Người giải cứu em Bình được nhận bằng khen Chiều 10/11, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã trao bằng khen của Chủ tịch thành phố cho bà Hà Kim Bình, 70 tuổi, phường Thanh Xuân Trung, người dũng cảm cứu thoát cô gái bị chủ quán phở hành hạ nhiều năm. Được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố, bà Bình cảm thấy rất tự hào và xúc động: "Việc tôi cứu cháu Bình là vì tình thương chứ không vì mục đích gì. Được khen thưởng thế này, tôi rất mừng và thấy tin tưởng vào lãnh đạo thành phố". Việc bà Bình dũng cảm giải thoát cho em Nguyễn Thị Bình cũng trở thành tâm điểm bàn tán của người dân phố Chính Kinh, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Có người còn quả quyết: "Nếu bà ấy không đưa đứa bé đi thì dân đây chẳng ai dám làm". Sau nhiều lần chứng kiến cảnh cô gái bị hành hung, 11h trưa 20/10, bà Bình thuê xe ôm đến đón em Bình đi trốn và đưa em đi bệnh viện chữa trị. Sáng 7/11, Công an quận Thanh Xuân đã khởi tố, bắt vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Ngay sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật chính quyền và công an nơi em Nguyễn Thị Bình bị chủ hành hạ nhiều năm qua. Cùng ngày, quận Thanh Xuân đã lên phương án thay thế một số cán bộ. Ngày 8/10, sau nhiều lần quanh co, ông Đức đã thừa nhận dùng dây điện vụt vào người Bình, dùng gậy gỗ chọc vào ngón chân, dùng kìm kẹp vào mạng sườn người làm thuê để hành hạ. Còn bà Hạnh Phương thừa nhận dùng muôi múc nước phở hắt vào Bình, dùng gậy đánh, dùng chân đá vào âm hộ, bắt cô cởi quần áo quỳ gối nhiều giờ trong trời rét. Sáng 9/11, Bình đã được gặp lại bác rể và em trai cùng mẹ khác cha. Tuy nhiên, Bình không thể nhận ra hai người này. Thượng tá Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng công an quận Thanh Xuân, cho biết, sẽ khẩn trương điều tra và đưa ra xử vụ hành hạ em Bình. Tiến Dũng VNEXPRESS
Chủ quán phở thừa nhận dùng kìm kẹp em Bình Chủ quán phở thừa nhận dùng kìm kẹp em Bình Chiều 9/11, Thượng tá Nguyễn Quốc Chính, Phó công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, vợ chồng chủ quán phở Đức - Phương đã thừa nhận dùng kìm kẹp mạng sườn, hắt nước phở sôi vào người em Bình. Theo ông Chính, sau nhiều lần quanh co, chủ quán phở Chu Minh Đức đã thừa nhận dùng dây điện vụt vào người Bình, dùng gậy gỗ chọc vào ngón chân, đặc biệt, người đàn ông này còn dùng kìm kẹp vào mạng sườn người làm thuê để hành hạ. Bà vợ Trịnh Hạnh Phương đã thừa nhận dùng muôi múc nước phở hắt vào Bình, dùng gậy đánh, dùng chân đá vào âm hộ, bắt cô cởi quần áo quỳ gối nhiều giờ trong trời rét. Vợ chồng chủ quán phở Đức - Phương. Ảnh: T.D. Hiện cặp vợ chồng chủ quán đã bị Công an quận Thanh Xuân áp dụng lệnh tạm giam 2 tháng còn nạn nhân là Nguyễn Thị Bình đã được đi khám nghiệm chấn thương. Đây sẽ là căn cứ để hoàn thành hồ sơ vụ án, chuẩn bị cho việc xét xử. "Chúng tôi sẽ cố gắng liên hệ với bệnh viện để có kết quả khám nghiệm sớm, đưa vụ này ra xét xử nhanh", ông Chính nói. Hôm nay, một người em cùng cha khác mẹ của Bình đã đến cơ quan công an xác nhận thân thế của Bình. Theo đó, Nguyễn Thị Bình, quê ở Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Đề cập trách nhiệm công an cơ sở và việc phớt lờ tin báo của người dân khu