Thông tin: [soi.today] Sưu Tập + Chia Sẻ Về Tiếng Việt

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi sunkul, 15/10/2014.

  1. sunkul

    sunkul Thành viên kỳ cựu

    Tham gia:
    19/2/2011
    Bài viết:
    2,170
    Đã được thích:
    1,040
    Điểm thành tích:
    823
    Mình không biết dùng từ gì khác hơn ngoài mở đầu câu chuyện bằng từ [SOI], bài viết, bài sưu tập của mình sẽ có bài dài bài ngắn, nhưng tất cả đều xoay quanh một chủ đề trung tâm: Tiếng Việt.
    Lưu ý nhỏ: Mọi bài viết, bài sưu tầm vẫn chỉ mang tính chất tham khảo tương đối do tiếng Việt rất phong phú, và bản thân mình vẫn có thể mắc sai sót trong quá trình chia sẻ.
    ___________
    [Sưu tầm + ghi nhớ chia sẻ lại thời xưa đi học] Có rất nhiều từ, rất nhiều câu bị sử dụng sai.
    Từ trong câu
    1.phong thanh thay vì phong phanh
    vd: Tôi nghe người ta nói "phong phanh" rằng ....

    2. đơn thương thay vì đơn phương
    -vd: Đơn phương độc mã thay vì câu gốc là Đơn thương độc mã

    3- cập nhật thay vì cập nhập
    -vd: Bản tin vừa cập nhập thêm chi tiết sau ... (Phóng viên trên mạng nói mình nghe thấy, viết lại, từ nay google sẽ thấy nhiều phụ huynh viết sai lắm)

    4. vọc niêu tôm thay vì mọc đuôi tôm
    - vd: Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm chứ không phải Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm
    Câu này thì dễ quá rồi nhé, Sunkul không diễn nghĩa nữa, nghĩ chút cũng thấy cái nào đúng cái nào sai.

    5-

    6- biết một mà không biết mười thay vì biết một mà không biết hai
    Câu nguyên bản: Biết một mà không biết mười - Câu này chỉ những kẻ "ếch ngồi đáy giếng", thấy và phán đoán mọi việc chỉ dựa bản thân.
    Câu có hàm ý chê trách tầm hiểu biết quá hạn hẹp, và nếu chỉ biết một mà không biết hai thì mức độ chê trách sẽ giảm hẳn so với thành ngữ gốc Biết một mà không biết mười. (Một, hai so về độ chênh lệch vẫn nhỏ hơn một với mười mà đúng không). Quan trọng hơn cả, ông bà ta rất thích cách nói có vần có điệu, và vì thế thành ngữ đa số đều hợp vần với nhau ở một số chữ. Vậy thì rõ ràng, nếu dựa trên cả hai mặt mình đã đưa ra thì Biết một mà không biết mười vẫn hay hơn Biết một mà không biết hai chứ nhỉ? ::)

    (Vẫn đang cập nhật....)
    **** Nhập nhằng ngôn ngữ vùng miền - biến thể ***
    7. [có thể] vắt tranh thay vì vắt chanh
    - vd: Đều như vắt tranh [thay vì] Đều như vắt chanh
    Diễn giải: Mình nghĩ từ "vắt" thường nghĩa là quàng, sắp xếp vật gì đó nằm ngang (vắt khăn, vắt tay, vắt trán, vắt sổ ...) nên ngày xưa khi họ lợp một mái nhà tranh (họ phải lợp ngang, lợp thật đều và kín). Mình thiên cho từ "tranh" hơn từ "chanh", chưa kể nhập nhằng từ ngôn ngữ vùng miền, có thể có sự lẫn lộn giữa âm ch - tr.
    Cũng có bạn chia sẻ quả chanh nhiều tép, khi "vắt" thì tép nào cũng bị "vắt cho kiệt, nên gọi là đều như vắt chanh (từ đây hội teen teen bắt đầu nảy ra biến thể "đều như ... vắt quất)

    8. mạch dừng thay vì mạch rừng
    vd: Tai vách mạch rừng thay vì câu gốc Tai vách mạch dừng
    Trích nguồn:
    Ở đây tai vách mạch dừng
    Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi
    (Nguyễn Du - Truyện Kiều)
    Diễn nghĩa [tạm]: Vách" ở đây là bức tường của ngôi nhà... tranh( ngày xưa không có nhà gạch như bây giờ). Cấu tạo của nó bao gồm những thanh tre đan ken vào nhau tạo thành "xương vách", tiếp đó là lớp bùn trát ở bên ngoài.
    "Dừng" chính là những thanh tre kia, mà thanh tre thì như mọi người đã biết, bên trong của nó rỗng. Điều này làm người ta liên tưởng đến cái "mạch"... Nói vài lời vậy thôi.

