Thông thường, nhiều khi chúng ta không để ý tới cách nói của chúng ta với con trẻ. Có một số tình huống em không biết phải nói như thế nào để thay vì làm con mất tự tin thì chúng ta sẽ khiến con tự tin hơn, vì vậy xin chỉ giáo của các mẹ đã có kinh nghiệm. Thay vì nói "Không được quát mẹ như thế!" thì phải nói như thế nào? Thay vì "Đừng vừa ăn vừa nói như thế!" thì phải nói như thế nào? Và mẹ nào khiến con làm việc mà chỉ bằng cách thay đổi cách nói thôi thì chia sẻ với bà con với :lol:
Câu hỏi này trùng hợp với điều mình cũng đang nghĩ trong đầu sau mấy hôm nay phát hiện con mình "yêu cầu" mẹ đừng sờ vào vết trầy xước. Mình không thích con cho tay vào mũi vào mồm. Không muốn con sờ vào những vết thương bị ngã bị trầy và cũng không thích con la hét khi nhờ mẹ điều gì. Mọi khi con mình cho tay vô móc mũi thì mình hay nói " con bỏ tay ra nhe", hoặc khi bé gãi khi vết thương sắp lành thì mình hay xin con " đừng gãi, đừng gãi" bằng con mắt "năn nỉ" và giọng nói "cầu khẩn" lắm. Vì nếu la hét nó thì nó y chang sẽ làm điều ngược lại. Hôm trước mình sờ vào vết trầy ở chân thì tình cờ con bé nó thấy. Nó đến bên mình và nói thật giô'ng như khi mình nói với nó từ ánh mắt đến giọng nói và cử chỉ. - "Đừng gãi, đừng gãi" nó kéo tay mình ra và nói tiếp "sức thuốc nhe". Hôm nay nó cũng "chỉnh" bố nó như vậy "bỏ tay ra nhe" khi bố nó vừa cho tay vô miệng định cắn miếc da xước ở ngón tay. Qua những điều này mình rút ra được 1 điều. Muốn con không la hét hoặc làm những điều không nên làm thì trước tiên bố mẹ phải làm gương là đừng la hét khi con làm trái ý mình và phải kiên nhẫn để ý những điều không hay mà sửa cho bé tức thì. Sự kiên nhẫn sẽ được kết quả tốt. Đó là kinh nghiệm của mình với con.
Hiền ơi, đây cũng là vấn đề mà chị hay gặp phải đấy. Và báo cho Hiền biết những chuyện như vậy mới chỉ là bắt đầu thôi Hiền ạ, càng nuôi con sẽ càng thấy lòi ra nhiều chuyện khó . Kinh nghiệm tấm gương và sự kiên nhẫn của bố mẹ như Con Bé nói là việc làm số 1. Việc làm số hai số ba chị thấy nên làm là : - Tránh nói theo kiểu ra lệnh: Ví dụ thay vì nói "Không được quát mẹ như thế!" thì có thể thay bằng "mẹ hơi buồn khi con quát mẹ như thế, con có thể nói với mẹ bình tĩnh hơn được không ? " hoặc "khi mẹ lỡ quát con thì con thấy thế nào ?", hoăc "nếu con quát mẹ thì mẹ sẽ không nghe đâu, mẹ chỉ muốn nghe những lời nói nhẹ thôi " hoặc "mẹ biết con đang cáu nên con mới quát mẹ như thế, nhưng dù sao mẹ cũng muốn nghe lời nói nhẹ "... Hoặc nếu bé căng thẳng quá thì bỏ ra chỗ khác và không nói gì hết (Luti nhà chị mà thấy mẹ im lặng không nói gì là hiểu ngay, có lúc nó tự tìm ra cách sửa chữa để mẹ đỡ giận, có lúc nó hỏi :"mẹ không đồng ý với con à ?). Đồng thời khi có cơ hội thì nên dạy cho bé biết cách diễn đạt thế nào để đạt được kết quả nhất. - Hoặc với câu "Đừng vừa ăn vừa nói như thế" chị nghĩ có thể đổi thành "con có thể nuốt hết rồi nói được không, con nói thế mẹ chả nghe được gì cả", hoặc "con có biết là vừa ăn vừa nói dễ gây sặc không?" hoặc"mẹ thấy vừa ăn vừa nói là không lịch sự". Hoặc thỉnh thoảng