vực, ông Chính cho biết, tối 5/11, Công an quận mới nhận được tin báo của bà Hà Kim Bình về việc hành hạ người của hai vợ chồng chủ quán phở nên đã tiến hành điều tra. Trước đó, công an phường và quận đều không nhận được tin báo về vụ việc này. Phó công an quận cũng cho biết, việc xử lý trách nhiệm cán bộ công an có liên quan sẽ phụ thuộc vào kết luận của Thanh tra công an thành phố. Từ 8/11, lực lượng thanh tra này đã bắt đầu làm việc với công an quận Thanh Xuân để xác minh vụ việc. Sáng 7/11, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố, bắt vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Một ngày sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật chính quyền và công an nơi em Nguyễn Thị Bình bị chủ hành hạ nhiều năm qua. Điều 110: Tội hành hạ người khác 1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b) Đối với nhiều người. Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Đoàn Loan VNEXPRESS
Vụ án này đã khép lại tương đối có hậu, thế nhưng với những người có trách nhiệm, có liên quan thì sẽ được giải quyết ra sao - xin đọc một nhận định : Dân không vô cảm Ông tổ trưởng tổ dân phố nơi cô Bình bị “hành hạ suốt 13 năm” vừa bị chính quyền quận Thanh Xuân bãi nhiệm. Có lẽ chính quyền muốn bày tỏ một thái độ “không vô cảm”. Tuy nhiên, sự ra đi của một nhân vật nằm ở vị trí cuối cùng và làm việc gần như không ăn lương này liệu có thể lấp đầy những “lỗ hổng” của hệ thống? Câu chuyện tưởng đã kết thúc có hậu: hai vợ chồng chủ tiệm phở bị bắt; người giải cứu cô, bà lão 70 tuổi, nhận được bằng khen; nhiều cán bộ ban ngành, đoàn thể đã lên ti vi hứa sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng sự kiện “ông tổ trưởng” và tiết lộ mới nhất của “người đàn bà 70 tuổi” này đã xới lại hai vấn đề mà chúng tôi đề cập dưới đây. Bà Hà Thị Bình vừa kể với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM: sau khi giúp cô gái trốn thoát, bà đưa cô về trốn tại nhà một người con của mình. Một cảnh sát đến đó và phát hiện ra Bình khi cô đang ăn cơm. Chỉ hai tiếng đồng hồ sau, vợ chồng chủ quán phở mò tới. Bà Bình không kết luận gì, chỉ “linh tính thấy có điều chẳng lành”. Ngay lập tức, bà đưa cô gái đi trốn tại một trang trại ở cách Hà Nội 25km. Chi tiết ấy góp phần lý giải vì sao, khi cô gái được giải cứu từ “quán phở”, bà Bình đã không đưa cô đến đồn công an hay một cơ quan chính quyền gần nhất như lẽ thường một người dân gặp nạn nên làm. Bà Bình cũng đã cho báo chí biết ngay từ khi nội vụ vỡ ra trước công luận: trước khi quyết định tự tay giải cứu cô gái, bà đã đích thân 4 lần báo cáo công an phường mà không có kết quả gì. Cũng trong ngày mà bà Bình kể chi tiết ấy, phóng viên Đức Trung của báo Nông nghiệp cũng tường thuật một sự kiện mà anh từ nhân chứng trở thành nạn nhân. Khuya 9.11, khi chứng kiến một cảnh sát giao thông đánh một người chạy xe ngược chiều trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh, anh Trung đã tới khuyên can. Sau khi biết anh là nhà báo, Trung được mời về phường làm nhân chứng. Tuy nhiên, trên đường đi, hai kẻ lạ mặt đã ép anh té xuống đường và lao vào đánh anh tới tấp. Theo lời kể của anh Trung, hai kẻ côn đồ này biết anh là nhà báo đang trên đường về phường làm nhân chứng cho vụ cảnh