Mấy ngày nay, đọc báo thấy ổi rớt giá thảm hại, người dân miền Tây đua nhau chặt bỏ mà thấy đau lòng. Người nông dân thường là những người làm việc vất vả, thành quả lệ thuộc vào thời tiết, vậy mà được mùa lại mất giá. Nguyên nhân sâu xa, có lẽ là do họ không dự đoán được lượng cung sẽ vượt cầu nên đua nhau trồng. Điều này dẫn đến thất bại thật cay đắng. Ngoài ổi, còn có cao su cũng chịu số phận tương tự. Thị trường cao su trên thế giới đang chịu một đợt giảm giá do nhu cầu sụt giảm khi diện tích trồng cao su đang tăng nhanh trên khắp thế giới. Vậy là, cao su bị chặt làm củi, ai đó trót đầu tư vào cao su sẽ lỗ nặng. Chẳng phải trong lĩnh vực nông nghiệp mới có nhiều rủi ro. Ngày trước, có thể thấy các cửa hàng đồng giá 10.000 đồng nhan nhản khắp nơi. Vậy mà nay, tình trạng ế ẩm khiến bao chủ cửa hàng phải đóng cửa hàng loạt. Không nắm vững được xu hướng, quy luật vận động của thị trường, người kinh doanh sẽ thất bại một ngày nào đó mặc dù họ đã có thể có được những năm tháng huy hoàng. Để dự báo được xu hướng phát triển của thị trường thật khó! Trước khi viết bài này, tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu, sách báo về dự báo xu hướng. Nhưng hầu như không có câu trả lời xác đáng bởi đa phần các chỉ số phân tích đều là trên lý thuyết. Ai cũng biết Newton là một nhà bác học, thế nhưng ông lại không thể vận dụng được những tính toán xác suất dự báo vào đầu tư chứng khoán để rồi thua lỗ đến mức phải bán cả nhà cửa trả nợ. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là: “Tôi có thể tính toán được sự chuyển động của các vì sao, nhưng chẳng thể nào đo được sự điên rồ của con người”. Nói như vậy, để thấy rằng quan điểm của Warren Buffett là đúng khi cho rằng chỉ số IQ không liên quan đến sự thành công trong đầu tư. Để có thể dự đoán được tốt xu hướng phát triển, tôi cho rằng phải dựa vào những yếu tố sau: Thứ nhất, bạn phải có một nền tảng kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm nhất định. Không nhất thiết bạn phải là một bác học, nhưng bạn phải nắm được những lý thuyết chung về kinh tế. Thứ hai, bạn phải nắm vững các quy luật vận động của tự nhiên, xã hội. Ví dụ như giá vàng, bất động sản hay chứng khoán không bao giờ là một hằng số. Nó vận động theo chu kỳ, có tăng trưởng, có suy thoái. Nếu bạn thấy giá vàng lên, mọi người đổ xô đi mua, bạn cũng vội vàng làm theo là một hành động thiếu suy xét vì có thể bạn mua đúng lúc giá lên tới đỉnh. Hành động theo đám đông thường không đem lại kết quả tốt. Thứ ba, luôn tìm hiểu, thu thập thông tin để đưa ra phân tích chính xác nhất. Càng có nhiều thông tin, bạn càng có cơ sở để đưa ra quyết định chính xác. Tôi ví dụ như ở trường hợp giá cao su giảm chẳng hạn. Nếu bạn biết được nhu cầu tiêu thụ của thế giới biến động qua các năm như thế nào, diện tích trồng cao su hiện tại ở các nước ra sao, bạn sẽ điều chỉnh được lượng cung sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần lường trước được sự ra đời của các sản phẩm mới sẽ thay thế cao su tự nhiên trong tương lai nữa. Phân tích dự báo xu hướng là một điều vô cùng khó khăn. Để làm được tốt điều này, bạn phải là người uyên bác, giàu kinh nghiệm. Điều này có thể tự nhiên mà có được nếu không trau dồi tri thức không ngừng nghỉ? Vậy mà có người cho rằng nếu cứ học mà thành công thì ai mà chẳng học, đó quả là suy nghĩ hời hợt! Để thành công, chúng ta phải hạn chế sai sót, thất bại của mình ở mức thấp nhất, phải tư duy thật sâu sắc, phải là người nhìn xa trông rộng. Bản thân tôi cũng đang nỗ lực từng ngày để đạt được điều đó! Capro 22/05/2015
Bài rất hay và là chủ đề hấp dẫn để mọi người trao đổi đây. Theo mình thì kinh doanh không nên chạy theo đám đông mà nên tìm kiếm sự khác biệt có ý nghĩa.
