Nông Nghiệp Việt Nam Trước Ngưỡng Cửa Tpp

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi pnstar, 12/12/2015.

  1. pnstar

    pnstar Thành viên mới

    Tham gia:
    17/3/2014
    Bài viết:
    30
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    8
    Người nông dân cần đầu tư bài bản, lâu dài, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà nông và các doanh nghiệp để cùng phát triển bền vững.
    Thực trạng được giá mất mùa, được mùa mất giá và điệp khúc trồng chặt - chặt trồng lâu nay được xem như vấn đề nan giải của nền nông nghiệp Việt Nam. Nhiều người không khỏi xót xa trước hình ảnh hàng nghìn trái thanh long Bình Thuận được bán đổ đống với giá rẻ mạt, thậm chí trở thành thức ăn cho gia súc chỉ bởi tiền bán không đủ trang trải chi phí thu hoạch. Cùng chung số phận là hàng loạt cây trồng đặc sản của các địa phương, từ dưa hấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, cho đến hành tím ở Sóc Trăng, hành tây ở Đà Lạt, nhiều hecta cao su bị chặt bỏ ở Phú Yên, những cánh đồng mía cháy ở Khánh Hòa hay người trồng hoa lay ơn ở Lâm Đồng phải đem đổ cho bò ăn.

    [​IMG]
    Sự thay đổi trong tư duy và cách thức canh tác của nông dân quyết định diện mạo của nền nông nghiệp Việt nam trước ngưỡng hội nhập.

    Ngay cả lúa gạo, mặt hàng nông sản chủ lực gắn liền với tên tuổi quốc gia xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam, cũng không nằm ngoài thực trạng đó. Những chỉ số gia tăng năng suất, sản lượng không tỷ lệ thuận với thu nhập của người nông dân do đầu tư phát triển không đồng đều về chiều rộng và chiều sâu. Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cũng chưa được coi trọng.

    Nhìn sang nền nông nghiệp tiên tiến và phát triển của các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, hay xa hơn là Nhật Bản - vốn nghèo tài nguyên, những người tâm huyết với nông nghiệp nước nhà không khỏi trăn trở với bài toán nan giải lâu nay. Các chính sách khuyến khích tập trung đầu tư vào nông nghiệp, các giải pháp cải tiến cơ sở hạ tầng, ứng dụng cơ giới hóa, nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời đẩy mạnh công tác thị trường, hoạt động thương mại liên tiếp được triển khai đồng bộ và xuyên suốt từ cấp trung ương đến địa phương. Dù vậy, dường như vấn đề gốc rễ vẫn đang bị bỏ ngỏ chính là cách thức làm nông, được quyết định và ảnh hưởng bởi tư duy về văn hóa nông nghiệp của những người trực tiếp canh tác.

    Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu Việt Nam từng nhận xét những yếu kém của nền nông nghiệp nước nhà không hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách mà ngay cả người nông dân cũng đang làm nông nghiệp theo lối tự phát. Họ tự phát, bắt chước lẫn nhau. Thấy người ta trồng dưa hấu bán được, là trồng dưa hấu. Thấy trồng thanh long bán được, là trồng thanh long... Một phần lỗi này là do người nông dân. Khái niệm về lâu dài trong người nông dân hoàn toàn không có.

    Với lực lượng hùng hậu chiếm hơn 70% dân số cả nước, có thể nói nông dân là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam. Do đó nhận thức và cách thức làm nông là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến hiệu quả và tầm vóc ngành nông nghiệp.

    Cái lợi trước mắt khiến người nông dân cứ tất tả chạy theo phòng trào mà làm nông không cần kế hoạch sản xuất cũng như tiêu thụ. Mới đây nhất, câu chuyện thu mua mía lại trở thành đề tài nóng hổi như thường lệ mỗi khi tới vụ mùa thu hoạch ở các vùng nguyên liệu lớn tại đồng bằng sông Cửu Long.

    Không ít doanh nghiệp mía đường thường xuyên điều chỉnh, áp dụng các chính sách hỗ trợ kịp thời với cam kết hợp tác bền vững, lâu dài cho nông dân. Đó là bảo hiểm chữ đường, đầu tư không hoàn lại vốn và giống cây trồng, công cụ dụng cụ canh tác, hỗ trợ thu hoạch… Tuy nhiên, mỗi khi tới mùa vụ thu hoạch mía, chính những doanh nghiệp này lại phải đấu tranh giữ mía với các thương lái nhỏ lẻ hoặc các nhà máy tới thu mua với giá hời chỉ bởi sự phá bỏ cam kết từ một phía bất chấp những cam kết về sự phát triển ổn định và bền vững với các doanh nghiệp uy tín tại địa phương.

    Các doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên nghiệp đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đơn vị, lái thương thời vụ, mua xô theo giá thị trường thay vì đầu tư bao tiêu. Khi giá mía thấp, các nhà máy không đầu tư bao tiêu mà mua mía với giá rẻ mạt thông qua thương lái, dẫn đến nông dân lỗ nặng, phá mía trồng cây khác. Khi đó sẽ gây thiếu mía trầm trọng, giá mía năm sau sẽ tăng cao, các thương lái lại nhảy vào đua nhau nâng giá, hết mía vùng này, họ quay sang nâng giá vùng khác, cạnh tranh thu mua mía không lành mạnh với cả các nhà máy đầu tư bài bản. Điều này khiến các nhà máy này đầu tư xong đến mùa thu hoạch phải lo giữ mía, ăn không ngon ngủ không yên. Và cuộc chiến giữ mía vẫn cứ lặp lại mỗi mùa thu hoạch.

    Giải pháp duy nhất để người nông dân tự giảm thiểu rủi ro và bảo vệ chính mình trước mỗi mùa thu hoạch chính là nghiêm túc đầu tư bao tiêu.

    [​IMG]
    Giá mía tại đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ từ vụ 2012-2013 cho đến vụ 2015-2016. Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường.

    Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực tập trung nhiều thương lái. Nhà máy không đầu tư ứng vốn cho nông dân trồng mía nên giá mía trôi nổi rất lớn. Từ đó dẫn đến thực trạng nông dân được mùa thì mất giá do cung vượt cầu và nông dân được giá thì mất mùa do cầu vượt cung.

    Các nhà máy đường An Khê, Lam Sơn, các nhà máy thuộc Thành Thành Công... thực hiện chiến lược đầu tư dài hạn và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Họ đầu tư ứng vốn và bao tiêu đầu ra cho người trồng mía nên giá thu mua ổn định và sự dao động thấp hơn nhiều so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Giá thu mua tại ruộng ổn định ở mức 900.000 đến một triệu đồng một tấn qua các vụ. Bên cạnh đó, các nhà máy còn đầu tư cho nông dân thiết bị tưới, máy móc thiết bị cơ giới hóa giúp tăng năng suất và chất lượng mía.

    Hơn lúc nào hết, lộ trình hội nhập gần kề đòi hỏi mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và các doanh nghiệp để cùng ổn định và phát triển. Bên cạnh đó cũng cần sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong việc ban hành áp dụng các chính sách bắt buộc và chế tài nghiêm khắc nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trong chuỗi giá trị cây mía.

    Minh Trí
    VnExpress
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi pnstar
    Đang tải...


Chia sẻ trang này