    9. [có thể] khéo chống thay vì khéo trống ?!
    vd: Vụng chèo khéo trống thay vì câu gốc Vụng chèo khéo chống
    Diễn nghĩa [tạm] Vụng chèo khéo chống: Chèo là chèo thuyền, chống cũng là chống ghe luôn. Ở vùng sông nước, nếu nước không chảy siết, đáy sông không quá sâu, thì người ta có thể dùng một cây sào chống xuống đáy sông, thậm chí là đáy hồ, để đấy thuyền đi.
    Tuy nhiên cũng có một cách giải thích khác cũng cừ kỳ hợp lý với người miền Bắc:
    Chèo/trống liên quan đến tuồng chèo, còn chèo/chống gợi nhớ đến chèo "xuồng".
    TRỐNG [trong từ Trống đế]: loại trống nhỏ kích thước không thống nhất. Mặt trống căng, tiếng đanh và vang, đánh bằng hai dùi. Trống đế có vai trò quan trọng trong sân khấu chèo và là một nhạc cụ không thể thiếu được trong các buổi diễn ("phi trống bất thành chèo" hay "vụng chèo khéo trống").
    Điều nhà Sunkul thấy hay nhất là dù dị bản cho vùng sông nước hay vùng đồng bằng thì ý nghĩa của câu tục ngữ này đươc giữ nguyên.

    10. Mũi vạy thay vì Mũi dại
    vd: Mũi dại lái chịu đòn thay vì câu gốc Mũi vạy lái chịu đòn.
    Câu này sai tức cười chết đi được. Chắc những người (lỡ nói sai) tưởng là mũi thuyền (ghe, tàu) làm dại (ngu dại hay cái gì đó đại loại) thì người lái phải chịu ăn đòn?! Cái đó là theo nghĩa đen. Còn nghĩa bóng, chắc họ lại suy diễn rằng con cái hư thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm, gánh hết hậu quả?!
    Hãy cùng chú ý chữ "vạy" ở đây. Nó có nghĩa là méo đi, cong đi, hay nói cách khác là...vạy đi. Nghĩa đen câu này nhá: khi chiếc thuyền đi trên sông mà mũi thuyền (do lỗi kỹ thuật) bị đóng hơi méo sang một bên, không thẳng, thì người cầm lái phải chịu đòn (ở đây là chịu đòn lái) để giữ thuyền đi thẳng theo ý mình. Còn nếu không thì thuyền sẽ đi vòng vòng theo cái hướng mũi thuyền bị đóng vạy đi. Nghĩa sâu xa hơn chính là khi con cái có những biểu hiện sống buông thả, lêu lỏng thì các bậc cha mẹ phải uốn nắn, điều chỉnh, định hướng lại cho con cái.
    CÂU NÀY CHẮC CHỈ SAI DO CÁCH NÓI CỦA NGƯỜI MIỀN NAM: VẠY DẠI ĐỌC GẦN GẦN NHƯ NHAU.
    ________
    Ý nghĩa của câu bị hiểu sai
    1. CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO

    - Nghĩa gốc : phê phán các nhà giảng thuyết, hô hào, kêu gọi.. một cách "bay bổng" theo kiểu hỡi ơi. . hỡi đồng bào, hỡi bà con.., mà quên nhu cầu thực tiến của người nghe, thậm chí quên cả mình đang đứng đâu, nói với ai... làm câu nói trở nên sáo rỗng và không thực tế.
    - Nghĩa hiểu sai phổ biến: Quá dễ rồi, các bạn tự diễn giải

    2. NỮ THẬP TAM, NAM THẬP LỤC
    -Nghĩa gốc: tuổi dạy thì của con gái là 13 trong khi con trai là 16
    -Nghĩa hiểu sai: Con gái 13 tuổi gả chồng, con trai 16 tuổi cưới vợ

    3. TRAI NHÂM, GÁI QUÝ

    -Nghĩa gốc: bắt nguồn từ ca dao:
    Trai Đinh( 7), Nhâm( 2), Quý( 3) có tài.
    Gái Đinh , Nhâm , Quý đi hai lần đò
    - Nghĩa hiểu sai: nói tới việc hôn nhân gia đình. Trai nhâm lấy gái quý là đẹp tuổi.

    4. GÁI HƠN 2, TRAI HƠN 1

    - Nghĩa gốc "Gái hơn 2, trai hơn 1" xuất phát từ câu nói "Nữ thập tam, Nam thập lục" Nam nữ bước vào độ tuổi cập kê có thể dựng vợ gả chồng. Nữ thập tam (13t) + 2t = 15t, Nam thập lục (16t) + 1t = 17t. Theo tập tục xưa là nam, nữ có thể kết hôn.
    - Nghĩa hiểu sai: nói tới kết hôn của nam và nữ, vợ hơn chồng 2 tuổi là đẹp, chồng hơn vợ 1 tuổi là đẹp...

