Người ăn rau đang bị đầu độc Khó phân biệt rau sạch - rau bẩn. Ảnh: Hoàng Hà. Muốn cho rau xanh tốt, chồi non tươi mơn mởn, một vườn rau khoảng 1.000 m2 phải “ngốn” không dưới 15 loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng và kích thích “tăng phọt”. Một nông dân ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM bật mí như vậy về bí quyết trồng rau. Anh Tân, một nông dân vừa chân ướt chân ráo từ Nam Định vào Hóc Môn, được một người thân bàn giao lại 1.500 m2 đất trồng rau. Anh cho biết, mỗi năm trồng hơn 10 vụ rau, do vậy sau mỗi vụ thu hoạch, đất gần như bị “hốt” hết chất dinh dưỡng nên phải “bồi dưỡng” lại vài tấn phân gà, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích mới đủ dinh dưỡng trồng rau lại vụ sau. Bí quyết bồi bổ cho rau mau xanh tốt, non mơn mởn để bắt mắt người tiêu dùng của anh Tân là; Mua hơn 1 tấn phân gà trộn trấu cùng phân hữu cơ; 1 gói thuốc Regent trị quăn lá, 1 gói Trigard 100 chống sâu, 2 gói Mexyl MZ 72 trị lá vàng úa, 1 chai Bavistin đặc trị úng lá, 2 chai Selecron và Netoxin diệt bọ nhảy, sâu róm, sâu đo, rồi thuốc giúp cây cứng…. Đặc biệt, trước khi xuất rau bán một hôm, phải thêm thuốc “tăng phọt”, kích béo, thuốc “vượt”…giúp rau mọc dài nhanh, mầm non xanh mướt và bóng láng. Anh Tân có được “công thức” này là do người thân truyền lại. Không chỉ vùng trồng rau ở Thới Tam Thôn mà tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 cũng bát ngát những lô đất phủ rau xanh bằng công nghệ “thúc” hóa chất. Nhiều người dân phun thuốc vừa vứt khắp nơi vỏ của hàng chục loại hóa chất như Atonik thuốc kích thích, Coc 85 thuốc trị nấm, diệt vi khuẩn, Penneo Zeb và Biocin thuốc diệt sâu qua đường vị độc, thuốc kích thích tăng trưởng Progibb, thuốc Toponsu giúp cho chu kỳ thu hoạch rau nhanh. Chị Hồng, người đang sở hữu hơn 1.200 m2 rau ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12, cho biết: “Ở đây, có gia đình trồng 6-7 loại rau, nhà trồng ít cũng 2-3 loại, chủ yếu là rau muống, mồng tơi, rau cải xanh, rau xà lách. Và ai cũng phải biết đầu tư thuốc bổ cho rau nếu như không muốn vườn rau của mình kém hàng xóm”. Theo chị Hồng, thuê 1.000 m2 đất mất hơn 5 triệu đồng mỗi năm, vì vậy không có phân gà và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích để “thúc” cho rau nhanh tốt thì khó nói đến chuyện lời lãi. Khi được hỏi nơi mua “thần dược” cho rau mau tốt, chị Hồng giới thiệu các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật ở chợ Hiệp Thành. Tại các cửa hàng này có hàng loạt thuốc kích thích tăng trưởng, “vượt nhanh” gồm ProGibb, Toponsu… với những nội dung quảng cáo trên bao bì hết sức hấp dẫn như “Biến cái không thể thành có thể” hay “thần dược trong ngành nông nghiệp”; "giúp sản phẩm xanh tươi theo ý muốn"... Ăn rau dính bệnh Ngành y tế cũng cảnh báo, hậu quả nặng nề từ việc sử dụng hóa chất để chăm sóc rau thể hiện rõ nhất là ảnh hưởng đến sinh sản, hệ tiêu hóa, thần kinh, các hệ thống miễn dịch và ung thư. Những hóa chất độc hại này sẽ ngấm vào cơ thể theo thời gian, có thể 3 năm, 5 năm và dài hơn, làm cho con người bị ung thư gan, đa u tủy, bướu ác tính ở da, ung thư dạ dày và môi, bệnh giun sán… Tuy vậy, thực tế tại các chợ, rau sạch, rau bẩn còn lẫn lộn khó phân biệt. Tại chợ Tân Định quận 1, chợ Nguyễn Tri Phương quận 5, tất cả người bán hàng đều quảng cáo là họ bán rau sạch, nhưng không ai có thể khẳng định điều đó. Một nông dân ở khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, nói: “Người ta trồng rau nhưng có bao giờ ăn rau của mình trồng đâu, họ toàn sang mua rau ở chỗ tôi, do tôi trồng rau để ăn chứ không dùng thuốc trừ sâu, kích thích gì cả”. Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM sau khi kiểm tra hơn 500 mẫu rau quả đã phát hiện gần 30 mẫu rau có dư lượng cao thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là rau dền, cà chua, rau muống, xà lách và bông cải. (Theo Tiền Phong)
hết gà,bò rồi đến heo ,bây giờ lại là rau xanh .Biết tin vào người nông dân nữa hay không,biết ăn gì mà sống đây ?
