Đất SG xa xưa là thuộc nước nào vậy ?. Mình từng nghe nói là thuộc vương quốc Chămpa, có đúng không ạ ?. Mình rất muốn biết nguồn gốc SG xưa, ai biết xin chỉ giáo nhé .
Về chi tiết thì tôi không biết rõ, nhưng đại khái thì Sài Gòn xưa là vùng đất của xứ Thuỷ Chân Lạp - còn vương quốc Champa là ở khu vực miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Xứ Thuỷ Chân Lạp bao gồm vùng đất Đồng Nai - Gia Định và một phần Kampuchia ngày nay. Nếu chịu khó lục lọi trên internet chắc cũng tìm ra nguồn gốc một cách đầy đủ hơn.
Mới tìm trên Internet chút tư liệu, xin bổ sung thêm: Trước thế kỉ thứ 6, vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc nước Phù Nam với nền văn hóa Óc Eo. Sau đó bị nước Chân Lạp đánh chiếm và gọi là Thủy Chân Lạp. Đầu thế kỷ 17, biên cương nước ta cách Thủy Chân Lạp trên 400 cây số, ở giữa là Chiêm quốc (Champa) lúc đó chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Họ còn làm chủ vùng đất từ Bắc Khánh Hòa (Kanthara) cho tới Nam Bình Thuận (Panduranga). Năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey- Chetta II tức Nạc Ông Thu Đệ Nhị. Công chúa được nhà vua sủng ái phong làm hoàng hậu. Nhờ đồng minh với chúa Nguyễn, vua Chân Lạp đã đẩy lui được 2 cuộc xâm lăng của quân Xiêm (Thái Lan) vào các năm 1621 và 1623. Cho tới đầu thế kỉ 17, vùng đất Miền Nam ngày nay chưa khai phá được bao nhiêu, hầu hết còn là rừng rậm bạt ngàn. Đồng Nai xứ sở lạ lùng, Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um. Năm 1623, sứ thần của chúa Nguyễn đã tới kinh đô Ou-đông dâng lễ vật trọng hậu và xin nhà vua cho phép dân Việt được vào làm ruộng và buôn bán trên vùng đất ngày nay là Bà Rịa. Nhờ hoàng hậu can thiệp thêm cho nên nhà vua đã chấp thuận. Thành công ngoại giao đầu tiên này có ý nghĩa hết sức to lớn, có tính cách lịch sử. Trên danh nghĩa người Việt được phép sinh sống tại một khu vực, song thực tế nó đã khởi đầu cho một cuộc di dân xâm thực không ngừng của người Việt vào vùng đất tài nguyên phong phú, sông ngòi chằng chịt, giao thông thuận lợi. Nhờ thế, sau này nước Việt đã có thể mở mang bờ cõi tới tận mũi Cà Mau. Năm 1626 Nạc Ông Thu mất, nước Chân Lạp bước vào giai đoạn rối ren. Năm 1658, Chân Lạp ‘phạm biên cảnh’, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Nguyễn Phúc Yến đưa 3000 quân vào bắt được vua Chân Lạp. Năm sau, vua Chân Lạp chịu thần phục nên được tha về và đã dâng đất Nông Nại (Đồng Nai) để tạ ơn. Năm 1674, Nạc Ông Đài đánh đuổi vua Cao Miên là Nạc Ông Nộn. Nạc Ông Nộn chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm đem quân vào phá vỡ cả 3 đồn lũy ở Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang. Nạc Ông Đài bỏ chạy và tử trận. Chúa Nguyễn phong cho Nạc Ông Thu (Đệ Tam) làm quốc vương ở Oudong, còn Nạc Ông Nộn chỉ được làm phó vương đóng ở Sài Gòn. Đầu năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập ‘đồn dinh’ ở Tân Mỹ (giữa Sài Gòn ngày nay) để bảo vệ lưu dân và yểm trợ cho phó vương Nặc Ông Nộn. Cũng năm ấy, vì không muốn thần phục nhà Thanh, một số trung thần của triều Minh bên Tầu như các ông Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình...đã kéo 3000 quân và gia đình trên 50 chiếc tầu sang xin chúa Nguyễn làm dân Việt. Chúa Hiền cho nhóm Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến lên sinh sống ở Mỹ Tho. Còn nhóm của Trần Thượng Xuyên lên vùng Đồng Nai. Những thuyền nhân này được gọi là người ‘Minh hương’, họ chỉ là thiểu số tới sau, nhưng mau chóng hoà nhập với đa số người Việt đã tới trước và đã đổ mồ hôi xương máu khai phá vùng đất mới này. Năm 1698, chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) vào Nam kinh lược. Thời gian này, tuy lưu dân Việt Nam còn thưa thớt, song đã cư ngụ rải rắc khắp miền Đông, từ trung tâm Sài Gòn tỏa ra chung quanh, từ sông Vàm Cỏ xuống sông Tiền giang, từ Đồng Nai ra tới Bà Rịa. Do đã có dân nên để giữ an ninh cho dân, chúa Nguyễn đã thiết lập căn cứ quân sự (đồn dinh)từ 20 năm trước (1679), nay Nguyễn Hữu Cảnh được phái tới để kiện toàn guồng máy cai trị. Ông ‘lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinhTrấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và kí lục để cai trị’ Trên đây là chút sử liệu về Sài Gòn, hy vọng đáp ứng được yêu cầu của mẹ Khả Ly.