Chúng ta sống trong một cuộc sống mà tình cảm luôn là thứ quan trọng. Do vậy, những lời nói mà không có tình cảm thường được xem là cái gì đó không được tốt. Tuy nhiên, bài viết này lại đề cập đến một khía cạnh khác của những lời nói mà không có tình cảm. Vì sao lại cần những lời nói mà không có tình cảm? Đó là vì trong một số trường hợp nếu lời nói có chứa tình cảm sẽ làm mất đi trọng tâm của thông điệp, hoặc nó làm người nghe hiểu sai ý của thông điệp. Cụ thể là trong một số tình huống mà bạn muốn nhắc nhở con cái về một điều gì đó thì những thông điệp có chứa tình cảm dễ bị hiểu nhầm thành sự trách móc, xuống thang, thất vọng hay sự coi thường… Trong những tình huống đó, lời nói không có tình cảm sẽ dễ nhớ, dễ hiểu hơn mà không bị gây hiểu nhầm. Lời nói không có tình cảm thì không có đối tượng cụ thể, do vậy người nghe cũng sẽ không bị chi phối bởi yếu tố tình cảm và sẽ dễ dàng nắm bắt được nội dung của thông điệp mà không bị cảm giác sung sướng, xúc phạm… che khuất. Ví dụ bạn bảo con: “Con hãy dọn đồ chơi mà con vừa chơi xong đi” Bé sẽ hiểu rằng bố/mẹ đang ra lệnh và chúng phải tuân theo. Và càng lớn chúng sẽ miễn cưỡng chấp hành những mệnh lệnh kiểu như vậy hoặc tỏ ra chống đối. Hay nếu bạn nói: “Các con ơi, hãy dọn đồ chơi của các con gọn gàng nhé” Bé cũng có thể hiểu rằng bố/mẹ đang nhờ chúng làm việc và chúng có quyền từ chối. Nếu bạn nói: “Sao con không dọn đồ chơi sau khi chơi xong?” Bé sẽ hiểu rằng bạn đang trách móc bé. Nhưng trong trường hợp như vậy, lời nói không chứa tình cảm sẽ tốt vì nó không chỉ nhắc nhở bé về trách nhiệm mà còn cho biết rằng đó là một nguyên tắc. Với cách nói không có tình cảm, ta nói với bé: “Dọn đồ chơi sau khi chơi xong” Ai dọn đồ chơi sau khi chơi xong? Là bé, là bố, là mẹ… Bất cứ ai sau khi chơi xong đều phải dọn đồ chơi. Khi đó bé không có cảm giác khó chịu khi bị thúc dục, không phải làm ơn khi bị nhờ vả… Do có tính chất như vậy nên lời nói không có tình cảm rất thích hợp trong những trường hợp nhắc nhở con trẻ làm một việc gì đó có tính chất nguyên tắc. Ví dụ: - Không ăn kẹo trước khi ăn cơm - Đánh răng trước khi đi ngủ - Dọn đồ chơi sau khi chơi - Không vừa ăn vừa chơi - Không về muộn quá 7h tối
Theo tôi, việc sử dụng những câu "không có tình cảm" chỉ nên áp dụng vào những công việc nhà ( mà ai cũng có trách nhiệm phải làm : quét nhà, lau chùi bàn ghế, dọn cơm ...) còn việc dọn đồ chơi thì đó là một yêu cầu mang tính mệnh lệnh - đã bầy ra thì phải dọn đi, còn nếu nói trống không " dọn dồ chơi sau khi chơi xong" có khi trẻ sẽ không hiểu là bố mẹ nói với mình, và cứ để cho bố mẹ dọn dùm ( vì đâu có nói rõ là ai sẽ dọn?) Ngoài ra, cách nói ( nói một cách giận dữ, dằn từng tiếng, nói một cách cương quyết hay một cách nhẹ nhàng ) và âm vực ( cao giọng, bình thường hoặc hạ thấp giọng) cũng có một giá trị mà chúng ta nên quan tâm để sử dụng cho đúng lúc. Việc sử dụng cách nói như thế nào, kiểu nói như thế nào lại còn tuỳ vào tính khí của trẻ nữa, một trẻ mềm yếu, vô tâm thì phải nói rõ ràng, dứt khoát. Một trẻ nóng nảy, hay sắc sảo thì nên nói một cách nhẹ nhàng tình cảm một chút thì có khả năng "lọt đến xương" hơn.
Vâng, lời nói không có tình cảm là không vui vẻ, không giận dữ mà rõ ràng và đơn giản. Lời nói không có tình cảm không thể hoàn toàn thay thế những lời nói có tình cảm. Nhưng trong 1 số trường hợp, lời nói không có tình cảm có thể tốt hơn những lời nói có tình cảm. Thông thường lời nói không có tình cảm thường nên dùng trong trường hợp để đưa ra một thông điệp mà nó thường nhấn mạnh đến tính nguyên tắc.