Chắc phải về quê tự trồng rau nuôi gà thôi (chứ chính ở quê bây giờ trồng ở diện nhỏ họ cũng phun thuốc)! Chỉ thương các con nhỏ bé phải dùng những thực phẩm thế này. Kể cả các hàng rau sạch cũng chả biết thế nào, cứ mua để yên tâm hơn 1 tẹo thôi chứ vẫn lo lắm lắm
Híc, vụ rau cỏ được phun thuốc kích thích này có từ lâu rồi, sao chả thấy các cơ quan chức năng động cựa gì nhỉ. Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích ... rau nào mà chả có. Không tưới, chờ nó lớn đúng như tự nhiên thì có mà các bác nông dân nhà ta vỡ nợ, mà nó chưa kịp lớn thì lũ sâu đã táng hết cả rồi... Chỉ khổ cho chúng ta, nhưng người không trồng được rau mà ăn. Nhà iem dạo này chăm chỉ ăn củ (khoai sọ, cà rốt (cái loại củ be bé, nhọn nhọn, xấu xấu ấy ạ), quả (bí xanh, bí đỏ (già); đu đủ...), hôm nào thèm quá, không dừng được thì rón rén mua một mớ rau muống về luộc. Khổ thân con gái, chỉ thích ăn rau chứ chả thích ăn củ, quả... Nó đâu có cần biết đến chiến dịch ngăn chặn chất độc của mẹ nó, thế nên hôm nào mà về quê với bà nội là bố mẹ nó cũng phải khệ nệ xách lên theo lưng một bao tải rau các loại, cho vào tủ lạnh để con gái ăn dần. Híc, chắc là chả còn tí vitamin nào đâu.
Những người nông dân có những khó khăn riêng. Vì thiếu thông tin, họ không biết những loại hóa chất họ dùng cho cây trồng lại có hại cho cơ thể của con người. Rất nhiều người trong số họ, vẫn trồng cây với các loại hóa chất độc hại để dùng cho gia đình cũng như để bán.
Hôm nọ 2 vợ chồng em đang ăn cơm,tự nhiên mẹ chồng em gọi điện thoại lên,tưởng nhà có chuyện gì khiến bà hốt hoảng,hóa ra là bà xem vô tuyến thấy người ta đưa tin về vụ rau sạch .Bà bảo 2 đứa chỉ được an các loại rau củ,quả thôi chứ ko được ăn rau lá,rồi thì các loại thực phẩm nữa chứ,biết ăn gì chừa gì bây giờ ?Thôi thì đành nhắm mắt ăn liều vậy
Nếu chúng ta có thể đến tham quan khâu chế biến thực phẩm ở các nhà máy đóng hộp, có khi sẽ hết dám ăn đồ hộp, nếu ra sau bếp một nhà hàng cũng hết dám đến nhà hàng ... Việc dùng hóa chất phun rau, dùng màu công nghiệp ướp thịt gà vịt, dùng formon ướp bánh phở ... nói chung là tất tần tật những thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày hầu như đều có dính dáng đến hóa chất ( và là hóa chất độc hại) - kể cả các loại củ, quả, ai dám bảo trong đó không có chất thuỷ ngân, chì nhiễm ngay từ nguồn nước tưới và ngấm trong đất trồng? - Vì vậy, nếu chỉ vì sợ không dám ăn, thì chắc chỉ có nước ...nhịn đói ! Cũng may là chỉ khi nào vượt quá mức chịu đựng hay khả năng giải độc của cơ thể con người thì chừng đó ta mới phải nhập viện hay cắt hộ khẩu vĩnh viễn - Cho nên, trong thời đại công nghiệp "đầu độc" này, chúng ta chỉ cố gắng dùng những biện pháp phòng thủ thụ động như rửa rau kỹ bằng muối, thuốctím ... uống nước đun sôi, ăn những món đơn giản ... và nên chấp nhận sống chung với ...đau bụng ! Vì ngay cả rau sạch, bán trong các siêu thị cũng chưa chắc là sạch ( do khâu vận chuyển và bảo quản ) - vì trong một xã hội mà mạng sống con người còn mong manh hơn giọt sương - chúng ta có thể chưa kịp ngộ độc đã có thể bị một "yêng hùng xa lộ" nào đó tông phải khi đi đứng một cách rất cẩn thận ngoài đường rồi - thôi ! vô tư đi !