Phải cương quyết “tắt đài” các chương trình TV bạo lực của con bạn Mar 27, 2005 Cali Today News - Bạn có thấy dạo gần đây, bạo lực có mặt hơi nhiều trên màn ảnh nhỏ không? Mở tin tức thì ôi thôi nào là tin chiến sự Iraq hà rầm, tin tụi găng tơ phơ nhau trên đường phố Sang Frăng cứ như là xi la ma, tin mấy thằng ma cà bông bắt cóc con nít hãm hiếp giết chết, rồi mới nhất là vụ Weise nặng 250 pounds phơ chết 9 mạng gọn ơ tại trường trung học Red Lake ở Minnesota. Làm sao bây giờ? Theo trung tâm nghiên cứu Nielsen Media Research thì nếu bạn lấy bất cứ một tuần lễ nào của năm thì bọn trẻ ở Mỹ xem TV đều đặn 20 giờ, vì thế bạn đừng có mà ngạc nhiên khi thấy các nhà nghiên cứu nói bọn trẻ có thể “học hỏi” ở TV cũng nhiều như chúng học tập nơi bạn bè. Cái đau khổ nhất cho cha mẹ là lắm lúc một trong các bài học mà chúng… rút tỉa được từ TV là phải sử dụng bạo lực để giải quyết một tình huống nào đó, thế mới là rắc rối cái sự đời khi con cái chủ trương… đục trước đã, nói chuyện phải trái sau! Tuy nhiên tình thế cũng không đáng để cha mẹ quá lo lắng như thế vì có một nghiên cứu mới đây của Trường Đại Học Oregon tiến hành trong số 200 đứa trẻ tình nguyện học lớp ba cho thấy các em cũng biết chọn lọc và học hỏi tích cực từ TV, miễn là có 3 điều kiện sau đây được thỏa mãn: 1. Xem TV chung với con cái: Các nhà nghiên cứu cho hay là cha mẹ cần xem TV để chỉ cho con biết cái nào là thật mà nó có thể gặp ngòai đời trên màn ảnh nhỏ, cái nào là… xạo theo kiểu TV. Theo tiến sĩ Larry Rosenkoetter thì cha mẹ cần cắt nghĩa cho con thấy là “những màn đánh đấm diễn ra trên phim ảnh, nếu vô thưởng vô phạt, không làm các diễn viên rụng sợi lông nhỏ vì đánh như thế là… đánh cuội”, nhưng nếu chúng xảy ra ngoài đời thật thì cũng đau lắm chứ chẳng chơi! Cần phê phán các hành vi “nổ màn ảnh” là quá đáng và hoàn toàn là giả để con cái an tâm. 2. Dạy con cái phát biểu ý kiến: Cha mẹ có thể khuyến khich con cái nhận xét và cho biết cảm tưởng của chúng về những cái gì chúng thấy trên TV. Nếu chúng trả lời: “Con đâu có ngu, cái đó là giả mà mẹ” là bạn… đạt yêu cầu. Trẻ con mà xem TV một cách say mê thụ động quá là không nên. Hãy tập chúng suy nghĩ và rút ra kết luận cho bản thân, nếu không bước đầu bạn có thể nhẹ nhàng hướng dẫn con biết các chi tiết cần quan tâm và bỏ qua các sự kiện không có lợi cho trí óc non nớt của chúng. 3. Hãy hạn chế số giờ xem TV: Viện “American Academy of Pediatrics” gợi ý là không nên cho trẻ xem TV quá 10 giờ mỗi tuần. Ngoài ra cha mẹ sẽ cương quyết không mua cho con cái các món đồ chơi theo chủ đề trên TV. Tiến sĩ Rosenkoetter nói: “chúng tôi khuyên cha mẹ hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định mua một món đồ chơi quảng cáo theo phim ảnh trên TV, trò chơi càng bạo lực thì thế nào cũng tạo ra các màn bạo lực trong gia đình.” Nhưng không những chỉ có TV, hiện nay các trò “games” điện tử… rất thật và hết sức máu me, tàn bạo, có khi bệnh hoạn nữa (theo tuần báo Time thì có loại trò chơi các “anh hùng cái thế” hỏng thèm… lấy máu đỏ tăng sinh lực uýnh tiếp, cái đó xưa rồi, bầy giờ ta chơi cocaine hay… thuốc lắc hay hơn nhiều!). Cha mẹ đừng nêu gương xấu bằng cách chơi say mê trước mặt con cái. Theo các nhà nghiên cứu có khi hiện nay cả một thế hệ thanh thiến niên Nhật cứ sống… trong ảo là do mấy cái trò chơi ác hại và sách báo “chuyên đề” dành cho chúng mà toàn là “móc mắt, mổ gan nó”, thây mà rầu! Tuổi thơ có não bộ như trang giấy trắng, bạn hãy chiến đấu chống lại TV, games và sách báo bạo lực lăm le in dấu ấn tàn bạo lên đầu óc con mình. Hồng Quang theo Woman’s Day Nguồn: www.calitoday.com