Kinh nghiệm: Sách Hay Về Thầy Cô - Câu Chuyện Cảm Động - Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ

Thảo luận trong 'Kinh nghiệm sống' bởi Kimoanh6, 20/7/2022.

  1. Kimoanh6

    Kimoanh6 Tổng kho gia dụng KIM OANH

    Tham gia:
    24/7/2015
    Bài viết:
    62
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    6
    Sách mới về thầy cô "Cây vĩ cầm cuồng nộ"
    Nếu theo dõi tin tức hẳn các bạn cũng đã từng lướt qua tin một cậu bé người Mỹ gốc Việt tên là Evan Le đang được ca ngợi là “thần đồng piano” khi chỉ mới 4 tuổi. Và bạn sẽ thấy ít ngạc nhiên với thông tin này hơn nếu bạn đã từng đọc cuốn Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ của Melanie Kupchynsky và Joanne Lipman. Nếu bạn ở ngay trước mặt tôi đây, thì tôi sẽ không làm gì khác ngoài việc dúi cuốn sách này vào tay bạn và nói với bạn rằng “Hãy đọc đi!”. Chỉ đơn giản thế thôi bởi tôi muốn bạn tiếp xúc với cuốn sách này bằng cảm xúc của chính mình nhất, không bị pha lẫn những cảm xúc của bất kỳ người nào khác cả. Và lời khuyên của tôi là hãy đọc ngay chương đầu tiên luôn, đừng nấn ná chi chi ở các Lời giới thiệu hay Lời nói đầu nào cả. Tôi đã làm như thế và chỉ sau khi đọc xong tôi mới quay trở lại những trang đầu để đọc những Lời ấy. Và bạn biết đấy, tôi biết rằng mình đã làm đúng.

    [​IMG]
    Cuốn sách kinh điển Cây vĩ cầm cuồng nộ bìa
    Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ là một cuốn sách được viết ra bởi chính những người trong cuộc là con gái đầu Malenia Kupchynsky và và người học trò đàn viola Joanne Lipman, những người đã sống, học tập và tiếp xúc nhiều với thầy giáo dạy âm nhạc Jerry Kupchynsky mà học sinh và mọi người vẫn thường hay gọi trìu mến là thầy K. Thầy K có một tình yêu âm nhạc cực kỳ sâu sắc và dường như nó thấm tận vào máu của thầy và tình yêu ấy có thể truyền sang và tạo cảm hứng cho cả những người xung quanh thầy K, thậm chí là một người đang đọc Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ giống như tôi đây. Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu đối với mọi học sinh không phải là tình yêu ấy mà là cái dáng đậm người tròn tròn, bộ ria mép mỏng, cái đầu hói và những bước chân giậm thình thịch trên nền nhà hay bục chỉ huy dàn nhạc. Và đặc biệt là cái tính nóng nảy, hay la hét hoặc dọa nạt những em bé học sinh nếu như các em đứng sai tư thế, hoặc đặt cánh tay cầm cây vỹ bị sai hoặc đàn quá thấp hoặc quá cao và câu nói ấn tượng nhất trong đầu của mỗi em học sinh mãi đến tận sau này của thầy là “Làm lại đi!”

    Tuy nhiên, khi bắt đầu đọc những trang đầu tiên của câu chuyện và xuyên suốt cuốn sách, bạn sẽ không hề thấy sự oán giận trách móc hay căm hờn của những người học sinh ấy, mà hoàn toàn ngược lại, bao trùm trên tất cả là lòng biết ơn, sự kính trọng, sự yêu mến, sự nể phục và tất cả những tính từ tốt đẹp dành cho thầy K.

    “Những ngày này và cả những tuần tiếp theo, thông tin về việc thầy K qua đời truyền từ học sinh này sang học sinh khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ bang này sang bang khác và băng qua đại dương. Một giám độc kỹ thuật ở Virginia. Một nghệ sỹ ở San Francisco. Một nhà văn ở Utah. Qua Facebook, điện thoại và email, tất cả đã thống nhất: chúng tôi – những học sinh và đồng nghiệp của thầy K – sẽ cùng nhau thực hiện một buổi hòa nhạc cuối cùng, lần này là để dành riêng cho thầy.”

