Người con liệt sĩ gần 30 năm “đạp rừng” tìm đồng đội của cha

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi 1chong2con, 27/7/2014.

  1. 1chong2con

    1chong2con Thành viên chính thức

    Tham gia:
    21/10/2012
    Bài viết:
    299
    Đã được thích:
    91
    Điểm thành tích:
    28
    Nhiều đêm tôi vẫn thường nằm mơ mình tìm thấy và đưa được hài cốt liệt sĩ về với gia đình. Tôi liền tỉnh dậy suy nghĩ rồi không tài nào chợp mắt được. Các bác, các anh không may mắn đã nằm lại giữa rừng sâu, sau bao năm vẫn chưa được về với gia đình quê hương.

    Hơn 1.300 phần mộ liệt sĩ được ông và các thành viên trong đội tìm kiếm, cất bốc và đưa về an táng tại
    Công viên nghĩa trang là minh chứng cụ thể nhất cho việc làm mang nặng nghĩa tình đối với những người đã khuất.

    “Truyền tìm mộ liệt sĩ”
    Gần 30 năm qua, khắp các vùng rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Trị, nơi đâu cũng in dấu bước chân của ông Ngô Gia Truyền (SN 1967, Đội trưởng Đội tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ của xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) cùng cộng sự. Những địa danh như đồi Cột Cờ, động Ông Do, động Tiên, Cao điểm 264...gắn liền với những cuộc hành trình đầy gian khổ, phải băng rừng, lội suối hàng tháng trời ở trong rừng. Nhưng cũng chính những nơi này, đoàn tìm kiếm đã phát hiện và cất bốc hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ, mang niềm vui đến cho nhiều gia đình đang mòn mỏi chờ đợi ngày được đón người thân về với quê hương.

    Là con của liệt sĩ nên ông thấu hiểu những mất mát, hy sinh to lớn của các vị anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước và cả những nỗi đau đớn đang từng ngày giằng xé tâm can của người thân các liệt sĩ này. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc ông lên đường, không quản ngại nắng mưa. Mỗi hài cốt được tìm thấy là một niềm vui to lớn đối với mỗi gia đình.
    [​IMG]
    Đội tìm kiếm thực hiện cất bốc hài cốt liệt sĩ tại động Ông Do (ảnh do nhân vật cung cấp).
    Theo đánh giá của Trung tá Đồng Ngọc Thường, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban chỉ huy Quân sự thị xã Quảng Trị: “Anh Truyền là người sống có trách nhiệm, không ngại gian lao vất vả để đi tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Là con trai độc nhất của liệt sĩ nên anh thấu hiểu được những đau thương, mất mát của chiến tranh, sự hy sinh thầm lặng của biết bao gia đình. Việc làm của anh xuất phát từ cái tâm trong sáng, tự nguyện, và mang ý nghĩa tri ân người đã khuất. Trong 6 tháng đầu năm nay, anh cùng đội phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự đã thực hiện cất bốc trên 20 phần mộ về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã”.

    Những ngày tháng 7, khi cả nước đang có nhiều hoạt động tri ân công lao của các vị anh hùng, liệt sĩ, thì ông Truyền cùng người cộng sự của mình là anh Đinh Viết Dũng (40 tuổi, thành viên Đội dân quân cơ động xã Hải Lệ) cũng đang lên kế hoạch cho một chuyến hành trình mới.

    Lần theo những thông tin do thân nhân các liệt sĩ cung cấp, ông Truyền cùng anh Dũng lật lại tấm bản đồ quân sự để xác định thật kỹ vị trí, đánh dấu vào đó và chờ ngày lên đường. Tất cả các dữ liệu liên quan được anh Dũng ghi lại một cách chi tiết, tỉ mỉ…

    Ông Truyền cho biết, chiến tranh đã đi qua lâu nên hiện trạng địa lý cũng thay đổi rất nhiều. "Ban đầu, chúng tôi xem thông tin trong giấy báo tử như: tên tuổi, quê quán, đơn vị tham gia chiến đấu, năm hy sinh, địa điểm hy sinh… Chúng tôi nắm rất kỹ những thông tin về các đơn vị mỗi liệt sĩ từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Căn cứ vào đó để xác định liệt sĩ đó có hy sinh tại đây hay không. Sau đó, chúng tôi nghiên cứu tiếp những hồi tưởng của đồng đội các liệt sĩ, rà soát lại địa điểm tham gia chiến đấu ở khu vực nào, chôn cất ở đâu rồi vẽ sơ lược bản đồ ra giấy. Tiếp theo, chúng tôi cùng họ vào thực địa để bắt đầu cuộc tìm kiếm. Nếu phát hiện thấy mộ liệt sĩ mới báo cho lực lượng quân sự địa phương để cùng tham gia cất bốc".
    [​IMG]
    Ông Truyền và anh Dũng đang rà soát lại thông tin người thân liệt sĩ cung cấp
    Theo ông Truyền, việc để cho đồng đội tự hồi tưởng lại quá khứ là một việc làm cần thiết giúp xác định phần mộ liệt sĩ. Theo đó, việc làm này sẽ đem lại độ chính xác cao hơn sau khi tra thêm bản đồ.