    5. ĐEM CON BỎ CHỢ
    - Nghĩa gốc: Theo quan niệm dân gian, (diễn giải nôm na theo ý người viết) khi đứa con khó nuôi thì cha mẹ nhờ 1 ngừoi khác đợi sẵn ở chợ đem về nhận làm con nuôi.Mục đích là tốt,các bạn google sẽ thấy bức tranh dân gian này khuôn mặt của người mẹ và đứa con vui vẻ không có gì là đau khổ cả.
    [​IMG]
    Nghĩa hiểu sai: [Mượn từ điển bên Soha] ví trường hợp vô trách nhiệm, giúp đỡ ai nửa chừng rồi bỏ mặc, khiến người ta bơ vơ, không biết bấu víu vào đâu.
    _________
    Một số câu dị bản dc dùng nhiều hơn câu gốc
    1- Cao chạy xa bay
    (gốc: Cao bay xa chạy)

    2- Chuyện bé xé ra to
    (gốc: Chuyện bé vẽ ra to)

    3- Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng
    (gốc: Biết người biết ta, trăm trận không nguy." hay dịch "nôm" Biết mình biết ta, trăm trận không thua)
    Thật vui vì câu nói này nổi tiếng đến nỗi người Việt Nam nào cũng đã từng nghe, nó trở thành tiềm thức của rất nhiều người rồi, nếu chúng ta nói vế đầu “Biết người biết ta…” chắc có khoảng 9/10 người Việt Nam sẽ đọc được đoạn tiếp theo “…trăm trận trăm thắng”. Thực ra dịch như thế không chính xác, bạn thử ngẫm nghĩ lại xem nó không logic điểm nào nhé.

    4- Nhường cơm sẻ áo
    (Gốc: Sẻ cơm nhường áo hoặc nhường áo sẻ cơm)
    Hồi xưa đi học bị cô giáo trừ 1 điểm vì cái tội "cơm sẻ được chứ áo sẻ xong thành gì"
    Cô nói có lý nhỉ

    Trích từ nhiều nguồn, trong đó có Soi.today và fb.com/cunghoctv
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi sunkul
    Đang tải...


  2. sunkul

    sunkul Thành viên kỳ cựu

    Tham gia:
    19/2/2011
    Bài viết:
    2,170
    Đã được thích:
    1,040
    Điểm thành tích:
    823
    Nhân ngày mưa 09/2015 nhớ lại bài blog nhỏ của bác Le Khanh ở nơi Sài Gòn đang mưa - 11/2008 (sẽ trích lại sau)
    __________
    [Câu hỏi]
    Từ "bánh bèo" mà cộng đồng mạng hay dùng để chỉ người con gái mang nghĩa gì vậy? Mình cám ơn.
    Bánh bèo do làm bằng bột gạo nên có màu trắng, do bột đổ vào cái chén nhỏ để làm khuôn nên bánh có hình cong ở phần dưới. Do có màu trắng và cong cong tròn tròn nên bánh bèo gợi liên tưởng tới bộ ngực người phụ nữ. Theo nhiều nguồn trên mạng thì từ này đầu tiên được giới đồng tính nam (gay) dùng để chỉ con gái, phụ nữ. Về sau, theo mình để ý, thì từ từ nó lan rộng ra và nhờ các báo teen cùng với bài "Anh không đòi quà" của Karik mà từ này được lan truyền. Trong quá trình lan truyền, nó dần chuyển nghĩa sang chỉ sự nữ tính, yểu điệu, ẻo lả. Bây giờ chủ yếu "bánh bèo" được dùng như tính từ, như boy bánh bèo chẳng hạn, chỉ những cậu trai ẹo ẹo, yểu điệu quá đáng, vân vân vân.

    Khuyến mãi cho bạn 1 ảnh bánh bèo nhặt trên mạng về.
    [​IMG]
    ___________
    [Câu hỏi]
    Bạn có thể giải thích về chữ "nhẽ" và "lẽ" được không ạ, như 'nhẽ ra' và 'lẽ ra', hoặc 'một nhẽ' và 'một lẽ'. Cám ơn :D
    Đây là hai âm hiện đại của một từ việt xưa cũng có hai cách đọc là mlẽ hoặc mnhẽ, đều có nghĩa là (nghĩa) lý. Thời de Rhodes tạo chữ Quốc ngữ thì âm đầu /mnh/ và /ml/ này vẫn còn và được họ ghi lại trong rất nhiều từ. Ngày nay, các phụ âm đầu kép như vậy trong tiếng Việt đều đã thành phụ âm đơn hết. Trong trường hợp này thì nó thành âm /nh/ và /l/. Âm /nh/ thì miền ngoài dùng nhiều hơn, âm /l/ thì miền trong.
    Các ví dụ khác: lạt/ nhạt, lượm lặt/ góp nhặt, lời/ nhời (nói), lạc/ nhạc (ngựa), (hoa) lài/ nhài, lầm/ nhầm, lớn/ nhớn, v.v...
    __________
    [Câu hỏi]
    Bạn có thể giải thích giúp mình "sao nhãng" và "xao nhãng" thì cái nào mới là đúng không ạ? Mình cảm ơn nhiều!
    Theo mình thì hiện cả hai cách viết đều đúng.
    Có ý kiến cho rằng "sao lãng" mới là cách viết đúng và giải thích rằng đây là hai chữ Hán Việt (Sao: Sao chép, lãng: phóng túng) đặt trong một bài báo có tiêu đề rất nổ ở link sau: http://www.tuanvietnam.net/gin-giu-su-trong-sang-cua-tieng-viet
    Theo mình thì cách giải thích này sai bét. Không thể nào "sao chép phóng túng" lại biến thành nghĩa "thờ ơ, phân tán tư tưởng" được.