chị hay trêu Luti bằng cách nếu nó vừa ăn vừa nói, chị cũng giả vờ nhai và nói , cu cậu cười và tự hiểu là mẹ trêu mình vì sao . Và chị với AX không bao giờ trả lời khi bé vừa ăn vừa nói cả, cứ lờ đi như là không nghe được thật ấy. Nếu cần thì Hiền lấy cái sơ đồ hoặc vẽ cái hình thực quản thông với khí quản ấy để chỉ cho bé biết nếu vừa ăn vừa nói mà thức ăn rơi vào khí quản thì nguy hiểm thế nào. Thêm nữa, chắc Hiền cũng biết , với bon trẻ con thì phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần thì nó mới học được một chuyện. Không biết cu Hột thế nào chứ, Luti nhà chị mà đang mải làm việc gì là hay quên lắm, lúc bé còn nhỏ chị thấy nhắc lại cũng không thừa và cũng chưa sợ nó tự ái. Còn để làm việc thì cũng hơi khó, bọn trẻ con lúc nào mà chẳng ham chơi. Kinh nghiệm của chị thì nên lựa lúc bé vui vẻ rồi hỏi bé "bây giờ mẹ rất muốn con tham gia làm vài việc nhỏ trong nhà, nếu cho con chọn thì con sẽ nhận làm việc gì ?". Ban đầu chỉ cần một việc, nếu bé chưa nghĩ ra ngay cũng không nên ép buộc, có thể nói với bé "con cứ nghĩ đi nhé, khi nào nghĩ ra việc thì nói cho mẹ biết". (Luti nhà chị cái hồi mới phân việc làm lúc ba tuổi, nó nhận ngay "con không muốn làm việc nhà, con đi làm như ba mẹ", nói một cách nghiêm túc ấy :lol: ). Sau khi suy nghĩ vài hôm thì nó nhận lau nhà, hỏi vì sao "cậu bảo vì lau nhà thì tha hồ chơi nước ). Giao việc gì thì là do mình bàn với bé, nhưng chị nghĩ cũng không nên giao cho cháu những việc làm quá sức vì nó dễ chán. Thêm vào đó, chị thì hay dùng cách nói theo kiểu đề nghị chứ không phải là sai bảo. Ví dụ như muốn bé đi xếp bàn ăn thì nói "đến giờ ăn rồi, con có thể ra xếp bàn ăn được không ?". Hoặc "mẹ nghĩ là nếu con tự dọn đồ chơi thì tốt hơn", hoặc "mẹ đang bận, con có thể dọn nhà được không ?". hoặc "nếu con dọn nhà bây giờ thì sau khi ăn cơm mình sẽ có thời gian để đọc sách cùng nhau"...Cũng có lúc chị không thành công vì nó trả lời rằng : "nếu mà không là bắt buộc thì hôm nay con không muốn làm", vậy lại phải xem lý do là gì, nếu có lý do thật sự thì chị cũng thôi không bắt buộc, nhưng nếu chỉ là lười thì phải tìm cách khác... Tóm lại là trao đổi với con nếu dùng theo hướng mở thì chị thấy dễ thành công hơn hướng đóng, tất nhiên khi cần thiết cũng phải dùng câu "mẹ đã nói không là không" nhưng mà hạn chế thôi thì mới hiệu nghiệm. Chúc Hiền thành công
Với bé lớn lớn một chút thì mình có thể dạy bé như cách của mẹ Luti nhưng với bé khoảng 18-24 tháng mà nói nhiều chữ quá thì bé có hiểu mẹ đang nói gì không nhỉ? Với bé nhỏ tuổi mà mình nói quá nhiều thì bé sẽ bị confused, cuối cùng mẹ cứ nói và con cứ làm những gì con đang làm. Với các bé nhỏ tuổi, bố mẹ nên nói những từ dễ hiểu và ngắn gọn thôi. Không có gì tốt hơn là kiên nhẫn với bé ở độ tuổi dưới 24 tháng. Khi bé lớn hơn, theo độ tuổi mà nói hoặc giải thích với bé bằng lời nói nhiều hay ít. Đôi khi cũng cần làm ngơ với bé cho tới khi bé thay đổi thái độ, hành động thì bố mẹ mới phản ứng. Điều này cũng rất hiệu quả khi muốn thay đổi hoặc dạy bé điều gì (learning the hard way).
