Phải làm gì với con?!

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi Ansinhpc, 27/2/2013.

  1. Ansinhpc

    Ansinhpc Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    2/11/2011
    Bài viết:
    1,307
    Đã được thích:
    410
    Điểm thành tích:
    123
    TS. Trần Mỹ Duyệt/Viễn Đông

    Giáo dục, dậy dỗ con cái. Con ngoan, con hư là những chuyện dài muôn thuở. Không những không có câu trả lời trắng đen, đúng sai, mà nếu có câu trả lời nào đó thì cũng bị người này khen, kẻ khác chê. Lý do, vì mỗi người một tâm lý, một cái nhìn, và trong mỗi hoàn cảnh đều có những khó khăn của nó. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là khoa tâm lý, giáo dục hay đạo đức không có câu trả lời cho đề tài này.
    Tuần trước, tôi nhận được một cú điện thoại, đại ý không phải nhờ cố vấn hay giải đáp một vấn đề tâm lý, mà nhờ tìm điện thoại của một văn phòng luật sư. Để giải thích lý do tại sao mình cần điện thoại của luật sư, bà nói:
    “Em có hai đứa con trai, một đứa năm nay 21 tuổi. Nó không chịu đi học cũng không chịu đi làm, nhưng chỉ tối ngày một mình ngồi trong phòng chơi games và sục sạo trên internet. Em đã nhiều lần nói với nó nhưng nó không nghe. Em muốn luật sư tìm một nơi để huấn luyện cho nó. Bắt nó phải đi học hoặc đi làm. Còn đứa thứ hai năm nay 16 tuổi. Tuy đang đi học nhưng gần đây thì hay trốn học và bị nhà trường gọi em lên nhiều lần. Gần đây nhất nhà trường đe sẽ đuổi nó. Nó không làm bài, và rớt điểm. Em cũng muốn nhờ luật sư chỉ bảo cho em phải làm sao để bắt nó ở nhà học bài, làm bài và không được trốn học nữa”.
    Đó là mục đích của người mẹ nêu lên để nhờ tôi tìm cho bà số điện thoại của một luật sư mà tôi quen biết. Có lẽ bà nghĩ vì tôi quen luật sư này nên đã gọi đến tôi để xin số điện thoại? Và cũng qua những gì bà cho biết, có lẽ bà đã phải đau khổ với hai cậu con trai này nhiều, và chắc là hai người con này đã làm cho bà khổ tâm nên bà nghĩ nhờ luật sư can thiệp chắc hai cậu con sẽ khá hơn.

    Ai chịu trách nhiệm giáo dục con trẻ?

    Bà mẹ này và có lẽ cũng có nhiều phụ huynh khác trong những hoàn cảnh tương tự cũng nghĩ rằng nếu luật pháp can thiệp, nhốt con của họ vào một trung tâm cải tạo, huấn nghệ chắc chúng nó sẽ chừa, sẽ khá. Hoặc đối với những đứa trẻ cứng đầu, cứng cổ, cảnh sát, luật sư sẽ làm chúng sợ mà trở nên ngoan ngoãn, dễ dậy. Ngoài ra, trong những trường hợp con cái hư hỏng, bỏ nhà, trốn học, băng đảng, thì phần đông lại đổ thừa cho nhà trường, cho xã hội. Họ lên án nhà trường không biết dậy con họ, và xã hội đã làm hư con họ.
    Những phụ huynh và cha mẹ này đã quên một vấn đề hết sức quan trọng, đó là họ mới chính là những người có trách nhiệm và bổn phận giáo dục con họ. Nhà trường và xã hội không có bổn phận và trách nhiệm ấy. Nhà trường đơn thuần là nơi giảng dậy và cung cấp cho con họ những kiến thức về khoa học, về hiểu biết, về chuyên môn. Xã hội cung cấp cho con họ môi trường để ứng dụng, để phát triển, và để đạt được những thành quả mà chúng đã học, đã hấp thụ được từ trường lớp. Ngay cả những trung tâm huấn luyện, trại cải huấn, trung tâm cai nghiện cũng không phải là nơi phụ huynh đem con vào đó để ngồi chờ đợi phép lạ. Có những trường hợp chính vì ở trong những nơi ấy mà chúng học được những mưu mánh, những thói lưu manh, móc nối được những đường dây hoạt động, đợi khi được trả tự do chúng lại gây nên nhiều tội ác còn trầm trọng hơn trước.
    Như vậy, chỉ có phụ huynh mới là những nhà giáo dục về đức tính, tư cách, và tâm linh của con cái, và môi trường giáo dục tốt nhất vẫn là môi trường của gia đình. Hiểu như vậy, ta mới nhận ra một điều hết sức quan trọng, đó là nếu cha mẹ hay những người có trách nhiệm với con cái không nỗ lực và quan tâm đến việc giáo dục, huấn luyện con cái thì đừng mong gì nhà trường hay xã hội sẽ làm việc ấy thay mình.