    Theo mình thì hai âm này tất nhiên là không phải âm Hán Việt. Sự tồn tại song song của hai âm "nhãng" và "lãng" là bằng chứng rõ nhất rằng chúng có cùng một âm cổ gốc dạng "mlãng" (Nam) và "mnhãng" (Bắc) (xem lại câu trả lời về nhẽ/lẽ phía trên). Do đó thì chữ "sao" hay "xao" cũng không thể có nguồn gốc Hán Việt được. Còn là "sao" hay là "xao" và có nghĩa gốc là gì thì mình chưa khảo được. Tuy nhiên, chúng ta cũng có một từ khác có chữ "xao" gần tương tự mà có lẽ là từ Nôm, đó là "xao xuyến". Mình thích dùng "xao" hơn, để nhớ nó là phi-Hán Việt.​
    __________
    [Câu hỏi]
    hu hu... em xin ké kêu ca tý ạ
    Bé nhà em ở nhà được ông nội dạy bảng chữ cái (bé mới hơn 2 tuổi thôi nhưng nhớ giỏi lắm ạ), hôm em ở nhà bé chỉ cho em chữ "S" rồi đọc là "ét sì", chữ "X" bé đọc là "ích xì", chữ "R" bé đọc là "e rờ"....hu hu em không biết làm thế nào, không lẽ nói ông dạy sai (ông nội khó tính lắm ạ, có lần bực mình gì đó còn nói với vợ chồng em là : Vâng, tao lạc hậu...).
    Em toàn phải lựa lúc nào chỉ có 2 mẹ con thì nhắc bé đọc đúng những từ đó ạ, nhưng đúng là bé nhớ lâu, bảo mãi mà chưa được ạ!

