Phụ huynh cần thận trọng khi trẻ có biểu hiện thần đồng

Thảo luận trong 'Các vấn đề chăm sóc khác' bởi ngaoopxinh, 2/7/2011.

  1. ngaoopxinh

    ngaoopxinh Mẹ cún con

    Tham gia:
    12/5/2010
    Bài viết:
    2,471
    Đã được thích:
    747
    Điểm thành tích:
    823
    (Medinet-TPHCM ) Những năm gần đây, trên các báo xuất hiện nhiều thông tin về các trẻ “thần đồng” - những trẻ mới 2-3 tuổi nhưng đã có thể đọc sách, đọc báo vanh vách hoặc biết làm toán, thậm chí biết đọc cả tiếng Anh cùng với niềm vui sướng tự hào của cha mẹ các em. Tuy nhiên, các bác sĩ tâm lý nhi khoa cảnh báo những “khả năng bất thường” trên đây của trẻ có thể là biểu hiện của hội chứng Asperger, một loại bệnh rối loạn phát triển lan tỏa ( rối loạn tự kỷ). Theo tiến sĩ Trần Thị Thu Hà – Phó viện trưởng khoa phục hồi chức năng Bv Nhi Trung ương khoảng 10% trẻ tự kỷ là thần đồng với chỉ số IQ cao. Trẻ có những khả năng bất thường là do sự phát triển bất thường của não. Những khả năng bất thường nói trên thường chỉ biểu hiện ở một khía cạnh, còn về tổng thể, trẻ vẫn bị rối loạn phát triển. Điều đáng lưu ý là nếu trẻ không được điều trị, những khả năng này có thể mất đi trong khi trẻ không có khả năng hòa nhập với cuộc sống.

    Bài viết “Thần đồng hay rối loạn phát triển lan tỏa” của bác sĩ Đặng Ngọc Thạch – Khoa tâm lý trẻ em bệnh viện Nhi đồng 2 ( trích đăng từ website Bv NĐ2) dưới đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn thận trọng hơn với những biểu hiện thần đồng của con trẻ.

    1. Rối loạn ASPERGER là gì?

    Rối loạn ASPERGER là một rối loạn phát triển lan tỏa (rối loạn phổ tự kỷ), thuộc dạng nhẹ và có khả năng sinh hoạt cao nhất. Trẻ có những rối loạn phát triển trong các lĩnh vực: xã hội, kỹ năng giao tiếp, cảm xúc và hành vi. Rối loạn Asperger có thể xuất hiện lứa tuổi 2-3 tuổi và có thể sẽ tồn tại suốt cuộc đời của trẻ. Rối loạn Asperger được ghi nhận vào năm 1944 bởi một bác sĩ Nhi khoa người Áo tên là Hans Asperger. Từ đó, có rất nhiều tác giả đã mô tả rối loạn này, và người ta cũng đã ghi nhận, tỷ lệ mắc khá cao. Nó chiếm tỷ lệ khoảng 20-25/10 000 trẻ, thường gặp nhiều ở trẻ nam.

    Trẻ với rối loạn Asperger có nhiều hành vi giống trẻ tự kỷ, nhưng trẻ có những kỹ năng nhận thức, tương tác xã hội cũng như kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn.

    2. Một vài đặc điểm của chứng Asperger

    - Khó khăn trong việc tạo các mối quan hệ bạn bè cùng trang lứa.

    - Thích chơi với những trẻ lớn tuổi hơn.

    - Khó khăn trong việc hiểu các luật chơi khi chơi với bạn.

    - Có thể chậm nói

    - Trẻ có nhiều vốn từ nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp.

    - Trẻ thường hiểu một câu nói theo đúng một nghĩa đen.

    - Thường học thuộc lòng nhiều hơn là tìm hiểu ý nghĩa.

    - Có những câu nói nghe rất ngây thơ.

    - Đôi khi trẻ thích nói một mình

    - Thường hay lặp lại một câu hỏi hay một lời nói nào đó…

    - Khó khăn trong việc sử dụng cử chỉ để diễn đạt (nét mặt, điệu bộ, dáng điệu…)

    - Có những thói quen và trẻ luôn luôn tuân thủ

    - Bắt buộc các thành viên trong gia đình phải theo một quy luật nào đó.

    - Rất nhạy cảm khi bị người khác phê bình.

    - Có những sở thích rất đặc biệt và thường tập trung say mê vào các sở thích đó.

    - Chỉ biết đến sở thích của chính mình, ít quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh.