Cảm ơn chị Luti và chị Conbé đã chia sẻ kinh nghiệm. Quả thật, bây giờ bé nhà em 3 tuổi rưỡi là bắt đầu muốn làm ngược lại những gì mà mẹ nói. Nhiều khi stress ghê đi nên em cũng thấy yêu cầu con theo hướng mở mà chị Luti nói nhiều khi rất hiệu quả. Khi nào em gặp tình huống không biết cách giải quyết thì lại xin chị Luti chỉ giáo. Còn đúng là đối với bé nhà chị Conbe, thì chắc là nói nhiều thì bé càng "choáng" và bé sẽ không hiểu :lol: Nói tóm lại là em rất trăn trở chuyện đối thoại với con!
Tất nhiên là với các bé nhỏ thì mình phải nói những câu thật đơn giản, càng ngắn và dễ hiểu thì càng tốt. Dưới 24 tháng thì bé cũng đâu có ý thức được việc mình làm là đúng hay sai, bé cũng đâu có hiểu được khái niệm thế nào là "quát", "mắng" ... Nhiều lúc cao hứng quá thì bé hét lên, gào lên rõ to để gây sự chú ý vậy thôi. Mắng bé lúc này không ngăn được hành động của bé, trái lại có thể còn làm cho bé "bức xúc" hơn và kêu gào nhiều hơn. Với bé 21 tháng nhà em thì thế này: - Lúc nào con hét to quá thì mẹ buộc phải xuống giọng: "Con hét to, mẹ mệt quá (giả vờ nhăn nhó, mệt mỏi), nói nhỏ thôi (làm bộ thì thào)" (Bé nhìn điệu bộ của mẹ "ngộ" quá thế là bắt chước và ... quên mất việc mình đang hét). - Lúc nào con đòi hỏi nhiều quá (tuổi này bé nào cũng thế, thích cái gì phải đòi bằng được, không cho thì khóc ầm lên): Tất nhiên là không phải con đòi gì mẹ cũng cho, nhưng nhiều lúc không cho thì không xong với nó. Thế là mẹ phải tìm mọi cách "đánh trống lảng", để lôi kéo sự chú ý của nó sang việc khác. "Con nhìn kìa, trên trần nhà có con kiến to quá" (thế là chăm chú nhìn và chẳng mấy chốc ... quên đi vật mình đang đòi). Có thể mỗi bé mỗi khác, bé nhà em lại là con gái nên dễ "trị" hơn, và các bé dưới 24 tháng thường ít trò "tinh quái" hơn. Ở mỗi độ tuổi của bé mình phải áp dụng những cách cư xử khác nhau.
