Sau Tết bố mẹ đau đầu vì bé ghét đi học

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi support, 19/2/2013.

  1. support

    support Super Moderator Staff Member

    Tham gia:
    7/11/2008
    Bài viết:
    8,184
    Đã được thích:
    3,690
    Điểm thành tích:
    2,113
    7 giờ sáng, chị Ngọc gọi thế nào cô con gái 5 tuổi cũng không dậy. Nghe mẹ nói hôm nay phải đi học, bé càng rúc vào chăn và ỉ ôi "con không đến lớp đâu, còn muốn ở nhà cơ".

    "Sáng đầu năm mà nhà đã loạn cào cào. Mẹ thì hò hét, con thì mè nheo, cuối cùng sợ muộn, mình đành cho con ở nhà với ông bà để đi làm", chị Ngọc (Từ Liêm, Hà Nội) kể.

    Chị cho biết, từ 25 Tết, bé đã được bà nội đưa về quê và ở đó cho tới sáng qua mới ra Hà Nội. Suốt những ngày nghỉ Tết vì mẹ quá bận việc bếp núc và chăm em nên cô bé 5 tuổi toàn ngủ với bà và chơi với các anh chị em họ. Buổi tối có khi cô nhóc ham chơi và xem TV tới hơn 11 giờ mới ngủ, sáng 8-9 giờ mới dậy.

    "Tối qua mình đã bắt con đi ngủ sớm để hôm nay có thể kịp dậy đi học nhưng sáng vẫn không thể kéo bé ra khỏi chăn. Con thì suốt từ qua đến nay cứ ỉ eo kêu không đi học nữa. Chẳng biết ngày mai có thay đổi được không", chị Ngọc thở dài.

    [​IMG]
    Sau thời gian nghỉ Tết nhiều bé vẫn muốn đi chơi cùng bố mẹ hơn là đến trường. Ảnh minh họa: Minh Thùy.​

    Có hai con, một bé lớp 1, một bé lớp 2, sáng nay, vợ chồng chị Thoa (Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng quáng quàng thúc các bé đi học mà cả nhà vẫn muộn giờ.

    "Hai cô con gái sáng ra biết là không thể tiếp tục nghỉ nữa nhưng uể oải lắm, mỗi đứa chỉ kịp uống hộp sữa rồi mặc đồ đi luôn", chị Thoa kể.

    Chị cho biết, chính vợ chồng chị sáng nay dù đã lấy chuông nhưng vẫn không thể dậy sớm như trước kia. "Nghỉ Tết cả nhà toàn ngủ nướng, có khi dậy rồi nhưng vẫn nằm trên giường xem phim, giờ phải tất bật đi học, đi làm, ngại thật", chị nói.

    Dậy muộn, đã không kịp nấu và ăn sáng, chị Thoa còn bực mình vì cô con gái nhỏ mè nheo đòi mặc chiếc váy mẹ sắm cho vào dịp Tết đi học dù đồ đã bẩn chưa kịp giặt.

    Cô Thanh Hà, giáo viên trường mầm non Sao Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sáng nay, lớp 5 tuổi do cô phụ trách vắng tới một nửa sĩ số. "Nhiều bố mẹ gọi điện tới xin cho con nghỉ nói các cháu còn ở quê chưa ra hoặc bé còn muốn ở nhà chơi với ông bà tới hết rằm", cô giáo nói.

    Cô Hà cho biết, những cháu đi học cũng đến lớp muộn hơn thường lệ và đa số đều mếu máo, không muốn vào lớp. Tới 9 giờ sáng nhiều trẻ mới đến trong khi bình thường khoảng 8 giờ là các em đã vào lớp đông đủ.

    Theo tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, việc con không muốn đi học và lơ đãng những ngày sau Tết thực ra là một việc... dễ lường, nhưng cũng dễ khiến các bậc phụ huynh cảm thấy bực mình, khó chịu, thậm chí "sốc" nếu không nghĩ trước về việc này trong Tết.

    "Đây cũng là điều mà tôi, với tư cách là một người mẹ, cũng phải đối mặt", nhà giáo dục chia sẻ.

    Theo bà, có những đứa trẻ yêu thích đến trường, biết tự lo cho việc học hành của mình, lo lắng bài vở, nhưng cũng có những bạn nhỏ cảm thấy khó khăn khi lại bắt đầu một guồng quay suốt ngày ở trường, va chạm với sách vở, học hành. Song, thực tế ngay cả người lớn cũng khó cưỡng được "cám dỗ" của tâm thế nghỉ ngơi, khó bắt nhịp ngay vào công việc. Vì thế, ngoài việc chấp nhận chuyện này như một lẽ tất nhiên, chờ đợi nó qua đi, người lớn có thể hỗ trợ trẻ bằng cách:

    - Ngồi lại cùng trẻ xếp soát lại sách vở, bọc lại vở nếu thấy hơi nhàu nát, cùng đi mua thêm vở mới, bút mới, như thể đang bắt đầu một năm học mới vậy. Điều này có tác dụng như vặn dây cót để tinh thần học tập bắt nhịp vào một nhịp độ mới.

    - Cùng con thống nhất và kẻ vẽ lại thời gian biểu trong ngày.

    - Những ngày đầu tiên sau Tết, bố mẹ quan tâm hơn đến việc học của con, buổi tối cùng con ôn lại những kiến thức cũ bằng một vài câu hỏi vui vui để gợi mở, thúc con xem lại sách, chứ không nhất thiết là làm hẳn một cuộc ôn tập. Chẳng hạn: "Thế nào là từ láy ý nhỉ? Cả nhà mình thử xem ai đưa ra nhiều từ láy nhất nhé!"

    Và cuối cùng, theo nhà giáo dục, là bình tĩnh chờ đợi con bắt nhịp lại được với trường lớp. Bố mẹ có thể tận dụng thời gian này để chia sẻ những khó khăn trong học tập mà từ học kỳ trước tồn đọng, con chưa hoặc không dám thổ lộ với bố mẹ.

    Có cậu con trai đang học lớp 2, chị Thủy (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, để con nhanh vào nếp và không ngại đi học sau Tết, từ tối mùng 4 hai mẹ con bắt đầu "khai bút", mỗi hôm viết ít dòng, làm vài bài toán vui vui. Trước đó, bé được tự do vui chơi, đi chúc Tết, có hôm cũng thức theo bố mẹ tới 1h đêm.

    Từ mùng 5, bé bắt đầu đi ngủ sớm như những ngày thường đi học, sáng cũng được gọi dậy đúng giờ, cùng cả nhà tập thể dục, ăn sáng. Bố mẹ cũng nói trước với con ngày đi học và hạn chế thời gian xem TV khi ở nhà. "Nhờ những điều này, sáng nay 6h cháu đã dậy, tỉnh táo và hào hứng đến trường", chị Thủy cho biết.

    Vương Linh
    Nguồn: VnExpress
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi support
    Đang tải...


Chia sẻ trang này