    - Khả năng chú ý rất cao lĩnh vực nào đó như: toán học, đọc sách, nghiên cứu về xe hơi, máy vi tính, đồ điện tử…

    - Có những cử chỉ rất vụng về và đôi khi trẻ tỏ ra rất bối rối khi có một sự thay đổi nào đó.

    - Giao tiếp bằng mắt kém: tránh nhìn vào mắt của người khác, thường trẻ chỉ liếc nhìn sau đó nhìn về hướng khác, đôi lúc trẻ có cái nhìn chằm chằm.

    - Rối loạn cảm nhận của giác quan: trẻ có thể thích thú khi nhìn thấy một hình ảnh, nghe một âm thanh (hoặc rất sợ hãi và phản ứng rất dữ dội với những hình ảnh hoặc âm thanh nào đó). Trẻ có thể thích thú đặc biệt đến một món ăn nào đó hoặc từ chối không ăn.

    - Thường xuất hiện ở trẻ nam, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở trẻ gái. Khi đó, những trẻ gái này có khả năng rất cao trong việc học tập và sao chép các kỹ năng xã hội.

    3. Nguyên nhân

    Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây nên chứng Asperger. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu thấy rằng, có sự tác động giữa các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Có những giả thuyết cho rằng có thể có sự thay đổi nào đó trong quá trình phát triển não bộ của trẻ. Không tìm thấy bằng chứng có liên quan đến các phương pháp giáo dục nuôi dạy trẻ.

    4. Chẩn đoán

    Chứng Asperger thay đổi rất rộng, các cá thể khác nhau thì có những biểu hiện khác nhau, nên việc chẩn đoán đôi khi gặp nhiều khó khăn. Trẻ Asperger thường được chẩn đoán muộn do biểu hiện triệu chứng không rõ ràng ngay từ nhỏ. Đôi khi khó phân biệt với trẻ phát triển bình thường có vài đặc điểm rối loạn. Phụ huynh của trẻ rối loạn Asperger thường rất tự hào về khả năng đặc biệt của con mình, ít chú ý đến những khiếm khuyết mà trẻ đang mắc phải. Hội chứng này thường được chẩn đoán sau khi trẻ khá lớn và bắt đầu có những khó khăn trong giao tiếp.

    Chẩn đoán bệnh thường dựa vào các biểu hiện của trẻ ở nhà, nhà trường và nơi khám bệnh. Trẻ phải được sự thăm khám, quan sát và làm các test chẩn đoán của các nhà chuyên môn. Đặc biệt là phải có thời gian dài theo dõi để có thể đưa ra một chẩn đoán chính xác. Chính vì vậy, khi chúng ta nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường không giống với những đứa trẻ cùng trang lứa thì cha mẹ nên cho trẻ đến khám tâm lý sớm hơn để trẻ có thể được can thiệp sớm hơn. Điểu này có thể giúp ít nhiều cho chính bản thân trẻ. Giúp trẻ phát huy tốt những khả năng đặc biệt của mình và hạn chế tối đa những khiếm khuyết.

    5. Khả năng của trẻ Asperger.

    Những đứa trẻ Asperger có những sở thích rất tiêu biểu và độc đáo, không giống với những trẻ tự kỷ điển hình là thích một đồ vật hay một bộ phận của đồ vật (thích bánh xe quay, thích những vật có khả năng xoay tròn, thích xem quảng cáo…). Những trẻ em rối loạn Asperger thường có những sở thích rất đặc biệt về mặt tri thức. Ngay từ trước khi đi học, trẻ có những sở thích rất đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó như: toán học, khoa học, vật lý, khả năng đọc sách, khả năng học thuộc lòng bài thơ, một câu chuyện, nghiên cứu về lịch sử, địa lý, phương tiện giao thông, các loại máy móc, đồ điện tử hay khả năng về tin học, khả năng của trẻ rất vượt trội so với những trẻ cùng lứa tuổi khác. Trẻ Asperger có trí nhớ rất phi thường, khả năng tự tìm tòi học hỏi nghiên cứu những lĩnh vực mà trẻ thích thú. Nhiều trẻ sẽ thay đổi sở thích khi lớn lên, nhưng cũng có những trẻ vẫn giữ nguyên một sở thích nào đó cho đến khi tuổi trưởng thành. Nếu trẻ sống trong môi trường được nâng đỡ hoàn toàn và có những biện pháp can thiệp giáo dục phù hợp thì trẻ sẽ học hành rất tốt và hoàn toàn có khả năng trở thành những chuyên gia hàng đầu về những lĩnh vực mà trẻ đặc biệt yêu thích.

