Thông tin: Những Món Quà Được Thầy Cô Chờ Đợi…

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi Tuyet473, 20/11/2017.

  1. Tuyet473

    Tuyet473 Thành viên tập sự

    Tham gia:
    21/9/2017
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    5
    Điểm thành tích:
    3
    Tôi nhận ra rằng món quà ý nghĩa nhất với họ chính là sự kính trọng, yêu mến từ học trò.

    [​IMG]

    Biến ngày 20/11 thành ngày hội cả thầy và trò chung niềm vui là một sinh hoạt được nhiều trường tổ chức.

    Cách đây vài tuần, khoa của tôi (tôi đang công tác ở một trường đại học sư phạm) có mời các giáo viên phổ thông đến chia sẻ kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm cho các sinh viên sư phạm năm thứ hai toàn trường. Các giáo viên với số năm kinh nghiệm từ 10 – 30 năm đều mang đến những câu chuyện nghề rất thật. Có người mang đến những bức thư, những món quà kỷ niệm của học trò. Tất cả đều rất cũ, đều có vết tích của thời gian, có thứ đã có tuổi đời trên 20 năm. Vậy mà, khi nói đến từng dòng thư ấy, những món quà ấy, ánh mắt của giáo viên đều lấp lánh niềm vui, sự hạnh phúc. Mười mấy, hai mươi năm trôi qua nhưng những câu chuyện, hình ảnh của một số học trò gắn bó với những dòng thư, những món quà đơn sơ ấy vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của thầy cô.

    Quà nào đáng nhớ?

    Ngồi cuối lớp lắng nghe những phần chia sẻ ấy, bất giác, tôi nhận ra rằng: dù thời gian làm nghề của các giáo viên khác nhau, cách nhau có khi đến mấy thế hệ thì điểm chung của họ vẫn là niềm hạnh phúc khi thấy học trò trưởng thành. Món quà ý nghĩa nhất với họ chính là sự kính trọng, yêu mến từ học trò.

    Tôi từng hỏi một đồng nghiệp rất thân thiết đang dạy ở phổ thông: món quà đắt tiền nhất mà học trò từng tặng anh là gì? Anh ngẩn ra, cố gắng nhớ nhưng không thể. Anh bảo: “Có quà của phụ huynh tặng mà anh đoán là đắt tiền, cũng có người đưa phong bì kha khá đấy, nhưng anh không nhớ. Thường thì anh tìm cách trả lại, nhất là tiền, chắc chắn không nhận, nhưng quà có khi không trả được. Để đó nhưng thú thật qua thời gian cũng chẳng còn nhớ ai đã tặng. Có quà chẳng dùng đến, phải mang cho”. Câu chuyện của anh không hề hiếm, nhiều giáo viên cũng chia sẻ điều tương tự với tôi. Bản thân tôi cũng có khi được học viên đã đi làm tặng quà khi kết thúc khoá học và tự cảm thấy rất khó xử. Một bó hoa nho nhỏ cả lớp tặng là đủ vui, nhưng quần áo, vải vóc, túi xách thì chẳng bao giờ mặc hay dùng được, vì không hợp phong cách của tôi. Học viên tặng các đồ ăn đặc sản thì gia đình tôi chỉ có hai người, chẳng ăn uống mấy nên toàn phải đem mời mọc, năn nỉ đồng nghiệp và hàng xóm ăn giúp. Học viên tặng phong bì tiền 500.000 – 1 triệu (cả lớp) để cô tự mua quà vì không biết cô thích gì, cũng không hẳn có ý mua chuộc thì tôi tự thấy số tiền đó không làm mình giàu hơn, nhận lại nặng đầu, cũng không có nhu cầu mua quà cáp gì… nên tìm cách trả lại học viên. Tôi tin chắc rằng rất nhiều đồng nghiệp cũng nghĩ như tôi.

    Góp phần “tập hư”

    Ai cũng nghĩ thầy cô… cần có quà! Ai cũng cố đoán thầy cô thích gì. Tôi cũng nghe những câu chuyện về việc thầy cô này, thầy cô kia “gợi ý”, “ép buộc” phụ huynh, học sinh phải tặng quà và quà phải có giá trị. Tôi nghĩ những câu chuyện đó là sự thật, nhưng tôi cũng tự hỏi: ý nghĩ “mong có quà” và “quà phải có giá trị” của giáo viên từ đâu mà có? Phải chăng các phụ huynh đã góp phần “tập hư” cho giáo viên? Cứ đến hẹn, họ lại chờ đợi những món quà như thế. Giả sử từ trước đến giờ, đến những ngày lễ, món quà mà giáo viên nhận được chỉ là những tấm thiệp chúc mừng, những món đồ thủ công đơn giản học trò tự làm bằng tay, một bó hoa nhỏ thì họ sẽ chẳng bao giờ mong cầu đến món quà gì có giá trị vật chất cao hơn. Những giáo viên vùng cao, vùng sâu vùng xa chỉ mong học trò ngày ngày đến lớp đầy đủ; lễ tết có khi giáo viên phải trích lương tặng quà cho học trò thì họ cũng chẳng bao giờ nghĩ đến quà. Bởi vậy, nhu cầu có quà vật chất của giáo viên nhiều khi chỉ từ sự lầm tưởng của phụ huynh hoặc cũng do phụ huynh “gieo mầm”.

    Giữa nhịp sống hối hả ở thành phố lớn bậc nhất Việt Nam, có con học ở quận trung tâm thành phố, một người bạn của tôi vẫn giữ thói quen đến ngày 20.11 đưa con đến nhà sách tự tay chọn thiệp và ghi lời chúc mừng thầy cô. Cho đến nay các con của chị ấy vẫn không bị bất cứ sự phân biệt đối xử nào từ phía thầy cô do chỉ tặng quà tinh thần như thế. Tôi tin rằng nhiều giáo viên đều chỉ mong nhận được những món quà như sự yêu thương, kính trọng từ phía học trò, sự tôn trọng và hợp tác từ phía phụ huynh. Những món quà ấy, chúng ta không cần chờ đến dịp nào đó mới tặng được cho thầy cô! Và họ cũng mong được nhận được những món quà ấy mỗi ngày!

    Nguyễn Thị Thu Huyền Khoa Khoa học giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM
    Theo TGTT

    Nguồn: tiepthithegioi.vn
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Tuyet473
    Đang tải...


Chia sẻ trang này