sát đánh dân vừa nói ở trên. Không có nhiều hy vọng là sự việc sẽ được điều tra rốt ráo để biết chắc sự liên hệ giữa hai kẻ côn đồ đánh anh Trung với hành vi đánh dân của người cảnh sát mà anh định làm nhân chứng. Cũng như không thể kết luận vợ chồng chủ quán phở tìm ra nơi cô gái trốn có liên hệ tới sự bắt gặp của anh cảnh sát đến nhà con bà Bình. Nhưng, mối quan hệ của người dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật không chỉ bị chi phối bởi những tình tiết được chính các cơ quan này làm sáng tỏ. Nó còn được vận hành theo một cơ chế khác, cơ chế của lòng tin. Lòng tin là yếu tố quyết định để những người dân như bà Bình quyết định: mang cô gái lên đồn cảnh sát hay đưa cô đi trốn tận rừng núi Hoà Bình. Không có ở đâu “bộ máy” được thiết kế để nắm dân “chặt chẽ” như ở ta. Nơi cơ sở, ngoài công an khu vực, còn có các chi hội, chi đoàn; ngoài các chi hội, chi đoàn còn có tổ trưởng, tổ phó dân phố; rồi dân phòng, rồi các cộng tác viên dân số… Vụ một cô gái bị hành hạ suốt 13 năm ngay giữa một phường của thủ đô mà không bị phát hiện, cho dù rất cá biệt cũng không thể không phân tích những nguyên nhân bắt đầu từ hệ thống. Bà Nguyễn Thị Huyền Mùi, bí thư Đảng uỷ phường Nhân Chính hùng hồn: “Tôi tự hào rằng phường Nhân Chính có hệ thống chính trị từ phường đến khu dân cư rất chặt chẽ. Các bí thư chi bộ ở dưới báo lên. Sau đó thường vụ, ban chấp hành họp… Như thế có thể nói là chúng tôi nắm tình hình rất chắc. Hàng tháng, phường đều họp tất cả các hội, đoàn thể từ thanh niên, phụ nữ, chữ thập đỏ, tổ trưởng, tổ phó dân phố… để họ phản ánh”. Vậy mà sự việc trên đây, bà Huyền Mùi chỉ “biết qua báo đài”. Không chỉ có những nhà lãnh đạo cấp phường như bà Huyền Mùi tự hào về “hệ thống”. Không có ở đâu “bộ máy” được thiết kế để nắm dân “chặt chẽ” như ở ta. Nơi cơ sở, ngoài công an khu vực, còn có các chi hội, chi đoàn; ngoài các chi hội, chi đoàn còn có tổ trưởng, tổ phó dân phố; rồi dân phòng, rồi các cộng tác viên dân số… Thế nhưng, một bé gái bị hành hạ như nô lệ suốt 13 năm ngay giữa thủ đô, hệ thống ấy vẫn không phát hiện được. Có thể bản chất của vấn đề nằm ở chỗ, như ông Nguyễn Xuân Thịnh, chủ tịch phường Nhân Chính nói: “Dân không báo nên tôi không biết”. Cho dù có các báo cáo thường xuyên từ những thiết chế do phường nắm giữ, phường cũng không thể biết hết mọi thứ khi “dân không báo”. Nhưng dân chỉ có thể báo khi dân tin và muốn được dân tin, người lãnh đạo những thiết chế ấy phải “do dân” lựa chọn và quyết định. Vụ cô gái bị hành hạ 13 năm, dù sao, cũng đã làm lộ sớm vấn đề cốt lõi của hệ thống. Những người nắm giữ các mắt xích quan trọng nhất trong hệ thống chính trị ở phường Nhân Chính chắc chắn đều phải là những người được cấp uỷ và bà bí thư Đảng uỷ tin dùng. Bà Huyền Mùi không ngần ngại tuyên bố là bà “tự hào về hệ thống” ấy. Nhưng, nếu như người dân cũng không có đủ lòng tin và niềm tự hào vào những thiết chế đó như bà, thì kết quả, như chúng ta chứng kiến, “dân đã không báo” cho hệ thống những gì đang xảy ra, đang nhen nhúm. Và hệ thống ấy đã phải “ngạc nhiên” khi sự việc bị “vỡ” ngay chính trong phường mình. Huy Đức - Báo Sài Gòn Tiếp thị - số 59 ngày 14/11/2007) (Một bài nhận định sâu sắc -nói đúng được bản chất của vấn đề )