    Có nên nhờ luật sư, cảnh sát?
    Trở lại trường hợp của bà mẹ trên, người con trai 21 tuổi của bà coi như “quá trễ” cho bà để giáo dục hoặc sửa sai tính nết. Luật sư hay cảnh sát cũng không can dự gì và cũng không làm gì tốt hơn nếu như em đó không có những hành vi phạm pháp. Ngồi nhà chơi games, không đi học, không đi làm đâu có gì liên quan đến luật sư hay cảnh sát. Ngay cả việc em tìm một nơi để chữa bệnh tâm thần hay tâm lý cũng vẫn là việc của riêng em, vì em đã 21 tuổi, tuổi đã được xã hội chấp nhận quyền tự lập và tự trách nhiệm của em. Một người bạn của tôi cũng có người con trai năm nay 27 tuổi. Không việc làm, không học hành thêm, không bồ bịch nhưng ngày ngày ngồi ở nhà chơi với internet, làm bạn với chiếc computer. Em rõ ràng có những dấu hiệu của chứng ảo tưởng, hoang tưởng nên rất cần được chữa trị về tâm thần, nhưng em nhất định không chịu đi bác sĩ. Phần cha mẹ lại chiều và bào chữa cho con, nên trong mấy năm qua tình trạng ấy vẫn tiếp diễn, và em vẫn tà tà ngồi nhà mà không có luật sư hay cảnh sát nào can thiệp cả.
    Riêng trong trường hợp của em trai 16 tuổi thì họa may cảnh sát có thể can thiệp nếu như em làm một chuyện gì sai trái ở nhà trường hay với bạn bè. Nhưng dù là người con 21 tuổi hay 16 tuổi, nếu cảnh sát đã can thiệp, luật sư đã can thiệp thì đây lại là một vấn đề phức tạp. Ảnh hưởng của những vụ can thiệp ấy sau này đối với tương lai của các em thật không đơn giản. Câu chuyện đã xảy ra cũng cho con một người bạn khác của tôi.
    Hôm đó, một buổi chiều anh đang ngồi chờ con về ăn cơm, bỗng nhận được điện thoại của Sở Cảnh Sát Santa Ana gọi lên để nhận con anh về. Anh hết sức hoảng hốt về chuyện này. Kinh nghiệm cho anh biết, đụng đến cảnh sát là chuyện không dễ dàng hoặc đơn giản tí nào. Và hàng trăm câu hỏi xuất hiện và nhảy múa trong đầu anh. Đối với anh, anh vẫn tin rằng con anh học hành tử tế, không liên quan gì đến cần sa, ma túy, băng đảng hay trộm cướp, nhưng hôm nay tại sao lại bị cảnh sát gọi để đến lãnh con về. Chuyện gì đây? Khi đến nơi, anh thấy con anh đang ngồi đó chờ anh. Phản ứng đầu tiên là anh sáp lại giơ tay định tát cho nó mấy cái. Hiểu ý anh, người cảnh sát đã chặn tay anh lại và nói:
    - Ông không được làm như vậy. Tôi hiểu. Nhưng nếu ông đánh nó là ông phạm tội hành hung con ông.
    Bạn tôi tức quá, và cũng xấu hổ về đứa con của mình, anh đã nói với người cảnh sát:
    - Tôi cũng từng là cảnh sát ở Việt Nam. Tôi rất ghét những đứa trẻ ngỗ nghịch và lười biếng chỉ chạy chơi, phá phách, gây phiền phức cho xã hội. Phá phách, nghịch ngội thì cũng có thể tha thứ, nhưng dính vào xì ke, ma túy, trộm cướp, băng đảng thì làm khổ nhiều người quá. Con tôi có dính vào những thứ ấy không?
    - Rất may con ông không thuộc thành phần xì ke, ma túy, trộm cướp, băng đảng. Nhưng biết đâu nếu nó không kịp thời chuyển hướng. Lần này nó bị bắt vì đi chung với mấy đứa bạn của nó vào siêu thị, và một trong những đứa bạn nó đã ăn cắp đồ. Vì nó chỉ đi chung với bạn nên được tha, nếu nó ăn cắp thì lại là chuyện khác.
    Tôi đã giải thích cho nó, nhưng ông về cũng cắt nghĩa thêm cho nó rằng đừng tưởng những chuyện lặt vặt ấy rồi sẽ qua đi và nó không bị liên lụy gì. Không. Một khi hồ sơ của nó có dính đến băng đảng, trộm cướp, xì ke, ma túy thì dù dưới 18 tuổi đấy, nhưng những hệ lụy của nó rất trầm trọng và có thể theo nó mãi suốt đời. Tôi cho nó về, và ông nhớ nhắc nó những gì tôi đã nói với nó và với ông.