    Hoạt động thầm lặng của ông Truyền và Đội tìm kiếm hài cốt (thuộc lực lượng dân quân cơ động xã Hải Lệ) đã diễn ra hàng chục năm qua. Theo con số thống kê thì cách đây 3 năm, ông và cộng sự đã tìm kiếm và cất bốc được trên 1.200 mộ. Từ 2011 đến nay, ông Truyền và lực lượng quân sự địa phương đã đưa được trên 70 bộ hài cốt liệt sĩ về an táng tại
    Cong vien Nghia trang liệt sĩ của thị xã Quảng Trị. Có 30 hài cốt khác được người thân đưa về quê an táng.

    Công việc thầm lặng và nhiều duyên nợ

    Ông Truyền sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hải Lệ. Bố ông là liệt sĩ Ngô Tích, hy sinh năm 1972 trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, nhưng trong nhiều năm liền vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Chính điều này khiến ông Truyền hết sức day dứt, nhưng ông chưa bao giờ nguôi hy vọng sẽ tìm thấy hài cốt của cha mình.

    Thế rồi, năm 1986, ông lại khăn gói lên đường đi tìm mộ và thật tình cờ ông gặp được 2 đồng đội cũ của cha là ông Nguyễn Hữu Thất và Nguyễn Hữu Thực (từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại Thành Cổ năm 1972) hướng dẫn đi tìm kiếm mộ cha. Một tuần sau đó, ông đã đưa được hài cốt của cha mình về an táng trong niềm vui vỡ òa của người thân.
    [​IMG]
    Ghi chép cẩn thận những thông tin liên quan
    Nhận thấy đây là một cơ duyên, việc nghĩa ở đời nên ông tham gia vào Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ huyện Hải Lăng, rồi sau trở thành Đội phó chuyên thực hiện tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Về sau, xã Hải Lệ sáp nhập vào thị xã Quảng Trị, ông Truyền cũng được chọn tham gia vào đội dân quân cơ động của xã và tiếp tục công việc ý nghĩa này. Ngoài ông Truyền, anh Dũng, còn có các anh: Ngô Văn Minh, Nguyễn Thăng, Nguyễn Trường, Ngô Hòa.

    Ban đầu, đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ chỉ có 6 thành viên, nhưng dần dần tăng lên thành 12 người, do ông làm đội trưởng. Hầu hết trong số này đều là những nông dân thuần chất, quanh năm bám lấy ruộng đồng để mưu sinh. Thấu hiểu được nỗi đau thương, mất mát của bao gia đình chưa tìm thấy hài cốt người thân, họ đã cùng chung lý tưởng và luôn xem đó là hoạt động nhằm tri ân công lao những người đã ngã xuống, an ủi tâm hồn những thân nhân liệt sĩ.

    Mang danh là Đội quy tập liệt sỹ, nhưng các anh không có chế độ đãi ngộ thường xuyên nào từ chính quyền. Ngoài công việc đồng áng, nương rẫy, các anh giúp các gia đình và cựu chiến binh đi tìm liệt sỹ, nhận chuyên chở và cùng tham gia tìm kiếm.

    Thông thường, mỗi chuyến đi như vậy cũng mất hết một tuần, có thể một tháng hoặc thậm chí mất vài tháng. Mọi công việc gia đình đều phó thác cho những người vợ tảo tần. Còn các anh không ngại khó, đi từ Huế đến các vùng núi ở Quảng Trị, Quảng Bình..., thậm chí sang cả nước bạn Lào để tìm kiếm. Niềm vui lớn lao nhất đối với các thành viên trong đội là tìm được mộ liệt sĩ, quy tập về nghĩa trang hoặc bàn giao cho gia đình đưa về quê theo nguyện vọng.

    Theo ông Truyền, căn cứ quan trọng để xác định có phải liệt sĩ hay không dựa vào rất nhiều yếu tố: nơi chôn cất, dụng cụ bọc thi thể phải là loại vải tăng quân đội, kèm theo đó là các di vật đi kèm cùng liệt sĩ như đạn, cúc áo…

    Ông Truyền nhớ lại: “Có lần chúng tôi tìm thấy 5 mộ liệt sĩ được đồng đội mai táng trong tăng (loại vải nilông mà bộ đội thường dùng) nhưng quên không rạch thủng. Khi hài cốt được tìm thấy, mở ra các liệt sĩ vẫn còn nguyên như đang ngủ. Trong những lần đi đó đều có sự tham gia của thân nhân và đồng đội các liệt sĩ. Nhưng khi chứng kiến cảnh tượng đó, ai cũng òa lên khóc nức nở vì sau bao nhiêu năm trời mới tìm được người thân. Tuy nhiên, phần nhiều trường hợp chỉ còn ít xương cốt, có khi thi hài liệt sĩ đã bị phân hủy hết, nhất là ở những nơi ẩm ướt, đành bốc chút đất đen và những kỷ vật được mai táng theo liệt sĩ”.

