hệt "nạn nhân", kẻ chơi xấu sẽ đưa ra những mức giá khó tin cho các mặt hàng y hệt và thông tin liên hệ sẽ là của nạn nhân. Vậy là sau đó, khách hàng sẽ rước một phen bực mình khi gặp thông tin giả mạo còn chủ cửa hàng kia thì một phen tá hỏa khi mặt hàng bỗng dưng đại hạ giá và bị khách hàng la ó vì rao láo, còn kẻ chủ mưu phủi tay và biến mất. Chuẩn mẹ nó ạ, nhưng nói thật có theo mình đến mấy, mà chất lượng không tốt, lượng khách hàng không ổn định thì khó tồn tại lắm! Cái này là "lộc ai người đó hưởng", và duyên bán hàng của mỗi người. Làm ăn như thế k bền! Với cá nhân em, giảm giá theo từng chương trình, cho từng nhóm khách hàng, chứ k down giá vì bị dao động ảo (topic mở ra giá tốt nhưng k bán được hàng, chất lượng hàng không tốt), giá cả tương xứng với chất lượng! Bài viết chuẩn quá, tks chủ top đã sưu tầm nhé