    6. Điều trị

    Theo các bác sĩ tâm lý nhi khoa, nếu “trẻ thần đồng” được khám ngay từ hồi nhỏ, bác sĩ sẽ phát hiện được những bất thường để điều trị kịp thời.

    Hiện nay vẫn chưa có một phương pháp điều trị hữu hiệu nào. Trẻ Asperger sẽ trưởng thành là người lớn với chứng Asperger. Tuy nhiên việc xác định bệnh là rất cần thiết để có thể có các phương pháp can thiệp tâm lý cũng như các phương pháp giáo dục phù hợp với sự phát triển. Làm sao cho trẻ thích nghi với môi trường sinh hoạt cộng đồng, học tập tốt hơn, cũng như giúp trẻ phát huy được năng lực những của bản thân.

    Có rất nhiều phương cách để tiếp cận, trị liệu và can thiệp. Chúng có thể giúp cải thiện tốt hơn chất lượng sống cho cá nhân trẻ.
    Theo các bác sĩ tâm lý nhi khoa, nếu “trẻ thần đồng” được khám ngay từ hồi nhỏ, bác sĩ sẽ phát hiện được những bất thường để điều trị kịp thời.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi ngaoopxinh
    Đang tải...


  2. ngaoopxinh

    ngaoopxinh Mẹ cún con

    Tham gia:
    12/5/2010
    Bài viết:
    2,471
    Đã được thích:
    747
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Phụ huynh cần thận trọng khi trẻ có biểu hiện thần đồng

    Các mẹ muốn tìm hiểu thêm thì đọc thêm thông tin này nhé:
    1. Hội chứng Asperger là gì?

    Asperger là một hội chứng sinh học thần kinh, rối loạn về sự phát triển, được tìm ra năm 1944, gọi theo tên của người đầu tiên nghiên cứu Hans Asperger, bác sỹ nhi khoa người Áo.

    Hội chứng Asperger là một hình thức của chứng tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, quan hệ với người khác. Những đặc điểm, đặc trưng của hội chứng Asperger cũng tương tự như những đặc điểm của hội chứng tự kỷ:

    Khó khăn trong giao tiếp

    Khó khăn thiết lập, duy trì các mối quan hệ xã hội

    Thiếu khả năng suy nghĩ – tưởng tượng và những hoạt động chơi sáng tạo

    Tuy nhiên, những người mắc chứng Asperger thường có ít khó khăn hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ, so với những người mắc hội chứng tự kỷ. Họ có thể nói một cách trôi chảy, tuy nhiên, cách sử dụng ngôn ngữ của họ mang tính hình thức, khoa trương. Họ cũng gặp khó khăn đối với việc học, một đặc điểm thường đi đôi với trẻ tự kỷ. Trên thực tế, họ có trí thông minh ỏ mức trung bình, hoặc trên mức trung bình.

    Chính vì thế, nhiều trẻ mắc hội chứng Asperger vẫn tham gia học tại các trường chính thống. Với sự động viên, khuyến khích, và sự trợ giúp phù hợp, họ cũng có thể đạt được những tiến bộ khả quan, và có thể tiếp tục học lên những cấp học cao hơn, cũng như có những cơ hội việc làm thích hợp.

    Hội chứng Asperger là một rối loạn phát triển lan tỏa (rối loạn phổ tự kỷ), thuộc dạng nhẹ và có khả năng sinh hoạt cao nhất. Hội chứng Asperger có thể xuất hiện lứa tuổi 2-3 tuổi và có thể sẽ tồn tại suốt đời.



    2. Đặc điểm của hội chứng Asperger

    Hội chứng Asperger có nhiều đặc điểm giống với chứng tự kỷ. Tuy nhiên, vẫn có một số các đặc trưng, ví dụ như sự vùng về là điển hình chỉ có ở hội chứng này.

    Khó khăn trong các mối quan hệ xã hội:

    Với trẻ mắc tính tự kỷ “điển hình”, họ thu mình lại, tách mình ra và không tìm thấy sự thích thú ở thế giới xung quanh còn trẻ mắc hội chứng Asperger vẫn rất cố gắng hòa mình vào thế giới xung quanh. Trẻ thích những mối quan hệ tương tác với những cá nhân khác. Tuy nhiên, trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu những tín hiệu phi ngôn ngữ (cử chỉ), bao gồm cả những biểu hiện nét mặt.