    [​IMG]

    Cuốn sách này được viết hoàn tất sau khi thầy K đã qua đời nhưng dư âm của những bài giảng không chỉ đơn thuần là về âm nhạc của thầy K vẫn còn ngân vang mãi trong lòng người đọc như tôi đây. Cả cuốn sách là những ký ức, những kỷ niệm đầy sống động, đầy cảm xúc của Melanie Kupchynsky, một nghệ sỹ violon xuất sắc trong dàn nhạc giao hưởng Chicago danh giá và Joanne Lipman, người từng theo học đàn viola nhưng sau khi lớn lên đã rẽ sang làm biên tập viên cho tòa Wall Street Journal và sau này là tổng biên tập của tờ Weekend Journal. Thầy K có một niềm tin sắc đá về giá trị của âm nhạc đối với cuộc sống và con người và ông luôn luôn hi vọng rằng bất cứ trẻ em nào cũng sẽ được học một loại nhạc cụ nào đó đặc biệt là violon, cello, viola hay piano, để em có thể cảm nhận được vẻ đẹp, sức mạnh, sự kỳ diệu của âm nhạc mang lại như đã từng làm đối với ông. Và với ông mà nói, “không có đứa trẻ không có tài năng – mà chỉ có đứa trẻ tập luyện chưa đủ chăm chỉ.” Tất cả những học sinh từng theo học âm nhạc với ông, sau này khi trưởng thành hơn, tuy rằng có người sẽ không theo con đường âm nhạc mà rẽ sang một hướng khác như làm kỹ sư, giám đốc, bác sỹ, biên tập viên báo chí… nhưng tựu chung lại, khi ngồi cùng nhau trong buổi hòa nhạc cuối cùng dành riêng cho thầy K, tất cả bọn họ đều thừa nhận rằng, thầy K có một sức ảnh hưởng rất lớn trên còn đường hình thành nhân cách của họ. Có người thì bảo rằng chính thầy đã tạo nên một con người khác cho họ, có người thì bảo rằng chính những năm tháng học đàn cùng thầy K đã giúp họ có khả năng đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống, có người thì lại bảo rằng bài học lớn nhất mà họ nhận được từ những năm tháng ấy chính là không bao giờ bỏ cuộc hay trở nên tự tin hơn trong cuộc sống và đương nhiên không bao giờ quên món cocktail Black Russian sở trường của thầy K nữa.



    Dành cho ai đó muốn bỏ cuộc

    “Thầy K đã thực hiện được một điều bất khả thi: khiến cho chúng tôi giỏi hơn cả khả năng của mình. Đó là một cảm giác phi thường, khi ta nhận ra rằng mình đã vượt qua được giới hạn của bản thân.”

    Thầy K cực kỳ nghiêm khắc với học sinh của mình và cả với hai đứa con gái đáng yêu của thầy là Malenia và Stephenie. Dù phải vật lộn với cuộc sống khó khăn khi người vợ mắc bệnh xơ hóa xương và phải nằm viện nhiều hơn nằm nhà, thầy K một mình phải vừa dạy học ở trường vừa dạy học ở nhà vừa chăm nom hai cô con gái nhưng vẫn không khi nào bỏ gác bỏ những giờ học nhạc của các con mình. Nhưng thầy là một người cực kỳ khiêm nhường và có một tính cách đáng nể phục là khi những học trò giỏi nhất của thầy đã đạt đến một trình độ nhất định, thầy sẽ không khư khư giữ lấy các em làm của riêng cho mình, mà chính thầy sẽ đi tìm và gặp và nhờ các đồng nghiệp có trình độ cao hơn mình như Philip Gordon hay Paul Doktor để nhờ hướng dẫn các em, giúp các em phát triển cao hơn nữa trong âm nhạc. Không chỉ tập luyện trong căn phòng nhỏ hay biểu diễn trên sân khấu, thầy thường xuyên đưa dàn nhạc học sinh của mình tới các viện dưỡng lão, bệnh viện, đường phố,… để các em biểu diễn trước đông đảo khán giả mọi thành phần. Thầy muốn các em chia sẻ và truyền cảm hứng của tiếng nhạc đến cho mọi người, giúp họ quên đi nỗi đau trong chốc lát và đồng thời cũng giúp các em có sự mạnh dạn và chững chạc hơn khi trình diễn nhưng hơn hết là giúp các em có một nhân cách đẹp hơn cùng âm nhạc (dù thầy chẳng nói ra điều đó).

