Sách giáo khoa đánh đố con trẻ "Một đàn cò trắng phau phau, ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm", nghe cậu con trai học lớp 1 bi bô đọc câu đố trong sách, vợ chồng chị Liên, phố Đội Cấn (Hà Nội) nhăn trán suy nghĩ. 5 phút, rồi 10 phút, cuối cùng họ đành chấp nhận "đầu hàng". > Sách giáo khoa là nguyên nhân khiến trẻ bỏ học Đến khi cậu bé chạy đến chỉ tay vào trang sách có in hình rổ bát, vợ chồng chị mới té ngửa về lời giải của câu đố. "Người lớn còn chẳng giải được nếu không có hình minh họa thì sao người ta lại có thể dùng câu đố đó cho trẻ 6 tuổi?", chị Liên đặt câu hỏi. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những tình huống "dở khóc dở cười" mà các phụ huynh và học sinh thường phải đối mặt. Riêng sách tham khảo cho học sinh lớp 1 cũng có tới hàng chục loại. Ảnh: T.D. Vừa chỉ vào tấm bản đồ to hơn một bàn tay, in trong cuốn Lịch sử -Địa lý lớp 4, một nữ sinh tiểu học quận Cầu Giấy (Hà Nội) lo lắng nói: "Cô giáo bắt chúng cháu về nhà nhìn vào bản đồ này để hãy xác định vị trí của đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ với gợi ý: đỉnh của đồng bằng Bắc Bộ nằm ở Việt Trì (Phú Thọ). Mai là đến giờ học môn này rồi mà cháu chẳng biết làm bài này thế nào". Năm ngoái, nữ sinh này đã đạt danh hiệu học sinh giỏi và đang là lớp phó học tập. Dưới góc nhìn của cô bé này, trong sách giáo khoa và chương trình học lớp 4 hiện hành còn nhiều điều "khó hiểu". "Chúng cháu chẳng biết gì về Sầu riêng nhưng vẫn phải miêu tả nét đặc sắc của hoa, quả và dáng loại cây này. Khi thắc mắc thì cô bảo: 'Các em cứ nhìn vào sách mà tả lại'", cô bé 10 tuổi hồn nhiên kể. Thậm chí, theo lời học sinh này, khi đọc bài gặp từ khó như Hoàng đế, lăng mộ, cổ đại... học trò thắc mắc thì cô không giải thích mà chỉ bảo: "Đây là giờ tập đọc không phải học làm văn". Nhiều phụ huynh cho rằng, sách giáo khoa hiện nay có hình thức tương đối đẹp nhưng vẫn nặng và quá "nuông chiều" trẻ. "Chép bài làm vào vở sẽ giúp trẻ luyện chữ, mau thuộc bài và nhớ lâu hơn. Nhưng nay, môn nào cũng in sẵn phần bài làm ngay trên sách giáo khoa, sách bài tập thì chỉ càng làm trẻ lười chép bài. Con trai tôi năm nay học lớp 1 nhưng chữ rất xấu", chị Hoa đứng đón con tại Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) lo lắng nói. Hầu hết đầu sách giáo khoa tiểu học do NXB Giáo dục ấn hành đều có những phần điền sẵn vào ngay trong sách. Do vậy, học sinh chỉ còn mỗi nhiệm vụ điền đáp số hoặc một vài từ ngắn gọn vào phần để trống. Tuy nhiên, có một nghịch lý, trong khi học sinh tiểu học phải dùng vở ôli để viết thì những quyển sách "ăn sẵn" này hầu như vắng bóng các dòng kẻ. Điều này dẫn đến chữ viết trong các cuốn sách này xiên xẹo, nguệch ngoạc, đối lập hẳn với vở tập viết. Sách in theo kiểu "ăn sẵn" và không có dòng kẻ ôli nên học sinh chỉ có thể dùng bút chì để viết. Ảnh: T.D. Chị Luyến có con học Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) cho rằng, sách giáo khoa hiện nay khá to và nặng, không phù hợp với học sinh tiểu học. "Cháu nhà tôi mới học lớp 1, tay thì yếu mà khổ sách lại to nên ở lớp, cô giáo toàn cho gấp sách lại để đọc". Theo lời chị Luyến, có những hôm, chiếc cặp nhỏ bị nhồi nhét tới 6 quyển sách to cùng một lô vở bài tập, vở tập viết, bút, thước... "Sao chúng ta không in sách nhỏ lại và chia thành nhiều cuốn để học sinh đỡ phải mang nặng?", chỉ tay về phía một cháu nhỏ đang lệch người khoác chiếc cặp dày cộp, vị phụ huynh