    Khó khăn trong giao tiếp:

    Những trẻ mắc hội chứng Asperger có thể nói trôi chảy, nhưng lại không thể nắm bắt được phản ứng của người nghe. Họ có thể nói liên tục, mà không tâm tâm xem người nghe có thích thú hay không. Thậm chí, họ không cảm nhận được cảm xúc của người đối diện.

    Và mặc dù kỹ năng ngôn ngữ tốt nhưng ngôn ngữ họ dùng vẫn mang vẻ câu nệ, quá câu chữ và thật nghĩa. Hojcunxg hiểu ngôn ngữ của người khác một cách quá cứng nhắc theo từng ý nghĩa câu chữ. Những câu nói đùa, phóng đại, cường điệu, mang ý nghĩa ẩn dụ sẽ gây khó khăn cho họ.

    Thiếu khả năng tưởng tượng:

    Những trẻ mắc chứng Asperger thường giỏi trong việc học những con số, sự kiện, những họ lại gặp khó khăn trong suy diễn, tư duy trừu tượng. Điều này có thể gây khó khăn trong việc học ở trường của trẻ, nơi chúng học những ôn như văn hay triết học..

    -Những yêu thích đặc biệt:

    Trẻ mắc hội chứng Asperger thường phát triển một sự thích thú, đam mê ám ảnh đối với một sở thích hay thú sưu tập nào đó. Đam mê của trẻ liên quan nhiều đến việc sắp xếp hay ghi nhớ các sự kiện, sự việc, chi tiết về một đối tượng đặc biệt nào đó, như giờ tàu chạy, hay những kích thích thước đo của một cái ô tô…

    Tuy nhiên, với sự khuyến khích, động viên có thể hướng thích thú đam mê của trẻ để phát triển vào việc học tập hay làm việc theo những môn học mà trẻ yêu thích.

    -Gắn chặt với những thói quen/ lối mòn

    Với trẻ mắc hội chứng Asperger, những sự thay đổi không được mong đợi trước có thể rất khó chịu với chúng và làm trẻ bối rối. Trẻ có thể áp đặt thói quen, thông lệ của mình, như khăng khăng đi cùng một con đường để tới trường.

    Ở trường học, trẻ có thể bực tức, khó chịu bởi những thay đổi đột ngột, như sự thay đổi thời khóa biểu. Trẻ mắc chứng Asperger thường thích sắp xếp một ngày của chúng theo một thứ tự đã định sẵn, theo một thời gian định trước. Do vậy, một sự chậm trễ không mong đợi, như tắc đường, có thể làm trẻ bực tức.

    -Sự vụng về:

    Sự vụng về có thể nói là một đặc trưng điển hình của hội chứng Asperger. Trẻ có thể có những khó khăn khi thực hiện những kỹ năng đòi hỏi có sự phối hợp nhiều động tác cơ thể, ví dụ như đạp xe đạp. Giống như những trẻ mắc chứng tự kỷ, trẻ có thể có những tư thế có vẻ kỳ quặc, những thao tác lặp lại có vẻ kỳ cục như xoay, hay lúc lắc đung đưa người khi đi xe.



    Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-IV, thì hội chứng Asperger bao gồm các triệu chứng sau đây:

    Sự suy thoái trong phẩm chất việc giao tiếp xã hội bao gồm một số hay tất cả những điều sau :

    -Suy giảm khả năng dùng cử chỉ để điều hoà việc giao tiếp

    -Không thể làm bạn với trẻ cùng lứa tuổi,

    -Không thích chia sẻ một cách tự phát những kinh nghiệm với những trẻ em khác

    -Thiếu sự tương tác qua lại về mặt xã hội và tình cảm.

    Có những hành vi, sở thích hay hoạt động hạn hẹp, lặp đi lặp lại và rập khuôn bao gồm:

    -Bận tâm với một hay nhiều sở thích hạn hẹp, rập khuôn, nhất mực theo một thông lệ hay nghi thức nhất định.

    -Những thói quen cầu kỳ, kiểu cách rập khuôn và lập đi lập lại hay bận tâm với những phần nhỏ của các đồ vật.

    Trên đây là những đặc điểm chủ yếu của hội chứng Asperger. Tuy nhiên mỗi người là một cá nhân riêng biệt, những đặc trưng chung này có thể được thể hiện khác nhau ở mỗi trẻ, và với mỗi trẻ sự thể hiện ra bên ngoài những đặc điểm này ở các mức độ khác nhau.



