Sơ cứu đồ điện tử khi ngấm nước

Thảo luận trong 'Kinh nghiệm sống' bởi webmaster, 13/11/2008.

  1. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    Anh Tuấn Linh ở Thành Công, Hà Nội, bị “chết” cái máy ảnh vì khi mang ra chụp đường ngập lụt trong đợt mưa vừa qua sơ ý đánh rơi vào nước. Do không hiểu về thiết bị này, anh đã bật ngay lên, IC bị ngấm nước lại gặp điện nên cháy.

    Đồ điện tử rất nhạy cảm với nước và độ ẩm, tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều biết cách bảo quản các thiết bị của mình trong những ngày mưa ngập kéo dài hoặc sơ cứu chúng khi không may bị ngấm nước hay ẩm.

    [​IMG]
    Motor ống kính máy ảnh dễ hỏng khi rơi vào nước. Ảnh: ABC.

    Với máy ảnh, thông thường, khi ẩm sẽ không "chết" ngay. Người dùng vẫn có thể bật lên, nhưng máy sẽ hoạt động chập chờn hoặc báo lỗi. Trong trường hợp này, bạn nên mang đến các cửa hàng sửa chữa để được kiểm tra và bắt bệnh chuẩn xác.

    Tệ hại hơn là trường hợp máy ảnh bị ngấm nước. Nếu không may rơi vào tình huống này, việc đầu tiên cần làm là tháo pin rồi sấy khô máy. Sau đó, nếu không hiểu biết nhiều về đồ số, bạn nên mang máy đến các cửa hàng sửa chữa để kiểm tra. Những hỏng hóc thường gặp trong trường hợp này là cháy IC nguồn, "chết" mainboard (bo mạch), motor ống kính và dây zoom.
    Chi phí sửa chữa và thay thế những linh kiện này khá lớn. Với những máy du lịch cỡ nhỏ, đời thấp, chi phí thay mainboard có thể lên tới 40-50% giá trị máy, còn với những máy cao cấp hơn, linh kiện này cũng có giá tương đương 25-30% giá máy. Trường hợp hỏng motor ống kính thường xảy ra ở những mẫu máy siêu zoom, chi phí thay mới lên tới 100 USD. Rẻ nhất có lẽ là thay dây zoom ống kính, chỉ mất từ 300.000 đến 400.000 đồng.

    Một điều cần chú ý khi mang máy đi sửa là không nên "táy máy" mở ra kiểm tra trước ở nhà, đến khi không làm được gì rồi mới đem đến cửa hàng. Theo một nhân viên kỹ thuật của một cửa hàng máy ảnh có tiếng tại Hà Nội, những chiếc máy đã bị chủ nhân "chọc ngoáy" trước khi đem ra hàng thường bị tính phí sửa chữa đắt hơn so với khi mang máy nguyên trạng ra cho thợ kiểm tra.

    [​IMG]
    Điện thoại bị nước vào cần lập tức tháo pin và thẻ SIM. Ảnh: Cellphonedigest.

    Đối với điện thoại, khi bị nước vào người dùng cần ngay lập tức tháo pin và thẻ SIM. “Dân” sửa điện thoại cho biết, mạch điện của di động vẫn còn "sống" khi nước vào, quan trọng là người dùng không để máy chạy lúc này.

    Một biện pháp thủ công được xem rất hiệu quả là người dùng bỏ điện thoại vào gạo và phủ lấp lại, khoảng vài ba tiếng gạo sẽ tự động hút hết nước ra. Tuy nhiên, nếu không có gạo, bạn cũng có thể dùng khăn giấy để lau khô, đặt điện thoại lên TV CRT hoặc màn hình máy tính đang sử dụng. Hơi nóng từ các thiết bị này nhanh làm nước trong điện thoại bốc hơi. Hoặc dùng máy sấy khô, nên để ở chế độ gió, nếu không hơi quá nóng làm cong mạch điện.

    Ngoài ra, khi bị nước vào người dùng cũng có thể dùng cồn, các dung dịch khác để lau máy. Tuy nhiên, biện pháp này khó khăn và dễ gây hỏng.

    Trong khi đó, "sơ cứu" máy tính phức tạp hơn so với điện thoại. Ngay khi bị nước vào, cần nhanh chóng tháo pin, ổ CD, đĩa quang và các loại thẻ còn dắt trong máy.

    Đặt laptop dạng chữ A, gập xuống nền để nước chảy ra, dùng khăn, giấy để lau và thấm những nơi nước có thể vào được. Nếu hiểu biết về kỹ thuật, người dùng có thể tháo các bộ phận máy và tiến hành sấy khô giống như điện thoại.

    Có nhiều loại dung dịch lau khô, đẩy nước ra ngoài khi nước vào laptop. Tuy nhiên, trên đây chỉ là các bước sơ cứu tức thời. Lời khuyên hữu ích nhất là bạn cần mang đến thợ kỹ thuật, những người am hiểu máy tính để họ kiểm tra. Nếu không khi chưa lau khô mà vẫn sử dụng thì có thể gây chập điện, cháy, hỏng.

    [​IMG]
    Sơ cứu máy tính khi bị nước phức tạp hơn điện thoại. Ảnh: Travelblissful.

    Khác với những thiết bị trên, TV thường hiếm khi bị ngấm nước. Tuy nhiên, trong những ngày mưa ngập vừa qua, nhiều khu vực bị mất điện trong nhiều ngày, TV không hoạt động, hơi nước trong không khí lại quá cao nên việc máy bị ẩm là chuyện bình thường. Lời khuyên ở đây là người dùng tuyệt đối không được cắm điện, bật TV khi biết chắc TV bị ẩm, bởi việc làm đó có thể gây chập hệ thống điện trong gia đình hoặc nổ cầu chì bên trong máy, phá hỏng các linh kiện bên trong TV.

    Nếu nhà có điều hòa hoặc máy hút ẩm, bạn nên đóng cửa, bật điều hòa hoặc sử dụng máy hút ẩm để làm khô máy trước khi sử dụng. Nếu không, cũng có thể dùng máy sấy để sấy khô bên ngoài TV. Người nào có kiến thức về kỹ thuật có thể tháo vỏ TV ra để sấy, nhưng nhà sản xuất không khuyến khích việc làm này.

    Trong trường hợp TV bị ngập nước, cách tốt nhất là nên mang đến các trung tâm sửa chữa, bảo hành để kiểm tra, bởi thông thường trong nước còn có một số tạp chất cả hòa tan lẫn không hòa tan, có thể có những tác động không lường trước được đối với bo mạch của TV. Trong quá trình sử dụng, người dùng chú ý không nên đặt máy ở những nơi bí và có độ ẩm cao như trong hốc tủ tường, tủ TV hoặc quá sát tường.

    Anh Linh - Huy Nguyễn
    Nguồn: Số hóa
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi webmaster
    Đang tải...


Chia sẻ trang này