này đề xuất. Không đồng ý với kiểu sách giáo khoa in theo kiểu "ăn sẵn", một giáo viên Tiểu học Dịch Vọng A cho rằng, loại sách này đang làm hỏng học sinh, khiến các em lười viết, lười suy nghĩ. Do vậy, nhiều trường đã cần vận động học sinh viết bằng bút chì để có thể sử dụng sách trong nhiều năm. "Việc điền sẵn vào sách hiện không chỉ làm trẻ lười biếng mà còn là cách đốt tiền khá nhanh và lãng phí. Bộ vận động học sinh quyên góp sách tặng các bạn vùng khó khăn nhưng lại có thực tế, nhiều quyển sách dùng rồi, được điền chi chít chữ thì chỉ có thể để bán giấy vụn", cô giáo này chia sẻ. Để trẻ không phải còng lưng cõng cặp sách, phụ huynh trang bị cho con loại ba lô kéo. Ảnh: T.D. Hiệu phó một trường tiểu học ở Hà Nội (xin giấu tên) nhận định, sách giáo khoa hiện nay không thể áp dụng đại trà trên toàn quốc. Với lượng kiến thức như hiện nay, học sinh thành thị cũng khó theo kịp. "Các em học cả ngày ở trường, tối về ăn cơm xong cũng phải vui chơi, giải trí, trong khi kiến thức học quá nhiều. Do vậy, hôm sau đến trường, một phần bài học hôm trước đã bị rơi vãi, cô phải củng cố lại. Các em thông minh sẽ dễ tiếp thu lại, còn những em trung bình, kiến thức cứ ứ lại, dẫn đến việc học đuối dần", bà Hiệu phó nói. Theo cô giáo này, khi có nhiều trẻ bỏ học, chán học, ngành giáo dục cần phải nhìn lại sách giáo khoa cũng như người dạy xem đã thu hút học sinh chưa, đã gần gũi, tạo hứng thú cho học sinh chưa? Khi mà sách còn khá nhiều "hạt sạn" và nặng tính lý thuyết thì khó có thể cuốn hút học sinh. Tiến DũngVNEXPRESS
với cơ chế độc quyền, đem lại siêu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi mùa khai trưòng, thì xá gì vài trăm nghìn học sinh bỏ học - Điều mà ngành GD quan tâm nhất là làm sao buộc mỗi HS phải mua mới SGK hàng năm dù nội dung thì vô cùng lạc hậu, còn chuyện chán học hay không đó không phải là chuyện của họ, mà là trách nhiệm của bố mẹ cùng với các giáo viên phải làm sao nhồi nhét cho đủ những kiến thức hàn lâm ( dù những điều đó sẽ chẳng giúp gì cho các em sau này) vào trong não trạng của các em là đủ rồi!
Thực sự là thế . đôi lúc nhìn trẻ nhỏ ở nhà học hành mà em thâý ngán ngẫm ,vì chúng chẳng có 1 chút khái niệm cơ bản gì về kiến thức đã học được (quên tuốt luốt những gì đã học ở năm trước )Tham nhũng là tội nặng nề nhất trong các tội .mà quan liêu ,tham nhũng trong việc viết sách đào taọ là tội mà ngàn đời con cháu phải chịu khổ . Ngày trước mỗi lần soạn giáo án ,hay 1 baì thi em luôn nhớ đến câu noí của 1 người thầy mặc dầu chỉ dứng trước học sinh có 10 phút nhưng câu noí của thầy giờ lại là kim chỉ Nam cho em sống "Trong việc giảng dạy nếu ta hướng dẫn sai thì sẽ làm hư cả 1 thế hệ " ngẫm kỹ lại thì quá đúng còn gì ...!!!? Vì bị bắt học quá nhiều nên chúng chẳng nhớ gì cả .Công bằng mà noí sách GK của những người Thầy đã soạn từ trước 1975 thật đơn giản dễ hiểu và cũng đã taọ ra khối nhân tài cho đất nước .Không quá khắc khe lắm nhưng em thấy rõ ràng kiến thức của thế hệ trẻ bây giờ không vững bằng kiến thức của chúng ta đã có được cũng như xây nhà nếu nền móng vững chắc thì caí nhà không bao giờ nghiêng đỗ khi có gió baõ .vì mất căn bản nên trẻ chán nản bỏ học là điều dĩ nhiên . Hãy thử xem những người soạn ra những quyển sách GK nay cải cách mai đổi mới xem họ học thử coi họ có thuộc nổi không ? toàn là kiến thức chấp vá cũng như những tấm bằng cấp mà họ chấp vá lại để ngồi an toạ ở chỗ soạn sách giáo khoa âý chứ .