    Bác Lê Khanh trả lời: Cách đọc như ông nội bạn là không sai - mà là cách đọc cũ ( thời tôi học, đọc như vậy đó ) mà tôi nghĩ là có phần rõ hơn bây giờ ! ( nhờ học theo lối cũ mà lên lớp 6 là đã bắt đầu không còn viết sai chính tả nữa ! ) theo cách bây giờ S và X đều đọc là Sờ, chỉ khác nhau ở chỗ sờ nhẹ hay sờ mạnh ! còn R thì đọc là rờ ( chỉ đọc âm ) vì vậy, bạn nên nói rõ hơn để cháu bé hiểu ( nhưng có lẽ đọc lối cũ dễ nhớ hơn ! khổ thế ) !
    Ngoài ra, vấn đề của bạn đưa ra là cách phát âm - đó là điều mà cho đến nay ngành GD vẫn chưa có cách dạy học trò phát âm nào vừa chuẩn lại vừa dễ nhớ, hậu quả là ngay cả các xướng ngôn viên trên truyền hình vẫn đọc không chuẩn các âm ( TD: hội nghị G8 - lại đọc là hội nghị Gờ 8 - mà lẽ ra phải đọc là hội nghị Giê 8 ! rồi WHO thì có khi đọc là double vê hát ô , có khi đọc là vê kép hát ô - mà nếu đọc theo kiểu Gờ 8 thì phải đọc là vê kép hờ ô ( đọc là ô cũng sai vì đó là chữ o rõ ràng - nếu đọc là Ô theo giọng Tây thì phải đọc theo giọng đúng tây luôn là double vi atsờ ô ! )
    Thế đấy ! vì vậy tôi không dám đi vào chuyện đọc - mà chỉ dám góp ý với mọi người về chuyện viết thôi - và cũng chỉ trong phạm vi diễn đàn này thôi, vì nếu chú ý một chút, sẽ thấy nhiều phụ huynh đọc sao viết vậy và ...viết sai ! ( nếu bỏ công ra nhặt sạn thì cũng kha khá đấy )
    Còn về chuyện khi nào dùng Y khi nào dùng i - cũng là một sự tranh cãi cả chục năm nay rồi ( có những người chỉ thích dùng i như nhà văn nguiễn ngu í xưa kia ) và cả bộ Giáo dục cũng quy định phải dùng i ngắn trong nhiều trường hợp mà lẽ ra dùng Y thì thích hợp hơn - đó là chưa kể có những từ mà chỉ thay y = i là có chuyện ngay !
    Vì vậy, có thể xem đây là một trường hợp bất quy tắc trong chính tả VN - nhưng ngoài hai chú y và i có nhiều lộn xộn này, thì các phụ âm khác cũng các dấu thanh ( sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng ) đều có quy luật của nó !
    Tôi không dám lên mặt "giảng bài" vì tôi không phải là giáo viên tiếng Việt - càng không phải là nhà ngữ âm học - Nhưng, nói như GS Cao xuân Hạo, thì phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam - và thấy ngay cả trong những bài viết rất hay, những tâm sự rất thực của các phụ huynh lại có lỗi chính tả ( và ngay cả trong các luận văn tốt nghiệp của sinh viên mà tôi được đọc ) nên "bức xúc" mà nói lên vài suy nghĩ của mình thôi - ( và có lẽ vì vậy mà ít ý kiến phản hồi )​
    ___________
    [Câu hỏi]
    Tại sao người Việt Nam lại thường gọi kim cương là hột xoàn vậy ?
    Chính xác hơn thì phải nói người miền Nam và (phần nào) miền Trung có dùng từ "hột xoàn" để gọi kim cương. Từ đó chữ này theo dân di cư sau chiến tranh sang nước ngoài, cộng đồng Việt kiều cũng hay gọi là "hột xoàn". Theo mình nghĩ thì chữ "xoàn" là do người Việt nhại âm Quảng Đông của chữ 瓚 (âm Hán Việt là toản, âm Quảng Đông là xàn). "Toản" là một từ chỉ ngọc hay đá quý, ghép vào với chữ "hột"/"hạt".
    ____________
    [Câu hỏi]
    Cho mình hỏi từ "spa" thì tiếng việt gọi là gì nhỉ?‎
    Spa tiếng Việt gọi là spa bạn nhé, hoặc bạn có thể phiên âm kiểu xờ-pa hay xì-pa tùy sở thích. Bạn có thể gọi là tắm suối khoáng nóng nhưng spa là tập hợp rộng hơn, chứ không bao gồm tắm suối khoáng không.
    Thuật ngữ spa vốn là bắt nguồn từ thành phố Spa ở Bỉ.
    _________
    Cho em hỏi tại sao lại dùng "Chầu văn" thay vì "Trầu văn" ạ ?
    Chữ "chầu" trong "chầu văn" có nghĩa là "vào hầu", tương tự như "chầu vua", "chầu trời. Còn "văn" dùng với nghĩa như là "bài hát". Chầu văn là bài hát dùng khi làm lễ hầu các thần thánh, các mẫu các quan...

    Bản thân chữ "chầu" âm khác của chữ Hán Việt "triều", có nghĩa tương tự. Tại sao chúng ta không ghi là "trầu" đơn giản là vì quy ước chính tả đã quy định như vậy. Bạn dùng chữ "trầu", trên lý thuyết là bạn viết sai chính tả. Tuy nhiên, xét về từ nguyên thì không hẳn là bạn sai, vì có các biến đổi âm tr-ch, kiểu như triều/trầu/chầu.
     
    Sửa lần cuối: 3/9/2015
  3. sunkul

    sunkul Thành viên kỳ cựu

    Tham gia:
    19/2/2011
    Bài viết:
    2,170
    Đã được thích:
    1,040
    Điểm thành tích:
    823
    [Cùng học tiếng Việt] "Nhũn như con chi chi" ?!
    Nếu các bạn đọc truyện Đôrêmon bản 1996 (bản của cụ Nguyễn Quý Quý dịch từ tiếng Nhật, có Việt hóa, không phải bản 1992 vừa dịch vừa chế từ tiếng Thái, cũng không phải bản 2010 dịch đúng nguyên tác), thì có thể các bạn còn nhớ có tập Chai-en tìm được một con vật hiếm gọi là con Chi Chi, nhìn nửa giống con rắn, nửa giống con giun. Lần đầu tiên mình biết tới chữ này là nhờ đọc truyện Đôrêmon nên hồi bé mình toàn tưởng con Chi Chi là từ truyện Đôrêmon ra. Hình con này nằm trong bài.

    Thật ra đó là do cụ dịch giả đã Việt hóa, chứ đúng truyện gốc nó là con Tsuchinoko. Con Tsuchi được biến thành con Chi Chi cho nó dân dã.
    Còn hình kế bên con Chi Chi trong Đôrêmon cũng là con Chi Chi, nhưng ở trong Dragon Ball.
    (Mình không rành bài Tổ Tôm, nên nếu mình có viết bậy thì xin dạy cho mình, cảm ơn hihi).

