Tôi nhận thấy rất nhiều người khi bắt tay vào khởi nghiệp đã không hề có kế hoạch sử dụng hay phân bổ nguồn vốn mà mình có. Nếu bạn có một nguồn vốn dồi dào hoặc một nhà đầu tư với hầu bao vô đáy thì chẳng nói làm gì. Nhưng đa phần chúng ta khi bắt tay vào khởi nghiệp thường chẳng được dư giả về tài chính. Thậm chí có người phải vay mượn để khởi nghiệp. Thế nhưng, họ lại tiêu tốn quá nhiều tiền cho những chi phí chưa sinh ra lợi nhuận trước mắt. Có bạn mở một minimart, vốn đầu tư 1 tỷ đồng nhưng tiêu tốn 70% cho việc mua quầy kệ, trang trí cửa hàng, và cũng chưa thấy bạn ấy có kế hoạch dự trù tiền mặt cho những tháng đầu tiên hoạt động. Để có được khởi đầu thật vững chắc, trước tiên, bạn phải có kế hoạch đầu tư thật cụ thể. Để có thể sử dụng vốn thật hiệu quả, chúng ta nên chia quá trình thực hiện dự án thành hai giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn duy trì hoạt động. 1. Giai đoạn chuẩn bị: Ở giai đoạn này, bạn sẽ phải chi tiền cho những hạng mục sau: Đầu tư cho tài sản cố định: + Chi phí thuê mặt bằng, tu sửa, trang trí cửa hàng, văn phòng. + Chi phí đầu tư cho thiết bị văn phòng, máy móc sản xuất hoặc quầy kệ ... Tất cả các chi phí này là cần thiết cho sự khởi đầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó là những chi phí không trực tiếp đem lại lợi nhuận. Mặt khác, để thu hồi vốn đã bỏ ra đầu tư, bạn cần một thời gian dài, thậm chí hàng năm trời. Nếu nắm trong tay số vốn nhỏ mà lại đầu tư vào tài sản cố định quá nhiều thì đó là hạ sách. Để giảm thiểu những chi phí này, bạn cần khảo sát thật kỹ càng, chọn lựa địa điểm phù hợp, ký hợp đồng thuê mặt bằng với những điều khoản chặt chẽ. Tôi biết có trường hợp một bạn trẻ bỏ ra hàng trăm triệu tu sửa lại một căn nhà thành quán cà phê, thế nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì đã bị chủ nhà lấy lại mặt bằng. Do đó, để thành công, bạn cần cẩn trọng trong từng bước đi. Đầu tư tạo ra sản phẩm, dịch vụ. Theo tôi đây là phần quan trọng nhất mà bạn nên tập trung đầu tư, bởi lẽ đây chính là chi phí giúp bạn có được doanh thu vào lợi nhuận. Không có sản phẩm, dịch vụ, bạn không thể bán hàng và tạo ra thu nhập được. Những chi phí này thường là: Chi phí mua hàng; Chi phí nghiên cứu, điều tra và chế tạo sản phẩm, dịch vụ; Chi phí mua nguyên vật liệu... Đầu tư vào marketing, bán hàng. Đây là khoản quan trọng thứ hai sau chi phí tạo ra sản phẩm, dịch vụ. Nhiều người bỏ qua khâu này nên việc kinh doanh không tiến triển suốt nhiều tháng ròng, dẫn tới thua lỗ, phá sản. Những chi phí này thường bao gồm: Chi phí lập website, chi phí chạy quảng cáo, in tờ rơi, chi phí cho cộng tác viên... Ngoài ra còn một số chi phí khác như: + Chi phí đăng ký thành lập doanh nghiệp. + Chi phí cho bản dự án khởi nghiệp (dù bạn tự viết hay mua của chúng tôi). + Chi phí tư vấn, hướng dẫn. + Chi phí đào tạo và lương cho nhân viên (nếu có) trước khi doanh nghiệp của bạn chính thức hoạt động. Trên đây tôi chỉ nêu ra một số chi phí cơ bản nhất, trong quá trình chuẩn bị, có thể sẽ phát sinh ra nhiều chi phí hơn, do đó, bạn cần căn cơ ngay từ đầu. Giả sử bạn chỉ có một số tiền nhưng phải phân bổ vào nhiều khoản đầu tư, hãy chọn khoản đầu tư cần thiết nhất, trực tiếp mang lại lợi nhuận nhất. Những khoản chưa cần đầu tư thì đừng vội rót vốn. Những khoản nào có thể tự làm hoặc tận dụng nguồn miễn phí, ví dụ như website miễn phí, thì nên tận dụng. 2) Giai đoạn duy trì hoạt động Ở giai đoạn này, bạn có thể chia chi phí thành 2 phần là chi phí cố định và chi phí lưu động. - Chi phí cố định: Chi phí này thường bao gồm tiền thuê mặt bằng hàng tháng, chi phí lương nhân viên, chi phí điện, nước, thuế... Tóm lại là tất cả các khoản chi cố định mà hàng tháng bạn phải trả. - Chi phí lưu động: Chi phí này bao gồm tiền nhập hàng hoặc mua nguyên liệu, chi phí quảng cáo, bán hàng... Bạn nào có chuyên môn kế toán sẽ biết là để tính toán lợi nhuận còn cần chi tiết hơn nữa. Trên đây tôi chỉ nêu ra con số sơ bộ để từ đó chúng ta có thể ước chừng được số vốn duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Trên thực tế, rất hiếm có cửa hàng, doanh nghiệp nào mới đi vào hoạt động mà lại có lãi ngay. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên chuẩn bị số tiền để duy trì công việc kinh doanh của mình tối thiểu là 6 tháng. Với từng đó chi phí, hẳn nhiều người sẽ nghĩ để khởi nghiệp phải cần số vốn lớn. Không phải như vậy, tôi biết có bạn đã khởi nghiệp với số vốn vẻn vẹn vài trăm ngàn đồng. Tất nhiên với số vốn nhỏ, bạn phải tiến từ từ và chưa thể trở nên giàu có nhanh chóng được. Nhưng tôi tin rằng với niềm đam mê, sự kiên trì, chính trực và nghị lực, bạn sẽ gây dựng được sự nghiệp của riêng mình. Chúc các bạn gặt hái được nhiều thành công! Capro 10/12/2015