Roi vọt có làm trẻ nên người?

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi webmaster, 31/12/2007.

  1. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    Có cần dùng roi vọt để dạy con? Bài viết của một người mẹ bức xúc từ cái chết thương tâm của cháu bé bị mẹ bạo hành.

    [media]http://222.255.121.179/Stream/audio/2007/thang12/30-12/Roi_vot_co_lam_nen.mp3[/media]
    Nghe đọc nội dung toàn bài:

    Tôi cứ bần thần giở ra rồi gấp lại tờ Tuổi Trẻ có tin "Cháu bé bị mẹ đánh chấn thương não đã qua đời". Trái tim như có ai bóp nghẹn. Quyết tâm không đọc nữa, xếp tờ báo lại. Rồi sáng qua, giở báo Gia Đình & Xã Hội lại đập ngay vào mắt dòng chữ: "Đông Anh, Hà Nội: Bố ném gạch vào con gái". Lần này tim tôi không còn nghẹn nữa mà tan ra như nước đá...

    Tôi cũng là một bà mẹ thường tình. Những lúc con hư, không kìm được lòng đã cầm roi đánh con. Những vết lằn vài ngày sau mới hết. Nhưng những khi đó thấy tâm trạng buồn ghê gớm. Thương con, thương cả bản thân mình. Người ta bảo khi phải dùng bạo lực với con tức là đã bất lực trước việc dạy dỗ con rồi. Tôi buồn vì lẽ đó. Chẳng nhẽ một người mẹ có học thức lại phải dùng roi vọt dạy con nên người ư? Hay tôi đã bế tắc trong cách dạy con? Có lần đánh con hằn rõ bốn ngón tay trên lưng, cơ thể nhỏ bé oằn đi vì cú đánh đó. Đánh con, đau mẹ. Bàn tay tôi rát tận vào tim. Tôi nghĩ bậc cha mẹ nào cũng vậy, khi đánh con xong lòng sẽ thấy buốt lắm. Nhưng roi vọt có làm trẻ nên người không?

    "Con đừng đánh những lúc con đang cáu giận. Con cái sẽ cảm nhận rất nhanh và về sau hình ảnh này sẽ lặp lại ở thế hệ cháu của con. Muốn con nên người phải đánh bằng tình thương" - cha tôi bảo vậy.


    Ngày xưa mẹ tôi cũng đánh mỗi khi tôi hư. Tôi còn nhớ rõ có những lần tiện thì mẹ cầm chổi, không thì cầm đũa vụt. Nhưng cũng chỉ nhè vào phần mông, chân để đánh. Sau những trận đòn đó, tôi ghét và giận mẹ lắm.

    Càng ngày những trận đòn càng dày thêm vì tôi là đứa trẻ nghịch ngợm. Rồi hết cảm giác khóc. Đau lắm chứ. Vì càng không khóc, mẹ càng đánh đau. Nhưng rồi tôi cũng bớt lêu lổng, tập trung hơn vào học tập. Không hẳn là sợ bị mẹ đánh đau, mà càng lớn tôi càng cảm nhận rõ: những lúc mẹ đánh tôi không rơi nước mắt, nhưng tôi nhìn thấy mắt mẹ ngân ngấn nước, chỉ chực trào ra trên gương mặt nhiều nếp nhăn. Tôi nên người từ đó.

    Ở cạnh nhà tôi khi đó cũng có thằng bạn hay bị bố đánh, mà toàn đánh bằng thắt lưng da. Trời lạnh tím tái cũng cởi quần nó ra đánh cho tóe máu. Tôi hỏi nó: sao không chạy? Nó bảo: Chạy rồi, tối về vẫn bị đánh. Đằng nào cũng bị đánh. Vậy sao không khóc? Đánh quen rồi, không khóc được nữa. Đánh chán thì thôi. Nó lớn lên cùng những trận đòn thừa sống thiếu chết nhưng cũng không làm người tử tế được. Nó bỏ học, nghiện ngập, bỏ nhà đi hoang. Có lần tôi thấy đêm khuya bố nó vẫn đứng ở cửa, tay cầm thắt lưng da chờ nó về nhà.

    Roi vọt có làm trẻ nên người không? Nên người chứ. Cha tôi kể ông bà ngày xưa nghiêm khắc lắm. Con sai là đánh. Vừa đánh vừa dạy. Đánh cho phải quì xuống xin lỗi, hối cải mới thôi. Nhà đông con vậy, không dạy bằng đòn roi thì không yên bề gia phong. Cha bảo cũng nhờ đòn roi của ông bà mà cha và các bác nên người. Đến giờ vẫn cảm ơn những trận đòn nên người đó.