    Những kỷ niệm khó quên

    Ông Truyền cũng không nhớ rõ mình đã đi qua bao nhiêu cánh rừng để tìm và cất bốc hài cốt liệt sĩ. Chỉ biết rằng, tất cả những địa danh trên mảnh đất Quảng Trị ông đã thuộc nằm lòng. Hàng ngàn người đã gọi điện, gửi hồ sơ đến nhờ ông đi tìm mộ. Đối với cá nhân ông, việc người thân tin cậy và tìm đến nhờ ông tìm mộ đã thôi thúc ông lên đường. Dẫu không phải chuyến đi nào cũng thành công, nhưng niềm tin, hy vọng đã giúp công cùng các cộng sự vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Ông luôn xem các liệt sĩ là đồng đội của bố mình, là những người thân để dốc sức thực hiện cho bằng được.
    [​IMG]
    Ông Truyền, anh Dũng dâng hương tri ân các liệt sĩ tại Bia tưởng niệm của xã Hải Lệ

    Hiểu được việc làm ý nghĩa của ông Truyền, rất nhiều cựu chiến binh là sĩ quan của các đơn vị từng chiến đấu tại Quảng Trị tặng lại cho ông nhiều tấm bản đồ quân sự quý giá, để ông và các thành viên trong đội làm căn cứ đi tìm mộ.

    Ông Truyền kể: “Cách đây mấy năm, chúng tôi tìm được và cất bốc 7 hài cốt ở chiến khu Ba Lòng. Tôi và một người nữa đánh số thứ tự các hài cốt, gói lại cẩn thận để đưa về. Trong quá trình băng rừng, do bị mệt sau mấy ngày tìm kiếm nên tôi ngồi lại nghỉ, uống nước một lúc. Tình cờ nhìn sang ngọn đồi trước mặt, bằng linh cảm và kinh nghiệm giúp tôi nhận định được ở đó có mộ liệt sĩ. Sau khi đưa 7 hài cốt nói trên về an táng cẩn thận, tôi đề xuất với Ban chỉ huy Quân sự thị xã và sau đó quay trở lại cất bốc được 14 bộ hài cốt liệt sĩ khác”.

    Trong số hơn 1.300 hài cốt liệt sĩ ông Truyền đã phối hợp cất bốc và đưa về an táng tại Nghĩa trang đều thuộc các Sư đoàn 320, 320B, 312, 324, 325, 304, 308, 367, Trung đoàn 271,…là những đơn vị tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

    Ông Truyền hoài niệm: “Nhiều đêm tôi vẫn thường nằm mơ mình tìm thấy và đưa được hài cốt liệt sĩ về với gia đình. Tôi liền tỉnh dậy suy nghĩ rồi không tài nào chợp mắt được. Các bác, các anh không may mắn đã nằm lại giữa rừng sâu, sau bao năm vẫn chưa được về với gia đình quê hương. Mình thuộc thế hệ sau nên nhận thấy phải có trách nhiệm với những người đã khuất. Việc tìm kiếm hài cốt phải thực hiện bằng cái tâm, nếu lợi dụng vào đó để làm những điều sai trái là mang tội với anh linh các liệt sĩ. Bây giờ chúng ta chưa gánh chịu sự trừng phạt, thì thế hệ con cháu sau này cũng không được tốt đẹp…”.
    [​IMG]
    Bằng khen Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị tặng cho ông Truyền
    Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Truyền liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại từ khắp nơi gọi về nhờ ông tìm hài cốt liệt sĩ. Sau đó, những thông tin ngắn ngủi được ghi ra giấy làm cơ sở cho những chuyến hành trình “đạp rừng” tìm đồng đội.

    Trước khi chia tay, ông Truyền cùng anh Dũng nói vọng theo, chúng tôi đã khảo sát được hàng trăm ngôi mộ khác, chắc chắn là của liệt sĩ ở động Ông Do, động Tiên, cao điểm 314, 150…nhưng chưa có kinh phí để lên đường cất bốc, đưa liệt sĩ về…Chúng tôi dự định sẽ thực hiện trong tương lai gần.

    Nguồn sưu tầm
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi 1chong2con
    Đang tải...


Chia sẻ trang này