ConBe nói đúng rồi, nói nhiều quá cùng một lúc thì trẻ con sẽ dễ không hiểu và dễ bị lẫn lộn. Vì vậy theo mình thì chỉ nên nói từng việc vào từng lúc thôi, và tất nhiên là cần tìm lời dễ hiểu, đơn giản nữa. Về chuyện tuổi tác thì mình thấy nhiều người làm việc với trẻ con ở bên này họ đều nói rằng nên trao đổi với trẻ con từ lúc còn rất nhỏ. Trẻ nhỏ có thể chưa hiểu đựoc ý nghĩ của lời nói nhưng trẻ học cách cảm nhận qua thái độ và âm điệu khi nói. Cùng lúc đó cũng là cách để thiết lập được sự trao đổi giữa cha mẹ với trẻ ngay từ rất sớm. Khi đi thực tập ở bệnh viện bên này, mình thấy dù đứa trẻ chưa biết nói, bác sĩ cũng mang đủ các loại tranh ảnh ra, chỉ trỏ rồi giải thích cho trẻ con, vì vậy bọn trẻ con có vẻ rất thảnh thơi khi đến bệnh viện, ít thấy đứa bé nào quấy khóc giẫy dụa. Nhà mình cũng giữ thái độ trao đổi với con từ rất sớm, vì vậy bé nhà mình 10 tháng thì bắt đầu nói được thành câu đơn giản, và bắt đầu biết yêu cầu nên bé không phải khóc khi muốn gì đó. Hiền ơi, mình cũng rất trăn trở trong việc đối thoại với con, nhiều lúc cũng phải chấp nhận thất bại, nhưng mỗi lần thất bại lại học được cách đối thoại mới. :lol: AQ :lol: :lol: :lol:
Lúc nhỏ thì như vậy còn lớn lên ở lứa tuổi cấp hai còn đau đầu nhiều hơn đó chứ,con chị mà hể la nó làm như không nghe hoặc kêu mẹ nói nhiều ,nói trả treo làm mình điên cả người không kiềm chế được là đánh cho một trận,nhưng hết nóng rồi lại tự dặn lần sau không nên đánh chỉ dạy thôi nhưng thật khó quá,mẹ Luti có kinh nghiệm dạy con thật chị đọc mà thấy hay quá hồi xưa chị cũng toàn "không được bỏ tay vô miệng" hoặc"con mà bỏ tay vô miệng lần nữa là mẹ đánh tay đó",có chiêu nào dạy thằng con cứng đầu của chị không chỉ cho chị vài chiêu đi.
Nhiều khi lỡ nói, lỡ giận con rồi thì đúng là lại tìm ra cách. Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi con thay đổi thái độ hoặc hành vi thì cũng là lúc em cần phải xem lại chính mình. Chị Hằng ơi, dạo này cu con nhà em đi ngủ rất muộn. Chị có chiêu nào khiến bé đi ngủ sớm hơn không hả chị?
Mình nghĩ cư xử với trẻ chính là dạy trẻ. Bạn không thể mong trẻ nghe lời nếu bạn chỉ làm một cách vội vã được. Bạn không thể nói theo kiểu quát nạt. Tất nhiên, nếu đòn nhiều, quát nhiều thì trẻ nào cũng sợ hết nhưng hãy nhìn kết quả là cả cuộc đời của con thay vì chỉ nhìn thấy mấy điều nhỏ nhặt trước mắt. Mình thì thỉnh thoảng chọn nơi yên tĩnh và tự hỏi những câu như sau: - Mình muốn cuộc đời con sẽ như thế nào? - Mình muốn được con sẽ nghĩ thế nào về mình trong những thành công của nó? - Có phải cuộc sống của mình đang bị mất cân đối? - Điều mình muốn con nghe theo có thực sự mang lại ích lợi gì cho cuộc sống của nó? Liệu có bỏ qua được không? Liệu nó có tự học hỏi được không? - Mình có bị stress vì sự cẩu thả và bừa bãi của chính mình? Và đừng quên là tự hỏi câu này: - Tại sao con phải nghe mình? Liệu mình có thể chấp nhận kiểu của nó được không? Và kết quả là mình cũng đỡ phải lo lắng về những chuyện nhỏ nhặt khác vì xét ra thì nó cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nhiều khi sự lo lắng bực bội còn có những nguyên nhân khác.