    Roi vọt có làm trẻ nên người không? Cũng khó có thể nên người. Khi bất lực trước lời dạy dỗ là lúc bạo lực ắt lên tiếng. Đánh cho hết cái sĩ diện làm cha mẹ, hết những bực bội vì con cái không nghe lời. Đánh cho hỉ hả với thái độ biết dạy con. Đánh vì muốn ra uy với con cái. Cha tôi bảo những trận đòn đó không bao giờ làm con cái nên người vì chúng không có cái tâm của người làm cha mẹ, chỉ đánh con để hả hê cảm xúc. Ông bà ngày xưa chỉ đánh khi con cái có lỗi thật sự. Đánh cho hiểu được cái sai. Chứ không như bây giờ, đánh để đe nẹt, để buộc con cái phải phục tùng sự uy nghiêm. Nên những trận đòn như vậy không bao giờ làm trẻ nên người, chỉ làm trẻ thêm thù hận, làm cho trái tim non nớt của trẻ thêm sự hằn học. Một đứa trẻ không có lòng nhân hậu chính là được sinh ra từ những trận đòn thiếu giáo dục như thế.

    Cha không bao giờ đánh tôi. Cả những lúc tôi hư, cha cũng chẳng quát nạt. Tôi lớn lên từ những trận đòn của mẹ và những lời ân cần dạy dỗ từ cha. Giờ đã làm mẹ, thi thoảng tôi có đánh con theo cách của mẹ, nhưng cố gắng "đánh bằng tâm" theo cách của cha. Tôi cũng không dám chắc những lần đánh con kia của tôi sẽ làm thằng bé nên người sau này. Nhưng tôi vẫn phải làm thế với cái tâm mong con tôi nên người.

    Nhưng cuộc sống này dường như đang dồn mọi người vào chỗ ức chế nhiều hơn. Bố mẹ mải mê sống vì đồng tiền, bát gạo nhiều quá..., bỏ lại sau lưng những đứa trẻ khao khát tình cảm. Đi làm tới tối mịt mới gặp con. Bao ức chế cả ngày của công việc, cuộc sống, của lòng người... dồn cả lên con khi con hư.

    Tôi cũng từng bị rơi vào tâm trạng đó. Bao mệt mỏi của công việc mang cả về nhà với tâm tư bức xúc. Rồi, trùng hợp lúc con không nghe lời, dồn cả bàn tay lên vai gầy guộc của con. Những lúc như thế nỗi đau rát từ cơ thể thằng bé chạy rất nhanh vào tim tôi. Rồi cảm nhận rõ lắm sự vô lý của cái đánh này. Những trận đòn thời hiện đại này phần nhiều là như thế. Đánh con vậy, làm sao con nên người đây?

    Tôi lại giở những trang báo có đăng những vụ bố mẹ bạo hành con cái kia ra đọc cho hết. Hầu như ai đọc những thông tin này cũng đều hét lên: toàn bố mẹ không có trái tim. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Họ cũng chỉ là những con người bình thường, có trái tim bình thường. Chỉ tiếc những lúc họ đánh con tới chết, đánh con tới trọng thương là lúc họ không kìm nén được cảm xúc làm cho mất hết nhân tính, mất hết tỉnh táo. Tôi cũng dám chắc rằng khi họ mất đứa con, khi vào bệnh viện thăm con, trái tim họ cũng sẽ quặn thắt như tôi - người dưng đọc bài báo này. Và tôi cũng chắc một điều người mẹ đánh con đến chết kia sẽ ân hận cả cuộc đời. Khi bình tâm cũng là lúc dằn vặt nhất. Có thể chính những ông bố, bà mẹ này khi còn nhỏ cũng bị đối xử tàn tệ từ chính bố hay mẹ mình, mà thiếu hụt sự dạy dỗ từ tình yêu thương. Có thể lắm...

    VÂN KHÁNH
    Nguồn: Tuổi trẻ
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi webmaster
    Đang tải...


  2. tatcachocon

    tatcachocon Thành viên mới

    Tham gia:
    26/9/2007
    Bài viết:
    34
    Đã được thích:
    9
    Điểm thành tích:
    8
    thật không có từ nào để nói về những người cha người mẹ vô nhân tính ấy nữa!!!!!!
    tính nóng nãy, bốc đồng nơi họ không phải là nhất thời mà là thành bản chất . Thật tội nghiệp cho những bé nào làm con của họ .
    Không thể bào chữa rằng tuổi thơ của họ không được yêu thương, dạy dỗ, để rồi khi có con họ lại hành hạ con mình . Trong mỗi con người có 2 phần: CON - NGƯỜI , họ là những người bị phần CON lấn át hết nhân tính . BHKIEN ơi họ không ân hận đâu , tôi nghỉ thế .
    các ông bố, bà mẹ ơi . Trước khi các phụ huynh hành động gì đến con trẻ thì nên uống 1 ly nước lạnh để hạ hỏa nhé, cho con chúng mình không phải chịu những điều đáng tiếc xảy ra .
     
