Loét da ở người già, còn gọi là loét tỳ đè, là những vùng hoại tử và loét trên thân thể, nơi các mô bị ép giữa các điểm nhô của xương và các bề mặt cứng do áp lực kết hợp với ma sát, lực mài và độ ẩm. Loét nếu bị bỏ quên và phát triển đến giai đoạn cuối sẽ gây nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng, rất khó chữa khỏi. 1. Yếu tố thuận lợi gây loét da ở người già Nguyên nhân dẫn tới loét da ở người cao tuổi gồm ba nhóm yếu tố: Yếu tố cơ học Là nhóm yếu tố chủ yếu dẫn đến loét da ở người già, do các nguyên nhân: Sự chèn ép: Các mô mềm bị nén giữa các điểm nhô của xương và bề mặt tiếp xúc như giường, xe lăn, …, dẫn đến sự tắc nghẽn mạch máu, thiếu máu cục bộ và thiếu oxy máu. Nếu không được giải nén, vết loét có thể phát triển trong chỉ 3 đến 4 giờ. Sự trượt: Hiện tượng chuyển động trượt của các lớp da xếp nếp, khi thân mình đặt nghiêng và trọng lượng làm cho cơ thể trượt về phía dưới. Hiện tượng này phát triển mạnh hơn nếu có thêm độ ẩm. Cọ xát và kéo dãn da: Cọ xát là tác động trượt lên nhau giữa hai bề mặt: một là da người bệnh và một là bề mặt cứng bên ngoài như giường hoặc ghế người bệnh. Điều này sẽ khiến da bị bào mòn gây ra những vết thương nông trên bề mặt da. Yếu tố thần kinh Cũng là yếu tố chính gây hiện tượng loét da trong hai trường hợp: Bệnh nhân bị mất hoặc giảm cảm giác: Cơ thể không cảnh báo được những tín hiệu nguy hiểm như tư thế khó chịu hoặc đau. Bệnh nhân không thấy được sự cần thiết phải thay đổi tư thế, và dẫn đến việc lưu thông máu bị cản trở. Bệnh nhân bị liệt: Bệnh nhân không cử động, tức là không thực hiện được động tác phòng chống loét, khiến hạn chế phân bố máu cho cơ ở gần vết thương. Các yếu tố khác Chiếm tỉ lệ ít hơn, nhưng cũng góp phần làm cho diễn biến loét da nhanh hơn: Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng: thường do tình trạng bệnh khác, việc ăn uống không được đầy đủ hoặc tiêu hoá không tốt, cũng có thể do chế độ dinh dưỡng kém. Thiếu protein làm vết loét xảy ra và phát triển nhanh hơn. Bệnh nhân mắc bệnh lý khiến tiểu tiện không tự chủ, độ ẩm quá mức. Tình trạng tâm lý: Bệnh nhân không muốn tham gia vào việc phòng chống lở loét do chưa chấp nhận được sự khuyết tật của bản thân, ngại làm phiền con cháu. Da bị ẩm ướt: Da ẩm ướt trong thời gian dài có thể gây tổn thương lớp biểu bì của da, hình thành loét. Sự ẩm ướt này là do mồ hôi ra nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ, vết thương chảy nước… Đặc biệt sự ẩm ướt này cũng tạo điều kiện cho các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, nấm phát triển, khiến vết loét nặng thêm. Khả năng đề kháng của da, tuổi: Khi da khô sẽ mất đàn hồi thì rất dễ dàng cho vết loét xuất hiện. Loét da có nguy cơ tăng nhiều hơn đối với những người trên 70 tuổi. Cách phòng ngừa loét da ở người lớn tuổi Phương châm phòng ngừa chính với bệnh loét da ở người cao tuổi là giảm áp lực lên mô, chăm sóc cẩn thận các vị trí điểm của bệnh nhân với các thiết bị bảo vệ và bề mặt hỗ trợ. Thay đổi tư thế thường xuyên Sử dụng nệm nước, nệm khí Xoa bóp cải thiện tuần hoàn máu Giữ vệ sinh sạch sẽ, khô ráo Theo dõi, kiểm tra tình trạng da Chế độ dinh dưỡng đầy đủ Nguồn viendalieu.com.vn