    [​IMG]

    Ghệ & Ghẹ ?!
    Vốn chữ Congaï tiếng Pháp đọc là công-ghê.
    P.s: Mình trích lại bài này sau một hôm loáng thoáng thấy ai đó "phân tích" về việc "Đầu tư vào Ghệ tốt hơn đầu tư vào ... người yêu" :wasntme:
    Tiếng nước ngoài cũng mượn từ của tiếng Việt. Ngoài như “thuật ngữ” chỉ đồ ăn như phở, bún, bò, … bắt buộc phải mượn, thì cũng có một số chữ tiếng Việt khác cũng được người Pháp sử dụng từ thời thuộc địa cho tới bây giờ.
    Ví dụ như từ Congaï , hay còn viết là congaye. Từ này để chỉ những người phụ nữ trẻ người thuộc địa, có khi để chỉ vợ hoặc người tình An Nam của những công chức thuộc địa, hoặc đôi khi tiêu cực hơn, chỉ gái làng chơi. Có người cho rằng chữ này là nguồn gốc của từ ghệ chúng ta bây giờ vẫn dùng. Theo ý kiến đó, từ con ghệ bắt đầu xuất hiện ở miền Nam khi người Mỹ có mặt. Cách người Mỹ đọc chữ Congaï để chỉ những cô gái đi với Tây đã sinh ra chữ con ghệ.
    Hiện nay phần đông mọi người cho rằng ghệ là tiếng lóng, không nên dùng. Tuy nhiên một số vùng ở Nam Bộ, nhất là miền Tây, từ này được dùng khá bình thường
    P.s: Ngoài ra còn có chữ niakoué trong tiếng Pháp, vốn là mượn từ chữ nhà quê của tiếng Việt. Chữ này bây giờ dùng làm từ lóng để chỉ người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.
    [​IMG]
    Bìa sách “Congaï – người tình Đông Dương” của Harry Hervey
    Nhân tiện câu chuyện về “ngôn ngữ”, nhớ hồi nào bị hỏi về chữ Boutique, có dịp phải tìm hiểu kỹ từ này, tới giờ mình vẫn nhớ láng máng đọc được ở đâu đây là từ mượn của Pháp hoặc xa xôi hơn được người Anh chế lại trước khi nó mang nghĩa [đại ý] 1 cửa hàng nhỏ bán hàng nho nhỏ như bây giờ. Hồi đó không chắc chắn mà nói như đúng rồi, ảnh hưởng tới cả người khác, bài học nhớ đời về sự cẩn thận trước khi nói. Từ đây DẸP đẹp, uốn lưỡi kỹ - chắc chắn và sẽ luôn như thế.
    Bát chiết yêu - là gì ?
    Ảnh áo dài phụ nữ Sài Gòn trước 1975 mặc mô đen chít eo: nguồn tạp chí LIFE, không tìm được link gốc.
    [​IMG]
    Trích từ nhiều nguồn, trong đó có Soi.today và fb.com/cunghoctv
     
    Sửa lần cuối: 8/6/2016
  4. sunkul

    sunkul Thành viên kỳ cựu

    Tham gia:
    19/2/2011
    Bài viết:
    2,170
    Đã được thích:
    1,040
    Điểm thành tích:
    823
    Con xít là con gì ?!
    Trong bài "Ngẫu hứng sông Hồng" có câu "Con xít thương ai, lội sông lội sông...". Mong bạn giải đáp cho mình với, mình cảm ơn nhiều
    Chắc bạn biết câu này lấy ý từ "Trống cơm": Một bầy tang tình con xít lội sông đi tìm. "Trống cơm" là dân ra, do truyền khẩu lâu đời nên từ ngữ có thể bị trại đi khiến cho nghĩa trở nên mập mờ khó đoán. Việc tranh luận "con xít" là con nít, con bọ xít, hay con chim sít đã diễn ra khá lâu:

    - Có chỗ thì bảo dân ca Bắc Bộ thì không dùng từ "con nít" của miền Nam, nhưng có chỗ lại nói có vùng gọi trẻ con là "con nhít", có thể đã bị đọc trại.
    - Có chỗ thì bảo đó là "con chim sít", nhưng lại quay sang cãi nhau con chim sít là chim gì, người thì bảo nó là giống thủy cầm, biết bơi, chỗ thì bảo nó giống con gà hơn nên không bơi được.
    - Ý con bọ xít thì nhảm quá.
    Đưa ra các ý kiến như vậy để cho bạn rõ.
    _________
    Các từ "ba", "bố", "cha", "cậu" khác nhau như thế nào về nguồn gốc ạ?
    Riêng với câu hỏi này, nhà Sunkul trích lại toàn bộ bài của bác An Chi viết năm 2013 ạ.
    (Bài có thể dài nhưng khá rõ ràng và đủ ý)
    Tổ: Từ Việt gốc Hán có tần suất khá cao trong tiếng Việt, với các danh ngữ quá quen thuộc như: tổ phụ, tổ quốc, tổ sư, tổ tiên, v.v… Chữ Hán là 祖.