  3. tatcachocon

    tatcachocon Thành viên mới

    Tham gia:
    26/9/2007
    Bài viết:
    34
    Đã được thích:
    9
    Điểm thành tích:
    8
    roi vọt là 1 kiểu hành xử không công bằng với trẻ, nó thể hiện sự yếu đuối , bất lực không bản lĩnh của người cầm roi. Mọi người cần có những phương pháp riêng cho mình tùy vào từng trẻ để áp dụng .Điều đó là rất khó , nó đòi hỏi mỗi chúng ta không ngừng học hỏi trong cách nuôi dạy trẻ .
    Tôi vẫn chưa hiểu tại sao trước đây và cho đến bây giờ tôi đã có 2 con nhưng vẫn sợ nhìn vào mắt bố khi có lỗi, bố mẹ tôi chưa bao giờ đánh con cái dù chỉ 1 roi, nhưng chúng tôi ai cũng sợ cả .
     
  4. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    Vấn đề bạo hành với trẻ em, không chỉ riêng ở VN mà mang tính toàn cầu - Vì thế mới có những điều luật để bảo vệ trẻ em - Vấn đề còn lại là người ta hiểu và áp dụng nó như thế nào thôi.
    Đây cũng không phải là điều mới ở xã hội ta, nó đã có trong ca dao, tục ngữ (yêu cho roi cho vọt....) từ lâu rồi, chẳng qua trong thời đại này, sự nhanh chóng và phong phú về truyền thông đã góp phần vào việc đưa các vấn đề này đến mọi người một cach đầy đủ, để từ đó có những suy nghĩ và phê phán về trách nhiệm và nhân cách của cha mẹ.
    Nhưng ngoài việc phê phán những bà mẹ cầm roi, chúng ta cũng nên có được một cái nhìn về những áp lực xã hội đang đè nặng trên từng con người, từng gia đình - Hãy thử nhìn xem cách người ta điều hành xã hội như thế nào - đâu đâu cũng là CẤM & CẤM ! đó cũng một hình thức sử dụng roi với mọi người, và vì thế khi quay về nhà, cha mẹ rất dễ "chuyển di" sự bạo hành mà mình đã là nạn nhân đến con cái, là những kẻ giống như mình ngoài xã hội (yếu thế, không có khả năng tự vệ !)
    Hãy đòi hỏi sự bảo vệ các bậc cha mẹ, và hãy giúp họ biết "trang bị" những biện pháp giáo dục con em khác, giúp họ "biết điều mình làm" để không phải "làm cái điều mình không biết!"
     
    EnCon thích bài này.
  5. thuhien

    thuhien Mỗi ngày một niềm vui!

    Tham gia:
    27/9/2004
    Bài viết:
    2,820
    Đã được thích:
    1,320
    Điểm thành tích:
    913
    Thông thường khi cha mẹ không tức giận thì không đánh con (vì chẳng ai đang vui vẻ mà lại lôi con ra đánh cả), mà họ chỉ đánh con khi tức giận hoặc không tìm ra được giải pháp nào khác. Nếu đánh con trong tức giận thì khó giúp trẻ cảm thấy tâm phục, khẩu phục mà chỉ khiến cho trẻ oán giận hoặc sợ hãi. Rồi những trận đòn cứ phải dày lên, mạnh lên đối với trẻ. Vậy làm thế nào để không phải đánh trẻ đây????? Có một cách là cha mẹ cần trang bị cho mình kiến thức về các kỹ năng làm cha mẹ tốt để cha mẹ có thể bình tĩnh hơn, đưa ra mong đợi phù hợp hơn,... Các bố mẹ có thể sẽ có cơ hội tham gia các buổi tìm hiểu về các kỹ năng làm cha mẹ tốt trong thời gian sớm nhất.
     
  6. MeCuMoc

    MeCuMoc Mộc, Thành viên Hội Rắn

    Tham gia:
    12/10/2006
    Bài viết:
    6,705
    Đã được thích:
    2,989
    Điểm thành tích:
    2,063
    Đó là cách giải tỏa nhanh nhất và rất có hiệu quả. Trong trường hợp tìm ly nước khó quá thì các bố mẹ có thể áp dụng một biện pháp khác là tự mình đi ra chỗ khác (đi sang phòng khác chẳng hạn) trong vòng 1-2 phút để suy nghĩ về điều mình sắp làm với trẻ.
     
  7. canh cut xinh

    canh cut xinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    20/4/2007
    Bài viết:
    1,026
    Đã được thích:
    120
    Điểm thành tích:
    103
    Một bài viết hay nhưng sao mà bế tắc quá...

    Những người không hiểu biết đánh con đã đành, ngay cả những người thương con hết mức, hiểu và nắm rất rõ những nguyên tắc cơ bản trong nuôi dạy con nhưng cách hành xử có chăng "kín kẽ" hơn, không bị đưa ra công luận như một số trường hợp kia... Và đó là lý do vì sao con của 1 bác sĩ, 1 giáo viên, 1 giám đốc, 1 ông chủ... và có thể là con của bất kỳ vị nào trong xã hội đều có thể lên mặt báo với dòng chữ thật quen nhưng cũng thật xót xa: "Sinh ra trong một gia đình học thức/gia giáo nhưng X, Y đã sớm đua đòi.... "
     

Chia sẻ trang này