    Bổn phận của phụ huynh
    Nói đến giáo dục, phần đông phụ huynh vẫn lẫn lộn với việc nuôi con mạnh khỏe, chóng lớn. Hoặc hơn một chút là dậy con biết chào hỏi, biết thưa trình, biết ca múa, biết chơi đàn… Nhiều phụ huynh còn tưởng rằng việc giáo dục con là thành quả con đạt được trong học vấn. Đã có những phụ huynh hãnh diện tuyên bố: tôi dạy nó trở thành bác sĩ, luật sư, nha sĩ, kỹ sư. Những phụ huynh này đã quên cái cốt lõi của giáo dục là uốn nắn, là hướng dẫn và giúp con sống trưởng thành về tâm lý, tình cảm, và đạo đức để sau này con mình ứng phó và sống với địa vị, với chức năng của nó trong gia đình, xã hội hoặc giáo hội. Thí dụ, biết sống sao và hành xử sao trong vai trò, cương vị một người chồng, người cha, người vợ, người mẹ, một nhân viên, một giám đốc điều hành, ngay cả một người phu đổ rác, một chị bán hàng rong. Nhân cách và đạo đức mới làm cho con người trở nên giá trị, và hạnh phúc. Tiền bạc, giầu sang, địa vị, học thức, quyền bính chỉ là những phương tiện mang tính cách nhất thời hoàn toàn không theo ta mãi mãi. “Không ai giầu ba họ, khó ba đời”. Đó là giáo dục, là dậy dỗ.
    Để giáo dục một con người, ta phải dựa vào tâm tính, dựa vào tình cảm, dựa vào từng lứa tuổi và từng người con. Giáo dục tốt nhất là giáo dục khi các em hãy còn thơ. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Theo tâm lý phát triển, tuổi giáo dục tốt nhất là khoảng từ 2-3 tuổi, cái tuổi mà một em nhỏ có thể học đòi, bắt chước một cách dễ dàng. Tuổi vô tư, tâm hồn, và trí khôn như một tờ giấy trắng, phụ huynh muốn viết gì, muốn vẽ gì lên đó cũng được. Đợi đến khi đứa trẻ lên 16 tuổi, 21 tuổi mới nghĩ đến giáo dục thì quá muộn. Ở tuổi này phụ huynh chỉ còn cách lợi dụng mối tương quan giữa cha mẹ, con cái để nhẫn nại và khuyên nhủ các em từ từ. Nếu có thể được, đưa các em tới các văn phòng tâm lý, các chương trình tâm thần, hoặc cần đến sự can thiệp tâm linh như sự linh hướng và giúp đỡ của các linh mục, các nhà lãnh đạo tinh thần. Và giáo dục thành công nhất vẫn là gương sống của chính phụ huynh.
    Tóm lại, phụ huynh không thể vô tình giao phó tương lai con mình cho nhà trường, cho xã hội. Cũng đừng đợi đến khi con mình đã khôn lớn, có chuyện rồi mới chạy đến luật sư, đến bác sĩ, mới tìm phương cách giáo dục thì sợ rằng lúc đó đã quá trễ.
    Giáo dục là bổn phận tối quan trọng và thiết yếu của cha mẹ. Một bổn phận và trách nhiệm không thể bị coi nhẹ hoặc lơ là. - (TMD)
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ansinhpc
    Đang tải...


  2. ha.vi2011

    ha.vi2011 Thành viên kỳ cựu

    Tham gia:
    29/8/2012
    Bài viết:
    7,469
    Đã được thích:
    1,800
    Điểm thành tích:
    863
    Ðề: Phải làm gì với con?!

    nuôi dạy con khôn lớn thành ng mà cha mẹ mong muốn chẳng dễ chút nào.xã hội thì toàn cạm bẫy
     

Chia sẻ trang này