    Cụ: Từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 故, âm Hán Việt hiện đại là “cố”, có nghĩa là: “cũ, cổ xưa; chết”. Với nghĩa “chết”, nó hãy còn lưu tích trong từ “củ” của khẩu ngữ tiếng Việt, dĩ nhiên cũng với nghĩa là “chết” (thí dụ: Tên cướp khét tiếng đó giờ đã củ rồi). Đây cũng chính là chữ “cố” trong “cố lão”, có nghĩa là “người già cả có đức hạnh”, mà người Nam vẫn dùng (như ông cố, bà cố, cố đạo) để chỉ vai “cụ” của phương ngữ miền Bắc. Về hiện tượng “uô”, thì ta có nhiều trường hợp tương tự, lâu nay thỉnh thoảng vẫn có nêu ra.

    Kỵ: Là biến thể ngữ âm của chữ kỳ 耆, nghĩa gốc là người già, người trên 60 tuổi.

    Ông: Là âm Hán Việt của chữ 翁, dùng để chỉ/gọi người già cả thuộc nam giới.

    Bà: Là âm Hán Việt của chữ 婆, dùng để chỉ/gọi người già cả thuộc nữ giới.

    Bố: Là âm Hán Việt xưa của chữ phụ 父¸ là “cha”, như đã nhiều lần chứng minh ở những chỗ khác.

    Cha: Là một từ Hán Việt có tự dạng là “trên phụ 父¸ dưới giả 者” (font của chúng tôi không có chữ này). Chữ này có một đồng nguyên tự là 爹, âm Hán Việt là tra, mà nếu đọc chệch kiểu “trch” thì cũng thành “cha”.

    Tía: Là âm Triều Châu của chữ tra 爹ø mà người Việt miền Tây Nam Bộ mượn để chỉ hoặc gọi cha.

    Mẹ, má, mái, mụ, mợ: Là những từ gốc Hán bắt nguồn ở nhóm đồng nguyên tự ma 媽, mẫu 母, mỗ 姥, mà Vương Lực đã phân tích trong “Đồng nguyên tự điển” (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.104-105). Chúng tôi hẹn có dịp sẽ nói kỹ về nhóm này.

    Chú: Là âm Hán Việt rất muộn của chữ thúc 叔 là chú, mà tiếng Việt đã đọc theo âm Bắc Kinh shù.

    Thím: Là âm Hán Việt xưa của chữ thẩm 嬸, có nghĩa là… “thím”. Âm Quảng Đông của chữ này là “xẩm” và người miền Nam thường ghép với “thím” mà nói thành “thím xẩm” để chỉ phụ nữ Hoa kiều trước đây (nay là người Việt gốc Hoa).

    Bác, bá: Bác là âm Hán Việt xưa của bá 嬸, có nghĩa là… “bác”.

    Cô: Là âm Hán Việt của chữ cô 姑, có nghĩa là… cô.

    Dì: Là âm Hán Việt xưa của chữ di 姨, có nghĩa là… dì.

    Cậu: Là âm xưa của chữ cữu 舅, là … cậu.

    Dượng: Lẽ ra phải viết giượng, bắt nguồn từ chữ trượng 丈 trong di trượng (= chồng của dì), cô trượng (= chồng của cô), muội trượng (= chồng của em gái), v.v…

    Anh: Là biến thể ngữ âm của chữ huynh 兄 là… anh.

    Chị: Bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 姊 mà âm Hán Việt hiện đại là tỉ, nghĩa là chị.

    Em: Là âm xưa của chữ yếm, mà tự dạng là “nữ 女 bên trái, yêm 奄 bên phải” (font của chúng tôi không có chữ này), có nghĩa là tỳ nữ. Người tỳ nữ dùng từ emyếm để tự xưng rồi từ này dần dần mở rộng phạm vi sử dụng để chỉ những người có vai vế thấp kém, kể cả nam giới.

