Khi nào cần bảo dưỡng điều hòa là câu hỏi quen thuộc mà không phải ai cũng trả lời đúng. Nhiều gia đình có thói quen máy điều hòa đang chạy tốt quyết không bảo dưỡng vì cho rằng không cần thiết, để đến lúc máy hỏng hãy gọi thợ cho đỡ tốn tiền. Song, sai lầm này khiến người dùng không chỉ đốt bạc triệu mà còn hại sức khỏe. Trên các diễn đàn mạng xã hội gần đây, mọi người bàn tán xôn xao chuyện điều hòa đang chạy tốt có cần phải bảo dưỡng không? Nhiều người cho rằng, nếu bảo dưỡng điều hòa thường xuyên sẽ tốt cho máy. Thế nhưng, không ít người lại nghĩ, nếu điều hòa vẫn chạy tốt thì không cần phải bảo dưỡng, đỡ tốn kém. Vì thế, một số chia sẻ, từ lúc mua điều hòa đến giờ đã vài năm gia đình không phải gọi thợ tới bảo dưỡng, máy vẫn chạy nên tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Trao đổi về vấn đề trên, anh Nguyễn Văn Vũ, một thợ điều hòa có gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề sữa chữa và lắp đặt điều hòa ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay, không chỉ với điều hòa mà hầu hết các đồ điện máy khác, nhiều người sử dụng có thói quen không bảo dưỡng bao giờ, thế nên đến lúc gặp trục trặc thì phải sửa chữa rất tốn kém, thậm chí còn phải bỏ đi thay máy mới. Từ đó có thể thấy, không bảo dưỡng đồ điện máy là một sai lầm, đặc biệt là điều hòa. Điều đó không những giúp người sử dụng tiết kiệm tiền mà còn làm hao tốn tiền của thêm. Anh Vũ cho biết, máy lạnh có dàn nóng và dàn lạnh. Trong quá trình sử dụng, bụi bẩn sẽ bám vào hai dàn này. Và nếu lâu ngày không vệ sinh điều hòa, bụi bẩn sẽ bám chắc vào máy, hơi nước bám trên mặt dàn lạnh, kết hợp với độ ẩm của không khí sẽ là môi trường lý tưởng để nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Hậu quả, không khí thổi ra sẽ không trong lành, dễ gây các bệnh về hô hấp, nhất là cho trẻ nhỏ, người già, hay bệnh về da như dị ứng, mẩn đỏ, ngứa ngáy... cho người sử dụng. Ngoài ra, khi dàn lạnh bị bám quá nhiều bụi bẩn, khả năng làm lạnh của máy sẽ kém hơn. Kéo theo đó, máy điều hòa không thể đáp ứng được nhu cầu làm lạnh cho căn phòng ngay cả khi tiêu tốn nhiều điện năng để làm lạnh hết công suất. Tất nhiên đến cuối tháng, hóa đơn tiền điện sẽ tăng chóng mặt. Đặc biệt, đối với dàn nóng là bộ phận tản nhiệt cho máy lạnh, nếu bị nhiều bụi bám vào quá nhiều, dàn nóng không thể tản nhiệt tốt và bị quá tải, khiến máy lạnh tự động bị ngắt điện. Nhiều khi, bụi bẩn quá dày đặc ở dàn nóng làm cho máy nén (lốc máy) - bộ phận quan trọng nhất của điều hòa sẽ bị bí, không tản được nhiệt dẫn đến dễ hư hỏng. Anh Vũ dẫn chứng, đầu tháng 5, anh đến nhà một khách hàng ở Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để sửa máy điều hòa vì khách báo máy vẫn chạy nhưng không mát. Đến nơi kiểm tra, anh thấy máy bám đầy bụi bẩn, máy nén bị hỏng, hỏi thì khách bảo mua điều hòa hơn 4 năm những chưa bao giờ gọi thợ vào bảo dưỡng. Dịp này thấy máy chạy nhưng không mát nên mới gọi thợ đến sửa. Sau khi thay máy nén hết 1,8 triệu đồng, công vệ sinh làm sạch dàn nóng, dàn lạnh và bơm thêm gas hết 300.000 đồng nữa, khách hàng tốn mất tổng cộng 2,1 triệu đồng. Trong khi, với máy điều hòa một chiều chỉ dùng vào mùa nóng, một năm bảo dưỡng một lần với chi phí khoảng 300.000 đồng/lần thì tính ra cũng chỉ hết khoảng 1 triệu đồng, lại giúp máy điều hòa tăng tuổi thọ. Nhưng, khách này không bảo dưỡng nên chi phí sửa chữa tốn gấp đôi tiền bảo dưỡng định kỳ, đó là chưa kể còn tiêu tốn khá tiền điện mỗi tháng do điều hòa bám bụi bẩn nên luôn trong tình trạng phải hoạt động hết công suất. Theo anh Vũ, nếu muốn kéo dài tuổi thọ của điều hòa, muốn tiết kiệm tiền điện khi sử dụng điều hòa, muốn gia đình mình luôn được sống trong bầu không khí trong sạch không có quá nhiều vi khuẩn có hại khi sử dụng điều hòa thì nên chú ý tới vấn đề bảo dưỡng vệ sinh máy. Theo đó, với điều hòa một chiều thì nên bảo dưỡng vệ sinh máy tối thiểu một lần trước mùa nóng. Còn với điều hòa 2 chiều thì làm một lần trước mùa nóng và một lần trước mùa lạnh. Khách có thể gọi thợ, hoặc nếu am hiểu về điều hòa có thể tự vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh của máy điều hòa vì công việc này không quá phức tạp. Nhưng lưu ý, khi tự vệ sinh dàn nóng thì tránh sử dụng lực phun nước mạnh ở gần vị trí có bảng mạch (vị trí của nó nằm ở phía trên máy nén) vì có thể ảnh hưởng đến bo mạch. nguồn: vietnamnet