    Với một người thầy có tính khí điên cuồng như thế, bạn có nghĩ rằng ông có biết sợ ai không? Có đấy, chính là mẹ ông mà Malenia hay gọi là bà Baba. Nhưng vì sao ông lại sợ bà như thế? Vậy mà trong nỗi sợ ấy tôi lại có cảm nhận được tình cảm ông dành cho bà nữa chứ không phải hoàn toàn là nỗi sợ. Mới đầu tôi cũng không ưa bà Baba vì bà cứ bắt mọi người theo phong tục truyền thống Ukraina quê bà lại hay cáu gắt nóng nảy, nhưng càng đọc tôi càng cảm phục người đàn bà Ukraina quả cảm và đầy tình yêu một cách gai góc này. Đó có thể không phải là một người bà nội hiền lành tốt bụng nhưng lại là một người mẹ hoàn hảo theo cách riêng của bà, mà nhờ có bà mà thầy K chúng ta mới có được ngày hôm nay.

    Tuy nhiên, bên ngoài phòng học thầy K dường như là một con người khác hẳn. Học sinh hiếm khi nhận được lời khen ngợi trực tiếp từ chính miệng ông nhưng khi ngồi ở hàng ghế khán giả, sau khi xem các trò của mình biểu diễn xong trên sân khấu, ông mỉm cười một cách tán thưởng và đôi khi còn quay sang bên cạnh để nói với một người lạ hoắc rằng học trò tôi đấy. Hoặc có khi ông “nhoài người ra khỏi ban công, với chiếc khăn mùi xoa bay phấp phới. Ông vẫy điên cuồng, dùng toàn bộ sức lực của cơ thể.” đến nỗi Malenia đã xém chút thì không nhận ra vị cha già nghiêm khắc của mình mất. Hoặc như khi ông thốt lên trong một khoảnh khắc yếu lòng: “Khi trở về nhà, bố vẫn mong nhìn thấy Steph đang đợi bố trên ngưỡng cửa, bố sợ về muộn quá, chẳng may nó đã chờ ở đó, bị khóa ở ngoài và bị lạnh.” Thực sự tôi đã rơi nước mắt khi đọc tới lời thủ thỉ tuyệt vọng này của ông dành cho cô con gái thứ hai Stephenie.

    [​IMG]
    Bìa mới cuốn sách Cây vĩ cầm cuồng nộ

    Thầy K ấy, người đã dành gần 40 năm để gắn bó với nghề dạy học âm nhạc bởi ông yêu lắm cái nghề này. Dạy học và âm nhạc chính là năng lượng sống của ông. Khi ông ở trong phòng tập nhạc hay cùng với học sinh, ông trở thành một con người khỏe mạnh, sáng suốt, nhạy cảm và đương nhiên là không thiếu phần dữ tợn và luôn đi kèm câu “Làm lại đi!”, nhưng khi tách ông ra khỏi âm nhạc, khỏi việc dạy học, ông trở nên nhỏ bé, yếu đuối, lọm khọm và dường như đang lơ lửng ở đâu đấy. Có lẽ được viết bởi những người cực kỳ yêu quý thầy K nên cả cuốn sách là một chuỗi những cung bậc cảm xúc khiến cho tôi cứ muốn đọc mãi những câu chuyện nhỏ về người thầy đáng kính này, về nghệ thuật hoàn thiện con người từ một người thầy hà khắc đôi khi đến tàn nhẫn. Thật may mắn cho những ai từng được làm học trò của thầy K.

    “Chăm chỉ, nhưng đừng than vãn nếu thua cuộc. Nếu thua, hãy đứng dậy và tiếp tục cố gắng ở lần tiếp theo.”
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Kimoanh6
    Đang tải...


  2. Kimoanh6

    Kimoanh6 Tổng kho gia dụng KIM OANH

    Tham gia:
    24/7/2015
    Bài viết:
    62
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    6
    :):):):):)Review rất nhiều
     

Chia sẻ trang này