    Con: Bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 棍÷, mà âm Hán Việt hiện đại là côn, dùng để chỉ bọn vô lại, những kẻ hư thân mất nết, tóm lại để chỉ những người có thân phận thấp kém trong xã hội hoặc tuy không thấp kém nhưng vẫn bị người nói nhìn bằng con mắt khinh thị, như đổ côn là con bạc, chẳng hạn. Trong tiếng Việt, chữ con này chỉ cả nữ giới lẫn nam giới, như con buôn, con nợ, con đòi, con hát, v.v... Thêm vào đó, lại có một sự lây nghĩa (contamination de sens) từ chữ côn 昆 trong côn trùng chỉ sự lúc nhúc, gợi ý sinh sôi nảy nở nên con trong con hát, con buôn, v.v... đã cho ra một nghĩa phái sinh mà ta thấy ở chữ con trong con trai, con gái, v.v…

    Cháu: Bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 冑, mà âm Hán Việt hiện đại là trụ/trựu, có nghĩa là con, cháu. Giữa trụcháu, tương ứng ngữ âm “trch” là mối quan hệ hoàn toàn bình thường: – trảmchém, – trảnchén; – trạochèo; v.v… Mối quan hệ u/ưuau cũng bình thường như với các cặp bửubáu; – trứuchau (trứu mi 皺眉= chau mày); v.v... Còn thanh 6 (dấu nặng) và thanh 5 (dấu sắc) thì chỉ là hệ quả của sự phân hoá từ thanh khứ.

    Chắt, chút, chít: Là 3 điệp thức (triplet), phân hóa từ chữ trất 姪 (có người đọc thành điệt), là tiếng mà phụ nữ dùng để chỉ hoặc gọi con trai, con gái của anh hoặc em trai. Vào tiếng Việt, đã có một sự chuyển biến ngữ nghĩa. Đây là chuyện bình thường trong ngữ nghĩa học lịch sử.

    Dâu: Là điệp thức của từ tẩu 嫂, có nghĩa gốc là chị dâu.

    Rể: Là điệp thức của từ tế 婿, có nghĩa là rể.

    * * *
    Cứ như trên thì toàn bộ các từ chỉ quan hệ thân tộc của tiếng Việt đều thuộc gốc Hán. Nhưng ta cũng chẳng cần phải tự ái rởm vì tiếng Pháp gốc vốn là tiếng Gaulois đã bị tiếng Latinh bình dân thay thế 100% mà dần dần trở thành tiếng Pháp hiện đại nhưng vẫn là một ngôn ngữ đã sinh ra một nền văn học rực rỡ và phong phú.
    Trích nguồn: http://goo.gl/L1aGQJ
     
    bau thích bài này.
  5. giangnguyen158

    giangnguyen158 Thành viên đạt chuẩn

    Tham gia:
    3/8/2015
    Bài viết:
    70
    Đã được thích:
    11
    Điểm thành tích:
    8
    nhiều cái bất ngờ khi đọc xong các bài trên, cảm ơn chủ top đã khiến tại hạ mở mang đầu óc :D
     
  6. sunkul

    sunkul Thành viên kỳ cựu

    Tham gia:
    19/2/2011
    Bài viết:
    2,170
    Đã được thích:
    1,040
    Điểm thành tích:
    823
    Mình phải cảm ơn bác mới đúng chứ, mình đăng lên tưởng chủ đề này sôi động, nhưng mà mãi mới có bác bình luận lại.
    Hôm qua ngồi nói chuyện "hại não", chúng mình, lớn bé, phụ huynh lẫn con trẻ lại tranh luận câu "nhường cơm sẻ áo" hay "Sẻ cơm nhường áo".
    Đố bác câu nào chính xác và logic hơn.
     
  7. giangnguyen158

    giangnguyen158 Thành viên đạt chuẩn

    Tham gia:
    3/8/2015
    Bài viết:
    70
    Đã được thích:
    11
    Điểm thành tích:
    8
    về mặt logic thì "sẻ cơm nhường áo" thì đúng hơn, cơm thì có thể sẻ chứ áo mà sẻ thì rách mất :))
     
    sunkul thích bài này.
  8. bbcare123

    bbcare123 Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

    Tham gia:
    23/3/2015
    Bài viết:
    767
    Đã được thích:
    155
    Điểm thành tích:
    83
    Chính là sẻ cơm nhường áo
     
  9. Cùng học Tiếng Việt

    Cùng học Tiếng Việt Thành viên tập sự

    Tham gia:
    9/1/2016
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    Mình là admin của trang "Cùng học tiếng Việt". Rất cảm ơn bạn vì tinh thần chia sẻ tri thức cho mọi người. Nhưng mình mong bạn khi lấy bài của nhóm mình đăng lại ở nơi khác, bạn nên tôn trọng quyền tác giả của bọn mình bằng cách dẫn link về nguồn bạn copy ra, hoặc ít nhất là cũng phải ghi rõ những bài này bạn sưu tầm từ đâu về. Rất nhiều phần trong bài sưu tầm của bạn lấy từ trang facebook của bọn mình (www.facebook.com/cunghoctv), từ trang Hỏi đáp của bọn mình ở ask.fm/cunghoctv và từ các bài viết của bọn mình trên Soi.today, mà bạn hoàn toàn không có một ghi chú trích dẫn gì cả.
     

Chia sẻ trang này