    3.Tỷ lệ người mắc Asperger:

    Cho đến nay, nhiều nghiên cứu cho thấy chứng Asperger phổ biến hơn là bệnh tự kỷ dạng 'cổ điển'. Thông thường cứ 10,000 trẻ em thì có 4 em bị bệnh tự kỷ, nhưng có thể có tới 20-25 em bị hội chứng Asperger. Ðiều đó có nghĩa là trong một trường học, nếu có một trẻ bị bệnh tự kỷ thì có thể có nhiều trẻ em khác bị hội chứng Asperger (nhất là trong các ttường phổ thông). Thật vậy, một cuộc nghiên cứu dịch tễ học do nhóm Gillberg ở Thụy điễn kết luận rằng khoảng 0.7 % các trẻ em được nghiên cứu có những đặc tính lâm sàng của hội chứng Asperger. Tất cả những cuộc khảo cứu đều đồng ý là các trẻ em trai có thể có hội chứng Asperger nhiều hơn các trẻ em gái. Người ta không hiểu tại sao lại có sự khác biệt này. Hôi chứng Asperger thường đi kèm theo với những chứng bệnh khác như rối loạn thiếu chú ý, và rối loạn tâm trạng như bệnh trầm cảm và lo âu.



    4.Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Asperger

    Những nguyên nhân của hội chứng Asperger vẫn đang được các nhà chuyên môn nghiên cứu. Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình hành vi của hội chứng Asperger được nghiên cứu có thể không xuất phát từ một nguyên nhân. Có bằng chứng chắc chắn cho thấy hội chứng bắt nguồn từ một số những yếu tố thể chất, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của não, không phải do yếu tố tâm lý- cảm xúc, hay môi trường hoặc cách giáo dục và nuôi dưỡng trẻ.



    5. Can thiệp, trị liệu

    Hiện tại không có phương thuốc nào chữa trị cho hội chứng Asperger. Trẻ em mắc hội chứng Asperger sẽ tiếp tục phát triển thành người trưởng thành mang hội chứng Asperger. Tuy nhiên, sự giáo dục và giúp đỡ thích hợp có thể mang lại nhiều lợi ích cho trẻ.

    Nếu trẻ em hay người lớn mắc chứng Asperger được giúp đỡ và có những biện pháp can thiệp giáo dục phù hợp thì họ sẽ học hành rất tốt và hoàn toàn có khả năng trở thành những chuyên gia hàng đầu về những lĩnh vực mà họ đặc biệt yêu thích.
    Ða số các em Asperger không cần đến thuốc điều trị và thuốc men không 'chữa hết' những triệu chứng hội chứng Asperger, nhưng có nhiều khi các em cần đến một vài loại thuốc. Phụ huynh và thầy cô giáo nên chú tâm đến những rối loạn tâm trạng như buồn chán, lo âu hoặc hung tính, nhất là những em Asperger lớn tuổi. Những thuốc trị buồn chán có thể được kê cho các em, nhất là khi những rối loạn tâm trạng gây trở ngại cho sinh hoạt bình thường của các em.. Ðôi khi các em cũng cần phải uống thuốc nếu những biện pháp về hành vi không có hiệu nghiệm trong việc thay đổi những hành vi nghiêm trọng.

    Cùng với thời gian và sự kiên nhẫn của gia đình, giáo viên, các nhà chị liệu… những trẻ mắc hội chứng Asperger có thể được giáo dục để phát triển những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, như học cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, học cách ứng xử thích hợp để giúp trẻ có thể hòa nhập cộng đồng ở một mức độ có thể khi trưởng thành.
     
  3. ngaoopxinh

    ngaoopxinh Mẹ cún con

    Tham gia:
    12/5/2010
    Bài viết:
    2,471
    Đã được thích:
    747
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Phụ huynh cần thận trọng khi trẻ có biểu hiện thần đồng

    Hiện nay có nhiều bệnh đến với con em chúng ta quá, mong là các bé luôn luôn khỏe mạnh và vui vẻ.
     
  4. babyandmevn

    babyandmevn Thành viên mới

    Tham gia:
    14/6/2011
    Bài viết:
    24
    Đã được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    3
    Ðề: Phụ huynh cần thận trọng khi trẻ có biểu hiện thần đồng

    trời ơi, cháu em có một vài biểu hiện của bệnh này.
    lại thêm 1 căn bệnh ko thể chữa khỏi...:(
     

Chia sẻ trang này