Không chỉ là không chạy theo đám đông mà cần phải biết nhìn xa trông rộng nữa ạ! Ngày mới ra đời, các cửa hàng đồng giá rất có lãi, thế mà bây giờ đã trở nên ế ẩm. Tương lai không bao giờ là chắc chắn, nên người kinh doanh cần đoán trước được xu hướng để tránh rủi ro!
Trong một số trường hợp thì nếu như sp/dịch vụ thành công thì cũng dễ bị người khác học theo và sự thành công càng lớn thì càng có nhiều người học theo nên sự cạnh tranh làm cho lợi nhuận giảm đi. Thường những trường hợp xu hướng càng hấp dẫn thì càng nhanh thay đổi.
Em là dân kỹ thuật rồi làm kinh doanh,nên xin chị Thủy chỉ cho em cái lý thuyết chung về kinh tế với. Em nên đọc sách nào để hiểu mấy cái đó Em cảm ơn chị nhiều nhiều!!
Trường hợp cửa hàng đồng giá theo em là định hướng không phù hợp. Có rất nhiều ngành cạnh tranh gay gắt, nhưng không phải cửa hàng nào cũng ế ẩm. Cạnh tranh trong chừng mực nào đó còn thúc đẩy sự phát triển, còn hướng đi không phù hợp thì sẽ dẫn đến suy thoái toàn bộ!
Những sách này em có thể tìm trong giáo trình của các trường đại học, ví dụ như kinh tế chính trị, kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, quản trị tài chính doanh nghiệp.... Ngày xưa đi học thì thấy khó, bây giờ đọc lại chắc dễ hiểu hơn nhiều vì có kinh nghiệm rồi,
thị trường ko chỉ có quy luật cung cầu mà còn có yếu tố tâm lý cho nên dự báo mãi chỉ là dự báo ko bao giờ chính xác 100% như tính toán bằng công thức toán học đc
Theo em, khi định giá như vậy người bán đã tự hạn chế khả năng lấy hàng và cũng hạn chế khả năng lựa chọn của khách hàng. Những mặt hàng đồng giá thường là hàng Trung Quốc, chất lượng kém... Khách hàng khi thấy loại hình mới thì có vẻ thích thú, nhưng mua hàng lâu dần, sẽ nhận ra chất lượng chẳng ra gì, thêm vào đó, chủng loại kém phong phú làm họ sẽ quay lưng lại. Ở bên Nhật cũng có cửa hàng đồng giá 100 yên, nhưng kinh doanh rất èo uột và họ phải kinh doanh thêm những mặt hàng khác với giá khác để duy trì! Tóm lại, loại hình này chỉ mang tính chất trào lưu, không lâu dài được.
Quan điểm của em là tiền nào của nấy,em cũng mua hàng đồng giá,khi mà rộ lên 1 đợt. Nhìn chung nếu sành 1 tí thì mua dc đồ tốt,không thì mua hớ, mà khách hàng thì không thích bị hớ. Chất lượng của sản phẩm cũng kém nữa, nên ko phát triển được
Có vẻ như lúc đầu ở đâu cũng thành công và về sau thì xuống dốc? Không biết ở Nhật người ta có mở ra nhiều cửa hàng như vậy không?
bây giờ m thấy cái mới khá ít . nên chủ yếu là học theo ng khác là chính thôi, nhưng cũng 10 người thì 2-3 thành công, tóm lại là thấy ko dc bi quan. phải tự cm tin =))
Nếu chất lượng tốt thì giá sẽ cao, nhưng đồng giá như vậy cũng hạn chế lượng hàng và khả năng lựa chọn. Khách hàng họ thích so sánh, chọn lựa nữa. Theo em, mô hình này không hiệu quả về lâu dài!
bài viết hay quá muỗn kinh doanh hiệu quả trước hết phải đưa ra được kế hoạch tiêu thụ của sản phẩm và có biện pháp khắc phục những điểm yếu của sp nhưng không được hành động theo đám đông
Em cũng có suy nghĩ như chị Thủy. 1 điều nữa là tính tiện lợi,hàng không phong phú,dù có rẻ và tốt thì sẽ thu hút kém hơn Ví dụ vụ hành tím,dưa hấu, em thấy 1 số siêu thị câu khách đến,tất nhiên khách ko chỉ mua chỉ hành,dưa mà còn mua thêm nữa vì khá tiện.vậy là tổng doanh thu còn cao hơn