Thời tiết đang dần chuyển vào mùa mưa, khí hậu ẩm thấp tạo điều kiện cho các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm,… phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Đặc biệt, là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi hệ miễn dịch còn quá non nớt, vẫn chưa hoàn thiện nên chúng rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn này. Dưới đây là 1 số bệnh tiêu biểu bé dễ mắc phải trong mùa mưa. Bố mẹ cần nắm rõ để hạn chế tối đa việc mắc bệnh cho bé nhé! 1. Bệnh tay chân miệng Bệnh tay chân miệng là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan nhanh, dễ thành dịch. Khi phát dịch, bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất dịch tiết mũi miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh hay qua bàn tay của người chăm sóc. Tay chân miệng là bệnh rất dễ lây lan từ trẻ này sang trẻ khác qua bàn tay bẩn. Biện pháp phòng bệnh: Hiện nay, bệnh vẫn chưa có vacxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tập cho bé thói quen rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, ngay cả với người lớn, những người chăm sóc trẻ, trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hay từ bên ngoài vào nhà. Mẹ cũng nên thường xuyên vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ. Ăn chín uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh. Cách ly người bệnh với môi trường xung quanh ít nhất 7-10 ngày. Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn vào các thời điểm cần thiết là cách tốt nhất để phòng bệnh tay chân miệng. Cách xử lý khi trẻ phát bệnh Khi trẻ phát bệnh, bố mẹ cần chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ và theo dõi sát tình trạng bệnh để phát hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi có biến chứng bất thường. Bệnh tay chân miệng lúc đầu có thể chỉ có triệu chứng sốt nhẹ, ho khan, nổi ban,… giống như các nhiễm virut thông thường khác nhưng sau đó một số ít sẽ nguy kịch nhanh. 2. Bệnh sốt xuất huyết Mùa mưa chính là mùa sinh sản của các loại muỗi, do đó không khó để bệnh sốt xuất huyết trở thành bệnh dễ mắc phải trong mùa mưa. Số xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là dưới 10 tuổi. Sốt xuất huyết nhẹ thì gây chảy máu cam, chảy máu răng, nặng thì nôn ói ra máu, tiểu tiện ra máu, rồi xuất huyết dưới da,… Nặng nữa thì bị một biến chứng gọi là sốc: trẻ sẽ trở nên lừ đừ, không tỉnh, chân tay lạnh ngắt, mạch yếu hẳn hoặc không còn nữa. Trẻ đi vào hôn mê rồi tử vong nếu việc chữa trị để quá muộn. Ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Biện pháp phòng bệnh Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên bệnh sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc, làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhiều nhất là ở trẻ em. Cách tốt nhất là thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy; giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt. Ngoài ra, bố mẹ hết sức chú ý đến việc phòng chống muỗi đốt cho trẻ, mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày. Nếu con bạn bỗng nhiên bị sốt cao, nên cho trẻ đi bác sĩ khám bệnh ngay. 3. Bệnh đường tiêu hóa Vào mùa mưa bão cùng với môi trường nước bị nhiễm bẩn, các bệnh về tiêu hóa thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân gây ra những bệnh về tiêu hóa là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột (ăn uống thiếu vệ sinh, chưa được nấu chín, sôi…). Tiêu chảy là bệnh tiêu hóa khá phổ biến, nhiều người gặp trong những ngày mưa do vi khuẩn gây nên. Biện pháp phòng bệnh Chỉ nên cho trẻ ăn các thức ăn đã đun chín. Các thực phẩm cần được bảo quản chu đáo, tránh ôi thiu, tuyệt đối không để ruồi nhặng đậu vào. Trong nhà luôn để sẵn một vài chai nước đã đun chín, để khi trẻ khát có thể dùng ngay. Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn là cách tốt nhất để phòng chống bệnh về tiêu hóa. Giáo dục trẻ rửa tay trước khi ăn. Đây chính là những biện pháp đơn giản nhưng rất thực tế để phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa nói trên. Dĩ nhiên, vì các bệnh này đều nguy hiểm, nên cần cho trẻ đi khám bệnh ngay, nếu bệnh đã xảy ra. 4. Bệnh đường hô hấp Thời tiết ẩm thấp, mưa gió khiến mọi người rất dễ nhiễm lạnh, nhất là trẻ nhỏ. Đây là những bệnh truyền nhiễm do một số virus khác nhau gây ra và thường xảy ra nhất trên thế giới. Cảm cúm và cảm lạnh là hai bệnh về hô hấp trẻ rất dễ mắc phải. Triệu chứng là trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho, có đàm, thở khò khè, thậm chí có bé thở khó. Nguyên nhân là do các siêu vi nói trên đã đột nhập vào mũi, họng của trẻ, rồi xuống phế quản, xuống phổi. Trong nhiều trường hợp, một số vi khuẩn khác cũng nhân cơ hội đó tấn công vào bộ máy hô hấp, làm cho bệnh nặng thêm, trong đó hay gặp nhất là vi khuẩn S.Pneumoniar và H.influenzae. Biện pháp phòng bệnh – Cung cấp cho trẻ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Khuyến khích trẻ lớn năng tập thể dục. – Giữ nhà ở luôn khô ráo, thoáng mát. – Không cho trẻ chơi ở ngoài khi trời mưa, lạnh. – Con đường lây lan chủ yếu của các bệnh dịch gây ra do vi khuẩn, vi rút là qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc bằng tay nên việc rửa tay với xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước chảy giúp phòng ngừa được nhiều bệnh lây qua đường hô hấp. Cách xử lý khi trẻ phát bệnh Nếu trẻ đã bị ho, bị sổ mũi, cần cho trẻ đi khám bệnh ngay, nhất là đối với các trẻ dưới 5 tuổi, vì ở tuổi này, bệnh có thể trở nặng rất nhanh chóng. Nhiều trường hợp trẻ chỉ bị ho, sổ mũi nhẹ, nhưng do chữa trị không đúng phương pháp nên biến chứng thành suy hô hấp với cácc triệu chứng: khó thở, cánh mũi phập phồng, môi tím, người xanh tái,… đó là một biến chứng hết sức nguy kịch, và không ít trẻ đã chết vì biến chứng này. Do đó bố mẹ nên cẩn trọng. Bên cạnh việc phòng tránh một số bệnh nêu trên, bố mẹ cũng nên lưu ý tới một số căn bệnh khác cũng có thể mắc phải trong mùa mưa như: sốt phát ban, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng nước, bệnh tả,… Từ đó, để biết cách chuẩn bị “cơ chế bảo vệ” sức khỏe cho trẻ và cho cả gia đình khi mùa mưa đang bắt đầu.
Vào mùa mưa, khí hậu ẩm thấp tạo điều kiện cho các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm,… phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, mẹ cần lưu ý chăm sóc bé nhiều hơn để tránh những bệnh dễ mắc phải trên đây nhé