Không xong rồi vì mình được nghe mẹ chồng nói lại: vài ngày là đâu lại vào đấy ngay ấy mà :shock: :shock: :shock: . Đó là lời của con gái 12 tuổi của mình khi mẹ có phản ứng "dỗi". Phải làm sao đây? Chúng bắt bài cả rồi :?:
Chị Nguyệt ơi, Hôm nay em mới có tý thì giờ lật lại cái mục này. Em thấy chị đọc và post bao nhiêu bài hay lên cho mọi người xem, chắc chị nhiều kinh nghiệm hơn em nhiều. Em thì chỉ có thể chia sẻ được với chị ít kinh nghiệm học được từ các em em, từ công việc và từ bạn bè mà thôi. Em nghĩ tuy rằng mỗi lứa tuổi là khác nhau, nhưng nguyên tắc chung vẫn là : - Lắng nghe tích cực, trò chuyện theo kiểu mở và thấu hiểu: để trẻ được bày tỏ những suy nghĩ của trẻ một cách bình tĩnh, tránh phản ứng vội vàng, tránh phê phán, tránh mắng mỏ, xúc phạm, tránh đối đầu. Mục đích chính ở đây là để trẻ chọn mình làm ngừoi chia sẻ. - Bọn trẻ ở tuổi này rất thích tự do, vì vậy đặc biệt dị ứng với những sự cấm đoán. Kinh nghiệm của em cho thấy rằng càng cấm càng gây không khí căng thẳng. Vì vậy để tránh phải cấm đoán, em nghĩ anh chị có thể cùng các cháu bàn bạc thíêt lập ra một bản quy ước về lối sống trong gia đình, một bản phân công trách nhiệm…đơn giản, ngắn gọn nhưng đầy đủ. Và khi đã cùng nhau đề ra thì phải cùng nhau thực hiện, ai sai thì sẽ phải làm gì đó…Em thấy nhà chị bạn em có hai cô con gái và một cậu con trai, khi bọn trẻ con bắt đầu lớn thì cả nhà cùng làm bản quy ước này, viết vào một tờ giấy và treo lên tường bếp, ai không thực hiện đúng bị phạt lau nhà hoặc rửa xe máy. Chị bạn em bảo ban đầu tưởng bọn trẻ con sẽ không thực hiện đúng, nhưng hóa ra cuối cùng bố các cháu mới là người hay vi phạm nội quy, được cái là ông bố cũng tự giác, sai là xin lỗi và chịu hình phạt. Bọn trẻ nhà chị bạn em rât ngoan, em cũng học được chị ấy nhiều trong cách ứng xử với con cái đấy. - Chọn kênh nói chuyện phù hợp, cái này thì tùy vào việc con chị thích gì thì nên giành thì giờ để trò chuyện và tìm hiểu cùng con về chuyện đấy. Ví dụ như mấy thằng em em hồi trước thích bóng đá vô cùng, vậy là để có thể nói chuyện được với chúng nó em cũng tìm hiểu thêm một ít, có lúc chính bọn nó lại quay lại giảng giải cho em về luật bóng đá, chính vì vậy mà chị em nhiều lúc nói chuyện với nhau rất vui vẻ. - Tránh nói nhiều , tránh thở than, tránh kể tội con trước mặt người khác, đặc biệt là tránh thuyết giảng đạo đức dài dòng. Em nhớ mãi hồi trước em trai em mới lớn (em có hẳn 4 cậu em trai), mỗi lần chị em nói chuyện với nhau nghiêm chỉnh một chút là nó rào trước ngay « chị đừng có lên giọng dạy đạo đức cho em nhé, em nghe nhiều lắm rồi ». - Và bao giờ cũng phải giữ thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết chị ạ. - Em thấy bọn trẻ ở tuổi này tuy bề ngoài có vẻ cứng đầu cứng cổ, nhưng bên trong cũng mềm yếu và nhạy cảm lắm. Vì vậy nhiều lúc cứ gần gũi và nói một cách tình cảm với bọn trẻ thì lại được việc hơn nhiều . Ví dụ thay vì mắng con khi nó đi đâu về muộn thì chỉ cần nói « con làm mẹ rất lo, mẹ mong lần sau con đừng lặp lại chuyện này nhé, dù sao thì thấy con về là mẹ cũng đã yên tâm rồi »… Bản thân chị có kinh nghiệm gì thì chia sẻ cho bọn em học thêm nhé, con em chỉ hai ba năm nữa là cũng để cái tuổi đó rồi nên em cũng bắt đầu chuẩn bị đây :lol: .
Hi hi chờ mãi mới thấy em trả lời,chị thì chỉ biết đọc bài nào hay thì post cho các mẹ cùng xem , chứ cái khoảng kinh nghiệm chị thua xa em và conbe,sao mà có nhiều chiêu dạy con hay quá ,chị lại bị cái tính nóng như lửa sửa hoài không được,lúc bình thường thì cũng dạy bảo nhỏ nhẹ ,nhưng lắm lúc nó sai mười mươi mà cũng lý lẻ , cái mặt thì bướng không chịu nổi nhìn là chị điên lên quật cho mấy cây rồi tới đâu thì tới.Ba của nó tính đầm lắm mà có nhiều khi cũng không nhịn được với cái tính của nó ,đúng cũng cải sai cũng cải lúc nào cũng nói lại mà lại hay lầm bầm trong miệng có khi chị vả vào miệng luôn,mà đàn ông mà nóng lên thì em biết đó,đánh một cây bầm cả tuần không hết.Bây giờ ba nó đi làm xa một mình chị nên nhiều khi nó không nghe lời ,chị dạy không nghe cải lại đánh con xong rồi ngồi khóc một mình,thằng nhỏ thì ít bị đòn hơn là do biết nịnh lúc có lỗi nên ít bị đòn hơn thằng lớn nhưng cũng lì lắm ,chị sẽ áp dụng mấy chiêu của em thử.Cám ơn em nha, đã gặp conbe chưa?hình như là qua rồi,cách đây mấy bữa chị có nói chuyện bên yahoo messenger.
Thực ra mình chỉ hay nổi nóng chứ ít khi đánh con. Cu cậu nhỏ thì hay bị Mẹ vác roi dọa nạt (Gõ, vụt lung tung vào bàn ghế, đệm cho kêu chan chát lên) chứ còn cô chị thì 5 năm nay không còn bị Mẹ đánh đòn nữa. Mình sợ con gái mang những trận đòn vào trong ký ức giống như mình mang 1 trận đòn bố đánh bằng dép ngày còn nhỏ, lúc khoảng 6, 7 tuổi. Tuy nhiên võ mồm thì ôi thôi, kinh khủng, kinh khủng lắm lắm :evil: :evil: :evil: . Mỗi lần xung trận xong thì mệt rã rời. Mình cũng biết là làm như vậy thì hại mình, hại con nhưng không NHẪN được. Mấy hôm nay đang tìm cách 'hạ hỏa' bằng cách nghĩ đến các Mẹ trên DĐ mỗi khi nổi nóng đấy, thấy cũng hiệu nghiệm ra phết, hihihi.
Con mình rất thích được khen là "hay" và vỗ tay. Vì thế, mình hay dùng lời khen này để tác động lên con bé. Mỗi khi con nói không lễ phép hay la hét, chẳng hạn như bé nói "mở tivi liền đi !", mình thường không thực hiện theo yêu cầu của con bé mà hỏi lại "Mami dạy con nói thế nào thì đựoc khen hay nhỉ, nói đúng thì Mami mới mở". Có khi con bé bình tĩnh nói lại " Mami mở Tivi giùm con", sau đó mình đều nhớ khen con là "hay" và vỗ tay! Cũng có khi con bé nhất quyết không chịu sửa và cứ gào lên. Lúc đó, tuỳ tình hình mà áp dụng chính sách "cứng rắn" hay "mềm mỏng" rồi dạy sau !